Đảng bộ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã nhận thức đầy đủ và tham gia có trách nhiệm đối với Đề án chuyển đổi số quốc gia, để tiến tới một "Việt Nam số" trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhằm mục tiêu trở thành nhà cung cấp hàng đầu về dịch vụ số tại Việt Nam vào năm 2025 và trở thành Trung tâm giao dịch số tại châu Á vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, VNPT đang tập trung triển khai Chiến lược VNPT 4.0 với 34 dự án chiến lược trong đó có 3 dự án chiến lược phát triển nguồn nhân lực với quan điểm VNPT đầu tư mạnh mẽ cho nguồn vốn phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao nhằm tạo bước phát triển đột phá và bền vững của VNPT trong Kỷ nguyên số.
Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
VNPT xác định nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao các cấp, nhất là nguồn nhân lực quản trị, nguồn cán bộ chủ chốt thông qua việc quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm, trọng dụng cán bộ có năng lực, cán bộ trẻ. Đây là một trong 4 đột phá phát triển của Đảng bộ VNPT trong nhiệm kỳ 2020-2025, gồm những giải pháp chủ yếu sau:
(1) Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là lãnh đạo cấp chiến lược của Tập đoàn đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; có cơ cấu hợp lý, bảo đảm cơ cấu giữa các thế hệ, lãnh đạo dẫn dắt trong thực hiện Chiến lược VNPT 4.0. Tập trung tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, phát triển đội ngũ thanh niên VNPT, đồng thời lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế cận nguồn cán bộ cấp chiến lược cho Tập đoàn. Xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ, quản lý từ cấp 3 trở lên giai đoạn 2021-2025 đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu về trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn, quản trị doanh nghiệp, ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế và kiến thức về chuyển đổi số.
(2) Xây dựng và triển khai mô hình quản trị nhân sự hiện đại. Triển khai thực hiện cung cấp các dịch vụ nhân sự tập trung của Tập đoàn đến các đơn vị thành viên; tăng cường tổ chức thực hiện tuyển dụng tập trung nhằm thu hút nhân lực có chất lượng cao vào làm việc tại Tập đoàn. Thực hiện chính sách luân chuyển nguồn nhân lực trong toàn Tập đoàn để tạo cơ hội cạnh tranh, phát triển bình đẳng và phát huy tối đa năng lực cá nhân; hoàn thiện phần mềm quản trị phát triển nguồn nhân lực (HRM) để áp dụng đồng bộ và thống nhất trong Tập đoàn.
(3) Xây dựng hệ thống chức danh công việc, vị trí công việc, khung năng lực, quản trị hiệu suất của VNPT và phương pháp đánh giá để triển khai đồng bộ từ Tập đoàn đến các đơn vị. Tiếp tục đổi mới và ban hành các cơ chế tạo động lực nhằm đánh giá, trả lương, thưởng, phúc lợi để khuyến khích người lao động, đặc biệt là lao động chuyên gia, lao động trong lĩnh vực dịch vụ số và công nghệ thông tin, phát huy hết năng lực, sở trường góp phần xây dựng VNPT trở thành tổ chức có năng suất lao động - hiệu quả cao.
(4) Lấy văn hóa VNPT làm nền tảng khi thiết kế các chương trình phát triển nguồn nhân lực, phát triển môi trường làm việc trong Tập đoàn. Hoàn thiện mô hình tổ chức cơ sở đào tạo, triển khai quy chế quản trị tài năng, có chính sách xây dựng, thu hút đội ngũ chuyên gia các cấp, các lĩnh vực quan trọng của Tập đoàn.
(5) Thực hiện cơ chế thúc đẩy và nâng cao chất lượng hoạt động bồi dưỡng nội bộ trong toàn Tập đoàn; mở rộng các chương trình hợp tác với các trường đại học trong và ngoài nước để tạo nguồn tuyển dụng lao động trẻ, chất lượng cao và tận dụng được nguồn nhân lực trong hợp tác nghiên cứu phát triển các sản phẩm dịch vụ mới cho Tập đoàn; sử dụng hiệu quả chi phí đào tạo.
VNPT thực hiện đồng bộ công tác tổ chức - cán bộ và đổi mới phương thức lãnh đạo, phục vụ mục tiêu nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. VNPT thực hiện mạnh mẽ chủ trương trẻ hóa, tiêu chuẩn hóa, thể chế hóa và từng bước kiêm nhiệm chức danh cán bộ; tạo bước chuyển có tính đột phá về xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh, gắn lý thuyết với thực hành và kỹ năng xử lý những tình huống nảy sinh trong thực tiễn đối với từng chức danh, ở từng cấp, từng lĩnh vực công tác. Thực hiện nghiêm túc việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý theo quy hoạch, gắn với rèn luyện qua thực tiễn ở các lĩnh vực, địa bàn khác nhau.
Để bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, Đảng ủy Tập đoàn đã chỉ đạo Hội đồng thành viên ban hành Quy chế quản trị nhân sự quản lý, đồng thời, chỉ đạo Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn xây dựng quy định, đánh giá người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ. Từ đó, đội ngũ cán bộ các cấp của Tập đoàn từng bước được kiện toàn và bảo đảm thực hiện công tác cán bộ nghiêm túc, đúng thủ tục, quy trình quy định.
Tập đoàn đã ban hành và triển khai quy chế về quản trị tài năng nhằm phát hiện, bồi dưỡng nhân tài; xây dựng đội ngũ chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực, đội ngũ lãnh đạo các cấp của VNPT đủ về số lượng và chất lượng; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao đủ sức thay thế nguồn nhân lực thuê của nước ngoài. Tập đoàn có chế độ ưu đãi về tiền lương, phúc lợi, cơ hội học tập, giao nhiệm vụ phù hợp nên bước đầu đã thu hút được đội ngũ nhân lực có chất lượng cao. Qua đó quy định rõ về ưu tiên tuyển dụng đối với nhân sự trình độ cao, chuyên gia, người đạt giải thưởng quốc tế, lộ trình học tập chứng chỉ quốc tế và khen thưởng… Kết quả, đến nay Tập đoàn đã công nhận 950 chuyên gia cấp 1, 2, 3. Số lượt người đạt chứng chỉ quốc tế là 3.979 người, chiếm tỷ lệ 10,9% trên tổng số lao động của toàn Tập đoàn.
Đối với nguồn nhân lực hiện có, Tập đoàn thực hiện tối ưu hoá thông qua công tác đào tạo, tái đào tạo cho các nhóm đối tượng khác nhau theo các yêu cầu mới cả về số lượng và chất lượng, đồng thời vận dụng các phương pháp mới để sử dụng nhân lực một cách hiệu quả. Đối với công tác tuyển dụng, đi cùng xu thế quản trị center-led, nghiệp vụ tuyển dụng đã và đang được nâng cao hiệu quả thông qua chuyên môn hóa và tập trung hóa để vượt qua các khó khăn của thị trường lao động, đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao đối với nguồn nhân lực phục vụ chiến lược chuyển đổi số của Tập đoàn. Bộ phận tuyển dụng tập trung của Tập đoàn đã được hình thành cùng với các quy trình hướng dẫn để các đơn vị triển khai. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Tập đoàn đã tổ chức tuyển dụng mới 362 lao động dịch vụ số, đạt 43% kế hoạch tuyển dụng cả năm, góp phần từng bước chuẩn bị nhân lực cho các dự án lớn trên toàn quốc.
Kiện toàn tổ chức bộ máy, thống nhất mô hình tổ chức, cơ cấu nhân sự của các đảng bộ VNPT tỉnh, thành phố
Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn đã thực hiện việc hợp nhất các cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng ủy Tập đoàn với các cơ quan chuyên môn có chức năng, nhiệm vụ tương đồng của Tập đoàn để thực hiện công tác xây dựng Đảng và công tác chuyên môn theo Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW ngày 5-10-2018, của Ban Tổ chức Trung ương. Qua đó, tổ chức bộ máy của cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng với cơ quan chuyên môn trong doanh nghiệp tinh gọn, không trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, giảm bớt những quy trình trung gian, nâng cao chất lượng tham mưu.
Tính đồng bộ giữa sự lãnh đạo của Đảng và công tác điều hành của chuyên môn là điều kiện tiên quyết để sản xuất - kinh doanh thành công. Trong điều kiện Tập đoàn thực hiện phân tách các công việc về kỹ thuật và kinh doanh theo chuỗi giá trị, Ban Thường vụ Đảng uỷ Tập đoàn đã có chủ trương chuẩn hóa mô hình tổ chức và cơ cấu nhân sự cấp ủy các đảng bộ VNPT tỉnh, thành phố với các nội dung chính như sau: (1) Thành lập chi bộ hoặc đảng bộ bộ phận tại khối cơ quan viễn thông và khối cơ quan trung tâm kinh doanh; tại các huyện, thị xã thành lập chi bộ bao gồm cả khối kỹ thuật và kinh doanh; (2) Xây dựng đề án nhân sự BCH, ban thường vụ với cơ cấu trưởng đại diện của Tập đoàn trên địa bàn là bí thư đảng ủy; giám đốc trung tâm kinh doanh cơ cấu vào ban thường vụ đảng ủy trở lên; tỷ lệ nhân sự của trung tâm kinh doanh tham gia vào BCH đảng bộ viễn thông tỉnh, thành phố từ 30% trở lên.
Đến nay, được sự ủng hộ của đảng ủy cấp trên tại các địa phương, phần lớn các đảng bộ VNPT tỉnh, thành phố đã triển khai thành công theo chủ trương của Đảng uỷ Tập đoàn, tăng cường sự gắn kết giữa kinh doanh và kỹ thuật, làm tiền đề để thống nhất mô hình chỉ đạo của Đảng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của VNPT tại tất cả các tỉnh, thành phố. Việc triển khai chủ trương này đồng thời cũng thắt chặt hơn mối liên hệ giữa tổ chức đảng tại doanh nghiệp với tổ chức đảng tại địa phương, tạo điều kiện để thực hiện tốt Quyết định số 197-QĐ/TW ngày 24-11-2008 của Ban Bí thư về Quy chế phối hợp công tác giữa đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước với cấp ủy địa phương đồng thời giúp VNPT tại các địa bàn phục vụ cấp ủy và chính quyền địa phương được tốt hơn.
Áp dụng các công cụ quản trị hiện đại
Đảng ủy Tập đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt việc áp dụng các tiêu chuẩn, phương pháp công cụ quản trị hiện đại trong điều hành, quản trị doanh nghiệp từ cấp Tập đoàn đến các đơn vị và đến từng người lao động; tạo những chuyển biến tích cực trong việc bố trí, sử dụng lao động hiệu quả.
Với chiến lược chuyển đổi Tập đoàn từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu, Tập đoàn đã triển khai áp dụng các quy trình nghiệp vụ theo Khung mô hình kinh doanh eTOM (Enhanced Telecom Operations Map) và bộ thư viện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ITIL (Information Technology Infrastructure Library) đối với dịch vụ công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, việc triển khai công cụ BSC tại Tập đoàn đã phát huy tác dụng, đã xác định mục tiêu và chi tiết hóa các KPI cho phù hợp mục tiêu chiến lược hằng năm; triển khai cơ chế tạo động lực, trả lương cho người lao động theo phương pháp 3P (theo vị trí công việc, năng lực cá nhân và kết quả công việc), với việc ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin quản trị nguồn nhân lực, giao và đánh giá thực hiện KPIs. Để phát triển bền vững, Tập đoàn chính thức triển khai áp dụng hệ thống quản trị rủi ro và phương pháp cải tiến chất lượng theo phương pháp Lean Six Sigma từ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên.
Việc áp dụng các công cụ quản trị hiện đại tiếp tục tạo nên những chuyển biến tích cực trong việc bố trí, sử dụng lao động hiệu quả cho VNPT. Điểm mới là kế hoạch BSC được xây dựng và phân rã phù hợp với chiến lược VNPT 4.0, nhằm truyền tải các mục tiêu về doanh thu, lợi nhuận, dịch vụ chiến lược đã được định. Kế hoạch BSC cũng thể hiện các mục tiêu nâng cao trải nghiệm khách hàng thông qua các chỉ tiêu nâng cao chất lượng mạng lưới, chất lượng phục vụ khách hàng; nâng cao sức mạnh hợp lực của Tập đoàn nhằm tối đa hóa sức mạnh tổng hợp của hơn 70 đơn vị thành viên trong Tập đoàn, chuyển hóa sức mạnh này thành một lợi thế cạnh tranh của Tập đoàn trên thị trường viễn thông công nghệ thông tin đang cạnh tranh rất gay gắt.
Nguyễn Minh Nguyệt