Khơi dậy khát vọng đổi mới, sáng tạo nghiên cứu khoa học của cán bộ, đảng viên trẻ trong giai đoạn hiện nay
Hội thảo khoa học: “Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ trẻ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở”.

Đối với mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) lại càng đặt ra thiết thực, cụ thể hơn bao giờ hết, bảo đảm cho hoạt động này luôn mới, có tính hấp dẫn, thu hút được các đối tượng tham gia, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt cho hoạt động NCKH đạt được mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Trong cuộc cách mạng nào, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn thể hiện vai trò chiến sĩ kiên cường trên mọi mặt trận, là người lao động giỏi, sáng tạo giỏi, là người tiên phong trong công cuộc đổi mới và hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao.

Khơi dậy tính sáng tạo trong NCKH là hoạt động tích cực, chủ động của cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương và bản thân nhà nghiên cứu với những cơ chế, chính sách đúng đắn, kịp thời, hiệu quả để động viên, khuyến khích, kích thích nhà nghiên cứu nỗ lực hết mình với hoạt động NCKH, tạo ra những dấu ấn riêng đem lại thành công cho bản thân nhà khoa học. Trong những năm qua, tính sáng tạo trong NCKH đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng, có nhiều cách thức, biện pháp để khơi dậy tính sáng tạo trong nghiên cứu, như: đầu tư kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà nghiên cứu tiếp cận, triển khai các nội dung theo hướng đề xuất; tổ chức đánh giá nghiệm thu công trình NCKH đúng tiến độ thời gian, có chất lượng; các nhà nghiên cứu đã khai thác tối đa những lợi thế vốn có của mình trong đề xuất nội dung, triển khai và tổ chức thực hiện. Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”[2]; Ngày 31-12-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2289/QĐ-TTg, về chiến lược quốc gia CMCN 4.0, trong đó, nêu lên những quan điểm, mục tiêu cho cuộc CMCN 4.0. Bộ Chính trị nhận định đây là cuộc cách mạng mở ra nhiều cơ hội, đem lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế như: cắt giảm chi phí, nâng cao năng suất, tạo hiệu ứng mạng lưới; cơ hội phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới;… CMCN 4.0 tập trung chủ yếu vào công cụ sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu, đột phát trong công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ na-nô, đem lại sự kết hợp giữa hệ thống ảo và thực thể. Có thể nói rằng, CMCN 4.0 là “môi trường cộng sinh” giữa người và rô-bốt, “môi trường cộng sinh” giữa thế giới ảo và thế giới thực. Đây chính là sự “cộng sinh” giữa trí tuệ sáng tạo của con người và những sản phẩm trí tuệ nhân tạo. Thông qua các hoạt động NCKH, giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng mở rộng được vốn kiến thức của mình và vận dụng những kiến thức lý luận ấy vào trong thực tiễn công tác và cuộc sống. Đồng thời NCKH còn giúp cho cán bộ, đảng viên có được phong cách và phương pháp làm việc khoa học, đặt các vấn đề trong một khung tác động đa chiều với cách nhìn khách quan, chính xác.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, tính sáng tạo trong NCKH vẫn còn một số hạn chế, đó là: nhiều công trình nghiên cứu còn mang tính chung chung, chưa đi vào những vấn đề cụ thể của đời sống xã hội con người, phục vụ hữu ích cho cuộc sống của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; nhiều nhà khoa học khi nghiên cứu không thể hiện được dấu ấn cá nhân của mình, không có tính sáng tạo, cái mới ở trong công trình khoa học của mình; người đọc không tìm ra sự hứng khởi trong từng công trình NCKH, một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa có sự đầu tư đúng mức cho NCKH, cho rằng, NCKH chỉ là việc tìm cái mới trong cái cũ, tính ứng dụng không cao, không được sử dụng rộng rãi trong thực tiễn cuộc sống, không đem lại giá trị về mặt kinh tế… Đại hội XIII chỉ rõ: “Có chiến lược phát triển khoa học và công nghệ phù hợp với xu thế chung của thế giới và điều kiện đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”[3].

Đất nước ta đang trong quá trình đổi mới và hội nhập sâu rộng với thế giới, đây là một cuộc vận động cách mạng toàn diện và sâu sắc, là chặng đường khó khăn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chưa có mô hình định sẵn. Trong khi đó, thế giới đang có những chuyển biến mạnh mẽ với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Cuộc CMCN 4.0 với những thành tựu mang tính đột phá chưa từng có trong lịch sử, tạo ra những khả năng hoàn toàn mới, tác động sâu sắc đến mọi mặt, mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Trước yêu cầu đó, nếu cán bộ, đảng viên không có trình độ nhận thức, kiến thức nhất định về các mặt văn hóa, khoa học kỹ thuật, quản lý kinh tế, pháp luật… thì không thể có đủ năng lực để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, thậm chí còn phạm những sai lầm, khuyết điểm.

Với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, bên cạnh việc quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh và trong Điều lệ Đảng: “Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng”. Trong thời gian tới, để khơi dậy khát vọng đổi mới, sáng tạo trong NCKH của cán bộ, đảng viên trẻ, cần đặc biệt quan tâm đến một số nội dung sau:

Một là, mỗi cán bộ, đảng viên trẻ phải luôn tích cực học tập nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực nghiên cứu khoa học để hoàn thiện bản thân và cống hiến xây dựng đất nước

Đây phải được xác định là giải pháp rất quan trọng hàng đầu trong khơi dậy khát vọng đổi mới, sáng tạo của mỗi cán bộ, đảng viên trẻ trong NCKH. Trong thực hiện nhiệm vụ cần thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đúng quy trình, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị về nhiệm vụ NCKH. Chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong công việc nhưng phải phù hợp với điều kiện, đồng thời cũng tìm tòi, đề xuất giải pháp thực hiện nhiệm vụ NCKH và hoàn thành công việc với hiệu quả cao nhất. Mỗi cán bộ, đảng viên cần tiếp tục xây dựng kế hoạch NCKH của bản thân phù hợp với nhiệm vụ công tác được giao của cơ quan, đơn vị. Kế hoạch nghiên cứu cụ thể, khoa học, tự giác, tích cực và chủ động quyết tâm thực hiện kế hoạch. Trong quá trình thực hiện kế hoạch nghiên cứu cần chủ động sáng tạo, tìm ra cách thức giải quyết nhiệm vụ NCKH được phân công một cách hiệu quả, tránh để chậm trễ gây ách tắc, chịu trách nhiệm trước tập thể đối với công việc của bản thân.

Ngày nay, người cán bộ, đảng viên trẻ chỉ có thể khẳng định vai trò và uy tín của mình đối với quần chúng bằng trí tuệ, sự hiểu biết và năng lực thực hiện nhiệm vụ, trong đó nhiệm vụ NCKH là rất quan trọng. NCKH có vai trò rất quan trọng trong tích lũy tri thức, phát triển tư duy khoa học, do vậy việc mỗi cán bộ, đảng viên trẻ say mê NCKH là vô cùng cần thiết để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng giai đoạn hiện nay. Bởi vì, cán bộ, đảng viên không chỉ là người hành động một cách chủ động, mà còn phải có năng lực làm việc khoa học, năng lực tổ chức quản lý, năng lực giáo dục quần chúng, năng lực tổng kết thực tiễn, năng lực giao tiếp, đối thoại, tranh luận một cách dân chủ và có văn hóa. Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải không được xem nhẹ việc tích cực, tự giác học tập nâng cao trình độ NCKH, coi NCKH vừa là quyền lợi của bản thân mà còn là trách nhiệm chính trị, nghĩa vụ đối với Tổ quốc.

Hai là, ưu tiên thu hút nhân tài, các nhà khoa học có tâm huyết với công cuộc phát triển và bảo vệ đất nước

Đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài trong sự nghiệp cách mạng ở nước ta và cũng là điểm nhấn trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Muốn công nghệ, khoa học phát triển thì phải có nhiều hình thức, biện pháp khác nhau, trong đó ưu tiên thu hút nhân tài các nhà khoa học có tâm huyết là rất thiết thực, cụ thể, đặt ra cho các bộ phận, lực lượng có liên quan phải có những cơ chế, chính sách nhất định để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao này. Theo đó, ưu tiên thu hút nhân tài, nhà khoa học có tâm huyết với công cuộc phát triển và bảo vệ đất nước phải bằng những hành động, việc làm đem lại lợi ích cho nhà khoa học; tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên được nghiên cứu, tiếp cận với vấn đề mà mình quan tâm, ấp ủ, thai nghén từ lâu; có sự hỗ trợ, hoặc đầu tư kinh phí thoả đáng cho nội dung đề tài mà nhà khoa học nghiên cứu, đối xử với khoa học một cách công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch, đúng với công lao, trí tuệ mà họ bỏ ra; tổ chức đánh giá nghiệm thu bảo đảm đúng tiến độ, thời gian, có chất lượng; xây dựng các định hướng nội dung NCKH phù hợp với đặc điểm của cơ quan, đơn vị, địa phương, yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi, có hướng phát triển; từng bước khắc phục sự trùng lặp, chồng chéo, hướng đề xuất không mới trong NCKH, đặc biệt là nghiên cứu theo phong trào, đăng ký cho có thành tích, không bảo đảm chất lượng, tiến độ, tính sáng tạo không có, thậm trí là sự cắt dán, sao chép các công trình nghiên cứu khác, nếu không có sự kiểm duyệt, kiểm tra đánh giá một cách đầy đủ, kỹ lưỡng.

Ba là, có cơ chế, chính sách ứng dụng NCKH vào thực tiễn cuộc sống

Văn kiện Đại hội XII có nêu: “tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ”[4]. Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh: “tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ thể chế, chính sách ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ”[5]. Nhấn mạnh đến phạm vi tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, nhất là nội dung liên quan đến đổi mới sáng tạo.

Theo đó, các công trình NCKH khi đã triển khai nghiên cứu thành công phải được xã hội hoá rộng rãi, được ứng dụng vào trong hoạt động thực tiễn cuộc sống, nhất là trong xây dựng xã hội mới, hoàn thiện thể chế chính sách, thúc đẩy xã hội phát triển, đem lại giá trị về mặt kinh tế; không phải ở trên giấy tờ, sách vở mà phải được chuyển hoá thành những sản phẩm cụ thể; quy định, ban hành chi tiết hướng dẫn cho những công trình đạt chất lượng cần phải có những bước nào để nhân rộng. Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng xuất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”[6]. Công trình khoa học được nghiên cứu rồi, nếu không được ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống, cho ra đời những sản phẩm cụ thể, thiết thực thì việc nghiên cứu không có tác dụng. Vấn đề đặt ra ở đây là phải triển khai đồng bộ, quyết liệt các cơ chế, chính sách, biện pháp ứng dụng, chuyển giao sản phẩm NCKH vào thực tiễn, không thể chậm chễ, chần trừ, nếu sản phẩm NCKH nào không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, không có tính sáng tạo ở trong đó, thì kiên quyết không cho làm, gây làng phí, không cần thiết. Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong xử lý, giải quyết những vấn đề mới nảy sinh khi NCKH của các nhà khoa học, không để những mâu thuẫn nhỏ tích tụ, bùng phát, rồi gây mất đoàn kết, không khơi dậy được tính sáng tạo của các nhà khoa học là cán bộ, đảng viên trẻ.

Bốn là, tập trung vào nghiên cứu những nội dung trọng tâm, trọng điểm phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

NCKH hiện nay có nội dung rất rộng lớn, bao trùm mọi lĩnh vực, ngành nghề, vì vậy, để bảo đảm cho việc khơi dậy tính sáng tạo trong nghiên cứu thì cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, những vấn đề bức xúc được xã hội quan tâm, trước mắt phục vụ hữu ích cho việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, về lâu dài thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Theo đó, nội dung khơi dậy tính sáng tạo trong NCKH cần quán triệt các nội dung KHCN và đổi mới sáng tạo đã được nêu trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, trong thời gian tới, Ngành Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo như là cầu nối để khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh. Đồng thời, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về NCKH; cần có nỗ lực toàn diện và đồng bộ để tháo gỡ các rào cản trong hệ thống luật pháp và chính sách để NCKH của cán bộ, đảng viên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các rào cản, vướng mắc từ các cơ chế, chính sách trong NCKH. Đặc biệt, phải tăng cường nguồn lực xã hội đầu tư cho NCKH, nhất là từ doanh nghiệp; chú trọng phát triển khoa học xã hội và nhân văn; gắn kết chặt chẽ, đồng bộ khoa học xã hội và nhân văn với khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ phục vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước; tiếp tục đầu tư để phát triển, hiện đại hoá hạ tầng và tiềm lực NCKH.

Mỗi bước tiến của tính sáng tạo trong NCKH sẽ đem lại bước phát triển đột phá mới, cung cấp cho Đảng, Nhà nước những luận cứ khoa học để khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn, củng cố, giữ vững và tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Thực hiện tốt những yêu cầu, giải pháp trên sẽ giúp cho hoạt động NCKH có tính sáng tạo, mới mẻ ở trong đó, khơi dậy khát vọng của cán bộ, đảng viên xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc. Đồng thời, mỗi cán bộ nghiên cứu là cán bộ, đảng viên trẻ, phát triển khoa học và công nghệ phải thực sự có tầm, có tâm, làm ra những sản phẩm khoa học và công nghệ là để phát triển đất nước, phục vụ hữu ích cho sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

---------------------------

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.220.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.102.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.140-141.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.121.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốclần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.140-141.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, H.2021, tập 1, tr.140.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất