3 kinh nghiệm trong công tác luân chuyển cán bộ ở Gia Lai
Đồng chí Châu Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai trao quyết định và tặng hoa chúc mừng các đồng chí được điều động, bổ nhiệm. Ảnh: TL.

Quán triệt, triển khai đồng bộ các văn bản 

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 98-QĐ/TW ngày 7-10-2017, BTV Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành Quy định số 971-QĐ/TU ngày 19-3-2018 về luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp; Kế hoạch số 96-KH/TU ngày 27-9-2017 về đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ các chức danh thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý từ nay đến năm 2025; Kế hoạch số 129-KH/TU ngày 16-5-2018 bổ sung về luân chuyển cán bộ các chức danh thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý đến năm 2025. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc đã tổ chức quán triệt các nội dung cơ bản của Quy định số 98-QĐ/TW và các quy định, kế hoạch của tỉnh; đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn.

Kết quả đạt được

Thực hiện Quy định số 98-QĐ/TW của Bộ Chính trị, đến nay, BTV Tỉnh ủy Gia Lai đã luân chuyển 15 đồng chí cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý từ tỉnh về giữ các chức danh chủ chốt cấp huyện; 15 đồng chí từ huyện lên giữ các chức danh chủ chốt, lãnh đạo, quản lý các sở, ban, ngành và tương đương của tỉnh; 2 đồng chí từ huyện này sang huyện khác; 1 đồng chí từ ngành này sang ngành khác. BTV các huyện ủy, thị ủy, thành ủy đã luân chuyển 145 đồng chí cán bộ diện BTV huyện ủy quản lý từ huyện về giữ các chức danh chủ chốt cấp xã; 47 đồng chí từ xã lên giữ các chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo, quản lý các phòng, ban cấp huyện; 64 đồng chí từ xã này sang xã khác; 46 đồng chí từ ngành này sang ngành khác.

Việc phân công, bố trí cán bộ sau luân chuyển được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tế công tác cán bộ ở địa phương, cơ quan, đơn vị, kết quả thực hiện nhiệm vụ trong thời gian luân chuyển của cán bộ, cấp ủy các cấp đã điều động, phân công, bố trí cán bộ sau luân chuyển giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý ở cấp tỉnh, huyện. Trong 331 lượt cán bộ luân chuyển, có 93 lượt được xem xét, bố trí giữ chức vụ cao hơn; 228 lượt được xem xét, bố trí giữ nguyên chức vụ, giữ chức vụ tương đương và 10 lượt được xem xét, bố trí giữ chức vụ thấp hơn. Việc luân chuyển, bố trí một số chức danh lãnh đạo, quản lý không là người địa phương ở cấp tỉnh có 2 đồng chí cấp trưởng ngành; cấp huyện có 69 đồng chí lãnh đạo chủ chốt, cấp trưởng ngành.

Nhìn chung, cán bộ được luân chuyển đều là cán bộ trẻ, trong quy hoạch, có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác tốt và có triển vọng phát triển. Cán bộ được luân chuyển phát huy được năng lực, sở trường; trách nhiệm, tâm huyết với công việc được giao; đã cùng với tập thể cấp ủy cụ thể hóa các chủ trương của cấp ủy cấp trên trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao đạt hiệu quả. Công tác luân chuyển cán bộ của tỉnh Gia Lai được gắn với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ. Công tác luân chuyển cán bộ đã góp phần đào tạo, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn, chuẩn bị nguồn cán bộ cho trước mắt và lâu dài.

Vẫn còn hạn chế


Một số cấp ủy chưa nhận thức sâu sắc về nội dung, mục đích, yêu cầu công tác luân chuyển cán bộ, chưa phân biệt rõ luân chuyển cán bộ với điều động, bố trí, sắp xếp cán bộ, nên việc lựa chọn cán bộ và bố trí địa bàn cán bộ luân chuyển có lúc, có nơi chưa thực sự gắn với nhu cầu thực tiễn của đơn vị, địa phương và yêu cầu đào tạo cán bộ; việc xây dựng kế hoạch luân chuyển ở một số đơn vị, địa phương chưa kịp thời dẫn tới việc sắp xếp luân chuyển chưa bảo đảm.

Một số trường hợp cán bộ khi luân chuyển về cơ sở còn gặp khó khăn trong việc hòa nhập với môi trường mới; còn tâm lý ngại va chạm, tinh thần năng động, dám nghĩ, dám làm và chịu trách nhiệm chưa cao, còn có trường hợp cán bộ luân chuyển đánh giá, xếp loại cuối năm ở mức hoàn thành nhiệm vụ; cá biệt có đồng chí vi phạm, buộc phải xử lý kỷ luật.

Chế độ, chính sách, điều kiện hỗ trợ cho cán bộ luân chuyển chưa thật sự tạo động lực cho cán bộ được luân chuyển an tâm và phát huy năng lực, sở trường trong công tác.

Kinh nghiệm

Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng phải nhận thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác luân chuyển cán bộ, quan tâm, chú trọng thực hiện tốt công tác quán triệt các quan điểm, chủ trương, mục đích, yêu cầu về công tác luân chuyển cán bộ để tạo sự thống nhất trong nhận thức của cấp ủy và cán bộ, đảng viên.

Hai là, luân chuyển cán bộ phải gắn kết chặt chẽ với các khâu khác trong công tác cán bộ như đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ. Việc luân chuyển cán bộ cần tính đến những đặc điểm về công việc, vị trí chức danh mà cán bộ được quy hoạch có thể được bổ nhiệm trong tương lai, tạo điều kiện cho cán bộ thích ứng với thực tiễn, phát huy được năng lực, sở trường và bổ sung được những kiến thức, kỹ năng mới. Cần có sự liên thông giữa các cấp, các ngành trong công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ.

Ba là, quá trình luân chuyển cán bộ phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, có bước đi thích hợp. Đặc biệt chú ý đến việc quản lý, giám sát, quan tâm, tạo điều kiện đối với cán bộ luân chuyển. Trong thời gian cán bộ luân chuyển về địa phương, cấp ủy phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi và giúp đỡ để cán bộ kịp thời phát huy khả năng, năng lực của bản thân, xử lý ngay nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc. Kịp thời sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm cho từng giai đoạn để đưa ra những giải pháp phù hợp, hiệu quả trong công tác luân chuyển cán bộ giai đoạn tiếp theo.

Đây là những kinh nghiệm quý báu để Gia Lai tiếp tục thực hiện tốt Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28-4-2022 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất