Lào Cai: Thu hút, trọng dụng nhân tài, hướng tới xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao


Thành phố trẻ biên cương Lào Cai. (Ảnh: Báo Lào Cai).

Từ chủ trương của Đảng...

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, vấn đề chăm lo bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, rèn luyện đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” luôn là sự quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cho đến trước lúc đi xa, Người vẫn ân cần dặn lại trong Di chúc: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”[1].

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó. Người cho rằng, việc trọng dụng nhân tài phải làm thường xuyên, liên tục, “…như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”[2]. Trọng dụng nhân tài phải biết tuỳ tài mà dùng người, “tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”[3]. Việc dùng nhân tài phải hợp lý, đúng năng lực và sở trường của họ, đúng người, đúng việc, chớ “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn”. Dùng đúng tài năng thì thành công, dùng sai tài năng thì hỏng việc và có khi còn có hại cho Đảng.

Nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn có những chủ trương, chính sách thu hút, trọng dụng người tài. Những năm đầu đổi mới, tại Đại hội VI, VII, Đảng ta xác định nhiệm vụ của giáo dục là “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VIII) Đảng ta ban hành “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”, trong đó nhấn mạnh: “Đặc biệt chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài”.

Trong giai đoạn đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, vấn đề thu hút và trọng dụng nhân tài càng trở thành yếu tố quan trọng có tính chất quyết định hơn bao giờ hết. Bởi vậy Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng người có đức, có tài; tạo bước chuyển căn bản trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài; xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài; coi đó là giải pháp quan trọng trong thực hiện chiến lược cán bộ”. “Để có cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ, bên cạnh việc đổi mới bầu cử trong Đảng, thay đổi phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm cần có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài và “có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài”. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Hội nghị lần thứ bảy, Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ và Kết luận số 14-KL/TW “về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” của Bộ Chính trị khóa XIII đã khẳng định thêm quyết tâm của Đảng ta trong thu hút, trọng dụng nhân tài cho đất nước.

Phát triển kinh tế của tỉnh Lào Cai giai đoạn mới đòi hỏi nhu cầu nguồn nhân lực rất lớn. (Ảnh: Báo Lào Cai).


Đến những chính sách của Lào Cai

Đối với tỉnh Lào Cai, trong những năm qua, tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác này bằng việc hoàn thiện và ban hành nhiều cơ chế chính sách phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài, nhất là thu hút đội ngũ trí thức có trình độ cao về làm việc tại Lào Cai.

Từ năm 2007, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 73/2007/QĐ-UBND về hành chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút cán bộ khoa học, kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao và nghệ nhân về làm việc tại Lào Cai. Với mục tiêu từng bước xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Lào Cai, chính sách này đã mang lại nhiều kết quả tích cực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. 

Ngày 17-1-2012, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 01/2012/QĐ-UBND về việc Quy định chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ cơ sở tham gia học tập tại các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Tiếp đó là Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND ngày 20-12-2013 của UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quy định về thu hút và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai. Các quyết này tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thu hút và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.

Qua từng giai đoạn, Lào Cai lại có những thay đổi phù hợp trong chủ trương, chính sách để thu hút người tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh. Ngày 19-9-2016, trên cơ sở các quy định hiện hành, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 97/2016/QĐ-UBND ban hành quy định về chính sách thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016-2020. Tiếp đó, ngày 4-12-2020, HĐND tỉnh Lào Cai ban hành Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND Quy định chính sách thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025.

Ngày 7-2-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Nghị quyết về Chiến lược phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Trong đó nhấn mạnh quan điểm: Phát triển quy mô và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của cấp ủy các cấp, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Phát triển nguồn nhân lực phải đáp ứng nhu cầu và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện; bảo đảm hài hòa về cơ cấu, độ tuổi, giới tính và cân đối theo ngành, lĩnh vực, địa phương. Tập trung phát triển nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị; trong các lĩnh vực: giáo dục, du lịch, dịch vụ, xây dựng, công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến, chế tạo, chuyển đổi số và nông nghiệp, nông thôn. Có cơ chế phù hợp và thỏa đáng nhằm ưu tiên đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, biên giới. Phát huy tối đa nhân tố con người, vừa là trung tâm, nguồn lực chủ yếu, vừa là mục tiêu của sự phát triển, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học để đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của tỉnh. Phát triển nguồn nhân lực gắn với việc phát triển quy mô nền kinh tế, thu hút chuyển dịch, tăng dân số cơ học. Thực hiện các chính sách thu hút đầu tư, phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp tạo việc làm mới để thu hút lao động đến làm việc, sinh sống tại tỉnh.

Bên cạnh việc ban hành các chính sách để thu hút nhân tài, khuyến khích đội ngũ trí thức của tỉnh, công tác luân chuyển, đào tạo cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số của Lào Cai đã tạo nên bước đột phá quan trọng trong công tác cán bộ của tỉnh. Trong nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020, cán bộ dự nguồn ban chấp hành đảng bộ, ban thường vụ cấp ủy, các chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý chủ chốt các cấp về số lượng, chất lượng và cơ cấu giữa các độ tuổi đưa vào quy hoạch cơ bản bảo đảm quy định, theo hướng tăng tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số trong các cấp ủy. Đối với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cán bộ trẻ nhiệm kỳ 2010-2015 đạt 6,98%, nhiệm kỳ 2015-2020 đạt 17,8%; cán bộ dân tộc thiểu số nhiệm kỳ 2010-2015 đạt 41,7%, nhiệm kỳ 2015-2020 đạt 50%. Ở cấp huyện, cán bộ trẻ được quy hoạch ban chấp hành đảng bộ cấp huyện nhiệm kỳ 2010-2015 đạt 28%, nhiệm kỳ đạt 2015-2020 đạt 53,5%; cán bộ dân tộc thiểu số nhiệm kỳ 2010-2015 đạt 32,4%, nhiệm kỳ 2015-2020 đạt 43,3%.

Cũng trong giai đoạn 2010-2020, toàn tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng cho trên 19.000 lượt cán bộ, trong đó cán bộ dân tộc thiểu số 3.611 người. Toàn tỉnh đã thực hiện luân chuyển được trên 500 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó 148 lượt cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý luân chuyển về các huyện, thị, thành phố; 5 cán bộ luân chuyển giữa các huyện, thị, thành phố; 50 cán bộ luân chuyển ngang từ ngành này sang ngành khác; trên 300 lượt cán bộ diện ban thường vụ huyện ủy, thành ủy, thị ủy quản lý luân chuyển về xã, phường, thị trấn.

Có thể nói, những chính sách của tỉnh Lào Cai về phát hiện, thu hút, đãi ngộ nhân tài nói riêng và phát triển nguồn nhân lực nói chung đã được triển khai khá đồng bộ, nhất quán và đi trước so với nhiều tỉnh khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ. Nhờ vậy, Lào Cai đã tranh thủ thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng cao về làm việc tại các lĩnh vực phù hợp theo danh mục thu hút của tỉnh, chất lượng nguồn nhân lực không ngừng được nâng lên, đội ngũ trí thức có trình độ cao về làm việc tại Lào Cai, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Qua thực tiễn được rèn luyện, Lào Cai đã và đang cung cấp cho các bộ, ngành Trung ương nhiều cán bộ và được đánh giá cao.

Để tăng cường phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong thời gian tới, Đảng bộ tỉnh đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm là:

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài trong giai đoạn hiện nay. Các tổ chức đảng và các cấp chính quyền có nghĩa vụ, trách nhiệm phát hiện, giới thiệu người có tài, có đức cho tổ chức để trọng dụng người tài, bởi nếu chỉ riêng các cơ quan chuyên trách làm công tác tổ chức - cán bộ thì khó nắm bắt được hết người tài. Cho nên, người tài phải được phát hiện, được giới thiệu từ cơ sở, đơn vị, địa phương, từ các ngành, nghề và lĩnh vực khác nhau. Dựa vào sự giới thiệu đó, các cơ quan chuyên trách làm công tác tổ chức - cán bộ phải có cách riêng để xác minh, đánh giá, kiểm định một cách trung thực và chính xác theo bộ tiêu chí đã được ban hành, nhằm tránh những sai sót đáng tiếc, tránh bỏ sót người tài và tránh để lọt vào bộ máy những kẻ bất tài nhưng giỏi luồn lách.

Thứ hai, sau khi phát hiện được nhân tài, xác định được người có tài cả trong Đảng và ngoài Đảng thuộc các lĩnh vực khác nhau, thì các cấp có thẩm quyền, người có trách nhiệm ở các địa phương, đơn vị phải tạo điều kiện và môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng, chăm sóc, bồi đắp, phát triển và hoàn thiện các năng lực và phẩm chất của nhân tài. Có như vậy, người tài mới yên tâm hiến dâng tất cả trí tuệ, tài năng của mình cho sự nghiệp phát triển chung của tỉnh.

Thứ ba, cần có chế độ đãi ngộ đặc biệt để nhân tài phát huy hết năng lực bản thân và cống hiến tài năng cho công cuộc phát triển của Lào Cai. Đồng thời xử lý thật nghiêm những hành vi lạm dụng quyền lực để gây cản trở, trù dập người tài. Bên cạnh đó cần có chế tài nghiêm ngặt để ngăn chặn, xử lý những sai phạm, kiên quyết không để lọt vào bộ máy những người bất tài, kém đức, suy thoái. Cần quan tâm ủng hộ, động viên, khuyến khích những người có tài năng thật sự trong một lĩnh vực cụ thể, từ đó giới thiệu cho tổ chức, để tổ chức xem xét, đánh giá, tuyển chọn, bố trí công việc thích hợp. Cần có chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài cùng với cách tuyển dụng dân chủ, minh bạch, thật sự trân trọng tài năng, có môi trường xã hội thuận lợi, có chế độ đãi ngộ xứng đáng thì sẽ thu hút được những người tài năng về làm việc tại tỉnh.

Thứ tư, có chính sách thoả đáng về tiền lương, nhà ở nhằm thu hút cán bộ kinh tế, khoa học kỹ thuật, các chuyên gia giỏi, công nhân lành nghề, các nghệ nhân về Lào Cai làm việc và lập nghiệp để tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương. Ngoài cơ chế chính sách trực tiếp đối với cán bộ, chuyên gia giỏi, cần có các chính sách khuyến khích ưu tiên đối với những người đi cùng (gia đình) để cán bộ, chuyên gia yên tâm công tác. Trước mắt, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ thuê các doanh nhân giỏi về tỉnh quản lý các doanh nghiệp.

Thứ năm, có cơ chế sử dụng cán bộ một cách hợp lý nhằm thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nhân lực. Tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích người lao động được tham gia học tập, khuyến khích tài năng trẻ nghiên cứu, khởi nghiệp sáng tạo và ứng dụng những thành quả công nghệ mới. Xây dựng và mở rộng thêm các trường, cơ sở đào tạo đáp ứng nhu cầu mở rộng các ngành nghề mới, chú ý đến đầu tư các trang thiết bị hiện đại phục vụ dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng và số lượng đào tạo đi đôi với việc liên kết, thu hút đội ngũ giảng viên có chuyên môn cao về tỉnh giảng dạy. Duy trì chính sách gửi học sinh giỏi, cán bộ có năng lực đi đào tạo chuyên sâu cho tương lai ở các trường chất lượng của nước ngoài.


[1] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011, tập 15, tr.622.

[2] Sách đã dẫn, tập 5, tr.313.

[3] Sách đã dẫn, tập 4, tr.43.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất