Ngành Tổ chức xây dựng Đảng với việc thực hiện luân chuyển cán bộ kiểm tra
Ảnh minh họa.
Vừa qua, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 23-KL/TW “Về tiếp tục đẩy mạnh công tác luân chuyền cán bộ kiểm tra các cấp sang công tác ở các ngành, các cấp và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”. Kết luận của Ban Bí thư được ban hành vào đúng vào dịp các cấp ủy đảng, Ban Tổ chức Trung ương sơ kết 5 năm thực hiện Quy định số 98-QĐ/TW ngày 7-10-2017 của Bộ Chính trị “Về luân chuyển cán bộ”.

Cách đây hơn 10 năm, ngày 9-3-2010 Ban Bí thư đã có Thông báo số 312-TB/TW “Về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp về làm công tác kiểm tra, giám sát và luân chuyển lãnh đạo ủy ban kiểm tra các cấp sang công tác ở các ngành, các cấp để đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ kiểm tra”. Thực hiện Thông báo này và các quy định khác của Đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ Ngành Kiểm tra của Đảng từng bước được nâng cao, đồng thời, nhiều cán bộ công tác ở ủy ban kiểm tra các các cấp được luân chuyển sang các ngành, các cấp để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và nhiều cán bộ các ngành, các cấp được luân chuyển về làm công tác kiểm tra, giám sát cơ bản bảo đảm chất lượng; nhiều đồng chí luân chuyển được bố trí giữ chức vụ chủ chốt của cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý của Ngành Kiểm tra Đảng và của các cơ quan trong hệ thống chính trị, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.

Tuy nhiên, trong Kết luận 23-KL/TW của Ban Bí thư đã chỉ ra một số hạn chế trong quá trình thực hiện Thông báo số 312-TB/TW: “Một số cấp ủy chưa quan tâm thực hiện toàn diện nội dung Thông báo 312; chất lượng, hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ có nơi chưa cao, chưa đồng đều; còn có sự nhầm lẫn giữa luân chuyển và điều động; chưa xây dựng được đề án, kế hoạch luân chuyển; chưa có chế độ, chính sách cụ thể đối với cán bộ luân chuyển; luân chuyển cán bộ trong nội bộ Ngành Kiểm tra Đảng chưa được quan tâm đúng mức”. Kết luận số 23-KL/TW đã chỉ đạo và giao trách nhiệm cụ thể cho:

“Cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến việc tiếp tục thực hiện Thông báo 312, gắn với các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng về công tác cán bộ; tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở cả cấp Trung ương và địa phương; thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác luân chuyển gắn với công tác quy hoạch, điều động và các khâu khác của công tác cán bộ.

Chú trọng luân chuyển cán bộ trong hệ thống Ngành Kiểm tra Đảng để tăng cường cán bộ cho các cấp, địa bàn cần thiết. Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan xây dựng Đề án luân chuyển cán bộ trong hệ thống Ngành Kiểm tra Đảng các cấp, báo cáo Ban Bí thư xem xét, quyết định”.

Để thực hiện tốt Kết luận số 23-KL/TW thì không chỉ có trách nhiệm của Ngành Kiểm tra Đảng mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó Ngành Tổ chức xây dựng Đảng đóng vai trò quan trọng. Dưới góc độ công tác tổ chức - cán bộ, nổi lên một số vấn đề sau:

Lãnh đạo thì phải kiểm tra...

Cách đây 74 năm, chỉ một tháng sau khi có quyết nghị của Ban Thường vụ Trung ương về việc thành lập Ban Kiểm tra Trung ương (ngày 16-10-1948), trên Báo Sự thật số 103 ra ngày 30-11-1948 đã đăng bài của Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới bút danh X.Y. Z “Một việc mà các cơ quan lãnh đạo cần thực hành ngay”, trong đó có những đoạn:“Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”(1). Người còn khẳng định rằng: “Người lãnh đạo phải tự mình làm việc kiểm tra, mới đủ kinh nghiệm và oai tín”; “Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn “pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng: “Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”(2). Những tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất ngắn gọn nhưng sâu sắc, dễ nhớ, dễ hiểu và có giá trị lý luận và thực tiễn trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta gần 100 năm qua. Trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, đến Đại hội V, Đảng ta đã đúc kết đúng rằng: “Lãnh đạo thì phải kiểm tra. Lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo”(3).
           
Công tác kiểm tra, giám sát là trách nhiệm của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, của mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu, chứ không giao phó, khoán trắng cho ủy ban kiểm tra các cấp và cho cán bộ chuyên trách làm công tác kiểm tra. Nếu ở tổ chức, cấp ủy nào để xảy ra nhiều sai phạm thì có nghĩa là trách nhiệm thuộc về cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy nơi đó.
     
Trong hơn nhiệm kỳ qua, việc nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý các nhiều ngành, nhiều cấp, trong đó có những người đứng đầu cấp ủy đảng, những tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, nơi được coi là có “kỷ luật thép”, đã rơi vào tình trạng thoái hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, thân hữu, hầu hết đều có biểu hiện buông lỏng hoặc thiếu kiểm tra, giám sát. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bản chất là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, là bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy. Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý không làm công tác kiểm tra, có nghĩa là họ buông lỏng lãnh đạo. Tại sao nhiều cấp ủy và nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý không trực tiếp làm công tác kiểm tra, giám sát và như thế họ có xứng đáng là người lãnh đạo, quản lý nữa không? Công tác tổ chức - cán bộ, những người làm công tác này có trách nhiệm gì và có giải pháp nào để thẩm định kiến thức, năng lực tự mình làm công tác kiểm tra, giám sát và thực hành công tác này trong thực tế trước khi đề bạt, cất nhắc, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý? Đồng thời, nhiều người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương không tự mình làm công tác kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm kỷ luật, tham nhũng, tiêu cực ít bị quy trách nhiệm, trong thời gian tới cần có cơ chế, quy định cụ thể ra sao để xử lý vi phạm?

Giúp đồng chí tức là tự giúp mình

Trong những năm qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, nhờ có nỗ lực, cố gắng, quyết tâm, phối hợp với các bộ, ban, ngành khác với Ngành Kiểm tra Đảng, trong đó có Ủy ban Kiểm tra Trung ương và đội ngũ cán bộ của Ủy ban, công tác tổ chức - cán bộ đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực, nhất là đã ngăn chặn, đẩy lùi một bước tệ tham nhũng, tiêu cực, khắc phục những sơ hở, yếu kém, tiêu cực. Công tác cán bộ và việc quản lý đội ngũ cán bộ trong thời gian qua đã có chuyển biến rất tích cực với nhiều đổi mới, từng bước đi vào nền nếp và bảo đảm chặt chẽ, quy củ hơn. Việc bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, xét thăng cấp bậc hàm, thực hiện chính sách đối với cán bộ đã bám sát tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình theo các Quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương. Chất lượng đội ngũ cán bộ đã được nâng lên một bước. Phần lớn cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giữ vững phẩm chất đạo đức đảng viên, thực hiện lối sống trong sạch, có năng lực công tác tốt, gương mẫu trong rèn luyện, tu dưỡng, đáp ứng cơ bản yêu cầu của công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Có được kết quả, chuyển biến tốt đó là thành công của cả hệ thống chính trị, trong đó có đóng góp tích cực, hiệu quả của Ngành Tổ chức xây dựng Đảng. Như vậy, nói một cách hình ảnh và nôm na là: Ngành Tổ chức xây dựng Đảng giúp các đồng chí trong Ngành Kiểm tra Đảng, tức là Ngành Tổ chức xây dựng Đảng tự giúp mình!

Trong luân chuyển cán bộ kiểm tra làm cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nơi khác và luân chuyển cán bộ ở nơi khác về làm công tác kiểm tra theo tinh thần của Kết luận 23-KL/TW của Ban Bí thư thì nòng cốt vẫn là Ngành Kiểm tra Đảng và Ngành Tổ chức xây dựng Đảng cùng với việc có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai Ngành này trong việc thẩm định, đánh giá, luân chuyển, bố trí vị trí công tác. Để tiếp tục thực hiện Thông báo số 312-TB/TW và Kết luận số 23-KL/TW của Ban Bí thư, thì ngoài một số vấn đề nêu trên, trong thời gian tới, một số vấn đề đặt ra đối với Ngành Tổ chức xây dựng Đảng như sau: 

Thứ nhất, việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý được tiến hành trong nội bộ Ngành Kiểm tra và từ Ngành Kiểm tra sang các cơ quan đảng, nhà nước, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp về ủy ban kiểm tra, từ cấp huyện và tương đương trở lên là trách nhiệm của cả Ngành Kiểm tra và Ngành Tổ chức xây dựng Đảng, trong đó Ngành Tổ chức xây dựng Đảng chịu trách nhiệm chính trong việc tham mưu, sắp xếp, vị trí nơi đến của cán bộ kiểm tra và thẩm định tiêu chuẩn, phẩm chất cán bộ của các cơ quan đảng, nhà nước, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đến công tác ở Ngành Kiểm tra. Đây là vấn đề không đơn giản và yêu cầu trước hết là phải công tâm, khách quan vì sự nghiệp chung.

Thứ hai, đối tượng cán bộ kiểm tra luân chuyển đi và cán bộ các ngành, các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội đến công tác ở Ngành Kiểm tra trong mỗi nhiệm kỳ số lượng không nhiều, điều quan trọng là chất lượng cán bộ. Đặc biệt, hai Ngành cần chú ý tham mưu hai vấn đề nổi bật, quan trọng: 1) Luân chuyển, bố trí cán bộ kiểm tra vào những vị trí then chốt, có thể là người đứng đầu ở những cơ quan, đơn vị, địa phương có nhiều khó khăn, phức tạp, bức xúc về công tác xây dựng Đảng, để phát huy thế mạnh, kinh nghiệm trong xử lý những nơi có dấu hiệu vi phạm, xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên. 2) Thẩm định phẩm chất, năng lực, tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là những phẩm chất của một cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Đó là những người: luôn luôn tuyệt đối trung thành với Đảng; có ý thức tổ chức, kỷ luật; sống liêm khiết, trong sạch, lành mạnh, có lòng trung thực, đoàn kết, thương yêu đồng chí, luôn hết lòng, hết sức, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, “thật sự là những "thanh bảo kiếm sắc bén” góp phần gìn giữ, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, Nhà nước ta.

Thứ ba, khi giới thiệu, thẩm định các tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu công tác luân chuyển cán bộ các cơ quan đảng, nhà nước, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội về làm công tác kiểm tra, Ngành Tổ chức xây dựng Đảng các cấp và người giới thiệu cần chịu trách nhiệm đến cùng về đối tượng giới thiệu, thường xuyên theo dõi để có tham mưu, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh. Đồng thời, tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách, điều kiện cần thiết về mọi mặt để cán bộ luân chuyển yên tâm công tác hoàn thành nhiệm vụ, được cống hiến, rèn luyện trưởng thành.

Thứ tư, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương có cơ chế, chính sách, đồng bộ, cụ thể đối với các đối tượng luân chuyển ở các ngành, các cấp. Đặc biệt đối với cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát, thường xuyên va chạm với nhóm lợi ích, với các đối tượng có biểu hiện tham ô, tham nhũng, tiêu cực, thì cần có chế độ, chính sách làm sao đó để các cán bộ này “không muốn tham nhũng”, “không cần tham nhũng”. Khắc phục tình trạng “chưa có chế độ, chính sách cụ thể đối với cán bộ luân chuyển; luân chuyển cán bộ trong nội bộ Ngành Kiểm tra Đảng chưa được quan tâm đúng mức”.

Thứ năm, việc phối hợp với Ngành Kiểm tra làm tốt công tác luân chuyển cán bộ kiểm tra đi công tác nơi khác và cán bộ các nơi khác đến công tác ở Ngành Kiểm tra theo Kết luận số 23-KL/TW nhất định sẽ giúp Ngành Tổ chức xây dựng Đảng gặt hái thêm được những kết quả và bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác của mình. Như vậy, giúp đồng chí tức là tự giúp mình.

------------------------------
1), (2). Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.5, tr. 520-521.

(3). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, Nxb Sự thật, H, 1982, t.3, tr.122-123 (Báo cáo xây dựng Đảng do Trưởng Ban Tổ chức Trung ương  trình bày tại Đại hội).

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất