Quảng Nam nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Hội nghị đối thoại giữa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam với cán bộ, công chức, viên chức khối đảng, nhà nước, mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội, ngày 22-4-2022.

Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Trong đó, yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải nâng cao trách nhiệm, triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ và tạo môi trường, điều kiện để xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ. Đồng thời, Nghị quyết cũng nêu: Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược bảo đảm các tiêu chuẩn quy định và đáp ứng yêu cầu, trong đó bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ mọi mặt; bồi dưỡng toàn diện về kỹ năng; định kỳ cập nhật kiến thức mới theo từng nhóm đối tượng là một trong những định hướng được xác định.

Xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh Quảng Nam theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khoá XII), thời gian qua, BTV Tỉnh uỷ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác cán bộ, trong đó đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (CCVC), nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được quan tâm, chú trọng.

Đội ngũ cán bộ đạt chuẩn

Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh Quảng Nam có 39.393 cán bộ, CCVC, được chia thành 5 nhóm: (1) Cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý (231 đồng chí); (2) Cán bộ được quy hoạch các chức danh cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý (713 đồng chí); (3) Cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện BTV cấp ủy cấp huyện, sở, ban, ngành, mặt trận và các đoàn thể tỉnh quản lý (2.925 đồng chí); (4) Cán bộ, CCVC được quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc diện BTV cấp huyện quản lý (994 đồng chí) và cán bộ, CCVC được quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc sở, ban, ngành, mặt trận và các đoàn thể tỉnh quản lý (5.475 đồng chí); (5) Cán bộ, CCVC còn lại (29.055 đồng chí).

Nhờ làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ, CCVC của tỉnh về cơ bản đã đạt tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn và trình độ lý luận chính trị theo quy định. Công tác đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện thường xuyên đã góp phần nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, CCVC toàn tỉnh, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị đề ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, CCVC thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên những vẫn còn một bộ phận chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn. Thiếu cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, có khả năng dự báo, xử lý tốt những vấn đề phát sinh từ thực tiễn; thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn sâu ở một số lĩnh vực. Một số cán bộ chưa được chuẩn hóa về trình độ ngoại ngữ, tin học; trình độ, khả năng làm việc trong môi trường quốc tế và xử lý thông tin trên không gian mạng của đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý có mặt còn hạn chế. Một số cán bộ chưa được đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh, kỹ năng lãnh đạo, quản lý; chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức cần thiết trước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử nên khi thực hiện nhiệm vụ còn bị động, lúng túng. Nhiều cán bộ được đào tạo chuyên môn chưa gắn với yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh, chưa phù hợp với vị trí việc làm đang đảm nhiệm.

Trước thực trạng đó, cũng như trước yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, Tỉnh uỷ Quảng Nam nhận thấy cấp thiết phải có giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nói chung, từng khâu trong công tác cán bộ nói riêng, trong đó đào tạo, bồi dưỡng là một khâu quan trọng. Trên tinh thần đó, Đề án số 10-ĐA/TU, ngày 30-3-2022 của Tỉnh uỷ Quảng Nam về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ,CCVC tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2023 được ban hành đã góp phần đưa ra giải pháp quan trọng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong toàn tỉnh.

Hướng tới nâng cao chất lượng đội ngũ

Đề án số 10 được xây dựng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, CCVC, trong đó chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, CCVC. Thông qua tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thường xuyên và khuyến khích việc tự học, tự nghiên cứu của cán bộ, CCVC nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, CCVC của tỉnh có chất lượng và cơ cấu hợp lý, đủ khả năng lãnh đạo để đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.

Đề án cũng chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Quảng Nam.

Đề án đã đề ra các mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn cho phù hợp. Trước mắt, giai đoạn 2022-2025, tỉnh phấn đấu có 100% cán bộ thuộc nhóm 1, 2, 3 (theo các nhóm nêu trên) được đào tạo đạt chuẩn chuyên môn và lý luận chính trị, được bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý theo lĩnh vực công tác và thường xuyên được cập nhật kiến thức mới. Đồng thời, có 50% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Đối với nhóm 4 và 5, 100% cán bộ, CCVC hoàn thành tiêu chuẩn ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức theo quy định. Tiếp theo, giai đoạn 2025-2030, tỉnh phấn đấu có 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý được bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh quy định và cập nhật kiến thức mới. 70% cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt dưới 55 tuổi và cán bộ quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt của tỉnh dưới 50 tuổi được đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài về kỹ năng, lãnh đạo, quản lý, ngoại ngữ và tin học. Phấn đấu có trên 20% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Cán bộ tham gia Đề án được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị ở các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước. Các nội dung bồi dưỡng được chú trọng như: Bồi dưỡng cán bộ quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025 và nhiệm kỳ 2025-2030; Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo tiêu chuẩn chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý; Bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới; Bồi dưỡng qua thực tiễn; Bồi dưỡng ở nước ngoài; Bồi dưỡng ngoại ngữ; Bồi dưỡng tin học; Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh; Bồi dưỡng cho cán bộ người dân tộc thiểu số; Bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số; Bồi dưỡng chuyên sâu về ngành, lĩnh vực công tác; Bồi dưỡng quản lý nhà nước…

Với mục tiêu đã đề ra, Tỉnh uỷ Quảng Nam xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để đảm bảo thực hiện thành công Đề án. Theo đó, từ nay đến năm 2025, tỉnh tập trung xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện các nội dung của Đề án; ban hành các cơ chế, chính sách bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra. Nghiên cứu tăng cường bồi dưỡng theo nhu cầu và yêu cầu vị trị việc làm; thực hiện bồi dưỡng trước khi đề bạt, bổ nhiệm. Trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Đề án giai đoạn 2022-2025 và tùy vào tình hình thực tế, Quảng Nam sẽ quyết định cụ thể những vấn đề về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2025-2030.

Với mục tiêu rõ ràng, lộ trình cụ thể, sự quyết tâm của các cấp uỷ và sự đồng thuận của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, Đề án về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, CCVC của tỉnh Quảng Nam chắc chắn sẽ đạt mục tiêu đề ra, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ tỉnh ngày càng vững mạnh, cùng Đảng bộ, nhân dân Quảng Nam thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất