Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tuyên Hóa khóa XXI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, BTV Huyện ủy đã kịp thời ban hành Quy định số 08-QĐ/HU ngày 16-5-2014 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể, cấp huyện và các xã, thị trấn trên địa bàn; các kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng; các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị; Quy định số 01-QĐ/HU ngày 25-3-2016 về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc diện Thường trực, BTV Huyện ủy quản lý trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Đồng thời, BTV Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, củng cố, kiện toàn chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng bảo đảm số lượng, sự đồng bộ, kế thừa và phát triển. Chú trọng làm tốt các khâu trong công tác cán bộ. Đến nay, đội ngũ cán bộ chủ chốt lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể cấp huyện từng bước được trẻ hóa, trình độ lý luận chính trị và chuyên môn cơ bản đạt chuẩn theo quy định; trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện, có 27% cán bộ có trình độ thạc sĩ; hiện nay 97% cán bộ cấp xã có trình độ trung cấp lý luận chính trị, 8,1% cao cấp lý luận chính trị. Đội ngũ cán bộ của huyện đã từng bước trưởng thành về nhiều mặt, bố trí cơ bản hợp lý, bảo đảm tiêu chuẩn, tiêu chí và có khả năng hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao; từng bước hạn chế tình trạng làm việc cầm chừng, giải quyết công việc chậm trễ, hiệu quả thấp; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng nghiêm túc nhận thấy rằng: Đội ngũ cán bộ của huyện hiện nay vẫn còn một số hạn chế, trong đó có việc thực hiện các quy định của Đảng về vấn đề nêu gương; trách nhiệm của một số người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chưa phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chưa chủ động giải quyết những vấn đề phức tạp, nổi lên; chưa làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Một số ít cán bộ lãnh đạo, quản lý uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm với nhiệm vụ được giao. Việc khắc phục các hạn chế khuyết điểm ở một số cán bộ đảng viên còn chậm, tinh thần tự phê bình và phê bình chưa cao; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chưa rõ nét, vẫn còn một số cán bộ, đảng viên thụ động trước nhiều vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống, né tránh, chưa kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện sai trái, lệch lạc.
Những hạn chế, khuyết điểm trên có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, nhưng quan trọng nhất là do năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu có mặt còn hạn chế, chưa đổi mới, chưa bắt kịp với tình hình thực tiễn đặt ra hiện nay.
Xuất phát từ thực tiễn đội ngũ cán bộ ở địa phương, để thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, ngoài việc tiếp tục quán triệt, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định liên quan đến trách nhiệm nêu gương, cần phải thực hiện công khai, dân chủ, khoa học trong công tác cán bộ. Công khai trong công tác bố trí, tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận. Bám sát các văn bản hướng dẫn của các cấp, quy chế làm việc của BCH Đảng bộ huyện, công tác sắp xếp, phân công, điều động, bố trí, bổ nhiệm cán bộ, cán bộ chủ chốt thực hiện công tâm, khách quan, bảo đảm sự hài hòa, sự nhất trí cao của tập thể lãnh đạo và sự đồng tình ủng hộ của cán bộ, đảng viên, nhân dân, khắc phục tình trạng để khuyết các vị trí lãnh đạo, quản lý kéo dài; thu hút, trọng dụng người có đức, có tài, bố trí phù hợp với năng lực, sở trường, trình độ chuyên môn nghiệp vụ để cán bộ, đảng viên phát huy được năng lực sở trường của mình đảm bảo hiệu quả, chất lượng công việc.
Thứ hai, việc nêu gương của cán bộ chủ chốt các cấp phải thể hiện toàn diện trên các mặt về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình và phê bình; quan hệ với nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ... Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp phải thực sự gương mẫu; tu dưỡng đạo đức, lối sống lành mạnh; chủ động, tích cực, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao; phải có phong cách làm việc khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, tận tâm, trung thực, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; làm việc có nguyên tắc, kỷ cương; không lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi giải quyết công việc, chăm lo xây dựng đội ngũ làm công tác cán bộ thật sự công tâm, trong sáng, tinh thông.
Thứ ba, cán bộ chủ chốt các cấp phải coi trọng việc giải quyết các vấn đề mà nhân dân phản ánh, đặt mình dưới sự giám sát của Đảng và nhân dân. Nắm bắt kịp thời các vấn đề mới nổi lên, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện không để khiếu nại, khiếu kiện kéo dài. Xác định, nhân dân phản ánh là thể hiện còn niềm tin vào Đảng, Nhà nước, vào cấp ủy, chính quyền địa phương nên cần phải được giải quyết ngay, thấu tình, đạt lý, đúng quy định. Từ tháng 5-2019, BTV Huyện ủy Tuyên Hóa đã ban hành Quy chế Bí thư Huyện ủy tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân vào ngày 15 hằng tháng; tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp của đồng chí Bí thư Huyện ủy, đồng chí Chủ tịch UBND huyện với nhân dân ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện để lắng nghe những phản ánh, kiến nghị của người dân, nhằm giải quyết tốt những vấn đề nổi lên ở cơ sở và ổn định tình hình chính trị trên địa bàn.
Thứ tư, đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng đa chiều theo Quy định số 132-QĐ/TW ngày 8-3-2018 của Bộ Chính trị về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị; thực hiện lấy phiếu thăm dò tín nhiệm đối với người đứng đầu; thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình với tinh thần thẳng thắn, xây dựng, không “xuê xoa, dĩ hòa vi quý”; đã nói là làm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; thước đo về sự nêu gương không chỉ dừng lại ở chỗ hoàn thành tốt công việc của mình, mà còn ở khả năng đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý, thực thi công vụ; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Thứ năm, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ và thực hiện trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; có các hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân tiêu biểu, xuất sắc, tạo sức lan tỏa sâu rộng, mà trước hết là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; nhưng cũng đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, đảng viên thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, thiếu gương mẫu, thậm chí vi phạm khuyết điểm; kiên quyết thay thế, chuyển công tác khác những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định; nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên, khắc phục triệt để tình trạng chạy theo số lượng, xem nhẹ chất lượng; đồng thời rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng theo tinh thần Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 21-1-2019 của BCH Trung ương Đảng (khóa XII). Các cấp ủy đảng phải tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp thực hiện có hiệu quả Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2-2-2018 của Ban Bí thư về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tư dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.
Lê Công Hữu
Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Bình