Trong công tác cán bộ, đánh giá được xem là khâu mở đầu, tạo tiền đề cho các khâu khác. Tạo nguồn - đánh giá để xác định xu hướng phát triển của đối tượng. Tuyển chọn - đánh giá để bố trí vào vị trí thích hợp. Bầu cử, bổ nhiệm - đánh giá để chọn người xứng đáng. Bồi dưỡng, đào tạo - đánh giá để xem năng lực, trình độ cao thấp mà bổ khuyết, nâng cao… Thực tế cho thấy, chỉ có đánh giá cán bộ đúng, khách quan, công tâm, nhận diện rõ ưu, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, hiệu quả công tác và triển vọng phát triển thì mới có căn cứ chính xác để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Ngược lại, nếu nhận xét, đánh giá chủ quan, thiên lệch, không đúng sẽ dẫn đến bố trí, sử dụng cán bộ sai và dẫn đến hậu quả khôn lường. Người cán bộ được đánh giá không đúng thực chất có thể hoặc sinh ra chủ quan hoặc trái lại, trở nên tự ti, nhụt chí phấn đấu. Đối với tập thể có thể ảnh hưởng đến niềm tin chung và gây ra những phức tạp trong quan hệ nội bộ.
Để đánh giá đúng cán bộ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, cấp ủy các cấp nắm chắc, thực hiện tốt nội dung, phương pháp, quy trình đánh giá cán bộ. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc tự kiểm điểm đánh giá bản thân, kiểm điểm phải nêu rõ những ưu, khuyết điểm về tư tưởng, phẩm chất đạo đức, phong cách lối sống, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là làm rõ những gợi ý kiểm điểm của cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, những ý kiến góp ý của nhân dân, đề ra những biện pháp khắc phục, sửa chữa. Đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân được tham gia góp ý kiến đánh giá cán bộ phải có ý thức trách nhiệm, không được coi đây chỉ là nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền mà phải nhận thức là trách nhiệm của mọi người tham gia đánh giá cán bộ. Khắc phục tư tưởng bàng quan, thờ ơ, tham gia được sao hay vậy, hình thức, nể nang, né tránh. Cấp ủy phải chỉ đạo sát sao, gương mẫu làm trước để mọi người noi theo.
Hai là, bảo đảm dân chủ, công khai ở tất cả các khâu: cán bộ tự kiểm điểm đánh giá, cấp ủy và lãnh đạo cơ quan cấp trên quản lý cán bộ, cơ quan tổ chức theo dõi đánh giá, tập thể cơ quan, đơn vị nơi cán bộ công tác đánh giá, cán bộ, nhân dân nơi cán bộ sinh hoạt và cư trú tham gia góp ý kiến đánh giá. Những kênh thông tin trên phải được tổng hợp và thông báo công khai với cán bộ được đánh giá và tập thể cán bộ tham gia đánh giá. Qua đánh giá phát hiện, sử dụng những cán bộ thực sự có năng lực và phẩm chất đạo đức tốt, thay đổi điều chuyển những cán bộ năng lực hạn chế cho phù hợp, đưa ra khỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý những cán bộ cơ hội, tham nhũng, tiêu cực, bị xử lý kỷ luật. Đổi mới cách lấy phiếu đánh giá theo hướng mở rộng đối tượng tham gia đánh giá, nội dung phiếu đánh giá theo đúng hướng dẫn của Trung ương. Thực hiện việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý bảo đảm dân chủ, công khai.
Ba là, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đánh giá cán bộ, chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót trong chỉ đạo thực hiện. Những cán bộ có khuyết điểm, thiếu sót hoặc có dấu hiệu vi phạm, hoặc có đơn tố giác cần phải được xác minh làm rõ, kịp thời và thông tin trở lại với người phát hiện. Chọn lọc những ý kiến xác đáng, đúng đắn, với ý thức trách nhiệm và tinh thần xây dựng để bổ sung vào nhận xét đánh giá cán bộ. Cần tổ chức hội nghị sơ kết rút kinh nghiệm công tác đánh giá cán bộ, kinh nghiệm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, của người tự kiểm điểm; kịp thời biểu dương những đơn vị, địa phương làm tốt, nhất là những nơi có cách làm sáng tạo phát huy vai trò của nhân dân tham gia vào việc đánh giá cán bộ; phê phán, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh những địa phương, đơn vị làm chưa tốt, đưa công tác đánh giá cán bộ vào nền nếp, đạt chất lượng, hiệu quả.
Bốn là, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và công tác quản lý đảng viên là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đánh giá cán bộ, bảo đảm tất cả đảng viên dù ở cương vị công tác nào cũng đều phải dự sinh hoạt chi bộ. Trong sinh hoạt chi bộ phải thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Sáu tháng và một năm mỗi đảng viên phải tự kiểm điểm báo cáo với cấp ủy, chi bộ về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, bỏ phiếu xếp loại hằng năm. Chi bộ phải là nơi phát hiện những dấu hiệu vi phạm của đảng viên để tập trung uốn nắn sửa chữa kịp thời không để đến khi thành khuyết điểm lớn mới kiểm điểm đánh giá. Thực hiện nghiêm túc Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Năm là, xây dựng, rà soát điều chỉnh, bổ sung tiêu chuẩn cán bộ phù hợp với thời kỳ mới. Kiên quyết đưa ra khỏi đội ngũ lãnh đạo, quản lý những cán bộ cơ hội, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm đạo đức, lối sống, bị xử lý kỷ luật và những cán bộ không đủ tiêu chuẩn. Khi xây dựng và ban hành tiêu chuẩn cán bộ cần phải quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, bảo đảm dân chủ lấy ý kiến rộng rãi của cán bộ, đảng viên, tránh tình trạng tiêu chuẩn không sát với thực tế công việc của cán bộ.
Sáu là, kết quả đánh giá cán bộ có vai trò quan trọng của cơ quan tham mưu là ban tổ chức cấp ủy. Vì vậy, cần nêu cao vai trò trách nhiệm của ban tổ chức và cán bộ, chuyên viên làm công tác cán bộ. Ban tổ chức cấp ủy các cấp phải tham mưu giúp cấp ủy tổ chức tập huấn hướng dẫn nội dung, quy trình, phương pháp đánh giá cán bộ cho các đơn vị, địa phương, nhất là đối với cơ sở, phối hợp với các ban của Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức các buổi tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của nhân dân và dư luận về cán bộ. Những ý kiến xác đáng, mang tính xây dựng phải được làm rõ, công khai, minh bạch trả lời nhân dân. Kết quả đánh giá cán bộ phải được tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất báo cáo với cấp ủy, chính quyền quản lý cán bộ. Quan tâm chăm lo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, chuyên viên trực tiếp làm công tác cán bộ. Đó phải là những cán bộ có phẩm chất đạo đức, ý thức, trách nhiệm, trung thực, khách quan, khiêm tốn, biết phối hợp với các ban của Đảng, các cấp, các ngành để nắm và đánh giá cán bộ, có khả năng nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất, báo cáo trung thực với cấp ủy và lãnh đạo cấp trên về cán bộ.
Việc đánh giá cán bộ nghiêm túc ban đầu chắc chắn sẽ vấp phải những ý kiến khác nhau, trong đó, có thể có những ý kiến chưa đồng thuận, bởi việc làm này đối lập với cách đánh giá cảm tính, bè cánh, xuê xoa, thiếu cơ sở. Song dần dần sẽ quen, sẽ tạo ra bầu không khí mới trong thực hiện nhiệm vụ chung. Điều đó không chỉ giúp cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, mà còn giúp cán bộ, công chức, viên chức nâng cao tinh thần trách nhiệm.
TS. Trần Văn Thư
Học viện Báo chí và Tuyên truyền