Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở Nghệ An
Các học viên đạt thành tích xuất sắc trong học tập được trao giấy khen, phần thưởng sau khóa học.

Những kết quả

Hiện nay, tỉnh Nghệ An có tổng số cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn là 10.461 người, trong đó: nam 7.499 (72%), nữ 2.972 (28%), DTTS 2.448 (23,4%), tôn giáo 62 (0,6%). Thực hiện nghị quyết của Trung ương, nghị định của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở, trong đó, trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức (CB, CC) xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã). Tỉnh ủy đã có nhiều chủ trương, chính sách, đề án xây dựng và phát triển đội ngũ CB, CC, viên chức nói chung và đội ngũ CB, CC cấp xã nói riêng: Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 15-3-2012 của Tỉnh ủy về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020; Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý Nghệ An giai đoạn 2012-2020” ngày 30-5-2012; Đề án “Phát triển đội ngũ công chức, viên chức, CB,CC cấp xã trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012 -2015, có tính đến 2020”; Quy định số 4288-QĐ/TU ngày 8-7-2013 “về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trên địa bàn Nghệ An”; Quy định số 4289-QĐ/TU ngày 8-7-2013 “về nhiệm vụ và mối quan hệ phối hợp công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ”; Kế hoạch số 69-KH/TU ngày 30-1-2013 về “thực hiện chương trình sơ cấp lý luận chính trị”. UBND tỉnh cũng đã có nhiều quy định, cơ chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CB,CC, viên chức cấp xã. Nhờ đó về cơ bản, chất lượng đội ngũ CB,CC cấp xã đã được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Cụ thể, so với năm 2011: Về trình độ chuyên môn: đại học trở lên: 4.591 (chiếm 43,9%, tăng 15,3%); CĐ, trung cấp: 5.109 (chiếm 48,8%, tăng 8,7%), sơ cấp: 85 (0,8%), chưa qua đào tạo: 684 (chiếm 6,5%). Trình độ chính trị: Cao cấp, cử nhân: 111 (chiếm 1,1%); trung cấp: 4.745 (chiếm 45,5%); sơ cấp: 2.932 (chiếm 28,0%). Riêng 6 chức danh chủ chốt bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, phó chủ tịch HĐHD, phó chủ tịch UBND có trên 90% đạt trình độ chuyên môn từ đại học và trung cấp lý luận chính trị trở lên. Việc xây dựng đội ngũ CB, CC cơ sở được các cấp ủy đảng thực hiện bài bản, đồng bộ trong các khâu. Nhiều cấp ủy huyện đã luân chuyển, tăng cường cán bộ về làm bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Cán bộ luân chuyển về cơ sở đã phát huy tác dụng, từng bước trưởng thành, thúc đẩy phong trào địa phương phát triển. Một số địa phương có chính sách thu hút cán bộ trẻ, tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học về công tác ở cấp xã. Tỉnh cũng đã tăng cường 25 sỹ quan biên phòng về giữ chức danh phó bí thư đảng ủy xã biên giới; 77 cán bộ biên phòng về sinh hoạt đảng tại các xóm, bản vùng xung yếu;  tổ chức các đội công tác của quân đội bám địa bàn, tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Thực hiện đề án "Đưa sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp về xã", từ năm 2003 đến nay, Nghệ An đã tiếp nhận 3.390 người (trong đó có 1.117 đại học, 277 cao đẳng, 1.996 trung cấp) về đảm nhiệm các chức danh chuyên môn cấp xã; đưa 199 trí thức trẻ về các xã nghèo miền núi khó khăn công tác; tuyển chọn 26 sinh viên tốt nghiệp đại học về làm phó chủ tịch UBND các xã nghèo vùng cao thuộc các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong.  Nhìn chung, đội ngũ CB, CC cấp xã của tỉnh ngày càng phát triển hợp lý về số lượng và chất lượng, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua. Trình độ đào tạo các mặt, nhất là chuyên môn, lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ và các kỹ năng khác của đội ngũ công chức, viên chức được nâng lên. Thái độ giao tiếp của đa số công chức với các tổ chức, công dân có chuyển biến rõ rệt, có ý thức trách nhiệm, tận tình và chu đáo, ứng xử đúng mực, đóng vai trò then chốt trong việc đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với dân, trực tiếp chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Một số hạn chế

Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ CB, CC cấp xã vẫn chưa đạt mục tiêu theo Đề án “Phát triển đội ngũ công chức, viên chức, CB, CC cấp xã trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012-2015, có tính đến 2020", đề ra là: Đến năm 2015, đội ngũ công chức, viên chức của tỉnh Nghệ An có chuyển biến căn bản về tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, trình độ chuyên môn, kỹ năng công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đến năm 2020, có kỹ năng làm việc thông thạo, phong cách chuyên nghiệp; hình thành đội ngũ công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, trình độ cao, có khả năng hoạch định, tổ chức triển khai thực hiện các quy hoạch, chương trình, đề án phát triển, đáp ứng yêu cầu  phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở và yêu cầu ngày càng cao trong lãnh đạo, quản lý, điều hành quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội, quản lý đô thị, xây dựng nông thôn mới… ở cấp xã hiện nay, đội ngũ CB, CC cấp xã tại nhiều địa phương còn bộc lộ một số hạn chế. Mặc dù số lượng CB, CC, viên chức ngày một tăng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, cung cấp dịch vụ công trên các lĩnh vực, nhất là y tế, khoa học & công nghệ, nông nghiệp và phát triển nông thôn, văn hóa, thể thao và du lịch. Tuy trình độ đào tạo của đội ngũ CB,CC, viên chức từng bước được nâng lên, song so với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới thì kỹ năng thực hiện công việc, tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức, viên chức, CB, CC cấp xã còn thấp. Qua khảo sát cho thấy, khả năng vận dụng những kiến thức, trình độ chuyên môn trở thành kỹ năng nghề nghiệp để thực thi công vụ thì còn hạn chế, đặc biệt các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, lập kế hoạch, xây dựng các đề án, ra quyết định quản lý…

Giải pháp

Một là, tiếp tục bồi dưỡng về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, xây dựng và thực hiện thống nhất quy định về đạo đức cán bộ, nhất là đạo đức công vụ. Tăng cường bồi dưỡng về phẩm chất đạo đức, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị “về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng.

Hai là, bảo đảm số lượng công chức, viên chức theo vị trí việc làm và cơ cấu ngạch hợp lý. Xây dựng đề án xác định vị trí việc làm để phân bổ và giao chỉ tiêu biên chế một cách khoa học, hiệu quả, bảo đảm đủ số lượng biên chế và cơ cấu ngạch công chức, viên chức cho các đơn vị.

Ba là, đổi mới, nâng cao chất lượng tuyển dụng, bố trí, sử dụng CB, CC cấp xã. Đổi mới, quy trình lựa chọn, giới thiệu nhân sự đối với các chức danh cán bộ cấp xã theo hướng công khai hoá, dân chủ hoá, bảo đảm tính cạnh tranh công bằng, khách quan; có cơ chế phối hợp, quản lý, giám sát chặt chẽ của các cấp, các ngành trong quá trình bầu cử, tuyển chọn cán bộ.

Bốn là, đào tạo, bồi dưỡng theo quy hoạch, tiêu chuẩn chức danh công chức, viên chức; chú trọng bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ công chức, viên chức. Thực hiện bồi dưỡng bắt buộc theo quy định đối với CB, CC xã.

Năm là, đánh giá CB, CC cấp xã phải lấy hiệu quả công tác thực tế làm thước đo chủ yếu, dựa vào những quy định cụ thể về tiêu chuẩn của từng chức danh và tiêu chí đánh giá đối với từng đối tượng CB, CC. Thực hiện cơ chế buộc thôi việc, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, đạo đức công vụ, mất uy tín với nhân dân.

Sáu là, thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ. Có cơ chế khuyến khích, động viên cán bộ về tinh thần và vật chất để đội ngũ cán bộ yêu nghề, gắn bó lâu dài với địa phương.

Bảy là, tăng cường kiểm tra, giám sát, nhất là sự tham gia của nhân dân về công tác cán bộ để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CC ở cơ sở.

 

 

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất