Công tác cán bộ người dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng
Một buổi học song ngữ Việt - Khmer tại Trường Pali Nam Bộ trong khuôn viên chùa Kleang, TP. Sóc Trăng

Từ cách làm…


Nhận thức rõ việc xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số rất quan trọng và trên cơ sở quán triệt các chủ trương, chính sách của Trung ương, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 07-KH/TU về “Quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc Khmer của tỉnh Sóc Trăng đến năm 2015”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo thực hiện Kết luận số 08-KL/TU về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ đối với công tác vùng đồng bào dân tộc Khmer”. Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng có Đề án số 09-ĐA/BTCTU về “Củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo đến năm 2020”. Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ban hành “Chương trình hành động thực hiện chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020”…

Hằng năm, tỉnh đều xây dựng kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, trong đó chú trọng đến đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số. Trên cơ sở quy định của Trung ương, tỉnh đã cụ thể hóa các tiêu chuẩn, chức danh trong tuyển dụng, quy hoạch cán bộ nói chung và cán bộ là người dân tộc thiểu số nói riêng để phù hợp với từng địa phương. Tỉnh chú ý đến quy hoạch, tuyển chọn, nâng cao chất lượng từ ban đầu đối với đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số ở các địa phương, đơn vị. Các cấp ủy trong tỉnh thường xuyên thực hiện công tác luân chuyển, điều động đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhiều đồng chí đã được bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ chốt trong hệ thống chính trị ở địa phương… Vì vậy, tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số so với tổng số cán bộ của toàn tỉnh đã dần được nâng lên. Theo số liệu thống kê, trong nhiệm kỳ 2010-2015, toàn tỉnh có khoảng 973 cán bộ người dân tộc Khmer tham gia cấp ủy đảng, HĐND các cấp; 73/109 xã, phường, thị trấn có đảng viên là người Khmer. Năm 2015, theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, Đảng bộ tỉnh đã kết nạp được hơn 470 đảng viên là người dân tộc Khmer, nâng tổng số đảng viên là người Khmer lên 5.320 đảng viên; phát triển đảng đối với 101 đảng viên người Hoa, nâng tổng số đảng viên người Hoa lên 1.137 người, chiếm tỷ lệ 3.57% và dân tộc khác hiện có 17 đồng chí chiếm tỷ lệ 0.045%.  Trong đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2016-2020 có 471 đồng chí là người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy, trong đó BCH Đảng bộ tỉnh có 6 đồng chí, BCH đảng bộ cấp huyện có 48 đồng chí…

Với cách làm trên, đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số của Sóc Trăng được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có ý thức tổ chức, kỷ luật, gắn bó mật thiết với nhân dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Nhiều cán bộ là người dân tộc thiểu số có sự cầu thị, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu trong công tác và học tập, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương.

Đến kinh nghiệm

Từ thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số của tỉnh Sóc Trăng, rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là,
luôn quan tâm, chú trọng quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc và cán bộ người dân tộc. Trên cơ sở đó, các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể có những định hướng phù hợp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ở địa phương.

Hai là,
quan tâm tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của công tác phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Các cấp ủy xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác cán bộ của địa phương. Đồng thời để xây dựng được đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số cần sự phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm của các cấp, cách ngành từ tỉnh đến cơ sở và phương pháp tổ chức thực hiện phải thiết thực, tránh làm qua loa, hình thức.  

Ba là,
đổi mới công tác quy hoạch, tạo nguồn đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Thường xuyên rà soát, bổ sung, quy hoạch cán bộ là người dân tộc thiểu số từ cơ sở đến cấp huyện, cấp tỉnh, đặc biệt là các chức danh chủ chốt ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Coi trọng thu hút đội ngũ trí thức trẻ về công tác; lựa chọn cán bộ trẻ, có năng lực để đào tạo, bồi dưỡng; mở rộng ngành, nghề đào tạo phù hợp ở các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, các trường, lớp nội trú cho con em đồng bào dân tộc để tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số.

Bốn là,
xác định mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cụ thể cho đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Coi trọng đổi mới nội dung chương trình, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với điều kiện công tác thực tiễn của cán bộ là người dân tộc thiểu số. Trong đào tạo, bồi dưỡng quán triệt phương châm gắn lý thuyết với thực tiễn, học đi đôi với hành, đảm bảo hiệu quả thiết thực. Chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng kết hợp kiến thức nghiệp vụ, pháp luật và kỹ năng thực hành.

Năm là
, tạo động lực và điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi cho đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số phát huy khả năng. Đảm bảo hệ thống tiền lương khoa học, hợp lý; các quy định về chế độ chính sách đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số được thực thi kịp thời. Tăng cường các cơ chế, chính sách riêng cho cán bộ người dân tộc thiểu số... Đồng thời bảo đảm phân công công việc phù hợp với khả năng, năng lực, sở trường và tạo cơ hội trưởng thành trong công tác.

Sáu là,
thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và quản lý đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể trong việc phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất