Đắc Lắc là địa bàn có nhiều dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 31,69% tổng số dân. Hiện nay, Tỉnh ủy Đắc Lắc có 21 đảng bộ trực thuộc, với 920 tổ chức cơ sở đảng. Tổng số đảng viên là 47.690 đồng chí, trong đó đảng viên người dân tộc thiểu số là 6.571 đồng chí. Thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, Tỉnh uỷ Đắc Lắc đã cụ thể hoá bằng việc ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 14-1-2005 về lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số.
Sau khi Nghị quyết được ban hành, các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn tỉnh đã cụ thể hóa, triển khai thực hiện đồng bộ những giải pháp trọng tâm, mang lại những kết quả tích cực, góp phần tăng cường đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số của tỉnh cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới; tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số được duy trì hợp lý ở các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh.
Công tác tiếp nhận, quy hoạch, bố trí, phân công công tác đối với cán bộ dân tộc thiểu số được các cấp ủy đảng quan tâm chỉ đạo thực hiện, trong đó đặc biệt chú trọng việc bố trí cán bộ phù hợp với trình độ chuyên môn, chuyên ngành đào tạo. Hiện nay, tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh là 39.799 người, trong đó cán bộ người dân tộc thiểu số 4.635 người, chiếm 11,62%, tăng 0,39% so với năm 2005 và 0,82% so với năm 2000. Nhiều cấp uỷ, cơ quan, đơn vị đã thực hiện tốt công tác này, nâng tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số lên cao hơn nhiều so với tỷ lệ chung của Tỉnh, như Ban Dân tộc 40%, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh 27,27%, huyện Lăk đạt 25,73%, UBMTTQ tỉnh 19,23%, Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh (HĐND) 18%, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ 17%...
Việc bố trí cán bộ dân tộc thiểu số để bầu vào các chức danh chủ chốt được quan tâm cũng góp phần tăng tỷ lệ cán bộ này trong đại biểu HĐND và ủy viên BCH đảng bộ các cấp. Tỷ lệ ủy viên BCH đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 là người dân tộc thiểu số chiếm 32,7% tăng 13,2% so với nhiệm kỳ 2005-2010; uỷ viên BCH đảng bộ huyện và tương đương là 16,4%, giảm 0,71%; ủy viên BCH đảng bộ cơ sở là 13,91%, tăng 2,26%. Tỷ lệ đại biểu HĐND là người dân tộc thiểu số ở cấp tỉnh chiếm 34,7%; huyện, thị xã, thành phố là 25,8%; xã, phường, thị trấn 31,2%.
Công tác tạo nguồn cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ dân tộc thiểu số được đẩy mạnh. Nhiều con em của cán bộ, gia đình cách mạng là người dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp THPT, bộ đội xuất ngũ chưa có việc làm được cử tuyển đi đào tạo các ngành kinh tế, quân đội, công an... và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp. Từ năm 2005 đến 2010, Tỉnh đã đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gần 45 tỷ đồng. Số lượng học sinh, cán bộ dân tộc thiểu số được đào tạo khoảng 17.000 người. So với năm 2005, trình độ của đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số được nâng lên một bước. Số cán bộ có trình độ đại học trở lên ở cấp tỉnh là 69%, tăng 25,5%; cấp huyện là 61%, tăng 18%; 60% cán bộ cấp xã có trình độ học vấn tốt nghiệp THPT. Trình độ lý luận chính trị cao cấp và cử nhân: cấp tỉnh là 13,17% tăng 4,4%, cấp huyện là 15,38% tăng 11,4%, cấp xã là 3,5% tăng 1,5%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế: Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở một số địa phương, đơn vị còn thiếu, tính kế thừa giữa các thế hệ cán bộ chưa bảo đảm, nhất là nguồn cán bộ tại chỗ. Một số cấp uỷ chưa mạnh dạn bố trí, sử dụng cán bộ trẻ, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm phát huy trình độ của đội ngũ này trong công tác. Công tác tạo nguồn cán bộ chưa thực sự gắn với quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ. Công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương, đơn vị với các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp (trong và ngoài tỉnh) và các trường phổ thông dân tộc nội trú trong giáo dục, đào tạo cán bộ chưa thật tốt. Chưa bố trí công tác kịp thời và hết số học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số đã qua đào tạo. Một số chính sách đối với cán bộ dân tộc thiểu số tuy đã được triển khai thực hiện song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn hiện nay.
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do: Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quán triệt sâu sắc chỉ thị, nghị quyết đến các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên; chưa xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể; công tác kiểm tra việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết chưa được coi trọng đúng mức. Chính sách động viên, thu hút cán bộ dân tộc thiểu số về công tác tại các địa phương, cơ sở chưa thoả đáng. Công tác quản lý, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức với cán bộ chưa được quan tâm đúng mức. Công tác tuyển dụng cán bộ còn một số mặt hạn chế.
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh uỷ Đắc Lắc, có thể rút ra kinh nghiệm bước đầu: Cần tổ chức quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết để các cấp uỷ đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Các cấp uỷ đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, quan tâm đúng mức đến công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, quy hoạch, luân chuyển và bổ nhiệm cán bộ là người dân tộc thiểu số. Tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ dân tộc thiểu số được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực công tác để góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Công tác tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ là người dân tộc thiểu số là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài và phải gắn với nhiệm vụ chính trị, kinh tế, an ninh-quốc phòng của từng cơ quan, đơn vị và mỗi địa phương.
Thu Thảo