Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(1). Từ những năm 20 của thế kỷ trước, trong nỗ lực truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin về Việt Nam, tại Quảng Châu (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã mở các lớp học đào tạo về lý luận cách mạng và cách thức hoạt động cách mạng cho những thanh niên Việt Nam yêu nước.
Từ những cán bộ cách mạng đầu tiên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đào tạo và cử về nước, đội ngũ cán bộ của Đảng đã được nhân rộng, lớn mạnh và trưởng thành trong tranh đấu, đủ khả năng đảm đương chức trách do Đảng và nhân dân giao phó. Vững niềm tin vào Đảng, vào tương lai tươi sáng của dân tộc, những cán bộ của Đảng không sợ hy sinh gian khổ, luôn đi đầu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thắng lợi cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chiến lược trồng người và coi cán bộ là cái gốc của công việc, công tác tổ chức cán bộ của Đảng luôn coi trọng đào tạo và bồi dưỡng cán bộ. Song song với tăng cường và củng cố nhận thức lý luận, các thế hệ cán bộ thời kỳ đổi mới được tập trung đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, chuyên ngành. Sự đổi mới về chất trong công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn này đã góp phần quan trọng và quyết định vào những thành tựu to lớn của nền kinh tế đất nước, đồng thời đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong nhận thức của Đảng về công tác cán bộ. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ đã đề ra phương hướng chung của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, đó là: “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ toàn diện cả về lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn và năng lực thực tiễn. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cả cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, các nhà doanh nghiệp và các chuyên gia, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị; coi trọng cả đức và tài, đức là gốc. Việc học tập của cán bộ phải được quy định thành chế độ và phải được thực hiện nghiêm ngặt. Mọi cán bộ phải thường xuyên nâng cao trình độ mọi mặt…”.
Hội nghị Trung ương lần thứ chín khóa X kiểm điểm 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ đã phân tích, đánh giá nghiêm túc kết quả công tác cán bộ, trong đó có công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chỉ rõ:
Việc triển khai thực hiện Chiến lược cán bộ đã quán triệt nghiêm túc các quyết định, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời kỳ mới; đã kiện toàn và thành lập hệ thống các trường chính trị cấp tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện; tiến hành đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công tác nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. Các cấp ủy tỉnh, thành phố đã phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Nội vụ, các trường đại học trong và ngoài nước mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về các chuyên ngành kinh tế quản lý xã hội, ngoại ngữ, tin học…, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, tài năng, cán bộ lãnh đạo, quản lý ở trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Chiến lược đã góp phần hình thành hành lang pháp lý, sự đổi mới trong tư duy hệ thống về quản lý và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Quốc hội, Chính phủ đã cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong thời kỳ đổi mới thành luật, pháp lệnh, các quyết định.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức về cơ bản đã được thực hiện trên cơ sở các kế hoạch dài hạn, có định hướng chỉ tiêu, đối tượng, nội dung và thời gian cụ thể. Các bộ, ngành và địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức từng giai đoạn của đơn vị mình. Về chất lượng, đại bộ phận cán bộ, công chức đã qua đào tạo, bồi dưỡng đều nâng cao được trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, một số đã vươn lên bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công cuộc đổi mới đất nước.
Đã thể chế hoá và quy định rõ nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; phân biệt rõ hai chương trình: chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh và chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ. Nội dung, chương trình, tài liệu thường xuyên được nghiên cứu, hoàn thiện trên cơ sở cập nhật các vấn đề mới. Phương thức đào tạo, bồi dưỡng linh hoạt và đa dạng với nhiều loại hình; đổi mới phương pháp giảng dạy, phát huy tích cực và tư duy sáng tạo của người học.
Đã hình thành một hệ thống các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tương đối hoàn chỉnh gồm: Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; 32 học viện, trường, trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức bộ, ngành (không kể trường của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an); 63 trường chính trị cấp tỉnh và mỗi huyện, quận, thị xã thuộc tỉnh có 1 trung tâm bồi dưỡng chính trị, hầu hết được đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học.
Công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức ở ngoài nước trong những năm gần đây được coi trọng, Ban Bí thư đã quyết định triển khai Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước (Đề án 165). Hai năm qua trong điều kiện vừa phải xây dựng, hoàn chỉnh cơ chế chính sách vừa tổ chức thực hiện ở hơn 10 quốc gia, đến nay đã triển khai tất cả các loại hình đào tạo, bồi dưỡng của Đề án. Đã có 391 cán bộ được cử đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và gần 3 ngàn cán bộ đi nghiên cứu, bồi dưỡng ở nước ngoài; đã khai thác các nguồn tài trợ từ Na Uy, úc, Trung Quốc, Đức… để tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc ít người, cán bộ cấp thứ trưởng và tương đương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ bộc lộ những yếu kém, hạn chế:
Công tác quy hoạch cán bộ mang tính dài hạn và tổng thể còn nhiều bất cập và chưa hoàn thiện, chưa gắn đào tạo với sử dụng, gây lãng phí trong đào tạo, việc cử cán bộ, công chức đi học còn dàn trải, chạy theo số lượng hoặc sau khi bổ nhiệm cán bộ mới cử đi đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh, một số cán bộ quản lý chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo(2).
Nội dung, chương trình, tài liệu học tập lạc hậu, trùng lặp, chưa theo kịp yêu cầu của thực tế. Tài liệu học tập nặng lý thuyết, nhẹ thực hành, thiếu các kỹ năng, thao tác công việc, bài tập tình huống và kinh nghiệm xử lý công việc. Phương pháp giảng dạy ở một số cơ sở đào tạo chậm đổi mới, nặng về truyền đạt kiến thức, chưa chú trọng đến truyền đạt phương pháp tổ chức và kỹ năng quản lý cho cán bộ, công chức. Việc áp dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến, hiện đại vào đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức còn ít, chưa phổ biến. Chưa xây dựng được đội ngũ giảng viên chuyên ngành về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Tỷ lệ giảng viên có học hàm, học vị cao và đã qua bồi dưỡng phương pháp giảng dạy còn thấp(3).
Năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng còn hạn chế, chưa chuyên nghiệp, nhiều nơi còn kiêm nhiệm, không ổn định. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập của nhiều trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức còn nghèo nàn và thiếu đồng bộ.
Khung pháp lý quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức còn thiếu, bất cập. Việc triển khai công tác chuẩn bị và ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Điều 49 Luật Giáo dục của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân còn chậm. Công tác thanh tra, kiểm tra đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức còn nhiều hạn chế. Các công cụ quản lý: tiêu chuẩn giảng viên, các tiêu chí giám sát, đánh giá nội dung, chương trình, đánh giá sau đào tạo, bồi dưỡng chậm được xây dựng.
Những hạn chế trên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Song chủ yếu là những nguyên nhân chủ quan:
Công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chiến lược cán bộ của các cơ quan Trung ương chưa hiệu quả, chưa tạo bước chuyển biến có tính đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Một số vấn đề lớn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ như: phân biệt giữa đào tạo theo quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ với đào tạo lý luận chính trị, quản lý nhà nước theo chuẩn công chức; phân biệt giữa bồi dưỡng dài hạn với đào tạo chuyển đổi chuyên môn nghiệp vụ; về các cấp độ đào tạo (cao cấp, trung cấp, sơ cấp) gắn với phân cấp đào tạo; về tính liên thông giữa các loại chương trình đào tạo bồi dưỡng; về giá trị các loại văn bằng, chứng chỉ… đã đặt ra trong nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo, khẩn trương giải quyết. Các cơ quan chủ quản thực hiện quản lý đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ yếu vẫn sử dụng các phương pháp hành chính và bao cấp (giao chỉ tiêu, cấp kinh phí). Trình độ, năng lực quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa theo kịp yêu cầu đổi mới.
Sự phối hợp giữa các cấp ủy, các cơ quan tổ chức cán bộ với các cơ sở đào tạo chưa được tiến hành tốt. Nhiều tỉnh, thành ủy muốn tổ chức các lớp tại chức đặt tại địa phương để có thể cử nhiều cán bộ đi học, hoặc cử cán bộ đi học vượt quá số lượng phân bổ. Trong nhiều năm vẫn chưa xây dựng được kế hoạch chung thống nhất giữa việc cử cán bộ đi đào tạo lý luận chính trị do Ban Tổ chức Trung ương chủ trì và việc cử cán bộ đi đào tạo quản lý nhà nước về hành chính do Bộ Nội vụ chủ trì.
Các trường chính trị tỉnh, thành phố trong một thời kỳ dài do hai cơ quan chỉ đạo, hướng dẫn về nội dung, chương trình (Học viện CTQG Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia) nên có sự chồng chéo, phân tán. Một số cơ sở đào tạo chưa coi trọng đúng mức hình thức bồi dưỡng. Các trường chính trị tỉnh, thành phố chưa có kế hoạch tổ chức thường xuyên các lớp cập nhật, bồi dưỡng nghiệp vụ lãnh đạo, quản lý cho các đối tượng đã qua đào tạo cơ bản.
Chính sách sử dụng cán bộ, công chức còn nhiều bất hợp lý. Việc phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trình độ cao, các chuyên gia giỏi còn nhiều bất cập, chưa có cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích họ làm việc và sáng tạo; chưa tạo động lực để cán bộ, công chức tích cực học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng và hợp tác phối hợp trong công tác. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tự giác học tập, nâng cao trình độ hoặc coi việc đi học chỉ là đối phó, cốt để có bằng để đủ điều kiện bổ nhiệm, bầu cử, nâng ngạch.
Đất nước ta đang cần một đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất và năng lực tốt, “có cơ cấu phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới”(4). Để đạt được mục tiêu nhiệm vụ đặt ra cần phải tạo chuyển biến sâu sắc trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo quy hoạch, theo tiêu chuẩn chức danh cán bộ, chú trọng bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, coi đây là giải pháp quan trọng hàng đầu trong thực hiện Chiến lược cán bộ trong giai đoạn mới. Củng cố, nâng cao chất lượng về mọi mặt của hệ thống đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Huy động mọi nguồn lực và tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước cho việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả trong và ngoài nước, cho cán bộ trong và ngoài Đảng, trong và ngoài Nhà nước. Xây dựng chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến lược quốc gia về nhân tài đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, CNH, HĐH đất nước và chủ động hội nhập quốc tế. Các giải pháp cụ thể là:
Thống nhất nhận thức về đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, nhiệm vụ chính trị của đất nước, bám sát mục tiêu, yêu cầu, định hướng của Chiến lược cán bộ.
Đổi mới nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng thiết thực, sát với đối tượng và mục tiêu đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo chức danh. Đánh giá chính xác nhu cầu bồi dưỡng, nội dung, chương trình, loại hình bồi dưỡng. Đổi mới chương trình theo hướng làm sáng rõ hơn những vấn đề lý luận cơ bản, quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng và những vấn đề mới nảy sinh của thực tiễn trong nước và quốc tế. Bổ sung kiến thức thực tiễn, kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng và phương pháp xử lý tình huống; gắn lý luận với thực tiễn, chú trọng rèn luyện năng lực tư duy khoa học, khả năng xử lý tình huống, trau dồi đạo đức, lối sống.
Đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, khả năng độc lập suy nghĩ, sáng tạo của người học, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, đào tạo suốt đời. Nghiên cứu rút ngắn thời gian đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trên cơ sở quy hoạch cán bộ. Phân cấp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hệ thống từ Trung ương đến địa phương. Từng bước giảm đào tạo cao cấp lý luận chính trị-hành chính hệ tại chức và tăng đào tạo hệ tập trung.
Đa dạng hoá phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (kết hợp đào tạo, bồi dưỡng trong nước với đưa đi nghiên cứu ở nước ngoài, mời chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm sang giới thiệu các chuyên đề mà ta cần).
Năm 2011 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, trong bối cảnh quốc tế và trong nước có những biến đổi sâu sắc, đòi hỏi tiếp tục đổi mới hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị vững vàng, năng lực và trình độ chuyên môn cao đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
———————
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2002, tập 5, tr.269.
(2) Theo kết quả tổng điều tra, ở Trung ương công chức lãnh đạo từ cấp phòng đến phó vụ trưởng còn 5,54% chưa học lý luận chính trị, 12,26% chưa học quản lý hành chính nhà nước; ở địa phương, lãnh đạo từ cấp phòng đến cấp tỉnh còn 14,54% chưa học lý luận chính trị, 27% chưa học quản lý nhà nước.
(3) Theo báo cáo của 63 trường chính trị cấp tỉnh, trường bồi dưỡng cán bộ bộ, ngành (tháng 3-2008), số giảng viên cơ hữu có học hàm giáo sư, phó giáo sư chỉ chiếm 0,17%, trình độ tiến sĩ chiếm 2,51%, trình độ thạc sĩ chiếm 28,69% và còn 12,65% giảng viên cơ hữu, 46,11% giảng viên kiêm nhiệm, 88,29% giảng viên hợp đồng chưa qua bồi dưỡng phương pháp sư phạm.
(4) Kết luận số 37-KL/TW ngày 2-2-2009 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa X về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020.
Nguyễn Văn Quynh
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương