Để đảm bảo hai thành phần quan trọng là cán bộ nữ và cán bộ trẻ nhằm tạo sự bình đẳng, tính kế cận và bước đột phá trong công tác cán bộ, chủ trương của Bộ Chính trị là tăng tỷ lệ cán bộ nữ và trẻ lên 15%. Tuy nhiên tại đại hội đảng các cấp, chúng ta thấy cả hai tiêu chí đều chưa đạt yêu cầu đề ra, trong đó, tỷ lệ cấp ủy viên trẻ đạt rất thấp.
Chưa đạt yêu cầu nhưng đã có nhiều tiến bộ so với nhiệm kỳ trước
Tuy số lượng cán bộ nữ vẫn chưa đạt yêu cầu (15%) tại hầu hết các tổ chức cơ sở đảng do Bộ Chính trị đề ra nhưng con số này đã có nhiều tiến bộ so với nhiệm kỳ trước, một số nơi đạt và vượt 15%. Đồng chí Nguyễn Công Bình, Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái cho biết, kết quả đáng phấn khởi từ đại hội chi, đảng bộ cấp cơ sở tại Yên Bái là trong tổng số 4.038 cấp ủy viên chi, đảng bộ cơ sở, nữ có 784 người, chiếm tỷ lệ 19,42% (tăng 3,38% so với khóa trước). Có không ít chi, đảng bộ cơ sở có tỷ lệ cấp ủy viên là nữ chiếm trên 30%.
Tại huyện Yên Bình, trong nhiệm kỳ này, nhiều đảng bộ cơ sở có tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 18% trở lên như: Đảng bộ xã Vĩnh Kiên 20%, Đảng bộ thị trấn Yên Bình trên 26%, Đảng bộ thị trấn Thác Bà trên 26%, đặc biệt ở Đảng bộ xã Đại Đồng là 38%. Đồng chí Phùng Đình Lai - Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Yên Bình cho hay, để các chi, đảng bộ cơ sở đạt được tỷ lệ cán bộ nữ, ngay từ khi chuẩn bị nhân sự trước đại hội, huyện đã chỉ đạo các chi, đảng bộ cơ sở xây dựng nhân sự báo cáo huyện với tỷ lệ số cấp ủy viên mới tham gia không dưới 30%, tỷ lệ nữ không dưới 50%, trẻ dưới 35 tuổi không dưới 15%. Tất cả nhân sự tham gia đại hội phải bảo đảm cả về trình độ chuyên môn cũng như chính trị và tiến hành tốt các bước khảo sát trước khi làm nhân sự, chú trọng yếu tố nữ nên kết quả đạt khá cao.
Nhiều địa phương khác như huyện Lục Yên cũng có tỷ lệ cấp ủy viên nữ chiếm 18% cấp ủy viên khóa mới; Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Yên Bái, cấp ủy viên nữ chiếm trên 22%, tăng 3,64% so với khóa trước; huyện Văn Chấn, tỷ lệ cấp ủy viên nữ chiếm 17,5% và cấp ủy viên là nữ dân tộc thiểu số đã được chú trọng.
Đại hội các đảng bộ cơ sở của Tp.Hà Nội cho thấy, phần lớn các đơn vị tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy đều đạt và vượt trên 15% so với quy định. Nhiều đơn vị tỷ lệ nữ chiếm 30-40% trong cấp ủy. Đối với huyện miền núi Ba Vì, công tác cán bộ nữ gặp nhiều khó khăn. Do kinh tế hạn hẹp, nhiều chị em tập trung làm kinh tế gia đình, một số có biểu hiện ngại khó, ngại khổ, chưa có ý thức học tập, bồi dưỡng, tự rèn luyện phấn đấu vươn lên. Nhưng nhiệm kỳ này đã đánh dấu bước chuyển đáng kể. Trong số 614 cấp ủy viên được bầu tại các đại hội đảng bộ cơ sở vừa qua có 118 cán bộ nữ, chiếm 19,2%.
Tại Tp.Hồ Chí Minh, trong 1.811 đồng chí tham gia ban chấp hành (tăng 189 đồng chí so với nhiệm kỳ trước), có 394 nữ, đạt tỷ lệ 21,75%, tăng 0,54% so với nhiệm kỳ trước, trong đó khối quận, huyện đạt 26,63%, khối sở - ngành đạt 15,5%.
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 10 đảng bộ được chọn thực hiện thí điểm. Số cấp ủy viên mới tham gia chiếm 44,5%, tỷ lệ nữ tuy chưa đạt yêu cầu 15% của Trung ương đề ra nhưng đã có tiến bộ nhiều so với nhiệm kỳ trước, đạt 12,3%.
Thống kê tỉ lệ cán bộ cấp uỷ là nữ tại đại hội cấp huyện cho thấy, nữ đạt 14% (tăng 0,6%) so với khóa trước. Một số huyện thuộc Đảng bộ Sơn La đạt trên 19%, một số huyện thuộc Đảng bộ Tuyên Quang đạt 19,7%...
Từ kết quả này có thể khẳng định rằng, cấp ủy các cấp đã quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ nữ khẳng định năng lực, trình độ, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng. Đây là kết quả của việc vận dụng sáng tạo chính sách, đổi mới nhận thức về cán bộ nữ của cấp ủy các cấp. Đặc biệt, các cấp ủy đã có những giải pháp thiết thực giúp cán bộ nữ nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn để khẳng định năng lực của mình. Bên cạnh đó phải kể đến việc trong những năm gần đây, hầu hết cấp ủy các cấp đã thực hiện tốt quá trình qui hoạch, chuẩn bị công phu, bảo đảm tính kế thừa và phát triển trong công tác cán bộ, trong đó có cán bộ nữ.
Kết quả này cũng đặt ra cho công tác nhân sự trong những năm tiếp theo phải gắn việc chuẩn bị nhân sự với công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhận xét đánh giá cán bộ trong suốt nhiệm kỳ; phải trên cơ sở quy hoạch cán bộ để lựa chọn nhân sự cho cấp ủy khóa mới đủ số lượng; khắc phục tình trạng hẫng hụt cán bộ. Đặc biệt phải chú ý quan tâm cán bộ nữ để tạo ra nguồn nhân sự cấp ủy cho nhiều khóa, bảo đảm tính liên tục, kế thừa, phát triển. Trong công tác tuyên truyền cần phải làm chuyển biến nhận thức của xã hội, tránh tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”...
Trẻ hóa cán bộ còn rất khó khăn?
Báo cáo của Thành ủy Hà Nội đánh giá, đa số các đảng bộ chuẩn bị nhân sự cấp ủy khóa mới không đảm bảo tỷ lệ cán bộ trẻ; các đảng bộ khối doanh nghiệp, hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang không có người trong cấp ủy dưới 30 tuổi. Tỷ lệ cán bộ trẻ khối quận, huyện không đạt - chỉ có 5,7%. Còn kết quả bầu tại 8 đảng bộ trực thuộc, tỷ lệ này chỉ đạt 0,8% là quá thấp; chỉ có khoảng 5% số chi, đảng bộ đạt tỷ lệ cán bộ trẻ trên 15%, số này hầu hết nằm tại các phường, xã. Bí thư Huyện ủy Ba Vì Hoàng Thanh Vân cho rằng, mặc dù cố gắng đưa cán bộ trẻ vào, nhưng ra đại hội cân nhắc, thấy khó sắp xếp công việc sau này, nên tỷ lệ bầu đạt thấp. Bí thư Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Khả Hùng nhìn nhận, mặc dù đã có hai nghị quyết từ hai năm trước nhưng tỷ lệ cán bộ trẻ ở Đông Anh cũng chỉ tăng từ 4% lên 11%.
Tương tự như Hà Nội, kết quả bầu cử tại 66/69 đảng bộ đại hội thí điểm của thành phố Hồ Chí Minh đã bầu được 661 ủy viên ban chấp hành, trong đó cán bộ trẻ dưới 30 tuổi là 47 đồng chí, đạt 7,11%. Cũng theo báo cáo của Tỉnh ủy Bến Tre, số cán bộ trẻ giới thiệu tham gia cấp ủy có tỉ lệ khá cao nhưng khi đi vào đại hội kết quả bầu cử đạt thấp. Tỉ lệ cấp ủy viên trẻ ở Đảng bộ huyện Giồng Trôm, Bình Đại, Mỏ Cày Nam đạt từ 4,44 đến 4,65%...
Tại tỉnh Bắc Ninh “cấp uỷ khoá mới có tuổi đời bình quân 44,19 tuổi, giảm 1,43 tuổi so với khoá trước” hay Hải Phòng “Độ tuổi bình quân nhân sự cấp ủy đảng còn cao, tỷ lệ cán bộ trẻ dưới 40 chưa đạt yêu cầu”... Qua đại hội các cấp trong cả nước cho thấy, tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp ủy khóa mới lần này tại các tỉnh, thành phố đều đạt thấp (5-7%), cá biệt có một số nơi không có cán bộ trẻ tham gia cấp ủy tỉnh khóa mới.
Đi tìm lời giải cho bài toán cán bộ trẻ tham gia cấp ủy tại sao lại quá thấp trước tiên cần nhìn nhận đội ngũ cán bộ trẻ tại cơ sở hiện nay rất thiếu. Nếu có thì chủ yếu là bí thư chi đoàn, cán bộ, công chức mới được tuyển dụng, thời gian cống hiến chưa nhiều, chưa khẳng định được năng lực và sự tín nhiệm của bản thân nên tỷ lệ phiếu thấp. Mặt khác, thành phần bỏ phiếu chủ yếu lại là những người lớn tuổi, chưa có điều kiện tiếp xúc nhiều với cán bộ trẻ, nên còn nghi ngại. Vì thế, cán bộ trẻ tham gia dự đại hội đã khó, được bầu còn khó hơn nữa.
Điều này cũng cho thấy các cấp ủy vẫn còn bị động trong công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ, chưa quan tâm đến nguồn nhân lực chất lượng cao dẫn đến một bộ phận cán bộ trẻ mặc dù phấn đấu tốt nhưng không được trọng dụng, giao nhiệm vụ dẫn đến tình trạng chán nản, xin chuyển ra khỏi cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, nguyên nhân còn nằm ở một bộ phận các bạn trẻ tự bằng lòng với hiện tại, mai một tinh thần phấn đấu vươn lên, thiếu hăng hái, xung kích.
Thực tiễn từ đại hội các cấp đã để lại những kinh nghiệm quí cho cấp ủy khóa mới trong công tác qui hoạch cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ. Công tác cán bộ không chỉ được tiến hành một sớm, một chiều mà đòi hỏi quá trình quy hoạch, chuẩn bị công phu bảo đảm tính kế thừa và phát triển. Do đó, ngoài việc thực hiện đồng bộ các khâu từ rà soát, tạo nguồn, đào tạo, bố trí và sử dụng cán bộ trẻ... thì cũng cần phải thay đổi nhận thức một bộ phận cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền về công tác cán bộ trẻ; tạo môi trường để cán bộ trẻ được thử thách và rèn luyện. Thường xuyên gần gũi, hướng dẫn, định hướng, góp ý, chia sẻ với cán bộ trẻ, tạo động lực để cán bộ trẻ phấn đấu, trưởng thành. Tuy nhiên, để cấp ủy có điều kiện đánh giá và qui hoạch, lớp cán bộ trẻ cũng cần chủ động, dám nhận, dám làm việc khó để khẳng định mình qua thực tiễn công việc được giao.
Nguồn: Báo Điện tử ĐCSVN