Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam khóa XVIII
Các cháu thiếu nhi chúc mừng Đại hội

Từ  ngày 14 đến 17-10-2010, tại Nhà Văn hoá trung tâm tỉnh, diễn ra trọng thể Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam khóa XVIII, nhiệm kỳ 2010-2015 với sự tham dự của 315 đại biểu đại diện cho hơn 43 ngàn đảng viên của 10 đảng bộ trực thuộc.  

Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về dự và chỉ đạo Đại hội. Về dự đại hội còn có các đồng chí: Nguyễn Thị Doan, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch nước; Trung tướng Ngô Xuân Lịch, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng; Hoàng Văn Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Phạm Văn Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Văn An, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; đại diện các ban Đảng Trung ương và nhiều khách quý.  

Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể, năng động, sáng tạo, hoàn thành toàn diện, vượt mức 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Nổi bật là: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển, đạt tốc độ tăng trưởng cao, có chuyển biến về cơ cấu sản xuất, quy mô và chất lượng. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 23,4%/năm (vượt 2,9%/năm), đạt 27.490 tỷ đồng (giá so sánh), nâng tỷ trọng giá trị trong GDP từ 41,3%/ (năm 2005) lên 47,5% (năm 2010). Ngành công nghiệp vật liệu xây dựng trở thành ngành mũi nhọn với cơ cấu sản phẩm, quy mô ngày càng lớn, đến năm 2010, sản lượng xi măng đạt hơn 4 triệu tấn. Đã quy hoạch được 8 khu công nghiệp với diện tích 1.780 ha; có 4 khu đã được đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút trên 100 dự án đầu tư, có 35 dự án đầu tư nước ngoài, giải quyết việc làm cho gần 20 nghìn lao động, chiếm 55% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, nộp ngân sách Nhà nước gần 300 tỷ đồng.

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng bình quân 4%/năm (đạt chỉ tiêu Đại hội); cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, thuỷ sản từ 31,2% (năm 2005) lên 39,5% (năm 2010). Vụ đông trồng cây hàng hoá trở thành vụ sản xuất chính, năm 2010 đạt 18.500ha. Sản lượng lương thực bình quân đạt 445.800 tấn/năm (vượt chỉ tiêu Đại hội trên 30 nghìn tấn). Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 5 năm đạt trên 23.000 tỷ đồng, bình quân tăng 18,6%/năm. Giá trị xuất khẩu tăng bình quân 30,4%/năm. Doanh thu du lịch tăng bình quân 15%/năm. Thu ngân sách nhà nước năm 2010 ước đạt trên 1.200 tỷ đồng; kinh tế tư nhân phát triển mạnh, trên địa bàn tỉnh có gần 2.000 doanh nghiệp hoạt động, đăng ký sử dụng hơn 208 nghìn lao động. Trong 5 năm, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 28.500 tỷ đồng, tăng bình quân 38%/năm, gấp 5 lần giai đoạn 2001 - 2005. 

Về văn hoá-xã hội: Đến năm 2010, gần 100% hộ dân đô thị, 75% hộ dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh; đạt 85 máy điện thoại/100 dân, gấp 10 lần so với năm 2005; 1,63 thuê bao Internet/100 dân; dịch vụ Internet phủ đến 100% thôn, làng. Hoàn thành tốt mục tiêu Chương trình quốc gia về giáo dục - đào tạo. Đến nay, toàn tỉnh có 228/405 trường được công nhận chuẩn quốc gia, chiếm 56,3%; có 102/116 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, 81% trạm y tế xã có bác sỹ. Có 85,1% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá; 80% làng, tổ phố đạt tiêu chuẩn khu dân cư tiên tiến và tiêu chuẩn văn hoá; 76,9% số thôn, làng có nhà văn hoá, nơi sinh hoạt cộng đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7% , từ năm 2007, đã hoàn thành xoá nhà tranh, vách đất cho hộ nghèo. Trong 5 năm, đã giải quyết việc làm mới cho 65.184 lao động; có trên 83 nghìn lao động được đào tạo, chiếm 35% tổng số lao động xã hội.

Công tác xây dựng Đảng có nhiều kết quả tích cực. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai sâu rộng, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; đã có nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Sau 3 năm thực hiện Cuộc vận động, có 238 tập thể và 259 cá nhân tiêu biểu, trong đó có 75 tập thể và cá nhân được cấp tỉnh khen thưởng.

Tỉnh uỷ đã ban hành và thực hiện có hiệu quả Chương trình “Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở”; các cấp uỷ, tổ chức đảng tập trung củng cố kiện toàn bộ máy, cán bộ đảm bảo hoạt động ngày càng hiệu quả. Thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch uỷ ban nhân dân xã của 6 xã bước đầu đạt hiệu quả. Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh có chuyển biến tích cực. Chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, quản lý, rèn luyện và phân công nhiệm vụ cho đảng viên. Bình quân hằng năm số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh đạt 85,43%; số yếu kém còn 0,46%.

Công tác quy hoạch cán bộ các cấp đã đi vào nền nếp, đảm bảo chất lượng. Công tác kiện toàn, điều động, luân chuyển cán bộ đạt kết quả tích cực, hầu hết các cán bộ luân chuyển đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong nhiệm kỳ, đã điều động và luân chuyển 256 đồng chí, trong đó 17 đồng chí thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý, có 5 đồng chí lãnh đạo sở, ban, ngành về làm bí thư huyện, thành uỷ.
Nhiệm kỳ qua, toàn Đảng bộ đã kết nạp được 6.375 đảng viên mới, trong đó, tỷ lệ đoàn viên chiếm 59,8%, nữ 49,6%, nông dân 25,1%, là tín đồ tôn giáo 1,8%.   
Công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng được tăng cường, chất lượng hiệu quả được nâng lên. 5 năm qua, các cấp uỷ đã kiểm tra 3.795 lượt tổ chức đảng cấp dưới về chấp hành Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Uỷ ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra 38 tổ chức đảng cấp dưới và 268 đảng viên (có 111 đồng chí là cấp uỷ viên các cấp) khi có dấu hiệu vi phạm. Các cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra các cấp tổ chức giám sát chuyên đề đối với 2.812 lượt tổ chức đảng cấp dưới và 7.303 lượt đảng viên. 5 năm, đã thi hành kỷ luật 709 đảng viên, trong đó có 216 cấp uỷ viên, giảm 28% so với nhiệm kỳ trước. Nội dung vi phạm chủ yếu là do thiếu tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghị quyết của Đảng không nghiêm; cố ý làm trái chế độ chính sách; vi phạm trong quản lý sử dụng đất đai, tham nhũng, lãng phí; vi phạm phẩm chất, đạo đức, lối sống.
Báo cáo chính trị cũng chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người đạt thấp, bằng khoảng 80% mức bình quân chung của cả nước. Hiệu quả sản xuất công nghiệp và sức cạnh tranh sản phẩm còn thấp. Mặc dù có nhiều chính sách và biện pháp thu hút nhưng đầu tư vào tỉnh chủ yếu vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thu hút đầu tư còn chậm, chưa thu hút được ngành công nghiệp có quy mô lớn, công nghệ cao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc các nước công nghiệp phát triển. Hạ tầng kỹ thuật trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch còn khó khăn, chất lượng hạn chế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành nông nghiệp còn chậm. Sản xuất hàng hoá tập trung, mô hình kinh tế trang trại chưa phát triển mạnh. Quy mô hàng hoá nông sản còn nhỏ. Thu, chi ngân sách còn mất cân đối. Tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách còn thấp...
Về công tác xây dựng Đảng, một số cấp uỷ đảng chưa thực sự coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và công tác dân vận. Công tác tuyên truyền vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh, nhất là tuyên truyền về giải phóng mặt bằng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo vệ môi trường... còn hạn chế. Kết quả thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chưa đồng đều ở các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc “làm theo” tấm gương đạo đức của Bác. Công tác tổ chức, cán bộ có mặt còn hạn chế. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức đảng và đảng viên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Việc đánh giá, phân loại tổ chức đảng và đảng viên có nơi chưa phản ánh đúng thực chất. Phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc của một số cấp uỷ còn chậm đổi mới, ít có nghị quyết chuyên đề. Cá biệt có tổ chức đảng thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc chưa nghiêm; tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình có nơi còn yếu. Một số cấp uỷ, tổ chức đảng chưa quan tâm đúng mức công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng. Chất lượng, hiệu quả một số cuộc kiểm tra, giám sát còn hạn chế. Một số cấp uỷ, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành có lúc, có việc chưa tập trung, kiên quyết, còn biểu hiện đùn đẩy, né tránh. Tổ chức thực hiện nghị quyết vẫn là khâu yếu. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở ở một số lĩnh vực còn yếu; thực hiện cải cách hành chính có mặt chưa đáp ứng yêu cầu.
Về  phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2010-2015, Báo  cáo  chính  trị  nêu rõ : Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp uỷ, tổ chức đảng; xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh… Phấn đấu đến năm 2015, Hà Nam đạt thu nhập bình quân đầu người bằng mức bình quân chung cả nước. Với  các chỉ tiêu chủ yếu: GDP tăng bình quân 13,5%/năm trở lên. Đến năm 2015: GDP bình quân đầu người đạt 40,2 triệu đồng trở lên. Có cơ cấu công nghiệp-xây dựng 54,8%; dịch vụ 32,0%; nông, lâm nghiệp 13,2%; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 2,8%/năm, công nghiệp tăng 22,1%/năm. Thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 2.800 tỷ đồng. Tỷ lệ dân số được dùng nước sạch và nước hợp vệ sinh ở thành thị đạt 100%, nông thôn đạt 90%. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 7,6%o. Giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1đến 1,2%/năm. Giải quyết việc làm mới cho 75.000 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%, trong đó qua  đào tạo nghề 45%... Hằng năm có 85% tổ chức cơ sở đảng, 80% chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở đạt trong sạch, vững mạnh và 85% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Với  tinh thần dân chủ, trí tuệ, đoàn kết, đổi mới, nêu cao trách  nhiệm, Đại hội đã dành nhiều thời gian thảo luận sôi nổi các dự  thảo văn kiện và bầu Ban Chấp hành mới, bầu đoàn đại biểu dự Đại hội XI của Đảng.

Ban Chấp hành Đảng bộ khoá XVIII

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành mới gồm 51 đồng chí (danh sách bầu có số dư 15%), trong đó nữ có 5 đồng chí; bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng gồm 16 chính thức và 1 dự khuyết.
Ban Chấp hành khoá mới họp phiên đầu tiên bầu Ban Thường vụ gồm 13 đồng chí (danh sách bầu có số dư 23,6%); bầu Uỷ ban Kiểm tra gồm 9 đồng chí.
Đồng chí Trần Xuân Lộc được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ, các đồng chí Lê Văn Tân, Mai Tiến Dũng được bầu làm Phó bí thư Tỉnh uỷ. Đồng chí Hoàng Nam được bầu làm Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất