Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010-2015 diễn ra trong 3 ngày từ 12 đến 14-10-2010. Dự Đại hội có 346 đại biểu thay mặt cho 49.422 đảng viên toàn Đảng bộ. Đồng chí Phạm Gia Khiêm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã dự và chỉ đạo Đại hội.
Thay mặt Bộ Chính trị, phát biểu với đạo Đại hội, đồng chí Phạm Gia Khiêm đã biểu dương những thành tích của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đạt được trong nhiệm kỳ qua. Đồng chí chỉ rõ: Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới, tỉnh Vĩnh Phúc cần chú ý khai thác tốt hơn lợi thế về vị trí địa lý trong vùng kinh tế trọng điểm của Bắc Bộ; vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng để bổ sung, hoàn thiện Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó, tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ triển khai và phát huy hiệu quả các công trình, dự án trọng điểm; chú trọng đến phát triển giao thông, thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài; tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, cụm công nghiệp, lấy công nghiệp làm nền tảng để phát triển các thành phần kinh tế; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế ngành du lịch, dịch vụ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình xóa đói, giảm nghèo; thường xuyên chăm lo công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có vai trò quyết định để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra.
Đồng chí Phạm Gia Khiêm lưu ý: Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc cần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", xây dựng Đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh; hướng mạnh về cơ sở, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực; coi trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng; tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...
Báo cáo Chính trị do đồng chí Phạm Văn Vọng, Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc trình bày tại Đại hội đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc khóa XIV (2005-2010) đã nêu bật những vấn đề trọng tâm: Trong nhiệm kỳ XIV (2005-2010), tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Vĩnh Phúc đạt 17,4%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp-xây dựng-dịch vụ, giảm tỷ trọng nông-lâm nghiệp-thuỷ sản. Ước năm 2010, giá trị công nghiệp-xây dựng chiếm 56,03%; dịch vụ: 30,23%; nông, lâm nghiệp, thuỷ sản: 13,74%. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 31 triệu đồng, tương đương 1.630 USD (mục tiêu Đại hội XIV đến 2010 đạt 1.200-1.250 USD), gấp 3,45 lần so với năm 2005. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 31,8%, trong đó thu nội địa chiếm tỷ trọng trên 80% tổng thu. Trong 5 năm (2006-2010) tổng thu ngân sách đạt trên 42.200 tỷ đồng, tăng 4,3 lần so với tổng thu 5 năm 2001-2005. Năm 2008, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt hơn 9.229 tỷ đồng, năm 2009 đạt gần 10.200 tỷ đồng và dự kiến năm 2010, thu ngân sách của Vĩnh Phúc đạt khoảng 12.000 tỷ đồng.
5 năm qua, các cấp ủy đảng đã bám sát nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Công tác quản lý, giáo dục và rèn luyện đảng viên được chú trọng. Công tác quy hoạch cán bộ được triển khai thực hiện tốt, tạo thế chủ động trong công tác cán bộ. Mỗi năm, Đảng bộ tỉnh đã kết nạp được trên 2.000 đảng viên. Đảng bộ luôn coi trọng phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, tăng cường công tác cải cách hành chính để giảm bớt phiền hà cho người dân. Trong nhiệm kỳ qua, mỗi năm Vĩnh Phúc giải quyết việc làm cho 20.000 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18,04% năm 2005 xuống còn 7% năm 2010. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với các phong trào thi đua yêu nước được thực hiện rộng khắp, mang lại hiệu quả thiết thực.
Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong nhiệm kỳ (2010-2015) là tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao theo hướng ổn định, bền vững; không ngừng nâng cao quy mô, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Xác định phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là nhân tố quyết định thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hoá. Lấy phát triển công nghiệp là nền tảng, lấy phát triển du lịch làm mũi nhọn. Tập trung xây dựng phát triển đô thị, nâng cao chất lượng đô thị; xây dựng nông thôn mới theo hướng toàn diện, bền vững, tạo sự phát triển đồng đều giữa các vùng, các địa phương. Khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ và hiện đại, coi trọng xây dựng các tuyến giao thông kết nối với các khu công nghiệp, khu đô thị; tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hình thành đội ngũ chuyên gia giỏi đầu ngành đáp ứng yêu cầu phát triển. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính và trọng tâm là thủ tục hành chính hướng tới phục vụ nhân dân. Tỉnh tập trung làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chủ động quỹ đất để tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực và uy tín, có khoa học công nghệ hiện đại, sản xuất ra những sản phẩm công nghiệp hàm lượng chất xám cao, có giá trị lớn và sức cạnh tranh mạnh mẽ... Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp và thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Đại hội đã đề ra một số chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2015: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 14-15%/năm; GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 3.500 - 4.000 USD. Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp-xây dựng chiếm 61 - 62%; dịch vụ 31 - 32% và nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 6,5 - 7%. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2010-2015 là 142.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2010-2015 giải quyết việc làm cho 100 - 115 ngàn lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5 - 2%/năm.
Đại hội đã bầu Ban chấp hành khóa mới gồm 55 đồng chí và bầu 17 đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV đã bầu 15 đồng chí vào Ban Thường vụ; đồng chí Phạm Văn Vọng, Bí thư Tỉnh ủy khóa XIV tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc khóa XV. Các đồng chí Phùng Quang Hùng, ủy viên Ban Thường vụ khóa XIV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đồng chí Nguyễn Thế Trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh được bầu giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa XV. Bầu Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy khóa XV gồm 11 đồng chí. Đồng chí Hoàng Thị Thuý Lan, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.
Xuân Sơn (tổng hợp)