Đại hội thí điểm ở TP. Hồ Chí Minh
Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải trao đổi với đại biểu dự Đại hội Đảng bộ xã Nhuận Đức, Củ Chi.

Đến nay, TP.HCM có hơn 20/69 đảng bộ cơ sở được chọn thí điểm đại hội trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đã tiến hành xong đại hội nhiệm kỳ 2010-2015. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo đại hội đảng của Thành ủy TP.HCM, hầu hết nhân sự trúng cử đều đạt yêu cầu, có số phiếu cao, bảo đảm dân chủ và đúng số lượng, tiêu chuẩn quy định. Tuy nhiên, vì đây là chủ trương thí điểm, nên một vài nơi không tránh khỏi lúng túng từ khâu chuẩn bị nhân sự đến khâu tổ chức bầu cử trực tiếp ở đại hội.

Trong 11 đại hội cơ sở khối quận huyện, hầu hết danh sách đề cử trùng khớp với dự kiến cấp ủy cũ, không có đại biểu ứng cử. Có 7 đảng bộ đề nghị đoàn chủ tịch công bố danh sách cấp ủy khóa trước chuẩn bị, đoàn chủ tịch xin ý kiến và được đại hội nhất trí thông qua danh sách mà không giới thiệu thêm.

Có 4 đơn vị không công bố danh sách chuẩn bị trước là phường Thảo Điền (quận 2), xã Nhuận Đức (huyện Củ Chi), phường 3 (quận 5), phường 2 (quận 8). Có 4 đơn vị quyết định giới thiệu 18 nhân sự để bầu 15 vào ban chấp hành.

Khi bầu cử, có 3 đại hội đảng bộ: xã Nhuận Đức (huyện Củ Chi), Phường 3 (quận 5) và Đảng bộ Công ty CP Xây dựng 41 có 2-3 đồng chí ngang phiếu, nên phải bầu lần 2. Riêng phường Long Bình (quận 9), bầu không đủ 15 người vào ban chấp hành, nên đại hội quyết định số lượng ban chấp hành là 14 và ban thường vụ rút xuống còn 4 (thay vì 5 người) để đảm bảo tỷ lệ không quá 1/3 tổng số cấp ủy viên.

Đáng chú ý, trong 11 ban thường vụ phường, xã chỉ có 3 chủ tịch ủy ban mặt trận Tổ quốc và 4 trưởng công an. Trong việc bầu bí thư ở hơn 20 đảng bộ cơ sở, chưa xảy ra trường hợp phải bầu lại lần 2. Trong đại hội ở 11 phường, xã, có 10 bí thư đạt tỷ lệ 92% trở lên, trong đó bí thư phường Tân Hưng Thuận (quận 7) đạt 100%., bí thư phường 2 (quận 8) đạt 70%.

Về cán bộ nữ, 8 phường, xã có tỷ lệ đạt trên 30%, 2 phường, xã đạt 27%, một đơn vị đạt 9,09% (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ). Về tỷ lệ cán bộ trẻ dưới 30 tuổi trở xuống, có 6 đơn vị đạt từ 15% trở lên, 4 đơn vị đạt dưới 10%... Thực tế cho thấy, những đơn vị tổ chức đại hội bầu trực tiếp đạt kết quả cao là do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhân sự trước đại hội, tạo sự đồng thuận cao trong đảng bộ về nhân sự cấp ủy và cán bộ chủ chốt của đảng bộ.

Tính đến ngày 3-5, Đảng bộ Công ty CP Xây dựng 41 là cơ sở đảng duy nhất ở TP.HCM, đại hội bầu trực tiếp bí thư có số dư. Cụ thể tại đại hội, cấp ủy mới giới thiệu 2 đồng chí để bầu bí thư, đó là Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy và đồng chí Bí thư Đảng ủy (cũ). Kết quả, đồng chí bí thư Đảng ủy (cũ) tái đắc cử với số phiếu 29/41. Bầu phó bí thư, cũng giới thiệu 2 đồng chí, kết quả đồng chí phó bí thư đảng ủy (cũ) tái cử chức phó bí thư đảng ủy với số phiếu 39/41.

Qua đại hội thí điểm có thể nêu một số vấn đề cần rút kinh nghiệm trong công tác nhân sự tại một số đại hội:

Trước hết là có một phó bí thư thường trực kiêm chủ tịch HĐND không trúng cử do mới được đề bạt phó bí thư thường trực trước đại hội 1 tháng, nên chưa “khẳng định được mình” trên cương vị mới, hơn nữa chưa làm thật tốt công tác tư tưởng nên gây ra thắc mắc, tác động đến đại biểu khi bỏ phiếu.

Một đồng chí là đảng ủy viên, chủ tịch UB MTTQ phường do lớn tuổi, trình độ hạn chế và 2 đồng chí khác là chủ tịch Hội LHPN, phó chủ tịch HĐND kiêm phó bí thư chi bộ ấp (sau đại hội nghỉ hưu, dự kiến là bí thư chi bộ ấp), nhưng đại hội thấy không có yêu cầu cơ cấu.

Nhưng cũng có trường hợp cấp ủy viên cũ và là cấp ủy viên nữ duy nhất không trúng cử có phần sơ suất của chủ tịch đoàn đã không phổ biến trước khi bầu cử những quy định chung về tiêu chuẩn cấp ủy viên cũng như định hướng đại hội trong lựa chọn cán bộ nữ, cán bộ trẻ theo Chỉ thị 37 của Trung ương. Đó là chưa kể có cấp ủy sau khi được bầu đã quên… họp lại để thống nhất giới thiệu đại hội bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư mà giao công việc này cho chủ tịch đoàn!

Có cấp ủy đưa vào danh sách dự kiến ban chấp hành một đồng chí cấp trưởng (là cán bộ nữ) và một đồng chí cấp phó (là cán bộ trẻ) đều làm ở một phòng. Đến khi bầu cử, cả hai trường hợp này đều không trúng cử, hệ quả là cấp ủy mới ở đơn vị không có cán bộ trẻ và cán bộ nữ. Có 2 phường khi tăng số lượng cấp ủy viên, cơ cấu cán bộ trẻ nhưng không bố trí chức danh cơ cấu nên đã không được đại hội tín nhiệm.

Việc Trung ương cho phép các đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2010-2015 mở rộng số lượng cấp ủy viên (từ 9 người có thể nâng lên 11, 13, 15 và cao nhất là 21 người) là để tăng cường cho cấp ủy những cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ khoa học công nghệ, dân tộc thiểu số, cán bộ ở lĩnh vực và địa bàn quan trọng, nhằm bảo đảm công tác lãnh đạo toàn diện, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Nhưng có nơi không muốn tăng thêm số lượng cấp ủy viên trong ban chấp hành từ 11 lên 13 (mặc dù có nhu cầu) chỉ vì sợ… làm giảm tỷ lệ không dưới 15% cán bộ trẻ dưới 30 tuổi và 30% cán bộ nữ tham gia cấp ủy, cũng như quy định bảo đảm cơ cấu 3 độ tuổi!

Ngược lại, có đảng ủy cơ sở đưa vào danh sách “cho có” cán bộ nữ, cán bộ trẻ để bảo đảm “tỷ lệ đẹp” theo quy định và có số dư 15% bầu ban chấp hành, nhưng số cán bộ này chỉ là… nhân viên kế toán, văn hóa, địa chính mà cấp ủy chưa có kế hoạch đề bạt số nhân viên nói trên nếu trúng cử vào cấp ủy phường.

(Nguồn: Báo SGGP)

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất