Ngay sau khi kết thúc đại hội điểm đảng bộ huyện Điện Biên, ngày 25-6-2010 Ban thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên đã tổ chức rút kinh nghiệm và tập trung chỉ đạo đại hội đảng bộ cấp huyện và tương đương theo đúng kế hoạch đề ra. Tính đến ngày 26-8-2010, 13/13 đảng bộ trực thuộc tỉnh đã hoàn thành đại hội nhiệm kỳ 2010-2015 (trong đó có 2 đảng bộ tiến hành đại hội với 3 nội dung).
Trước khi bước vào đại hội, tỉnh ủy đã giành nhiều thời gian để nghe và cho ý kiến với từng đảng bộ về dự thảo báo cáo chính trị, công tác nhân sự và khâu chuẩn bị đại hội của các đảng bộ. Về nội dung báo cáo chính trị của các đảng bộ cấp huyện và tương đương lần này tỉnh ủy chú trọng vào tình hình thực tế của từng đảng bộ để chỉ đạo, định hướng cho các đảng bộ tập trung tính toán, xác định một số mục tiêu, nhiệm vụ, những vấn đề có tính đột phá, những giải pháp mang tính đồng bộ để tổ chức thực hiện. Ý kiến chỉ đạo và định hướng đó được các đảng bộ tiếp thu điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với định hướng phát triển của các ngành, các lĩnh vực và sự phát triển chung trong toàn tỉnh.
Qua đánh giá của tỉnh ủy, đại hội đảng bộ cấp huyện và tương đương trong tỉnh nhiệm kỳ này đã có nhiều đổi mới. Báo cáo chính trị được chuẩn bị khá công phu, đã tranh thủ được nhiều ý kiến của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, bảo đảm dân chủ, khách quan, sát với tình hình thực tế. Báo cáo chính trị của các đảng bộ đã nêu bật những thành tựu, ưu điểm, chỉ rõ những yếu kém, nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan của những yếu kém, đồng thời rút ra các bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của đảng bộ nhiệm kỳ qua; đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ tới; coi trọng tìm các giải pháp để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đơn vị nhằm bảo đảm cho một sự phát triển nhanh và bền vững. Trong đại hội, dự thảo báo cáo chính trị tiếp tục được các đại biểu thảo luận, trung bình mỗi đại hội có từ 6 đến 8 lượt ý kiến tham gia. Một số ý kiến tập trung đề xuất các giải pháp, bàn sâu về chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự-an toàn xã hội; xây dựng củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Về báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành đảng bộ, nhìn chung, các đảng bộ đã kiểm điểm nghiêm túc, đúng trọng tâm sự lãnh đạo, chỉ đạo của ban chấp hành, ban thường vụ và của từng cấp ủy viên, gắn với kết quả xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Thể hiện được tính chiến đấu, tinh thần phê bình và tự phê bình, làm rõ những hạn chế, yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của ban chấp hành, ban thường vụ các đảng bộ trực thuộc tỉnh, do đó khi trình ra đại hội đều được đại biểu đồng tình ủng hộ.
Việc đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện của Trung ương, của Tỉnh cũng được các đảng bộ đổi mới một bước. Trước khi bước vào đại hội, ngoài báo cáo tổng hợp ý kiến của đại hội cấp cơ sở, các đảng bộ cấp huyện và tương đương đã giành thời gian (một ngày) để các đại biểu nghiên cứu, thảo luận, góp ý kiến theo hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh vào từng loại báo cáo. Các cấp ủy huyện phân công cán bộ tổng hợp ý kiến của đại biểu để tiếp tục trình ra đại hội thảo luận. Nhìn chung, mỗi loại báo cáo khi đến đại hội vẫn được nhiều đại biểu tham gia đóng góp làm rõ thêm những nội dung chưa rõ, chưa hiểu, thể hiện được ý thức trách nhiệm và tinh thần xây dựng. Nghị quyết của đại hội cũng có sự đổi mới hơn nhiệm kỳ trước, các cấp ủy đã chọn lọc những nội dung quan trọng, các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu ở báo cáo chính trị để xây dựng nghị quyết trình đại hội thảo luận và biểu quyết thông qua, tránh được sự trùng lặp khi biểu quyết mục tiêu rồi lại biểu quyết nghị quyết đại hội.
Công tác chuẩn bị nhân sự ban chấp hành, nhân sự đại biểu đi dự đại hội đảng bộ tỉnh cũng được đánh giá có sự chuẩn bị khá kỹ và ngày càng mở rộng được dân chủ. Nhiều đảng bộ đã mạnh dạn đổi mới trên 1/3 tổng số cấp ủy viên so với đầu nhiệm kỳ trước, nhiều cán bộ trẻ, cán bộ có trình độ chuyên môn cao vào cấp ủy. Nhìn chung công tác chuẩn bị nhân sự bảo đảm đúng quy trình, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh, bảo đảm được yêu cầu, có số lượng và cơ cấu hợp lý, nâng cao được chất lượng. Danh sách nhân sự được ban chấp hành đảng bộ khóa trước chuẩn bị trình đại hội ở tất cả các đảng bộ đều có số dư trên 15%, có đảng bộ đạt trên 20%. Ban thường vụ có số dư trên 20%, có đảng bộ đạt gần 25% so với số lượng cần bầu. Việc bầu cử cấp ủy khóa mới, bầu đại biểu đi dự đại hội đảng bộ tỉnh được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm đúng nguyên tắc, quy chế bầu cử trong Đảng. Qua bầu cử ở 13/13 đảng bộ cấp huyện và tương đương đều có số phiếu bầu khá tập trung, nhiều đảng bộ chỉ bầu một lần là đủ số lượng quy định, hầu hết nhân sự được cấp ủy khóa trước chuẩn bị đều trúng cử, nhiều đồng chí trúng cử với số phiếu đạt trên 90%, có nơi đạt 100%. Số phiếu không hợp lệ chiếm khoảng 1,2%. Số cấp ủy viên tái cử chiếm từ 65-70%; số tham gia lần đầu chiếm 30% trở lên; cấp ủy viên là nữ chiếm 10-12%; tuổi trẻ dưới 35 chiếm 6-10%; dân tộc thiểu số ở một số đảng bộ đạt trên 60%. Ngay sau bầu được ban chấp hành đảng bộ khóa mới, ngoài 2 đảng bộ được tỉnh ủy chỉ đạo đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp ủy, các đại hội đảng bộ cấp huyện và tương đương đã tổ chức lấy phiếu giới thiệu bí thư cấp ủy tại đại hội, hầu hết số phiếu giới thiệu bí thư ở đại hội đều trùng với phương án nhân sự của cấp ủy khóa trước chuẩn bị. Ban chấp hành khóa mới đã họp được phiên đầu để bầu các chức danh lãnh đạo của cấp ủy và ủy ban kiểm tra theo quy định.
Tuy vậy, qua đại hội đảng bộ cấp huyện và tương đương của tỉnh nhiệm kỳ này cho thấy: Việc tham gia ý kiến vào các dự thảo văn kiện của Trung ương, của Tỉnh, đảng bộ cấp huyện và tương đương tại đại hội vẫn còn dàn trải, chưa trọng tâm, thảo luận chưa sâu, chưa tập trung vào gợi ý của cấp trên cũng như của cấp mình. Phần nhiều ý kiến phát biểu theo sự phân công và đánh giá lại kết quả của ngành mình, địa phương mình là chủ yếu. Nội dung báo cáo chính trị phần lớn các đảng bộ đều dài khoảng 30 trang, số ít đảng bộ dài trên 30 trang nên khi trình bày mất nhiều thời gian. Việc lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào dự thảo báo cáo chính trị ở một số đảng bộ còn chậm. Về bầu cử cấp ủy, có 1 đảng bộ bầu lần đầu không đủ số lượng, đại hội phải bầu lần hai mới đủ số lượng theo quy định; có 4 đồng chí thuộc 3 đảng bộ dự kiến cơ cấu cấp ủy nhưng không trúng cử, trong đó có 1 đồng chí là phó bí thư, chủ tịch UBND huyện; 1 đảng bộ khi bầu ban thường vụ có 1 đồng chí không trúng cơ cấu đã thông qua. Số không trúng cử theo dự kiến một phần do năng lực công tác chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, uy tín thấp. Mặt khác, do đoàn chủ tịch đại hội hoặc chủ tọa hội nghị ban chấp hành đảng bộ chưa quán triệt kỹ cơ cấu cấp ủy, ban thường vụ trên từng lĩnh vực cụ thể. Việc điều hành công tác bầu cử cấp ủy, bầu đại biểu đi dự đại hội đảng bộ tỉnh ở một số đảng bộ còn lúng túng, nhất là khâu kiểm phiếu bầu cử. Tỷ lệ cán bộ nữ và tuổi trẻ đạt thấp.
Sau đại hội đảng bộ cấp huyện, Tỉnh ủy Điện Biên sẽ tập trung chỉ đạo các đảng bộ tăng cường công tác tuyên truyền về kết quả đại hội; tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết đại hội; xây dựng và bổ sung quy chế làm việc, chương trình làm việc toàn khóa của cấp ủy khóa mới; phân công nhiệm vụ cho các cấp ủy viên; tiếp tục kiện toàn, điều chỉnh, bổ sung cán bộ sau đại hội cho phù hợp; đồng thời xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cấp ủy viên nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và nghiệp vụ công tác xây dựng đảng cho đội ngũ cấp ủy viên mới.
Trịnh Hoàng Thăng, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Điện Biên