Kết quả đại hội đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư ở Điện Biên

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới có nhiều dân tộc, với 537 TCCSĐ, trong đó đảng bộ cơ sở là 184. Nhiều đảng bộ cơ sở xã, thị trấn có trên 300 đảng viên, có nhiều đảng viên là người dân tộc thiểu số.

Thực hiện Hướng dẫn số 24-HD/BTCTW, ngày 6-3-2009 của Ban Tổ chức Trung ương về việc thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư (BTV, BT, PBT). Tỉnh ủy Điện Biên xác định đây là một chủ trương mới có ý nghĩa quan trọng, góp phần mở rộng dân chủ trong Đảng, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của đảng viên, vừa phát huy được trí tuệ, đề cao được trách nhiệm của toàn đảng bộ trong việc xây dựng, nâng cao chất lượng cấp ủy, BTV, BT, PBT. Đồng thời nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Từ nhận thức trên, Tỉnh ủy Điện Biên đã kịp thời chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu, chủ trì phối hợp với các đảng bộ trực thuộc tỉnh khảo sát, đánh giá và lựa chọn 10 đảng bộ cơ sở  để tổ chức đại hội bầu trực tiếp BTV, BT, PBT. Trong đó TCCSĐ ở cấp xã: 4 đảng bộ; cấp phường: 1; thị trấn: 1; lực lượng vũ trang: 1; cơ quan hành chính: 1; đơn vị sự nghiệp: 1 và doanh nghiệp nhà nước: 1. Trong 10 đảng bộ được chọn làm điểm có 5 đảng bộ là đơn vị đạt TSVM; 2 đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ; 3 đảng bộ hoàn thành nhiệm vụ. Với chủ trương quan tâm nhiều hơn cho cấp xã, vì cấp xã là đảng bộ thực hiện chức năng lãnh đạo toàn diện sự hoạt động ở cơ sở, là nơi có nhiều thành phần dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân chưa đồng đều, từ đó, qua thí điểm sẽ rút kinh nghiệm cho việc chỉ đạo chung của tỉnh sau này.

Ngay sau khi có nghị quyết, kế hoạch, hướng dẫn của tỉnh uỷ và của cấp ủy cấp trên trực tiếp, các đảng bộ được chọn làm thí điểm đã mở hội nghị triển khai, thành lập các tiểu ban giúp việc cho đại hội, phân công cấp ủy xây dựng báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành, tập trung chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của việc thực hiện thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ bầu trực tiếp BTV, BT, PBT để tạo sự đồng thuận cao trong đảng bộ. Chỉ đạo đại hội các chi bộ trực thuộc và thực hiện các quy trình về công tác nhân sự ban chấp hành, BTV, BT, PBT nhiệm kỳ tới theo hướng dẫn của tỉnh ủy và cấp ủy cấp trên trực tiếp.  

Tính đến 20-3-2010,  đã có 10/10 đảng bộ cơ sở trong tỉnh được chọn làm thí điểm tổ chức thành công đại hội, bảo đảm đúng nội dung, yêu cầu, thời gian theo quy định của Trung ương, của tỉnh. Qua việc tổ chức đại hội điểm ở 10 đảng bộ cơ sở, nhất là với 4 đảng bộ cơ sở cấp xã, nhìn chung, các văn kiện trình đại hội có sự đổi mới hơn nhiệm kỳ trước, dân chủ hơn trong việc lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Báo cáo chính trị đã chỉ rõ những chỉ tiêu đạt được và chưa đạt trong thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ trước, chỉ ra được những nguyên nhân hạn chế, yếu kém, trong đó, có nguyên nhân chủ quan là chính, đề ra được các giải pháp có tính khả thi hơn, sát với thực tế hơn.

Tại đại hội, các đại biểu đã tập trung nhiều thời gian để thảo luận bổ sung những vấn đề mới, cần có sự tập trung lãnh đạo của đảng bộ với tinh thần thẳng thắn và nghiêm túc. Bầu Ban chấp hành, BTV, BT, PBT và đại biểu dự đại đảng bộ cấp trên chỉ bầu một lần là đủ số lượng mà đại hội đã quyết định. Các đồng chí tham gia ứng cử về cơ bản đều trúng với dự kiến của cấp ủy cơ sở và cấp ủy cấp trên trực tiếp với tỷ lệ phiếu cao (trên 90%). Trong đó, có những đảng bộ xã có trên 4 đảng viên là người dân tộc thiểu số qua bầu cử có kết quả tập trung, thống nhất cao.

Tuy vậy, công tác tuyên truyền ở một số đảng bộ cơ sở chưa sâu, chưa mạnh, chưa tạo được phong trào thi đua sôi nổi để chào mừng đại hội. Báo cáo chính trị trình đại hội ở một số đảng bộ còn quá dài (có báo cáo dài 24 trang) nhưng nhiệm vụ và giải pháp chưa toàn diện. Công tác bầu cử trong đại hội ở hầu hết 10 đảng bộ được chọn làm điểm còn lúng túng, nhất là việc ứng cử, đề cử, bầu cử. Có 3 đảng bộ cơ sở khi bầu ban chấp hành không đủ các thành phần theo cơ cấu mà cấp ủy đã phê duyệt như: Đảng bộ xã Noong U (Huyện Điện Biên Đông), dự kiến cơ cấu đồng chí đại diện khối đoàn thể nhưng không trúng vào ban chấp hành đảng bộ; Đảng bộ phường Mường Thanh (Thành phố Điện Biên Phủ) dự kiến cơ cấu đồng chí đại diện cho khối phố, nhưng không trúng vào ban chấp hành đảng bộ; Đảng bộ xã Huổi Só (Huyện Tủa Chùa), cơ cấu đồng chí cấp ủy dự kiến phân công làm Chủ tịch HĐND xã khóa tới trúng cử vào ban chấp hành, nhưng không trúng cử vào Ban Thường vụ. Số không trúng cử theo dự kiến một phần do năng lực công tác nhiệm kỳ trước chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, uy tín thấp, phần khác do đoàn chủ tịch đại hội chưa quán triệt kỹ cơ cấu cấp ủy, ban thường vụ trên từng lĩnh vực cụ thể.

Từ thực tế chỉ đạo đại hội điểm đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu BTV, BT, PBT ở Đảng bộ Điện Biên, bước đầu rút ra một số kinh nghiệm:

Một là, qua thí điểm đại hội đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu BTV, BT, PBT, các đảng bộ cơ sở xã là những đảng bộ có nhiều khó khăn, nhưng do tạo được sự thống nhất cao về nhận thức và hành động, nên đã hoàn thành tốt yêu cầu, nội dung của đại hội. Thời gian tới, việc đại hội đảng bộ cơ sở bầu trực tiếp BTV, BT, PBT sẽ áp dụng được đối với tất cả các đảng bộ cơ sở trong tỉnh. Ngoài việc mở rộng dân chủ, phát huy được trí tuệ và quyền dân chủ trực tiếp của đảng viên trong việc nâng cao chất lượng cấp ủy, BTV, BT, PBT,  đây cũng là một cách thức giúp cho cán bộ, đảng viên tham gia ứng cử cần phải tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng học tập, nâng cao phẩm chất và năng lực công tác thì mới có sự tín nhiệm cao.

Hai là, làm tốt công tác tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu về thực hiện chủ trương đại hội đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu Ban chấp hành, BTV, BT, PBT, trên cơ sở đó, phải coi trọng tự phê bình và phê bình trong đánh giá cán bộ, đảng viên, giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc mà cán bộ, đảng viên và nhân dân đang quan tâm.

Ba là, công tác tổ chức chuẩn bị đại hội phải thật chu đáo, cụ thể, tỷ mỉ và chi tiết đối với các văn bản như: Chương trình đại hội, diễn văn khai mạc, bế mạc, quy chế làm việc của đại hội, hướng dẫn nguyên tắc, thể lệ bầu cử, đề án nhân sự cấp ủy khóa mới… chương trình điều hành của đoàn Chủ tịch đại hội phải phân công rõ người, rõ việc; các công việc của đoàn Chủ tịch đại hội phải dựa trên kịch bản đã được chuẩn bị sẵn.

Bốn là, việc chuẩn bị nhân sự cho đại hội phải được làm tốt từ khâu rà soát, bổ sung quy hoạch, nhận xét đánh giá cán bộ bảo đảm đúng nguyên tắc, quy trình chặt chẽ, chu đáo, dân chủ, công khai và phải coi trọng ý kiến tham gia đóng góp của đảng viên và quần chúng nhân dân.  

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất