Khắc phục những hạn chế từ đại hội đảng bộ cấp cơ sở
Các địa phương đang tích cực chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Theo Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị “về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” thì “đại hội đảng viên hoặc đại hội đại biểu đảng bộ cơ sở không quá 2 ngày; bắt đầu từ tháng 4-2020, hoàn thành trước ngày 30-6-2020”. Tuy bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đến nay, các nơi đang hoàn thành đại hội cơ sở, nhiều địa phương đã đại hội điểm cấp trên cơ sở. Thành công chống đại dịch được cả thế giới nể phục, ca ngợi tạo khí thế, góp phần vào thành công của đại hội. Kết quả bước đầu cho thấy có những sự khác biệt, kết quả nổi bật, những tín hiệu đáng mừng và thành công như mong muốn, đồng thời cũng còn một số hạn chế cần khắc phục trong các đại hội thời gian tới.

So với nhiệm kỳ trước, Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị tiếp tục kế thừa và phát triển nội dung trong Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 30-5-2014 của Bộ Chính trị “về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng”. Đây là sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, cụ thể những vấn đề liên quan đến công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác nhân sự nói riêng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thực tiễn đất nước. Có nhiều nội dung được kế thừa và phát triển. Chẳng hạn, Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục thực hiện một số nội dung của Chỉ thị số 36-CT/TW. Đó là: 1) Tiếp tục thực hiện chủ trương cấp ủy các cấp đổi mới không dưới 1/3 tổng số cấp ủy viên mỗi nhiệm kỳ và thực hiện cơ cấu ba độ tuổi trong cấp ủy. 2) Tiếp tục thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND, bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện cũng như ở cấp xã ở những nơi có đủ điều kiện. 3) Thời điểm tính độ tuổi tham gia cấp ủy và chính quyền, cấp cơ sở là vào tháng 4-2020, cấp trên trực tiếp cơ sở là vào tháng 6-2020... 4) Độ tuổi lần đầu tham gia và tái cử cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nói chung, phải đủ tuổi công tác từ hai nhiệm kỳ trở lên, ít nhất cũng đủ trọn một nhiệm kỳ. Với chủ trương “kế thừa, ổn định, đổi mới, sáng tạo và phát triển”, Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) đã đề ra một số nội dung mới. Chẳng hạn: 1) Thí điểm đại hội bầu trực tiếp bí thư cấp ủy “ở những nơi cấp ủy đoàn kết, thống nhất cao; nhân sự dự kiến giới thiệu là người tiêu biểu, hội tụ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đồng thời, phải được sự đồng ý của cấp ủy cấp trên trực tiếp”. 2) Thực hiện bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện và các chức danh lãnh đạo cấp trưởng một số ngành không là người địa phương. 3) Giảm khoảng 5% số lượng cấp ủy viên. 4) Không nhất thiết địa phương, ban, ngành nào cũng phải có người tham gia cấp ủy. 5) Chú trọng giới thiệu nhân tố mới có đức, có tài, có uy tín, có triển vọng. 6) Phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ, tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi đối với cấp tỉnh, cấp huyện) từ 10% trở lên; tỷ lệ cấp ủy viên là người dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm, cơ cấu dân tộc và điều kiện cụ thể của từng địa phương, cơ quan, đơn vị…

Từ những kết quả đã đạt được trong các đại hội đảng bộ cấp cơ sở và trên cơ sở ở phạm vi cả nước thời gian qua và nếu so sánh, đối chiếu với kết quả, kinh nghiệm với những gì đã được tổng kết, rút kinh nghiệm từ các đại hội đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2015-2020, có thể cho chúng ta thấy những tiến bộ về nhiều mặt, một “bức tranh” cơ sở tươi mới, nhiều nhân tố tích cực, những nét chấm phá nổi bật, những tín hiệu vui:

Các cấp ủy đảng trực thuộc Trung ương đã lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, Hướng dẫn của các ban xây dựng Đảng,  đề ra chương trình, kế hoạch, thời gian tiến hành đại hội đảng cấp cơ sở và trên cơ sở, đồng thời có sự điều chỉnh kịp thời thời gian tiến hành đại hội khi đại dịch COVID-19 xảy ra.

Các cấp ủy, tổ chức đảng đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, quán triệt Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị và hướng dẫn của cấp trên, nhất là công tác nhân sự ở địa phương, cơ sở mình. Cấp ủy cấp trên cơ sở đã cụ thể hóa chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương và kế hoạch của các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương để chỉ đạo ở cấp mình. Phân công ủy viên ban thường vụ, cấp ủy viên, thành lập các tổ công tác hướng dẫn, kiểm tra việc chuẩn bị và tiến hành đại hội ở từng cơ sở. Rà soát, đánh giá tình hình các đảng bộ, chi bộ cơ sở xác định những nơi có khó khăn, phức tạp để tập trung chỉ đạo giải quyết. Coi trọng đại hội điểm sau đó rút kinh nghiệm chỉ đạo tốt đại hội đại trà.

Báo cáo chính trị của cấp ủy đảng được chuẩn bị nghiêm túc đánh giá đúng tình hình cơ sở, địa phương, cơ quan, đơn vị. Nhiều báo cáo so sánh kết quả thực hiện với kế hoạch đề ra trong nhiệm kỳ 2015-2020 với nhiệm kỳ 2010-2015 trên cơ sở đó đề ra phương hướng, mục tiêu, kế hoạch nhiệm kỳ 2020-2025. Các chi, đảng bộ đã sớm ban hành dự thảo văn bản và tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo văn kiện. Việc tổ chức lấy ý kiến được triển khai đến từng chi bộ trực thuộc. Báo cáo kiểm điểm của cấp ủy cơ sở thể hiện được tinh thần tự phê bình và phê bình, đánh giá những ưu điểm, hạn chế về vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của cấp ủy trong nhiệm kỳ qua và rút kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo nhiệm kỳ tới.

Công tác nhân sự của các đại hội được chuẩn bị kỹ, cẩn thận, chắc chắn trên cơ sở tiêu chuẩn, quy hoạch và phẩm chất, năng lực, uy tín của nhân sự lựa chọn. Điều này thể hiện quá trình của công tác quy hoạch, bồi dưỡng, bố trí công tác của tập thể cấp ủy và sự nỗ lực phấn đấu, rèn luyện của mỗi cán bộ. Đến nay, rất nhiều đại hội cấp cơ sở và cả cấp trên cơ sở đã thực hiện đại hội bầu trực tiếp bí thư cấp ủy với tỷ lệ số phiếu trúng cử rất cao, nhiều nơi đạt 100%. Một số cấp ủy đảng trực thuộc Trung ương đã đề ra mục tiêu thực hiện 100% đại hội bầu bí thư cấp ủy tại đại hội cấp cơ sở và cấp trên cơ sở. Chủ trương này không những là tiền đề mở rộng dân chủ, củng cố sự đoàn kết, thống nhất mà còn là xu hướng tất yếu, góp phần tạo nên sự thống nhất giữa ý Đảng với lòng Dân trong việc lựa chọn người đứng đầu cấp ủy đảng đồng thời đứng đầu HĐND, UBND. Đây cũng là nhân tố tích cực, điểm sáng trong “bức tranh” đại hội cơ sở.  

          
Trình độ học vấn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ cũng như chất lượng nói chung của cấp ủy ở nhiều TCCSĐ được nâng lên rõ rệt so với nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ cấp ủy viên trẻ tuổi, cấp ủy viên nữ, cấp ủy là người dân tộc thiểu số... nói chung đạt và vượt chỉ tiêu của Đảng và cấp trên đề ra.

          
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên, đại hội cấp cơ sở vẫn lặp lại một số hạn chế đã được nhiều lần chỉ ra từ các đại hội trước, nhất là đại hội cấp cơ sở nhiệm kỳ 2015-2020. Những hạn chế này hoàn toàn có thể khắc phục được:

          
Thứ nhất
, đại hội cấp cơ sở, thậm chí cả cấp trên cơ sở, là nơi gần dân nhất, sát dân nhất, mọi chủ trương, nghị quyết của Đảng của cấp ủy cấp trên và của cấp ủy cơ sở cuối cùng đều do người dân thực hiện. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, sự tham gia của quần chúng nhân dân vào quá trình chuẩn bị đại hội, nhất là báo cáo chính trị, thẩm định, giám sát, kiểm tra lựa chọn nhân sự cấp ủy làm chưa tốt, chưa chu đáo, thậm chí ít thấy tiếng nói, ý kiến trực tiếp của người dân. Nếu quần chúng nhân dân được tham gia, góp tiếng nói vào công tác cấp ủy, đến lượt mình, quần chúng nhân dân sẽ đồng thuận hơn lựa chọn các cấp ủy viên làm người đại diện cho mình ở các cơ quan dân cử.  

          
Thứ hai
, mặc dù là cấp cơ sở, nhưng báo cáo chính trị của tại không ít đại hội còn dài, nội dung dàn trải, nhiều đánh giá chung chung, thiếu địa chỉ, con số, việc làm, nhất là những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương, cơ sở… Do đó không quy được trách nhiệm của tập thể, cá nhân cũng như đề ra được những giải pháp có tính đột phá, có tính khả thi để giải quyết.

          
Thứ ba
, báo cáo kiểm điểm của một số cấp ủy có nhiều nội dung trùng lắp với báo cáo chính trị, chưa thẳng thắn tự phê bình và phê bình; chưa chỉ rõ trách nhiệm, vai trò lãnh đạo của cấp ủy, nhất là của người đứng đầu,  nguyên nhân chủ quan, khách quan và trách nhiệm cá nhân đối với những hạn chế. Chưa thể hiện rõ sự đổi mới phương pháp, phong cách làm việc của tập thể cấp ủy, các biện pháp cụ thể để khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong thời gian tới.

          
Thứ tư,
thời gian dành cho thảo luận và số lượng ý kiến thảo luận, thậm chí tranh luận, để xây dựng các văn kiện của cấp cơ sở ở một số nơi còn ít, nội dung tham luận nặng về báo cáo thành tích, chưa tạo được không khí sôi nổi trong đại hội. Việc tham gia ý kiến vào dự thảo văn kiện của Trung ương, của cấp trên trực tiếp và tiêu chuẩn, cơ cấu cấp ủy cấp trên ở một số nơi chưa cụ thể, sâu sắc.

          
Thứ năm,
không ít đại hội còn mất nhiều thời gian vào lễ nghi hình thức như thủ tục khai mạc, giới thiệu đại biểu, tặng hoa, các đoàn đại biểu đến chào mừng đại hội...

          
Hy vọng một số hạn chế sẽ được khắc phục góp phần vào thành công của đại hội các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất