Kinh nghiệm rút ra từ Đại hội bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi
Đồng chí Nguyễn Hoà Bình, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi khoá XVIII phát biểu tại buổi họp báo trước khi diễn ra Đại hội

Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi là một trong 10 đảng bộ được Trung ương chọn thí điểm chủ trương  Đại hội trực tiếp bầu Bí thư Tỉnh uỷ. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xác định đây là vấn đề mới chưa được quy định trong Điều lệ Đảng (khóa X), vì vậy đã xây dựng Kế hoạch số 62-KH/TU ngày 12-10-2009 và Hướng dẫn số 02-HD/TU ngày 19-10-2009, tổ chức quán triệt các quy định, hướng dẫn của Trung ương và của Tỉnh ủy đến đội ngũ cán bộ chủ chốt và đảng viên trong toàn Đảng bộ để nhận thức đúng chủ trương của Trung ương, mở rộng quyền dân chủ trực tiếp trong Đảng, phát huy quyền làm chủ của đại biểu dự Đại hội, nêu cao vai trò, trách nhiệm, vinh dự của người đứng đầu được Đại hội trực tiếp lựa chọn bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ.  

Tỉnh uỷ Quảng Ngãi đã thành lập và chỉ đạo các tiểu ban phục vụ Đại hội chuẩn bị các nội dung văn kiện, công tác nhân sự cấp uỷ tỉnh đúng quy định. Văn kiện Đại hội được chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc, công phu và có chất lượng, theo đúng tinh thần Chỉ thị 37 của Bộ Chính trị, phù hợp với định hướng của Trung ương, xác định rõ chủ đề và sát với tình hình thực tế của địa phương; về nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá của Đảng bộ trong nhiệm kỳ tới, thể hiện sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh. Dự thảo Báo cáo Chính trị được tổ chức lấy ý kiến, thảo luận, góp ý của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh qua các thời kỳ, cán bộ khoa học, kỹ thuật và ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân; Báo cáo Kiểm điểm của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ khóa XVII được chuẩn bị nghiêm túc, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm của tập thể Tỉnh uỷ và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; Dự thảo Nghị quyết đại hội thể hiện được tinh thần đổi mới; công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy được tiến hành công khai, dân chủ, nghiêm túc theo đúng quy định của Trung ương, có sự kế thừa và đổi mới, đảm bảo về tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu; Đề án nhân sự Ban Chấp hành có số dư trên 15%, Ban Thường vụ có số dư trên 20% so với số lượng cần bầu; Đề án chức danh Bí thư Tỉnh uỷ được chuẩn bị chu đáo, nguồn quy hoạch chức danh Bí thư Tỉnh uỷ có số lượng nhiều hơn, đảm bảo về tiêu chuẩn, trình độ, thực sự có uy tín, gương mẫu, xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, được Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Tổ chức Trung ương đồng ý phê duyệt.

 

Đại hội có chương trình làm việc cụ thể, các báo cáo, tài liệu được chuẩn bị chu đáo, khoa học; trang trí, khánh tiết đại hội đúng theo quy định; Đoàn Chủ tịch Đại hội được phân công điều hành cụ thể, có gợi ý đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề lớn, mang tính trọng tâm, không khí thảo luận sôi nổi, dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng được đại biểu nghiên cứu, thảo luận và góp ý đúng theo hướng dẫn của Trung ương. Đoàn Chủ tịch, Ban kiểm phiếu điều hành bầu Ban Chấp hành, Bí thư Tỉnh uỷ và đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng nghiêm túc, đúng  nguyên tắc, quy trình theo quy chế bầu cử trong Đảng, đã tạo được sự thống nhất cao và ý thức trách nhiệm của đại biểu dự Đại hội.


Đại hội bầu một lần đủ số lượng 55 uỷ viên Ban Chấp hành, trong đó có 35 đồng chí tái cử, 20 đồng chí cơ cấu lần đầu (36,38%), nữ có 7 (12,72%), dân tộc 6 (10,91%); độ tuổi dưới 40 có 3 (5,45%); các đồng chí trúng cử Ban Chấp hành khoá mới đều là nhân sự do Ban Chấp hành khoá XVII chuẩn bị trình Đại hội. Tuy nhiên, cấp uỷ viên khoá mới là cán bộ nữ, cán bộ trẻ vẫn chưa đạt tỷ lệ theo tinh thần của Chỉ thị 37.

 

Danh sách Đại hội giới thiệu nhân sự Bí thư có 5 đồng chí, nhưng có trên 94% số phiếu tập trung giới thiệu Bí thư Tỉnh uỷ trùng với phương án nhân sự của Ban Chấp hành khoá cũ chuẩn bị và Bộ Chính trị giới thiệu; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa mới giới thiệu Bí thư trùng với nhân sự mà Đại hội giới thiệu với 100% số phiếu. Kết quả đồng chí Nguyễn Hòa Bình được Đại hội trực tiếp bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ với 100% số phiếu. Công tác chỉ đạo, điều hành phiên họp đầu tiên của cấp uỷ khoá mới để bầu Ban Thường vụ, các phó bí thư, Uỷ ban  Kiểm tra và Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Tỉnh uỷ được chuẩn bị chu đáo, dân chủ. Các đồng chí trúng cử đều đúng với nhân sự mà cấp uỷ khóa cũ chuẩn bị.

 

Công tác thông tin, tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội được các địa phương, đơn vị, các cơ quan thông tấn báo chí ở địa phương, Trung ương đưa tin và tuyên truyền kịp thời, nhanh chóng, chính xác, tạo không khí tốt và trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ.

 

Qua Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi trực tiếp bầu Bí thư Tỉnh uỷ, rút ra một số kinh nghiệm sau:

 

Một là, phải nhận thức rõ đây là một vấn đề mới chưa được quy định trong Điều lệ Đảng. Tổ chức quán triệt chủ trương của Trung ương đến cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ, trước hết là trong cấp uỷ và đội ngũ cán bộ chủ chốt để thống nhất nhận thức. Ban Thường vụ cấp uỷ cấp trên phải lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra và phân công nhiệm vụ cho từng cấp ủy viên, uỷ viên ban thường vụ phụ trách địa bàn để nắm rõ tình hình, kịp thời giải quyết những vấn đề nổi cộm, phát sinh trong quá trình chuẩn bị Đại hội.

 

Hai là, công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy, bí thư cấp ủy phải thực sự mở rộng, phát huy dân chủ, công khai theo đúng hướng dẫn của Trung ương, giải quyết dứt điểm những vấn đề có liên quan đến nhân sự cấp uỷ, khi bàn nhân sự cấp uỷ trong Đại hội cần nói rõ định hướng, cơ cấu và phân công sau Đại hội.

 

Ba là, công tác chỉ đạo, điều hành Đại hội cần tập trung, chi tiết; điều hành của Đoàn Chủ tịch  Đại hội phải được phân công và xây dựng thành chương trình cụ thể; điều hành theo văn bản và phải mạch lạc, tạo khí thế trong Đại hội.

 

Một số kiến nghị:

 

Thứ nhất, về quy trình tiến hành trực tiếp bầu bí thư cấp ủy, khi lấy phiếu giới thiệu của Đại hội và Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới về chức danh bí thư có tỷ lệ cao đúng với phương án nhân sự mà cấp uỷ khóa trước chuẩn bị và trùng với nhân sự mà cấp uỷ cấp trên giới thiệu thì không nhất thiết phải tổ chức họp đoàn hoặc tổ đại biểu để ứng cử, đề cử. Nên tiến hành ngay việc đề cử và chốt danh sách nhân sự tại Đại hội để Đại hội bầu cử chức danh bí thư cấp uỷ.

 

Thứ hai, về quyền của cấp ủy viên mới trúng cử nhưng không phải là đại biểu chính thức của Đại hội, đề nghị Trung ương cần có quy định cụ thể để cấp uỷ viên phát huy trách nhiệm của mình trong việc bầu chức danh bí thư tại Đại hội.

 

 

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất