Ngày 4-10, tại thành phố Pleiku, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XIV nhiệm kỳ 2010-2015 đã khai mạc. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đến dự và chỉ đạo Đại hội.
Phát biểu tại Đại hội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đánh giá, 5 năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã đoàn kết, nhất trí, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giành được những thành tựu quan trọng, đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra. Trong đó nổi bật là kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá-xã hội của tỉnh đều có bước tiến bộ; công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, xoá đói và giảm nghèo, thực hiện các chính sách an sinh xã hội được chú trọng. Tiềm lực và thế trận quốc phòng, an ninh trên địa bàn được tăng cường. Hệ thống chính trị của tỉnh được quan tâm củng cố; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ từng bước được nâng cao…
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư nhiệt liệt hoan nghênh và biểu dương sự phấn đấu kiên trì và những nỗ lực to lớn của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ vừa qua.
Bên cạnh những mặt ưu điểm, Tổng Bí thư lưu ý: Mặc dù đạt được tốc độ tăng trưởng cao, nhưng Gia Lai vẫn là một tỉnh nghèo, quy mô kinh tế nhỏ, thu nhập bình quân đầu người thấp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Hạ tầng cơ sở chậm phát triển, nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sự đột phá để phát triển. Văn hoá-xã hội phát triển chưa tương xứng với nhịp độ tăng trưởng kinh tế; chất lượng giáo dục và đào tạo còn thấp; tiềm năng khoa học và công nghệ còn yếu, ứng dụng hạn chế. Việc giảm nghèo chưa bền vững, tỉ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Hệ thống chính trị tuy được củng cố một bước nhưng vẫn còn yếu, nhất là ở cơ sở... Những khuyết điểm, hạn chế đó đã ngăn cản sức phát triển vươn lên của tỉnh.
Về phương hướng, nhiệm vụ của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015, Tổng Bí thư đề nghị: Thứ nhất, Gia Lai có lợi thế về vị trí địa lý, có những tuyến giao thông quan trọng cả về đường bộ, đường không; có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển cây công nghiệp, du lịch, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… Đây là những tiền đề quan trọng để Gia Lai đẩy mạnh khai thác, thu hút các nguồn đầu tư cho phát triển. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai cần thấy rõ thế mạnh này, nắm bắt thời cơ, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, tạo nên sự phát triển có tính bứt phá trong những năm tới, xây dựng Gia Lai trở thành trung tâm kinh tế-xã hội của khu vực Bắc Tây Nguyên. Hai là, để kinh tế phát triển nhanh và bền vững, Gia Lai cần làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, trước hết là việc sử dụng quỹ đất; tiếp tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung, thu hút mọi nguồn lực, đồng thời hoàn thành quy hoạch chi tiết ở các đơn vị hành chính theo lĩnh vực, ngành, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Đẩy mạnh thu hút đầu tư của mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước vào phát triển công nghiệp và dịch vụ. Tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu dựa trên lợi thế về chế biến nông-lâm sản, vật liệu xây dựng, thuỷ điện, khoáng sản; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp. Ba là, tỉnh cần tiếp tục quan tâm tới lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát triển kinh tế trang trại; xây dựng và nhân rộng mô hình liên kết "4 nhà" trong sản xuất nông nghiệp; quan tâm giữ rừng, bảo vệ rừng, có cơ chế, chính sách phù hợp để người dân bảo vệ, quản lý rừng được hưởng lợi thoả đáng từ rừng, không để cho dân "giữ kho vàng mà lại nghèo". Bốn là, tiếp tục quan tâm phát triển lĩnh vực văn hoá-xã hội. Tập trung đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục-đào tạo, y tế; nâng cao chất lượng toàn diện và đa dạng hoá các loại hình đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Phát triển văn hoá của tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và các giá trị văn hoá tinh thần mang nét đặc trưng của các dân tộc Tây Nguyên.
Cùng với các nhiệm vụ trên, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Đảng bộ tỉnh Gia Lai phải thường xuyên coi trọng việc kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với xây dựng, củng cố quốc phòng và an ninh, trong đó trên hết là xây dựng “thế trận lòng dân”; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc. Đảng bộ phải coi đoàn kết các dân tộc là vấn đề sống còn, là sức mạnh vô địch để chiến thắng mọi kẻ thù, chiến thắng đói nghèo và là yếu tố quyết định cho sự ổn định và phát triển bền vững trên địa bàn chiến lược này; chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở đủ mạnh, giải quyết có hiệu quả những vấn đề phát sinh từ cơ sở.
Theo Báo cáo chính trị của Đảng bộ tỉnh, trong nhiệm kỳ qua, kinh tế của Gia Lai có tốc độ tăng trưởng cao (GDP tăng bình quân 13,6%/năm), thuộc nhóm 15 tỉnh dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỉ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ. Giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu hằng năm đều tăng. Tỉnh đã hình thành được các khu và cụm công nghiệp, sản xuất được một số mặt hàng có giá trị kinh tế, bước đầu có khả năng cạnh tranh trên thị trường; thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 21,7%/năm. Các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, văn hoá-xã hội đều có bước tiến bộ, nhất là việc phổ cập giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở. Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân; thực hiện các chính sách an sinh xã hội được chú trọng; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 10,8%, số hộ đồng bào dân tộc thiểu số được định canh, định cư đạt hơn 99%. Chất lượng cuộc sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 tăng gần gấp 3 lần so với năm 2005. Hệ thống chính trị của tỉnh được quan tâm củng cố; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ từng bước được nâng cao; phần lớn các thôn, làng đã có đảng viên; sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp có hiệu quả hơn; vai trò của mặt trận và các đoàn thể, sức mạnh đoàn kết các dân tộc được phát huy…
Đại hội làm việc đến ngày 6-10.
Nguồn: Báo Điện tử ĐCSVN