Tây Ninh: Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn cơ sở

Chủ trương nhất quán

Bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều này được thể hiện rõ trong Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 1-12-2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới”; trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và của Bộ Công an về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.


Đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh trao Cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua Toàn dân bảo vệ ANTQ” cho các đơn vị có thành tích xuất sắc (4-2019).

Với hy vọng khơi dậy sức mạnh, tiềm lực to lớn của Nhân dân trong công tác giữ gìn an ninh chính trị và phòng ngừa, tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội, Đảng ủy Công an tỉnh Tây Ninh đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức quán triệt, triển khai đến các ban, ngành, đoàn thể và lực lượng vũ trang cấp tỉnh, huyện tăng cường vai trò, trách nhiệm trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Qua đó đã lựa chọn những địa bàn khó khăn, phức tạp để tập trung tuyên truyền, phát động và xây dựng mô hình quần chúng tự quản về an ninh, trật tự, tham gia giáo dục, giúp đỡ, cảm hóa người vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng. Các cấp ủy đảng, chính quyền chỉ đạo xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường an toàn về an ninh trật tự, gắn kết với các cuộc vận động, phong trào khác của Đảng và Nhà nước như “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”…

Với vai trò là lực lượng tham mưu trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn tỉnh, Thượng tá Huỳnh Phát Đạt, Trưởng Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ, Công an tỉnh Tây Ninh luôn xác định công tác xây dựng mô hình phong trào, điển hình tiên tiến phải chú trọng đến hoạt động thực chất, không hình thức. Đơn vị tham mưu Công an tỉnh khảo sát, đánh giá hoạt động và kết thúc một số mô hình phong trào không còn phù hợp với tình hình thực tế; củng cố, nâng cao chất lượng 14 mô hình ngoài xã hội, trong đồng bào tôn giáo, dân tộc thiểu số trên phạm vi toàn tỉnh như: mô hình “Tổ dân cư tự quản”, “Đội tuần tra nhân dân”, “Họ đạo Cao Đài tham gia giữ gìn an ninh, trật tự”, “Xứ đạo an toàn về an ninh, trật tự”, “Đồng bào dân tộc Chăm tự phòng, tự quản về an ninh trật tự”, “Đồng bào dân tộc Khmer tự phòng, tự quản về an ninh trật tự”, “Sử dụng ca-mê-ra trong phòng, chống tội phạm”... Đồng thời, hướng dẫn xây dựng 3.407 nhóm Zalo ở tổ dân cư tự quản, các mô hình phong trào để chuyển tải thông tin nhanh chóng, kịp thời tuyên truyền và trao đổi tình hình an ninh trật tự giữa lực lượng công an với thành viên các mô hình. Bên cạnh việc chú trọng nhân rộng, duy trì các mô hình hoạt động hiệu quả, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trong lực lượng công an tỉnh được triển khai hiệu quả, góp phần đưa số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng gấp gần 3 lần so với trước khi triển khai phong trào thi đua (47 xã, trước đây là 16 xã).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ, lực lượng Công an nhân dân tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân; chú trọng nhân rộng và duy trì các mô hình hoạt động hiệu quả. Lực lượng Công an phối hợp nhịp nhàng với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội; củng cố, kiện toàn cả về số lượng và chất lượng lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách làm công tác xây dựng phong trào. Đồng thời, tích cực triển khai Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15-3-2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Quyết định số 2656/QĐ-UBND ngày 6-12-2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Đề án bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Công an tỉnh tích cực tham mưu, triển khai Kết luận số 44-KL/TW của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI); Kết luận số 43-KL/TW của Ban Bí thư về việc “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của BCH Trung ương (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; tập trung đẩy mạnh việc phòng ngừa, đấu tranh các loại tội phạm, nhất là trộm cắp tài sản, ma túy, mại dâm, tín dụng đen...

Nhờ sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ đảng, nhiều mô hình, điển hình tiên tiến được nhân rộng, tạo sự tin tưởng, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với thế lực thù địch và các loại tội phạm. Người dân cung cấp trên 27.500 tin có giá trị, hỗ trợ lực lượng công an bắt, xử lý 15.051 vụ với 20.250 đối tượng vi phạm pháp luật. Hầu hết các vụ án mà công an đấu tranh, điều tra làm rõ đều nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của quần chúng nhân dân. Công an tham gia hòa giải 7.586 vụ mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân; quản lý, giáo dục, giúp đỡ 4.977 đối tượng tại cộng đồng dân cư, góp phần kiềm giảm các loại tội phạm xâm phạm trật tự xã hội trên địa bàn. Công an tỉnh tham mưu Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh biểu dương, khen thưởng trên 3.000 lượt cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và 954 Kỷ niệm chương “Bảo vệ ANTQ”.


Các cá nhân là thành viên mô hình “Đồng bào dân tộc tham gia giữ gìn an ninh trật tự” có thành tích xuất sắc trong truy bắt đối tượng trộm nóng xe mô-tô tại xã Tân Hòa (huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) vinh dự nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

Phong trào thiết thực

Cụ thể hoá chủ trương, nghị quyết của cấp uỷ cấp trên, các cấp uỷ đảng ở cơ sở đã có nhiều biện pháp sáng tạo, phù hợp để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phong trào ở địa phương mình. Ngoài nhân rộng các mô hình phong trào chung của tỉnh, nhiều nơi xây dựng các phong trào mang tính đặc trưng của địa phương, nhờ vậy đã phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào việc giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở.

Với vai trò nòng cốt trong công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, Đảng uỷ Công an huyện Tân Biên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn lực lượng chủ động nắm tình hình, xây dựng và triển khai nhiều phương án, kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn xã hội theo địa bàn, tuyến, lĩnh vực, gắn với đối tượng trọng điểm góp phần ngăn chặn tội phạm, bảo vệ Đảng, chính quyền và Nhân dân, ổn định mọi hoạt động từ huyện đến ấp, khu phố.

Thượng tá Trần Kim Kiên, Phó Trưởng Công an huyện Tân Biên cho biết: Tất cả các chỉ đạo của Đảng ủy Công an huyện đều được triển khai cụ thể đến từng đội nghiệp vụ, công an xã, thị trấn. Mục tiêu quan trọng hàng đầu là không ngừng nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân với công việc, gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tiếp thu và khắc phục những hạn chế. Minh chứng cụ thể nhất là trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, lực lượng công an cơ sở đã không quản ngại khó khăn, đối mặt với áp lực công việc và nguy cơ nhiễm bệnh, kiên trì bám chốt, tham gia truy vết, bảo vệ an ninh trật tự khu phong tỏa, nơi tiêm ngừa vắc-xin. Tất cả vì sự bình yên của Nhân dân!

Xác định vai trò quan trọng của các mô hình phong trào, Chi bộ ấp Thạnh Thọ (xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên) đã nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo đảng viên, nhân dân chung tay giữ gìn an ninh trật tự, đẩy mạnh hoạt động của mô hình “Vận động toàn dân tham gia tố giác, truy bắt tội phạm ở địa bàn khu dân cư” và “Đồng bào Chăm tham gia giữ gìn an ninh trật tự”, góp phần xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc.


Lễ ra mắt mô hình “Đồng bào Chăm tham gia giữ gìn an ninh trật tự”.

Theo đồng chí Nguyễn Bình Long, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng ấp Thạnh Thọ, hằng tháng Ban điều hành của các mô hình tổ chức họp, triển khai cụ thể những nội dung chỉ đạo của Đảng ủy, chi bộ cho mọi người nắm và thực hiện. Khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thông qua nhóm Zalo, các chỉ đạo của cấp uỷ vẫn được chuyển tải kịp thời cho từng hộ gia đình và thành viên mô hình, người dân cũng kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng, cung cấp thông tin về an ninh, trật tự cho địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn ấp Thạnh Thọ có 10 đảng viên, trong đó có 1 đảng viên người dân tộc Khmer. Chi bộ ấp thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng cho đảng viên về bản lĩnh, trách nhiệm, chung tay khắc phục thiếu sót, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Để tạo sự gần gũi, kịp thời nắm bắt tình hình sinh hoạt của bà con, Chi bộ ấp phân công đảng viên phụ trách tổ tự quản, đến từng hộ gia đình để nói chuyện, tuyên truyền pháp luật, tìm hiểu nguyện vọng của bà con. Mỗi tháng, các đảng viên báo cáo tình hình ở địa bàn phụ trách, tìm cách tháo gỡ khó khăn ngay từ cơ sở, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, giảm áp lực công việc cho ngành cấp trên. Nhờ sự chỉ đạo sát sao của các cấp uỷ đảng, bà con địa phương chấp hành tốt pháp luật, có sự gần gũi giữa cán bộ và quần chúng nhân dân, tăng cường mối đoàn kết ở khu dân cư. Nhiều trường hợp quần chúng tham gia tố giác, truy bắt tội phạm được khen thưởng, biểu dương.

Những “cánh tay nối dài”

Với sự phối hợp chặt chẽ từ cấp uỷ, chính quyền, lực lượng công an địa phương, người có uy tín trong đồng bào dân tộc luôn thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình, thật sự trở thành “cánh tay nối dài” của Đảng trong công tác vận động quần chúng, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc, giúp họ ổn định đời sống, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Anh Cao Văn Sa Kha, ấp Xóm Tháp (xã Tân Phong, huyện Tân Biên) - người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer đã không ngại khó ngại khổ, trực tiếp đến từng hộ gia đình nhắc nhở không vi phạm pháp luật, cảnh giác với mọi âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc để xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Anh Kha cho biết: “Trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, tôi phối hợp chặt chẽ với công an, đoàn thể chính trị - xã hội giải quyết có hiệu quả các vụ tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không để phát sinh thêm vấn đề phức tạp. Với hy vọng kéo giảm tình trạng thanh thiếu niên dân tộc vi phạm pháp luật, tôi nỗ lực gần gũi động viên, có hướng phát triển đảng cho lớp trẻ để nâng cao khả năng tiếp cận đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chung tay xây dựng khu dân cư ngày càng phát triển. Đến nay, có 1 trường hợp thanh niên dân tộc tích cực hoạt động phong trào được giới thiệu cho chi bộ ấp xem xét kết nạp vào Đảng”.

Trên địa bàn xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu có hơn 16.000 tín đồ theo tôn giáo Cao Đài, 73 chức sắc và 370 chức việc. Với mục tiêu huy động sức mạnh của toàn thể nhân dân tham gia vào phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, trong đó có các tín đồ tôn giáo, cấp uỷ, chính quyền xã Bàu Năng triển khai xây dựng mô hình “Họ đạo Cao Đài tham gia giữ gìn an ninh trật tự”. Định kỳ vào ngày 20 hằng tháng, tại thánh thất Bàu Năng, Ban điều hành mô hình tổ chức họp, phổ biến kiến thức pháp luật, thông báo tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn cho mọi người. Thông qua hoạt động của mô hình, nhiều tín đồ tôn giáo Cao Đài tích cực tố giác, truy bắt tội phạm và tham gia vào tổ hoà giải ở các ấp. Khi phát sinh vụ việc về hôn nhân gia đình, đất đai, gây rối trật tự, thành viên mô hình kịp thời có mặt, động viên, hàn gắn các mối quan hệ, tỷ lệ hoà giải thành công đạt khoảng 70%.


Một buổi sinh hoạt của Ban điều hành mô hình “Họ đạo Cao Đài tham gia giữ gìn an ninh trật tự”.

Đến nay, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn ổn định, người dân chăm lo làm ăn, hơn 90% gia đình tín đồ đạt gia đình văn hoá. Khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tín đồ chấp hành tốt các quy định của ngành Y tế, không tập trung đông người. Họ đạo Bàu Năng chung tay hỗ trợ 450 phần quà, mỗi phần trị giá 200.000 đồng tặng cho các trường hợp nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ UBND xã 20 triệu đồng mua lương thực, thực phẩm cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt chống dịch.

Trước tình hình thanh thiếu niên vi phạm pháp luật có biểu hiện gia tăng, Ban điều hành mô hình tích cực vận động tín đồ, chức sắc, chức việc giáo dục, nhắc nhở con cháu không điều khiển xe khi chưa đủ tuổi, tránh xa tệ nạn, bài trừ cái xấu. Ông Nguyễn Văn Nơi, Cai quản Họ đạo Bàu Năng, Phó Ban điều hành mô hình cho biết: “Bên cạnh việc tuyên truyền, chúng tôi quan tâm, tạo điều kiện cho trẻ em đến trường, tặng dụng cụ học tập cho các bé có hoàn cảnh khó khăn, chăm lo từ “gốc”, giáo dục từ nhỏ. Họ đạo cũng thường xuyên cử tín đồ trẻ tuổi tham gia các lớp tập huấn kiến thức pháp luật để nâng cao hiểu biết, sau đó về phổ biến lại cho mọi người. Trên tinh thần khuyến khích, chúng tôi động viên các tín đồ trẻ tuổi tích cực làm việc, sống có ích cho xã hội, có điều kiện kết nạp vào Đảng để dễ dàng tiếp cận những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, hỗ trợ tôn giáo kịp thời nắm bắt thông tin, nâng cao nhận thức cho toàn thể tín đồ”.

Từ các mô hình và kinh nghiệm thực tiễn của lực lượng ở cơ sở, phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở Tây Ninh ngày càng lan toả sâu rộng trong địa bàn dân cư. Người dân cung cấp hàng nghìn tin có giá trị giúp lực lượng chức năng phát hiện, điều tra, xử lý có hiệu quả nhiều vụ việc về an ninh trật tự, tệ nạn xã hội. Trong thành công này có vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của cấp uỷ đảng đối với việc xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành động của cán bộ, nhân dân theo hướng tự phòng, tự quản.

Từ thực tiễn phong trào ở Tây Ninh cho thấy, để phong trào đạt hiệu quả, yếu tố quan trọng nhất là sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Đây là nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp để đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Thực tế cho thấy, địa phương nào phát huy được vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ thì ở địa phương đó sự phối hợp diễn ra chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể; các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ được cụ thể hóa, triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, sát với thực tiễn, yêu cầu, nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự của địa phương.

Nguyên nhân thành công thứ hai, là phải biết lựa chọn, quan tâm và khai thác thế mạnh của lực lượng làm công tác xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ, đặc biệt là các thành viên Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Từng thành viên của Ban Chỉ đạo phải phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ và đề ra giải pháp để giải quyết những vấn đề phức tạp ngay từ cơ sở. Bên cạnh đó, kiện toàn ban chỉ đạo các cấp, hoàn thiện quy chế hoạt động, có sự phân công, trách nhiệm cụ thể đối với từng thành viên. Thường xuyên chăm lo, xây dựng, củng cố lực lượng nòng cốt của phong trào như: lực lượng bảo vệ dân phố, bí thư chi bộ, người đứng đầu các đoàn thể quần chúng, trưởng ấp, khu phố, người có uy tín, chức sắc trong tôn giáo, dân tộc... Chính lực lượng này làm hạt nhân, chỗ dựa cho nhân dân, là nhân tố quan trọng có tính quyết định đến chất lượng phong trào.

Một kinh nghiệm nữa, là cần đề cao vai trò, trách nhiệm của lực lượng Công an trong công tác tham mưu triển khai, thực hiện phong trào. Kịp thời theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai, thực hiện để phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót; xử lý kiên quyết các trường hợp sai phạm; có hình thức biểu dương, khen thưởng những điển hình tiên tiến và những cá nhân, tập thể có thành tích để động viên, khích lệ, tạo động lực huy động đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Và cuối cùng, công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ phải gắn với các cuộc vận động của Đảng, Nhà nước của tỉnh, các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự cũng như các hoạt động “Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ”; chú trọng sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; tiếp tục củng cố, xây dựng và nhân rộng các mô hình phong trào hiệu quả, phù hợp với tình thực tế ở địa phương.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất