Trong Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường và đổi mới công tác dân vận ở vùng dân tộc thiểu số có nêu: “Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và cán bộ làm công tác dân vận phải thực hiện phong cách "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân", "nghe dân nói", "nói dân hiểu", "hướng dẫn dân làm", "làm dân tin" và phương châm "chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, hiệu quả". Thực tiễn cho thấy, ở đâu cán bộ nghe và thấu hiểu được đồng bào nói là cơ sở cho việc đề ra và thực hiện thành công chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Nghe được tiếng nói thật của người dân, nhất là tiếng nói của người nghèo, của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), là việc không đơn giản, dễ dàng, là một vấn đề đối với công tác dân vận hiện nay. Chả thế mà trong thời gian qua, không ít nghị định, quyết định của Chính phủ cũng như của chính quyền địa phương, trong đó có những vấn đề liên quan đến đồng bào DTTS tuy đã được khảo sát, hỏi ý kiến nhiều đối tượng, thậm chí có cả những cuộc điều tra xã hội học rất quy mô, tỉ mỉ, tuy nhiên sau khi ban hành nhiều quy định lại không đi vào cuộc sống, người dân không đồng tình ủng hộ. Điều quan trọng và dễ hiểu ở đây là trước khi ban hành các quyết định, chính sách, các cơ quan tham mưu, cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ chuẩn bị, soạn thảo văn bản đã thiếu sự khảo sát, chưa thật sự lắng nghe tiếng nói của người dân, chưa nghe được tiếng nói thật của đồng bào.
Một đặc điểm phổ biến của phần lớn những người nghèo hiện nay, trong đó có đông đảo đồng bào DTTS, là hoàn cảnh khó khăn, số phận éo le, không may mắn, ít vốn liếng, không có công ăn việc làm hoặc có nhưng không ổn định, thiếu thông tin, trình độ học vấn thấp, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, thậm chí tự ty, mặc cảm. Nhiều khi tiếng nói của những người nghèo thường bị liệt vào loại “thấp cổ bé họng”, “ít giá trị” không được người ta chú ý, kể cả những vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống thường nhật của họ. Có những người nghèo có những việc làm vi phạm pháp luật, nhưng vì “miếng cơm manh áo” và vì thiếu hiểu biết. Vì biết phận mình là “con kiến”, “cái sâu” cho nên, người nghèo cũng thường ít giãi bày những tâm tư, tình cảm của mình với người khác, nhất là đối với những người không quen thân hay những cán bộ lãnh đạo có chức, quyền lại quan liêu, đến với đồng bào theo kiểu “ngồi trên ô tô xem hoa tam giác mạch” ở vùng cao núi đá Hà Giang. Trong khi đó, những cơ quan, tổ chức, cán bộ dân cử, vì nhiều lý do, cũng chưa sâu sát, quan tâm, lắng nghe và không thể nghe được tiếng nói của đồng bào DTTS, chưa phản ánh hết tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của họ, kể cả trước khi ban hành, quyết định chính sách đối với họ. Do đó, không ít quyết định, chính sách, quy định và việc thực thi chính sách không đi vào cuộc sống do không phù hợp với hoàn cảnh, đối tượng, điều kiện người nghèo, vùng núi cao đặc biệt khó khăn. Hiện tượng gia đình nông dân người DTTS ở miền núi cao, không có sông, không có suối lại được “Quỹ xóa đói giảm nghèo” ủng hộ tấm lưới bắt cá là một ví dụ về tình trạng quan liêu, xa dân. Mỗi lần có khách đến chơi, chủ nhà lại đem tấm lưới ra khoe rằng, cán bộ thực hiện rất đúng chủ trương: Không cho đồng bào “con cá” mà cho cái lưới để bắt cá! Hay một số dự án thủy điện lại đưa đồng bào dân tộc Thái quen sống quanh sông, suối, lên tái định cư ở vùng đồi với dãy nhà tập thể lợp ngói xi măng, dùng nước máy phải trả tiền, cấp đất cho đồng bào trồng chè, nuôi bò sữa... cuối cùng đều bị “phá sản” là vì cán bộ không nghe đồng bào nói.
Tỷ lệ người dân thuộc đối tượng người nghèo, trong đó có đồng bào DTTS, ở nước ta hiện nay còn khá cao. Hơn nữa, sau mỗi mùa bão lũ, thiên tai, hạn hán, sau mỗi lần đi chữa bệnh hiểm nghèo... những người thuộc diện cận nghèo, thậm chí “thường thường bậc trung”, trở thành hộ nghèo, tái nghèo và cận nghèo lại gia tăng. Do vậy, rút kinh nghiệm những vụ việc thời gian qua, để chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống, thiết nghĩ những cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức làm công tác tham mưu cần thật sự lắng nghe và thấu hiểu, sâu sát hơn với đời sống đồng bào DTTS. Các cấp ủy, chính quyền, cán bộ dân vận nên chăng tập trung vào một số nội dung chính sau:
Khảo sát kỹ, hỏi ý kiến của cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cũng như những đại diện của dân và tốt nhất là phân loại đối tượng để nghe, trực tiếp tiếp xúc, hỏi ý kiến, lắng nghe và biết cách lắng nghe các đối tượng người nghèo, người DTTS. Những cán bộ được phân công tiếp xúc với đồng bào nhất thiết phải đặt mình vào địa vị của đồng bào, phải lo cái lo của đồng bào, vui với niềm vui dù rất nhỏ nhoi của người dân. Cần hết sức tránh “bệnh thành tích”, báo cáo sai sự thật của các ngành, các cấp cũng như “bệnh quan liêu” không chịu lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân hay ngồi trong phòng lạnh để đề ra chủ trương, chính sách.
Đối với những quyết định, chính sách, pháp luật liên quan đến việc xóa đói giảm nghèo, chuyển đối ngành, nghề, tăng thu nhập, đến lợi ích thiết thân của người dân nghèo, đồng bào DTTS cần có bước đi, lộ trình, có mô hình làm thử sau đó sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, nếu được mới làm ra diện rộng. Không thực hiện theo kiểu “phong trào”.
Các tổ chức, cơ quan, đại biểu của dân cần tăng cường tiếp xúc, sâu sát, lắng nghe, thấu hiểu ý kiến, tâm tư, nguyện vọng và thực tế cuộc sống của đồng bào, thu thập ý kiến, phản ánh một cách đầy đủ, trung thực, khách quan với các cơ quan chức năng có nhiệm vụ tham mưu, xây dựng chính sách. Đồng thời có trách nhiệm đốc thúc, theo dõi việc giải quyết những kiến nghị, bức xúc của đồng bào. Khi cán bộ tiếp xúc trực tiếp với đồng bào DTTS nên biết và nói được tiếng của đồng bào.
Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các ban đảng ở Trung ương cần nhanh chóng tham mưu, xây dựng trình các cấp có thẩm quyền thực hiện tốt quy chế giám sát, phản biện xã hội đối với các quyết định, chính sách lớn liên quan đến đồng bào DTTS. Xây dựng cơ chế để tạo quyền chủ động, sáng tạo cho địa phương, cơ sở trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phù hợp với điều kiện thực tế, phong tục, tập quán, thói quen của từng dân tộc ở mỗi địa phương, cơ sở. Khắc phục tình trạng hành chính hóa khi tiếp xúc với đồng bào, tình trạng dàn đều, bình quân chủ nghĩa trong chính sách, chế độ với đồng bào các DTTS.
Các ban, ngành chức năng cần hết sức quan tâm công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích, vận động, nâng cao nhận thức, sự hiểu biết chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với những đối tượng nghèo, yếu thế, dễ bị tổn thương trong cộng đồng các DTTS. Nhân rộng mô hình kết nghĩa giữa các vùng, miền, cơ quan, địa phương, đơn vị miền xuôi, người Kinh với các địa phương, thôn, làng, ấp, bản vùng đồng bào DTTS. Phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, thực hiện tốt chức năng là diễn đàn của người dân; phát hiện, đăng tải ý kiến, kiến nghị của người dân đối với những bất cập, yếu kém khi ban hành chủ trương, chính sách, đưa các chủ trương, chính sách vào cuộc sống. Những phóng viên, nhà báo được phân công lĩnh vực này phải là những người hơn ai hết thật sự gắn bó, lắng nghe và thấu hiểu đồng bào. Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng của đồng bào là một trong những cách tốt nhất để phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, góp phần phản biện những chủ trương, chính sách có liên quan cả trước, trong và sau khi được quyết định ban hành, đi vào cuộc sống. Việc đưa các trí thức trẻ tốt nghiệp đại học về công tác tại các xã khó khăn, vùng DTTS là một cách hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào một cách hiệu quả.
Đối với công tác dân vận nói chung và đối với đồng bào DTTS nói riêng, lời dạy của Bác Hồ: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” vẫn còn nguyên giá trị.
Vũ Ngọc Lân