Ngay từ những ngày đầu thành lập, Agribank xác định kiên trì mục tiêu hoạt động ưu tiên đầu tư cho tam nông, trước tiên là các hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm chuyển dịch cơ cấu đầu tư tăng thu nhập trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7, khóa X về “Nông nghiệp, nông thôn, nông dân”, Agribank đã xây dựng Đề án “Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam mở rộng và nâng cao hiệu quả đầu tư vốn cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”, tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường, tăng khả năng cạnh tranh, chuyển mạnh đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ và cấp uỷ, chính quyền các địa phương, Agribank là ngân hàng khởi xướng và luôn giữ vai trò chủ lực về cho vay nông nghiệp, nông thôn và nông dân, là người bạn đồng hành cùng bà con nông dân Việt Nam, Agribank luôn tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp nông thôn, nông dân, chủ động triển khai nhiều giải pháp huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước nhằm đáp ứng vốn đầu tư cho nền kinh tế mà trọng tâm là đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, cho vay phát triển sản xuất kinh doanh đối với các đối tượng nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại. Agribank đã xây dựng kế hoạch hành động "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"; từ 2010 đã triển khai cho vay thí điểm ở 11 xã thực hiện xây dựng nông thôn mới, sau đó tiến hành cho vay trên diện rộng, đến cuối tháng 6-2015 đã mở rộng cho vay lên 8.985 xã trên phạm vi toàn quốc; với tổng số 2.417.656 khách hàng vay, dư nợ 233.840 tỷ đồng. Dư nợ cho vay nông thôn mới gia tăng đáng khích lệ do sự tham gia và hưởng ứng mạnh mẽ của các cấp chính quyền địa phương, nâng cao điều kiện sống của người dân nông thôn, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tăng ổn định qua các năm (năm 2011 chiếm tỷ trọng trên 60%; năm 2012 là gần 70%; năm 2013 là trên 70%). Năm 2014, dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt 553.553 tỷ đồng, tăng gấp 1,3 lần so với năm 2010, tốc độ tăng bình quân 7,5%/năm. Đến 30-6-2015, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn là 426.047 tỷ đồng, đạt 74,8% và sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng trong những năm tới.
Agribank góp phần quan trọng tạo công ăn, việc làm mới cho nông dân; đổi mới và phát triển các loại hình dịch vụ cho sản xuất và tiêu thụ hàng hóa phục vụ việc nâng cao đời sống dân cư nông thôn: Agribank đã phối hợp triển khai thỏa thuận hợp tác và thực hiện cho vay đối với các đơn vị đầu mối là các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gắn với bán chéo các SPDV ngân hàng. Cung ứng đủ vốn đầu tư giúp người dân có vốn để sản xuất kinh doanh, đẩy lùi cho vay nặng lãi, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, tăng mức sống. Hàng năm có hàng triệu lượt hộ được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tiêu dùng, xây dựng sửa chữa nhà cửa, mua sắm phương tiện, tạo lập hàng triệu việc làm, thoát nghèo và làm giàu từ chính các sản phẩm nông nghiệp.
Agribank mở rộng cho vay phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn như điện, đường, trường, trạm, vệ sinh môi trường… Cho vay xây dựng nông thôn mới đã giúp diện mạo nông thôn từng bước thay đổi, một số địa phương đã xây dựng các trường học đạt chuẩn, kiên cố hóa đường giao thông, hệ thống kênh mương, xây dựng trụ sở xã, xóa nhà tạm, dạy nghề cho lao động nông thôn. Thông qua việc đầu tư vốn kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch, xã hội nông thôn dân chủ, ổn định; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Hằng năm, có hàng triệu lượt hộ được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tiêu dùng, xây dựng sửa chữa nhà cửa, mua sắm phương tiện, tạo lập hàng triệu việc làm, đẩy lùi cho vay nặng lãi, thoát nghèo và làm giàu từ chính các sản phẩm nông nghiệp, tạo công ăn, việc làm mới cho nông dân; đổi mới và phát triển các loại hình dịch vụ cho sản xuất và tiêu thụ hàng hóa phục vụ việc nâng cao đời sống dân cư nông thôn.
Agribank đã triển khai thực hiện cho vay ưu đãi lãi suất và hỗ trợ lãi suất đối với 62 huyện nghèo theo tinh thần Nghị quyết 30A, góp phần cùng đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương thực hiện công cuộc giảm nghèo bền vững. Các đối tượng khách hàng được hưởng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ lãi suất bao gồm các hộ nghèo, các hộ sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp, hợp tác xã, các chủ trang trại đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn 62 huyện nghèo vay vốn để trồng rừng sản xuất, phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp.
Agribank đã tạo lập kênh dẫn vốn đến với nông nghiệp, nông dân, nông thôn có hiệu quả, nắm giữ thị phần trên địa bàn nông thôn. Cho vay qua tổ nhóm giúp giảm tải công việc đối với cán bộ, tiết kiệm chi phí, các hộ trong tổ nhóm liên kết giúp đỡ nhau trong sản xuất, sử dụng vốn có hiệu quả để nâng cao thu nhập, tạo tính công đồng ngày càng gắn bó, tạo niềm tin của người dân đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Thông qua hoạt động đầu tư, Agribank đã góp phần làm thay đổi về cơ cấu kinh tế địa phương: cơ cấu kinh tế nông nghiệp từng bước chuyển biến khá mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng sản lượng, chất lượng nông sản hàng hóa; hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp: mía, mỳ, cao su, cà phê..; các vật nuôi có hiệu quả kinh tế như: gia súc, gia cầm, thủy sản… tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến xuất khẩu, mang lại nguồn ngoại tệ tạo điều kiện để đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng khác. Đồng thời, qua đó cũng tạo điều kiện để hệ thống dịch vụ trong khu vực nông nghiệp, nông thôn được hình thành và phát triển.
Việc triển khai thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã tạo ra nhiều cơ hội để các hộ gia đình, kể cả các hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tiếp cận nguồn vốn tín dụng theo cơ chế ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng ngành nghề tạo ra nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là lao động trong nông nghiệp do tính thời vụ và tình trạng “nông nhàn”. Agribank đã góp phần giải quyết tốt các vấn đề kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới theo chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Agribank đã ký liên tịch với hội nông dân, hội phụ nữ cùng tham gia tổ chức thực hiện để chính sách tín dụng của Nhà nước đi nhanh vào cuộc sống của người dân, hạn chế tình trạng vay vốn qua trung gian và vay nặng lãi ở nông thôn. Thông qua nguồn vốn ngân hàng, nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tiêu dùng đời sống cơ bản được đáp ứng đã tạo điều kiện cho người dân tăng gia sản xuất, họ có thể sống và làm giàu trên mãnh đất của mình; từ đó tăng thu nhập cho từng gia đình, cá nhân, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nông thôn.
Hoạt động tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn của Agribank chuyển đổi mạnh mẽ, toàn diện tập trung cho vay hộ gia đình, cá nhân trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân với nhiều phương thức cho vay, đa dạng hóa đối tượng đầu tư, sửa đổi cơ bản quy trình, thủ tục, hồ sơ vay vốn.
Với sự chuyển hướng mạnh mẽ, kịp thời, kiên quyết và những bước đi thích hợp trong quản trị điều hành, tổ chức thực hiện trong từng thời kỳ, Agribank luôn luôn khẳng định: nông nghiệp, nông thôn là địa bàn hoạt động chủ đạo, là thị trường chủ yếu cần phải được chiếm lĩnh; hộ gia đình, cá nhân là khách hàng truyền thống, cơ bản, lâu dài; Doanh nghiệp nhỏ và vừa là khách hàng tiềm năng cần đặc biệt quan tâm phát triển.
Tham gia đầu tư mạnh vào thị trường nông nghiệp, nông thôn góp phần đẩy nhanh và mở rộng khối lượng tín dụng của toàn hệ thống; năng suất lao động từng bước tăng lên. Chất lượng tín dụng không ngừng được cải thiện, nâng lên, tỷ lệ nợ xấu thấp (bình quân 2,32%).
Một số kinh nghiệm
Đầu tư tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân là chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, được người dân đồng tình ủng hộ. Vì vậy thực hiện tốt Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7, khóa X về “Nông nghiệp, nông thôn, nông dân”, Agribank củng cố được vị trí chủ lực trên thị trường nông nghiệp, nông thôn, qua đó phát huy tốt khả năng đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn.
Để triển khai có hiệu quả trong hoạt động đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn ngoài sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN và các bộ, ngành, thì sự chỉ đạo triển khai thực hiện của các tỉnh, thành có vai trò quyết định, đặc biệt là sự chủ động phối hợp của ngân hàng với các cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, phát huy tính năng động sáng tạo từng bộ phận, từng chi nhánh cơ sở trong quá trình thực hiện.
Sử dụng và phát huy tốt lợi thế của một ngân hàng thương mại nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đó là: lợi thế màng lưới, địa bàn hoạt động, sự am hiểu khách hàng để triển khai huy động vốn, tín dụng và cấp sản phẩm dịch vụ. Tập trung làm tốt việc cân đối, điều hòa vốn với mức phí linh hoạt tại từng thời điểm, vùng miền kịp thời để luân chuyển và sử dụng vốn hiệu quả.
Mở rộng và tăng trưởng tín dụng khu vực nông nghiệp, nông thôn gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế rủi ro, đảm bảo thanh khoản và các tỷ lệ an toàn theo quy định; gắn đầu tư tín dụng với việc cung ứng nhiều dịch vụ tiện ích, sản phẩm dịch vụ trọn gói với từng loại khách hàng; nâng cao dần các SPDV tiện ích bằng ứng dụng CNTT để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Gắn đầu tư tín dụng, dịch vụ ngân hàng tập trung vào quy hoạch vùng, cây con; các chương trình phát triển, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông thôn của địa phương để nhận được sự chỉ đạo và hỗ trợ của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện.
Định hướng những năm tới
Tiếp tục hướng mạnh về nông thôn, phục vụ phát triển nông nghiệp toàn diện, Đảng bộ Agribank định hướng những nội dung chính sau:
Thứ nhất, chuyển từ đầu tư cho vay chăn nuôi nhỏ lẻ sang đầu tư cho vay theo hướng trang trại, gia trại, nông hộ nhưng theo hình thức công nghiệp, công nghệ cao.
Thứ hai, đầu tư cho vay phục vụ công nghiệp chế biến và ngành nghề nông thôn theo hướng ưu tiên vốn đầu tư cho các dự án, chương trình phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu; đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị kết hợp các biện pháp về tổ chức sản xuất tiêu thụ hàng hoá nhằm nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp.
Thứ ba, bám sát định hướng tái cơ cấu ngành trồng trọt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đầu tư theo các vùng chuyên canh các cây trồng có giá trị kinh tế hàng hoá cao, xuất khẩu lớn. Tiếp tục chỉ đạo triển khai, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các chương trình cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ.
Thứ tư, tổ chức đánh giá tình hình đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn thông qua việc phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội cho vay qua các tổ nhóm. Bổ sung các cơ chế chính sách phù hợp để tăng trưởng dư nợ cho vay qua tổ nhóm, góp phần giảm tải khối lượng công việc cho cán bộ tín dụng.
Thứ năm, tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao dịch cho cán bộ; Triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu, thường xuyên phân tích hoạt động của khách hàng, phân tích dư nợ có tiềm ẩn rủi ro để có các giải pháp cụ thể xử lý nợ, giảm thấp nợ xấu, ngăn ngừa nợ xấu phát sinh.
Thứ sáu, ban hành một số sản phẩm tín dụng gắn với phát triển các dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Mô hình cho vay liên kết, khép kín giữa 3 nhà (ngân hàng, doanh nghiệp và nhà nông), cho vay theo từng loại sản phẩm cây trồng, vật nuôi; cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình; cho vay theo mô hình chuỗi liên kết giá trị từ khâu cung ứng vật tư, sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu...
Tùng Lâm