Thị xã Buôn Hồ thuộc tỉnh Đắk Lắk, có diện tích tự nhiên 28.205,98 ha, dân số 101.554 người, với 22 dân tộc anh em cùng chung sống; trong đó, dân tộc thiểu số tại chỗ là 29.592 người, chiếm 29,73%. Thị xã có 12 đơn vị hành chính gồm 5 xã, 7 phường với 149 thôn, buôn, tổ dân phố.
Nhận thức ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm từng bước cải thiện, nâng dần đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Những năm qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể của thị xã đã tích cực triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, biện pháp xây dựng nông thôn mới, được đông đảo nhân dân trong thị xã hưởng ứng, đạt được nhiều kết quả quan trọng; tạo chuyển biến mới trong nông nghiệp, bộ mặt nông thôn được đổi mới, đời sống nông dân trong thị xã từng bước được nâng lên.
Thị ủy Buôn Hồ đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 26-4-2011 về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020; UBND thị xã ban hành Quyết định số 4053/QĐ-UBND, ngày 25-10-2011 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Thị ủy. Ngày 28-12-2012 Ban Thường vụ Thị ủy đã ban hành Chỉ thị số 29-CT/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2013 và những năm tiếp theo. UBND thị xã, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thị xã có các văn bản chỉ đạo cho các phòng, ban, đơn vị liên quan hướng dẫn các xã tuyên truyền, kiện toàn ban chỉ đạo, ban quản lý, ban phát triển thôn, buôn và lập đề án quy hoạch, xây dựng nông thôn mới..., các xã tiến hành đăng ký thi đua, tuyên truyền để mọi người dân tích cực xây dựng nông thôn mới, tham gia đóng góp tiền, vật chất, hiến đất, tham gia ngày công lao động chỉnh trang nhà cửa, xây dựng công trình vệ sinh,... đặc biệt là bê tông hóa đường giao thông nông thôn tạo ra bước đột phá trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới Thị ủy chỉ đạo thực hiện tốt phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”, khơi dậy niềm tin và được nhân dân hưởng ứng tích cực, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, sự đồng thuận trong xã hội, phát huy tính chủ động trong việc khắc phục khó khăn, xóa bỏ tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước, từ đó mỗi người đều có những hành động thiết thực, cụ thể cùng chung tay xây dựng nông thôn mới.
Thị ủy chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền cơ sở tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn xây dựng quy hoạch, đề án, kế hoạch tổng thể và kế hoạch đầu tư hàng năm xây dựng nông thôn mới cho đội ngũ cán bộ xã, cán bộ thôn buôn; tập huấn kỹ thuật ủ phân vi sinh từ vỏ cà phê, kỹ thuật chăm sóc cà phê, tiêu, ngô, lúa, kỹ thuật chăn nuôi gà, heo, cá... Mô hình tái canh cà phê tại xã Ea Blang; chương trình giống lúa lai xã Ea Blang, Ea Siên, Ea Drông, Cư Bao và Bình Thuận. Xây dựng mô hình nuôi cá truyền thống tại xã Ea Blang; mô hình cưa đốn - ghép cải tạo cà phê tại xã Ea Drông, Ea Siên, mô hình sản xuất cà phê bền vững, tiêu bền vững tại Bình Thuận, Cư Bao; mô hình nuôi bò lai tại xã Ea Drông, Ea Siên...
Đến nay thị xã Buôn Hồ đã có 2 xã đạt 16 tiêu chí (Ea Blang và Cư Bao), 2 xã đạt 11 tiêu chí (Bình Thuận và Ea Siên), 1 xã đạt 8 tiêu chí (Ea Drông). Tổng số tiêu chí đạt chuẩn đến nay của 5 xã trên địa bàn thị xã là 62/95 tiêu chí, đạt 65,26%. Bình quân số tiêu chí đạt chuẩn là 12,4 tiêu chí/xã, tăng 2,6 tiêu chí/xã so với năm 2013 và tăng 8,4 tiêu chí/xã so với năm 2011. Đây là kết quả đáng khích lệ để các xã tiếp tục phấn đấu. UBND thị xã xây dựng kế hoạch, phấn đấu đến cuối năm 2015 có 2 xã đạt 19 tiêu chí, 1 xã đạt 15 tiêu chí, 1 xã đạt 14 tiêu chí và 1 xã đạt 12 tiêu chí.
Thực hiện xây dựng nông thôn mới, nông thôn Buôn Hồ bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đồng bộ hơn và từng bước hiện đại; đã có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các loại hình tổ chức sản xuất phát triển hợp lý, an ninh chính trị được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Bộ mặt nông thôn từng bước thay đổi, cơ bản đáp ứng các điều kiện đi lại, học hành, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, phục vụ các nhu cầu về sản xuất và sinh hoạt của cộng đồng dân cư nông thôn.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở thị xã Buôn Hồ cũng bộc lộ những hạn chế cần khắc phục: Công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn còn hạn chế; công tác rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn ở một số xã chưa sát với thực tế; việc hướng dẫn lập đồ án quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới chưa sát với tình hình thực tế của một số địa phương; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới và phương thức tổ chức mô hình sản xuất trong nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu; tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp theo hướng hiện đại nhìn chung còn chậm, thiếu tính bền vững; quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún.
Để hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể thị xã Buôn Hồ tích cực triển khai các giải pháp trọng tâm sau:
1- Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức đúng chủ trương về xây dựng nông thôn mới; đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, nêu rõ cơ chế, chính sách mới và nhân rộng cách làm hay, sáng tạo, các kinh nghiệm và mô hình sản xuất có hiệu quả.
2- Tăng cường công tác chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong tổ chức thực hiện chương trình nông thôn mới, phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính và của từng thành viên ban chỉ đạo các cấp. Tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống ban chỉ đạo, tổ điều phối của thị xã, ban quản lý cấp xã và ban phát triển các thôn, buôn; tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành và thực hành cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp, trọng tâm là cán bộ xã, thôn, buôn gắn với cuộc vận động ‘‘Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư’’ với phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.
3- Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, vốn chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn lồng ghép khác; ưu tiên bố trí ngân sách thị xã hỗ trợ các địa phương xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch. Tranh thủ huy động các nguồn vốn khác đầu tư nâng cấp các trường học khu vực nông đạt chuẩn quốc gia. Tiếp tục vận động nhân dân tự chỉnh trang nhà ở, các công trình phụ thuận tiện trong sinh hoạt, bảo đảm vệ sinh môi trường....
4- Tiếp tục kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho động nông nghiệp, nông thôn; chú trọng chất lượng dạy nghề và công tác hướng nghiệp cho người dân nông thôn; gắn công tác đào tạo nghề với các đề án tạo việc làm, đề án giảm nghèo nhằm nâng cao mức thu nhập cho dân cư nông thôn và tăng tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên, tập trung ưu tiên cho các xã điểm.
5- Biểu dương kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư của chương trình một cách hiệu quả nhất.
H’Blă Mlô
Thị ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ