Triển khai thực hiện
Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ chủ chốt do HĐND xã bầu và trưởng thôn là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, là hoạt động cụ thể phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân ở cơ sở trong việc tham gia xây dựng và củng cố chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh theo quy định của Quy chế thực hiện dân chủ ở xã (ban hành kèm theo Nghị định số 79/2003/NĐ-CP ngày 7-7-2003 của Chính phủ). Do đó, sau khi Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Thông tri số 06/TTr-MTTW ngày 25-1-2005 về tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ chủ chốt do HĐND cấp cơ sở bầu và trưởng thôn, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam ban hành Hướng dẫn liên tịch số 04/HDLT-MT-HĐND ngày 22-8-2005 hướng dẫn, chỉ đạo Ban Thường trực UBMTTQVN các cấp phối hợp với Thường trực HĐND cùng cấp tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm theo Thông tri số 06/TTr-MTTW của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ngày 20-4-2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI ban hành Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (thay thế Nghị định số 79/2003/NĐ-CP ngày 7-7-2003 của Chính phủ về ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã); ngày 17-4-2008 Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN hướng dẫn thực hiện một số điều của Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn trong đó có quy định về lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch, phó chủ tịch HĐND và UBND cấp cơ sở.
Thực hiện các quy định trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 27-8-2008 về việc triển khai thực hiện Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11. Tiếp đó, ngày 23-10-08, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh phối hợp với Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam ban hành Hướng dẫn liên tịch số 01/HDLT-BTTUBMTTQVN-SNV hướng dẫn quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch, phó chủ tịch HĐND và UBND cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Kết quả
Thực hiện các hướng dẫn trên, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể của tỉnh Quảng Nam, nhất là Ban Thường trực UBMTTQVN các cấp đã chủ động phối hợp với Thường trực HĐND và UBND cùng cấp xây dựng Kế hoạch, tổ chức tập huấn và thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ chủ chốt do HĐND cấp cơ sở bầu với kết quả cụ thể như sau:
1. Đối với các chức vụ chủ chốt do HĐND cấp cơ sở bầu và trưởng thôn theo quy định tại Nghị định số 79/2003/NĐ-CP ngày 7-7-2003 của Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã và Thông tri số 06/TTr-MTTW ngày 25-1-2005 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:
Năm 2006, 16/17 huyện, thị xã, thành phố toàn tỉnh với 208/233 xã, phường, thị trấn ( 89,3%) và 1.426/1.662 thôn, khối phố ( 85,8%) đã thực hiện việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 403 chủ tịch HĐND và chủ tịch UBND cấp cơ sở (204 chủ tịch HĐND, 199 chủ tịch UBND) và 1.426 trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm: 3 chủ tịch HĐND và 2 chủ tịch UBND cấp cơ sở có phiếu tín nhiệm thấp dưới 50% và 49 trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố có số phiếu tín nhiệm thấp dưới 50%.
Ban Thường trực UBMTTQVN các địa phương có các chức vụ chủ chốt có số phiếu tín nhiệm thấp dưới 50% tiến hành báo cáo kết quả với cấp uỷ đảng và kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định.
Kết quả xử lý: 3 chủ tịch UBND và 1 chủ tịch HĐND cấp cơ sở có số phiếu tín nhiệm thấp dưới 50% bị đại biểu HĐND cấp cơ sở bãi nhiệm khi đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp của HĐND cùng cấp. 1 trường hợp được đại biểu HĐND cấp cơ sở tín nhiệm trên 50% tại kỳ họp HĐND xã nên không bị miễn nhiệm theo quy định.
Phần lớn trưởng thôn có số phiếu tín nhiệm thấp dưới 50% bị cử tri bãi nhiệm tại hội nghị cử tri của thôn, tổ dân phố theo quy định.
2. Đối với chủ tịch, phó chủ tịch HĐND và UBND cấp cơ sở theo quy định của Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN ngày 17-4-2008 của Chính phủ và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn thi hành các Điều 11, 14, 16, 22 và 26 của Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn:
Năm 2008-2009:18/18 huyện, thành phố toàn tỉnh đã hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch, phó chủ tịch HĐND và UBND cấp cơ sở. Tổng số chủ tịch và phó chủ tịch UBND cấp cơ sở được lấy phiếu tín nhiệm là 479/532 (90%), với 6 chủ tịch và 8 phó chủ tịch có số phiếu tín nhiệm dưới 50%. Tổng số chủ tịch và phó chủ tịch HĐND cấp cơ sở được lấy phiếu tín nhiệm là 400/444 (86,5%), với 3 chủ tịch và 10 phó chủ tịch có số phiếu tín nhiệm dưới 50%.
Năm 2010: 35/241 xã, phường, thị trấn toàn tỉnh đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 136 chủ tịch và phó chủ tịch HĐND và UBND cấp xã đã đủ thời gian công tác. Kết quả: 1 Chủ tịch UBND và 1 phó chủ tịch UBND có số phiếu tín nhiệm dưới 50%, đã được cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Năm 2011 là năm bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 nên theo quy định của Nghị quyết liên tịch số số 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN ngày 17-4-2008 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hướng dẫn thực hiện một số điều của Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 thì đến tháng 7 năm 2013 mới tổ chức lấy phiếu tín nhiệm lần đầu đối với chủ tịch, phó chủ tịch HĐND và UBND cấp cơ sở nhiệm kỳ 2011-2016.
Từ các đợt lấy phiếu tín nhiệm vừa qua cho thấy:
Ưu điểm: Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ chủ chốt (chủ tịch, phó chủ tịch HĐND và UBND cấp cơ sở) là một trong những hoạt động cụ thể, thiết thực thể hiện rõ quyền làm chủ của nhân dân đối với việc tham gia xây dựng và củng cố chính quyền cấp xã trong sạch, vững mạnh, trực tiếp góp phần quan trọng giúp các cấp ủy đảng làm tốt công tác tổ chức, quản lý, đánh giá cán bộ. Thông qua hoạt động này, mối quan hệ giữa chính quyền với Mặt trận cùng cấp ngày càng được thắt chặt theo hướng tôn trọng và có trách nhiệm hơn. Đối với chủ tịch HĐND và UBND cấp xã đã thể hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ, phương pháp công tác của mình đối với nhân dân và địa phương. Đồng thời, vị trí vai trò của Mặt trận ngày được khẳng định và từng bước nâng cao trong hệ thống chính trị cơ sở.
Hạn chế, khó khăn
Một số cấp ủy đảng chưa thật sự quan tâm và lãnh đạo một cách trực tiếp, sâu sát việc thực hiện Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn nói chung và việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch, phó chủ tịch HĐND và UBND cấp cơ sở nói riêng nên kết quả thực hiện quy định trên vẫn còn hạn chế.
Việc xử lý các trường hợp chủ tịch, phó chủ tịch HĐND và UBND cấp cơ sở có số phiếu tín nhiệm dưới 50% còn nhiều lúng túng. Quy trình, thủ tục kiến nghị xử lý chưa cụ thể, chưa quy định rõ hiệu lực pháp luật (giá trị căn cứ) của văn bản kiến nghị miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp cơ sở đối với HĐND cùng cấp đối với những trường hợp có phiếu tín nhiệm dưới 50%.
Thời gian các cơ quan có thẩm quyền (cấp ủy cấp huyện, HĐND cấp xã) xử lý các trường hợp chủ tịch, phó chủ tịch HĐND và UBND có số phiếu tín nhiệm dưới 50% thường kéo dài, chưa kịp thời, không công khai kết quả xử lý theo quy định tại khoản 7 Điều 5 Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn gây tâm lý băn khoăn, tạo dư luận không tốt trong nhân dân.
Nhân sự thay thế chủ tịch, phó chủ tịch HĐND và UBND cấp cơ sở đối với những trường hợp bị HĐND cùng cấp thống nhất miễn nhiệm liên quan đến công tác tổ chức cán bộ nên việc xử lý kết quả lấy phiếu tín nhiệm trở thành vấn đề hết sức khó khăn của nhiều địa phương trong tỉnh.
Sự phối hợp giữa thường trực HĐND và UBND cấp cơ sở với ban thường trực UBMTTQVN cùng cấp trong việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm ở nhiều địa phương chưa đảm bảo sự chặt chẽ, nhịp nhàng. Việc bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ trên cho UBMTTQVN cấp cơ sở chưa được UBND và HĐND cấp huyện quan tâm thực hiện theo đúng quy định tại Điều 24 Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN ngày 17-4-2008 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Kinh nghiệm
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến trong các cấp bộ đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng và các nội dung cơ bản các nghị quyết của Đảng, hướng dẫn của Trung ương, văn bản cụ thể hóa của địa phương nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng, củng cố bộ máy chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh, thực hiện nghĩa vụ công dân ở cơ sở.
2. Các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo chặt chẽ và trực tiếp việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch, phó chủ tịch HĐND và UBND cấp cơ sở. Đồng thời cần ban hành một cơ chế phù hợp, thiết thực để UBMTTQVN các cấp và các tổ chức thành viên của mặt trận được tham gia một cách thực chất vào quá trình xây dựng và củng cố chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh.
3. Ban thường vụ cấp ủy cần có hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể để tập trung xử lý một cách kịp thời, công khai các trường hợp chủ tịch, phó chủ tịch HĐND và UBND cấp cơ sở có số phiếu tín nhiệm dưới 50% theo đề nghị của Ban Thường trực UBMTTQVN cùng cấp.
4. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần chỉ đạo, lãnh đạo Ban Cán sự đảng HĐND và UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn thường trực HĐND và UBND các cấp có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với ban thường trực UBMTTQVN cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch hằng năm lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch, phó chủ tịch HĐND và UBND cấp cơ sở .
5. Trên cơ sở rút kinh nghiệm và kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch, phó chủ tịch HĐND và UBND cấp cơ sở, ban tổ chức cấp ủy cần tập trung nghiên cứu, tham mưu cho ban thường vụ cấp ủy sớm ban hành cơ chế, quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh khác ở cấp tỉnh, cấp huyện.
Nguyễn Văn Long
Chánh Văn phòng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam