Huyện Đắc Hà, tỉnh Kon Tum thành lập năm 1994, diện tích tự nhiên 84.446 km2, có 8 xã và 1 thị trấn, dân số 61.348 người, trong đó dân tộc thiếu số chiếm 48%, người theo tôn giáo chiếm 43% số dân. Đắc Hà là một huyện điển hình của tỉnh Kon Tum thực hiện thành công chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn. Năm 2009, huyện vinh dự được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Đắc Hà thiếu lương thực triền miên, phải vay của tư thương với lãi suất “cắt cổ”, để trả nợ, bà con phải bán nông sản non. Với mục đích ổn định đời sống cho người nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiếu số, từ năm 2009, Huyện ủy Đắc Hà đã lãnh đạo xây dựng mô hình “Ngân hàng lương thực cộng đồng”.
Ngân hàng lương thực cộng đồng nhận được sự hướng ứng của cán bộ, đảng viên, các doanh nghiệp trong huyện và đông đảo nhân dân. Mỗi “ngân hàng” đều có Tổ điều hành do các thôn, bản bầu ra, thành phần gồm già làng, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, chi hội phụ nữ... Các ngân hàng hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự giác, có sự hỗ trợ đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong thôn, cộng đồng xã hội, các doanh nghiệp. Đến nay đã có hơn 35 cơ quan, doanh nghiệp và hàng chục cá nhân đứng ra hỗ trợ “cấp vốn” lương thực cho các ngân hàng. Ngân hàng cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích, theo nguyên tắc tập thể, công khai, minh bạch; mỗi hộ chỉ được vay 1 lần/tháng theo định mức. Đối tượng được vay của ngân hàng chủ yếu là các hộ nghèo, hộ gặp khó khăn đột xuất. Lãi suất cho vay với hộ nghèo là 0% tháng, các hộ khác là 0,65% tháng, được thu hồi bằng lương thực, thời hạn cho vay không quá 12 tháng, mức cho vay là 15-20 kg/người/tháng. Đến vụ thu hoạch (hoặc chưa đến vụ thu hoạch nhưng có điều kiện trả), người được vay cần trả lại đủ số lượng và chất lượng lương thực đã vay nhưng không phải trả lãi. UBND các xã, thị trấn chỉ đạo các thôn thành lập tổ quản lý ngân hàng lương thực, thường xuyên kiểm tra, giám sát số hộ khó khăn để ưu tiên cho vay theo từng trường hợp cụ thể, kịp thời.
Đến nay, trên địa bàn huyện Đắc Hà đã có 60 “ngân hàng lương thực cộng đồng”. Lương thực được cho vay quay vòng, đảm bảo thường xuyên trong kho có ít nhất 5 tấn lương thực dự trữ. Sau gần 1 năm hoat động, đồng bào dân tộc gặp khó khăn đã vay 127 tấn lúa, gần 42 tấn gạo và 24 triệu đồng. Mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa lớn trên nhiều mặt: Giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số ổn định đời sống, hầu như toàn bộ số hộ thiếu ăn lúc giáp hạt (hơn 10 nghìn hộ) được hỗ trợ kịp thời. Các hộ trong 60 thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc nghèo đều được ngân hàng cho vay lúa, giúp người nghèo vùng đồng bào dân tộc không vướng vào vấn nạn vay nặng lãi, nông dân không phải bán lúa non, mì non, cà phê, cao su non và các sản phẩm khác, dần hướng đến thoát nghèo.
Việc thực hiện “kho lương thực công đồng” cũng góp phần phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế nông thôn, giữ vững an ninh xã hội, trật tự, an toàn trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Loại bỏ tình trạng kẻ xấu lợi dụng, mua chuộc khi đồng bào gặp khó khăn, túng thiếu; phát huy tinh thần tương thân, tương ái “lá lành đùm lá rách”. Việc thực hiện mô hình ngân hàng này đã phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị ở cơ sở, tạo tiền đề vững chắc cho việc nâng cao đời sống người dân nông thôn.
Để ngân hàng lương thực cộng đồng ở Đắc Hà phát huy hơn nữa vai trò, ý nghĩa và phát triển một cách bền vững, thời gian tới cấp ủy và chính quyền huyện Đắc Hà chú trọng thực hiện tốt hơn một số nội dung sau:
Một là, xây dựng chiến lược phát triển của ngân hàng lương thực cộng đồng, giúp mô hình ngân hàng này phát triển một cách ổn định, bền vững, có biện pháp đầu tư lâu dài, góp phần thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức đối với đồng bào dân tộc thiểu số và cộng đồng dân cư về mục đích, ý nghĩa của ngân hàng lương thực cộng đồng, xóa bỏ nạn mua rẻ bán đắt, o ép bất công với đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là một vấn đề phức tạp vì liên quan đến lợi ích của một số cá nhân, thời gian qua đã có những phản ứng và tin đồn ác ý, có cả tin nhắn dọa nạt khi “chiếc cần câu” một vốn bốn lời của một số người bị tước mất. Phòng Văn hóa - Thông tin, Đài Truyền thanh và Truyền hình huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức, vận dụng nhiều phương pháp khác nhau để phù hợp với từng đối tượng tuyên truyền.
Ba là, mô hình ngân hàng lương thực mang tính tự quản, do người dân làm chủ, cần huy động đủ vốn cho ngân hàng là lương thực, thực phẩm, hàng nông lâm sản. Chú trọng lựa chọn người trông coi, quản lý kho có uy tín, có tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Cần tổ chức đào tạọ, bồi dưỡng, tập huấn đối với đội ngũ trực tiếp quản lý các ngân hàng nhằm nâng cao năng lực, trình độ, phương thức quản lý.
Bốn là, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của huyện đóng vai trò cơ quan thường trực, phối hợp với chi nhánh ngân hàng, ủy ban nhân dân xã, thôn và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện tốt Điều lệ của ngân hàng, điều tiết lượng lực khi cần thiết, nâng cấp hệ thống kho, thực hiện các giải pháp kỹ thuật để bảo quản lương thực, cứu đói giúp dân kịp thời.
Năm là, thường xuyên đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cụ thể để có biện pháp xử lý, uốn nắn những sai lệch. Mặt khác, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích, vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng ngân hàng lương thực cộng đồng. Kịp thời phản ánh, nêu gương những xã, thôn, tổ chức và cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp to lớn vào sự phát triển của Ngân hàng lương thực cộng đồng ở Đắc Hà.
PGS,TS Nguyễn Thế Tràm
Học viện Chính trị Hành chính khu vực III