Đảng tăng cường đối thoại với dân
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích các nhóm giải pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả, chất lượng Nghị quyết, trong đó nhấn mạnh: “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, xét xử, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng; có giải pháp xây dựng cơ chế để nhân dân thông qua mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia xây dựng Đảng. Có cơ chế phát huy dân chủ thực sự, thực hiện công khai, minh bạch; khuyến khích cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; thực hiện nghiêm túc việc chất vấn trong Đảng được quy định từ nhiệm kỳ khóa IX”.

Nhiều năm qua cho thấy hoạt động của các đoàn thể nhân dân như mặt trận, đoàn thanh niên, hội phụ nữ… ở cơ sở đã đạt nhiều kết quả, có những phong trào đem lại lợi ích “quốc kế dân sinh”, nhưng không ít nơi hoạt động còn mờ nhạt, hiệu quả thấp. Ở nhiều hội cựu chiến binh hăng hái tổ chức hoạt động thể hiện tinh thần đấu tranh, phê bình mạnh, nhưng khi phản ánh, đề đạt những thực trạng bức xúc ít ai chịu nghe. Có nhiều ý kiến dân đề xuất với Đảng nhưng cấp ủy cơ sở không báo cáo lên trên, hoặc chỉ báo cáo chung chung, chiếu lệ, nhiều khi, các tổ chức đoàn thể nắm bắt không kịp, không đủ, thậm chí sai thông tin, không báo cáo chu đáo, có khi còn vì động cơ cá nhân mà cố tình giấu nhẹm thông tin. Sự thiếu mạnh dạn, thiếu bản lĩnh đấu tranh nhiều khi còn do sợ mất lòng, muốn nịnh cấp trên để giữ "ghế", ngại đụng chạm, sợ đấu tranh sẽ “tránh đâu”. Đó là những yếu kém của hệ thống chính trị cơ sở, có nơi bị tê liệt. Cử tri có quyền chất vấn đại biểu Quốc hội thì người dân cũng có quyền chất vấn Đảng. Tại sao không? Để phát huy dân chủ trong xây dựng Đảng, phải tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân với đảng viên và các tổ chức cơ sở đảng. Một trong những hoạt động thiết thực này là cán bộ, đảng viên phải có tác phong sâu sát thực tế đời sống, nhất là thường xuyên đối thoại trực tiếp với dân ngay tại từng địa phương, cơ sở.

Đồng chí Tổng Bí thư chỉ rõ: “Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: Sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, lãng phí; bè phái, cục bộ, mất đoàn kết; phong cách quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân; lối sống xa hoa, hưởng lạc... Trong những biểu hiện đó, cán bộ, đảng viên, nhân dân và dư luận xã hội quan tâm nhiều nhất, bức xúc nhất là tình trạng tham nhũng, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm… ở một bộ phận đảng viên có chức, có quyền, cả trong một số cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, đương chức, hoặc thôi chức”.  Như thế, việc tăng cường đối thoại với nhân dân, lấy lại niềm tin, động viên, khích lệ nhân dân xây dựng Đảng là rất cần thiết để đạt được ý Đảng, lòng dân. Đảng muốn trong sạch, vững mạnh phải biết thực sự dựa vào dân. Làm mất lòng dân là tự đánh mất Đảng.

Đảng viên chất vấn bí thư và tập thể cấp ủy, người dân chất vấn tổ chức đảng là hoạt động phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng, thực hiện dân chủ từ trong Đảng tới quần chúng, thực sự lấy dân làm gốc, Quy chế dân chủ ở cơ sở mới được thực thi nghiêm túc và chất lượng. Vừa qua, một số đảng bộ địa phương như TP. Đà Nẵng, quận Bình Thủy (TP. Cần Thơ), huyện Tân Hồng và huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đã tổ chức đối thoại giữa tổ chức đảng với dân, do đồng chí bí thư cấp ủy trên địa bàn trực tiếp nghe dân nói và trả lời những thắc mắc, kiến nghị, tiếp thu những ý kiến đóng góp của người dân. Thông qua chất vấn, đối thoại trực tiếp với nhân dân các cấp uỷ trực tiếp thấy nhiều vấn đề bức xúc, trì trệ đang phát sinh và tồn tại trong cuộc sống.

Ở Đảng bộ huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) - một huyện vùng sâu biên giới, đầu nguồn lũ, nhiều khó khăn chồng chất - Huyện ủy đối thoại với nông dân về thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước và thực thi pháp luật, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Qua các cuộc đối thoại, người dân tận các xóm, ấp biểu lộ tâm tư, nguyện vọng với những cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở địa phương. Những đề xuất về giao thông nông thôn, sản xuất và đời sống, thực hiện các chính sách khuyến nông, khuyến ngư, sử dụng đất nông nghiệp đã được phản ánh trực tiếp với lãnh đạo. Đặc biệt, buổi đối thoại với giáo viên rất sâu sắc, qua đó Huyện ủy nắm được rõ thực trạng, tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ giáo viên vùng sâu, vùng xa. Giáo viên rất mừng khi có cuộc đối thoại dân chủ và thoải mái này. Những vấn đề được đưa ra để Huyện uỷ và giáo viên cùng trao đổi là: việc trích tiền lương của mình trả cho người dạy thay; học sinh được cử tuyển đi học tại các trường đại học sư phạm sau khi tốt nghiệp có được địa phương bố trí giảng dạy hay không? Những sinh viên tốt nghiệp sư phạm mà không được Sở Giáo dục - Đào tạo phân công giảng dạy thì địa phương có tiếp nhận vào làm việc tại các cơ quan hành chính không?

Trong buổi đối thoại, giáo viên đã kiến nghị: Cần phân chia khu vực thích hợp, có nhà ở công vụ và chính sách xây dựng nhà ở bán trả chậm cho giáo viên;  cần sớm sửa chữa một số nhà công vụ cho giáo viên đang bị xuống cấp; có chính sách đãi ngộ và quan tâm đến giáo viên từ nơi xa đến công tác ở vùng sâu biên giới; trong xây dựng trường lớp cần chọn nhà thầu có uy tín và đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng một số trường học đưa vào sử dụng chưa bao lâu đã bị xuống cấp.

Bí thư Huyện ủy Tân Hồng Nguyễn Văn Thể đã trình bày một số vấn đề thuộc thẩm quyền trách nhiệm của địa phương, đồng thời ghi nhận những ý kiến đóng góp thiết thực của bà con nông dân và đội ngũ giáo viên. Bí thư Huyện ủy chỉ đạo cho Phòng Giáo dục - Đào tạo và các ngành chức năng khảo sát nắm lại toàn bộ các trường chưa có nhà vệ sinh, nhà công vụ giáo viên, tổng hợp báo cáo tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện giải quyết.

Quận Bình Thủy (TP. Cần Thơ) - nơi đầu tiên trong tổ chức đảng cấp quận, huyện mở diễn đàn đối thoại giữa lãnh đạo quận với người dân về xây dựng, đất đai - những vấn đề được xem là “nóng” trên địa bàn. Đồng chí Lê Hoàng Nam, Bí thư Quận ủy Bình Thủy cho biết: Đợt đầu tiên của diễn đàn đối thoại này tiến hành từ tháng 10 đến tháng 12-2011 về xây dựng và đất đai tại tất cả 8 phường thuộc quận. Theo đồng chí Nam, các cơ quan đã nhận được trên 280 câu hỏi và ý kiến của 450 người tham dự diễn đàn. Qua diễn đàn, người dân phản ánh vẫn còn tình trạng hồ sơ trễ hẹn, công tác đo đạc chậm trễ, nhiều cán bộ, công chức chưa thực sự nhận thức hết vai trò trách nhiệm trong việc thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính. Qua đối thoại trực tiếp tại khu phố, tại phường với người dân, lãnh đạo quận Bình Thủy càng nhận rõ do chưa đi sâu, đi sát cơ sở, đối thoại trực tiếp  với dân chưa làm được nhiều nên việc phát hiện, giải quyết những vấn đề bức xúc từ cuộc sống của nhân dân còn hạn chế, chưa kịp thời. Chính vì thế, việc mở diễn đàn để lãnh đạo và các cơ quan chuyên ngành, cán bộ chuyên trách đối thoại với công dân về thủ tục hành chính như là kênh thông tin trực tiếp đảm bảo tính công khai, minh bạch, dân chủ. Qua đó, nhằm trao đổi, giải đáp các thắc mắc của người dân, góp phần giải tỏa nhanh những vướng mắc của người dân, hạn chế thấp nhất tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài. Các cuộc đối thoại dân chủ, thẳng thắn đã tạo điều kiện nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cán bô, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; cán bộ, công chức thể hiện trình độ năng lực trong công tác quản lý, nâng cao kỹ năng đối thoại, giao tiếp với công dân.

Đồng chí Lê Hoàng Nam khẳng định: “Đối thoại giữa lãnh đạo với dân là cách để dân kiểm tra, giám sát lãnh đạo trong thực hiện chủ trương, chính sách, chương trình hành động đã được ban hành, đây là cách kiểm tra, giám sát ít tốn kém và mang lại hiệu quả cao”. Lãnh đạo quận Bình Thủy cho biết: Trong năm 2012, Quận ủy và UBND quận sẽ tiếp tục triển khai diễn đàn này và mở rộng sang các lĩnh vực an sinh xã hội khác như: Giáo dục đào tạo, giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Bác Hồ đã dạy: Dân chủ là làm sao cho dân mở miệng, đừng để cho dân sợ không dám mở miệng, nhưng điều đáng lo hơn nữa là khiến dân không thiết mở miệng. Khi người dân không còn niềm tin để tham gia vào công việc chung nữa là khi khoảng cách giữa Đảng và dân đã quá xa. Để "dân mở miệng" không có nghĩa là chỉ tổ chức đối thoại. Căn bản là phải thực sự cầu thị nghe dân nói, phải có ý thức, phương pháp, chân thành tự phê bình, phê bình, phải tạo được tâm lý thoải mái, trọng thị với ý thức xây dựng. Tuyệt đối không làm hình thức, giấu khuyết điểm, áp đặt khiến người dân không mạnh dạn, sợ đụng chạm, sợ bị trù dập. Những động tác như chọn người đại diện phát biểu, dàn dựng nội dung, nói theo chỉ đạo trước, cần phải loại trừ thì dân mới nói thật lòng, mới sát thực tế. Có như thế mới đem lại hiệu quả thiết thực.

Niềm tin của dân chính là sự thể hiện  hiệu quả lãnh đạo của Đảng, biểu hiện sức sống của Đảng, sự gắn bó máu thịt của Đảng với dân. Niềm tin của dân với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với Đảng là niềm tin được xây đắp từ mối quan hệ bền chặt dân với Đảng, Đảng hy sinh phấn đấu cho hạnh phúc nhân dân, cho độc lập, tự do của Tổ quốc, nhân dân đùm bọc, chở che, nuôi dưỡng Đảng. Khi người dân được hưởng quyền tự do dân chủ, lợi ích thiết thực thì niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được khẳng định vững chắc. Thực tế chứng minh rằng, nếu cán bộ, đảng viên không chăm lo tích thiện từ đạo đức, lối sống đến tư cách, tác phong, không phục vụ dân, chăm thu vén cá nhân thì hậu quả là dân không tin, niềm tin bị mất tỷ lệ thuận với hư hỏng của cán bộ, đảng viên, tạo ra hố ngăn cách giữa dân với Đảng, báo động về nguy cơ tồn vong của Đảng, của chế độ. 

Điều lệ Đảng quy định rõ nhiệm vụ của người đảng viên, nhiệm vụ của tổ chức đảng các cấp là phải thường xuyên giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân: “Phải tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng, chăm lo đời sống của quần chúng, đoàn kết với quần chúng, học tập quần chúng, tìm hiểu nguyện vọng và lắng nghe ý kiến của quần chúng, để phản ánh trung thực cho Đảng và kịp thời giải quyết một cách thích đáng. Phải ủng hộ sáng kiến, nghiên cứu áp dụng kinh nghiệm sáng tạo của quần chúng. Phải thường xuyên làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, phát triển ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, mệnh lệnh, độc đoán, chuyên quyền, xa rời thực tế, xa rời quần chúng”. Bác Hồ chỉ dạy người cán bộ, đảng viên  phải biết “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”, biết hy sinh quyền lợi riêng tư vì sự nghiệp chung, đặt lợi ích tập thể, lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân. Hiện nay, để chỉnh đốn Đảng thực sự có chất lượng và hiệu quả từ trong thực tế, việc tăng cường mối quan hệ, gắn bó máu thịt với nhân dân càng đặt ra nhu cầu thiết yếu. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" là văn kiện hết sức quan trọng của Đảng. Ngay sau khi ban hành, Nghị quyết đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đón nhận với một tình cảm vui mừng, phấn khởi, tin tưởng và nhất trí cao, cho rằng, Nghị quyết đã chọn đúng và trúng vấn đề hết sức quan trọng, nhìn nhận, đánh giá đúng tình hình với tinh thần tự phê bình rất cao, đề ra giải pháp phù hợp, nếu thực hiện nghiêm túc sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt trong công tác xây dựng đảng, góp phần làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng tha thiết của toàn Đảng, toàn dân”.

Đảng tăng cường đối thoại với dân chính là một trong những việc làm đem lại hiệu năng trực tiếp thực thi dân chủ rộng rãi và có hiệu quả ở ngay mỗi địa phương, cơ sở. Hoạt động này nhằm phát hiện kịp thời, giải quyết nhanh chóng những mặt còn hạn chế, những yếu kém, thực sự khắc phục những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4, tăng cường sức mạnh và vai trò lãnh đạo của Đảng, thiết thực phục vụ lợi ích của nhân dân.
                                       

Phản hồi (13)

sơn tùng 17/05/2012

Bài viết quá hay, quá đúng và quá trúng, tâm trạng mọi người đều đang mong thực hiện được thật tốt nghị quyết TW 4. Đối thoại với nhân dân là "liều thuốc" tốt nhưng phải có chỉ đạo; qui định và hướng dẫn cách làm sao cho thường xuyên và hiệu quả. Trong bài viết nhiều nơi làm hay quá, đề nghị có những bài về cách làm chi tiết của các địa phương đó để anh, em học tập làm theo. Xin cảm ơn!

tranvanmoc 09/03/2012

Đúng, việc tăng cường đối thoại với nhân dân, lấy lại niềm tin, động viện khích lệ nhân dân xây dựng Đảng là rất cần thiết để đạt được ý Đảng lòng dân. Đảng muốn trong sạch, vững mạnh phải biết dựa vào dân. Làm mất lòng dân là tự đánh mất Đảng. Hoan nghênh Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, quận Bình Thủy thành phố Cần Thơ, huyện Tân Hồng và huyện Lai Vung Đồng Tháp đã tổ chức đối thoại với dân, để nghe dân nói và trả lời những thắc mắc, kiến nghị của dân thông qua chất vấn, đối thoại trực tiếp với dân để thống nhất giải quyết nhiều vấn đề, bức xúc, trì trệ đang phát sinh trong cuộc sống... Trong chiến tranh, Đảng ta gắn bó mật thiết với nhân dân để tồn tại và phát triển. Sau ngày hòa bình giữa Đảng và dân đã có khoảng cách nhất định bởi sự suy thoái về đạo đức, lòng tham của những người sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, tham nhũng, lãng phí, bè phái, cục bộ ... Hẳn ai cũng còn nhớ vụ phá rừng Tánh Linh, ông Nguyễn Tăng Thắng - một Đảng viên lâm trường đã phải rất kiên trì đấu tranh với các cán bộ lãnh đạo lâm trường biến chất câu kết với lâm tặc phá rừng. Ông đã bị khống chế, trả thù bằng khai trừ đảng và mất việc ở lâm trường. Ông đã phải bán nhà để có tiền về Hà Nội tiếp tục vạch mặt bọn tham nhũng với các lãnh đạo Đảng và nhà nước. Để cuối cùng giám đốc lâm trường cũng chỉ bị cách chức, một số lãnh đạo huyện cũng chỉ bị cảnh cáo... Cần phải thu dần khoảng cách giữa Đảng với dân bằng cách nói phải đi đôi với làm ...

ĐẶNG HẠNH PHÚC 01/03/2012

Bài viết đã đưa ra nhiều cuộc tiếp xúc giữa cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân, cho ta thấy là dân rất ủng hộ việc làm đắc nhân tâm của Trung ương Đảng hiện nay. Tuy nhiên, xã hội ta đã phát triển theo một cơ chế mới, không phải như thời bao cấp, hồi Bác còn sống. Những đạo đức cơ bản mà Bác dạy cho một cán bộ thời đất nước còn lạc hậu, con trâu đi trước cái cày, một hợp tác xã nhỏ xíu, một công ty với số vốn vài tỉ đồng! Tức là những người chỉ huy lãnh đạo còn quá gần với giai cấp nông dân và công nhân, mọi ưu tư lo lắng cho nhân dân rất đơn giản, nhẹ nhàng, ai lo cũng được. Còn giờ đây sự tư hữu của cán bộ đảng viên đã quá phức tạp, ai cũng lo làm giàu, có nhà cửa sang trọng... giàu nghèo đã có biên độ quá rộng! Vậy thì thử hỏi dân phê phán cái gì đây... Chỉ khi nào bị oan ức một cái gì đó rồi gào thét lên cho mọi người biết may ra các ông quan cách mạng giật mình xuống coi coi nó bị cái gì vậy?... Chớ bây giờ các ông đang giàu sang, bảo các ông bỏ bớt tiền đi, nghèo giống chúng tôi nè thì đó là điều không tưởng... Niềm tin của dân vào việc xây dựng Đảng lần này, cũng như đã bao lần trước, điều háo hức, mong chờ sự kiên quyết của cấp trên và cũng mong việc làm này sẽ kiên trì, làm cho thật tốt, để Đảng còn là chỗ dựa vững chắc cho nhân dân! Cám ơn anh Bồng đã giới thiệu bài viết có giá trị!

1 2 3 4 5

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất