Thực hiện Quy chế dân chủ ở huyện Lang Chánh

Thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW, ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về "Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở"; Kết luận số 65-KL/TW của Ban Bí thư; Pháp lệnh 34/2007 /PL-UBTVQH11, ngày 20-4-2007 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Trong 3 năm thực hiện quy chế dân chủ trên địa bàn huyện Lang Chánh (Thanh Hoá) đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

                                  
                         Lãnh đạo Huyện uỷ Lang Chánh thăm mô hình thâm canh cây lúa lai

Toàn huyện đã có 11/11 xã, thị trấn kiện toàn, thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) và xây dựng được quy chế hoạt động; 100% số xã, thị trấn đã phân công đồng chí bí thư đảng ủy làm trưởng ban chỉ đạo; phó bí thư đảng ủy, phó chủ tịch UBND xã, thị trấn, trưởng công an làm phó ban, trưởng các ngành đoàn thể chính trị là thành viên.

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo đã gắn việc thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, thực hiện Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg “về tăng cường công tác dân vận”, cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình văn hóa với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Các cấp uỷ, chính quyền, MTTQ đã tổ chức quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở; thường xuyên kiểm tra đôn đốc UBND các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở. Trong 3 năm, đã mở được 12 lớp tập huấn về thực hiện dân chủ ở xã, thị trấn thu hút trên 1.500 lượt người tham gia; có 99/99 đơn vị thôn (bản), phố đã xây dựng và ban hành được hương ước, quy ước; 10/10 xã xây dựng Quy hoạch Nông thôn mới; 4/11 xã, thị trấn có công sở kiên cố; 37/99 thôn, bản, phố có nhà văn hóa. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ từ huyện đến cơ sở triển khai và thực hiện nghiêm túc những nội dung công khai và hình thức công khai để dân biết bằng nhiều hình thức như: Niêm yết công khai tại trụ sở HĐND, UBND; trên hệ thống truyền thanh; thông qua cán bộ tuyên truyền; qua các cuộc họp thôn (bản), tổ dân phố. Trong đó, hình thức thông qua hệ thống phát thanh, các cuộc họp thôn (bản), phố đạt hiệu quả cao nhất.

Cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến xã đã chủ động, tích cực hơn trong việc đối thoại và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhân dân và có trách nhiệm giải quyết những phản ánh, kiến nghị của nhân dân. Vì vậy, trong 3 năm qua toàn huyện không xảy ra đơn thư khiếu nại vượt cấp, không xảy ra khiếu kiện đông người.

Thực hiện tốt quy chế dân chủ đã góp phần ổn định chính trị, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện hằng năm, thu nhập bình quân đầu người đều tăng (năm 2010 đạt 5,4 triệu đồng/người, năm 2011 đạt 7,0 triệu đồng/người, năm 2012 đạt 8,2 triệu đồng/người); tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, (năm 2010 là 57,02%, năm 2011 là 56,76%, năm 2012 53,05% và đến năm 2013 còn 45,54%). An ninh - quốc phòng, đã phát huy hiệu quả phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nhân dân, cán bộ trong huyện tích cực tham gia "chương trình quốc gia phòng chống tội phạm"; 100% xã, thị trấn thực hiện tốt việc khám tuyển và vận động con em lên đường làm nghĩa vụ quân sự; nhiều đơn vị làm tốt công tác vận động quần chúng nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết "không nghe, không tin, không làm theo lời kẻ xấu"; chủ động tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hoá, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng.

3 năm triển khai thực hiện dân chủ ở xã, thị trấn cho thấy trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị được nâng lên. Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” tiếp tục đi vào cuộc sống, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, huy động sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và các mục tiêu chung của huyện.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong 3 năm thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, thị trấn trên địa bàn huyện vẫn còn một số điểm hạn chế: công tác tuyên truyền có thời điểm chưa được thường xuyên và nghiêm túc; sự hiểu biết về dân chủ và pháp luật, năng lực giám sát của một bộ phận nhân dân còn hạn chế; còn thờ ơ với việc thực hiện quyền dân chủ của mình, hoặc chỉ quan tâm tới quyền lợi mà xem nhẹ trách nhiệm, nghĩa vụ; việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân tham gia xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch... hiệu quả chưa cao, còn mang tính hình thức; một số nội dung dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện và công khai đầy đủ...

Từ kết quả đạt được và những hạn chế của huyện Lang Chánh, rút ra bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, thực hiện quy chế dân chủ là một nội dung lớn, do đó cần có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, nhất là vai trò người đứng đầu là yếu tố quyết định thành công việc thực hiện QCDC.

Thứ hai, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị là lực lượng nòng cốt trong quá trình thực hiện Pháp lệnh dân chủ, mở rộng dân chủ phải đi đôi với kỷ cương pháp luật. 

Thứ ba, cấp ủy, chính quyền phải kiểm tra thường xuyên, hướng dẫn, chỉ đạo việc thực hiện QCDC; kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót trong việc xây dựng và thực hiện QCDC; coi đây là một trong những nội dung quan trọng của việc đánh giá thi đua hằng năm.

Thứ tư, phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, giám sát việc thực hiện QCDC, góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất