Hội nghị Trung ương 7 khóa XI đã kết thúc, toàn văn Thông báo Hội nghị đã được đăng tải trên các phương diện thông tin đại chúng. Theo đó, trong năm qua, các tổ chức, cấp ủy đảng đã làm được nhiều việc, tạo ra sự chuyển biến tích cực trên nhiều mặt. Tuy nhiên, vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, có việc triển khai chậm. Chẳng hạn, “một số quy định, quy chế để triển khai thực hiện Nghị quyết chậm được ban hành, một số vụ việc phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân chậm xử lý. Một số nội dung trong nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị tư tưởng đang trong quá trình chuẩn bị, triển khai nên kết quả còn hạn chế”. Trung ương yêu cầu “khẩn trương hoàn thành các đề án còn lại về triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 bảo đảm chất lượng”.
Cương lĩnh xây dựng đất trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định “Đảng gắn bó máu thịt với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân...”. Tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương nhất trí thông qua Nghị quyết về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Trong một loạt giải pháp thì giải pháp quan trọng hàng đầu là “tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Như vậy, có thể nói, vấn đề tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới gắn bó một cách mật thiết với kết quả thực hiện công cuộc đổi mới, chỉnh đốn Đảng, trong đó có việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Theo đó, những hạn chế, yếu kém sau một năm thực hiện Nghị quyết liên quan trực tiếp đến công tác dân vận mà ở đây cụ thể là chưa thực hiện tốt nguyên tắc “dựa vào dân để xây dựng Đảng”, người dân chưa có cơ hội và điều kiện tham gia trực tiếp vào việc thực hiện Nghị quyết, thậm chí có người còn “đứng ngoài” cuộc.
Trong kế hoạch của BCH Trung ương Đảng ban hành ngày 12 tháng 3 năm 2012 về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 đã đề ra nhiệm vụ: “Ban Dân vận Trung ương phổi hợp với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội; xây dựng cơ chế để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Trình Bộ Chính trị năm 2012”. Còn nhớ trước đó, trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (năm 2006) Đảng ta đã đề ra nhiệm vụ “Xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và việc tổ chức thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức và cán bộ”. Như vậy, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 thì hai đề án phải ban hành: đề án thứ nhất có thể gọi tắt là “Đề án phản biện và giám sát xã hội”; đề án thứ hai gọi tắt là “Đề án nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”. Vậy mà cho đến nay, không hiểu vì lý do gì, quy chế, quy định này vẫn chưa được ban hành? Tại sao vậy? Đây thực sự là “món nợ” với dân! “Món nợ” này càng lâu “trả” có nghĩa là cơ hội để người dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền càng bị bỏ lỡ, sự hăng hái, nhiệt tình của quần chúng, nhân dân sẽ bị giảm sút. Vậy khó khăn ở chỗ nào mà quy chế, quy định chậm được ban hành?
Vấn đề giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức chính trị-xã hội đối với những chủ trương, quyết định lớn của Đảng, Nhà nước không phải là vấn đề mới, thậm chí chúng ta đã tổ chức thành công ở nhiều nơi, nhiều lúc đạt kết quả rất tốt. Vấn đề các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cũng không hoàn toàn xa lạ với Đảng, Nhà nước ta. Trái lại, nhiều giai đoạn cách mạng, nhiều vụ việc muốn thành công, Đảng ta, Bác Hồ đã kêu gọi người dân hiến kế, tiến cử người tài để đứng ra giúp dân, giúp nước. Hơn nữa, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” xuất bản năm 1947, Bác Hồ đã khẳng định rằng: “Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”. Trên tinh thần quan điểm đó, cần khẩn trương ban hành các đề án đã đề ra, góp phần thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng khóa XI có chất lượng, thiết thực. Tạo điều kiện cho người dân tham gia xây dựng Đảng chính là Đảng tự giúp mình vượt qua những yếu kém, khuyết điểm hiện nay. Để trả “món nợ” với dân, xin có mấy kiến nghị:
Thứ nhất, ngay sau khi Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, cần thông qua hai đề án “Phản biện xã hội” và “Góp ý xây dựng Đảng, chính quyền” và ban hành quy chế, quy định về hai vấn đề quan trọng này để triển khai thực hiện. Coi đây là một bước quan trọng đầu tiên thể hiện Đảng tăng cường đổi mới công tác dân vận; thể hiện nói đi đôi với làm.
Thứ hai, trong quá trình chuẩn bị, thông qua hai quy chế, quy định nói trên, không nên quá cầu toàn. Nếu vì quá cầu toàn sẽ làm quá trình triển khai nghị quyết bị rơi vào tình trạng trì trệ, thiếu đồng bộ, bỏ lỡ cơ hội nhân dân tham gia xây dựng Đảng. Kinh nghiệm xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở theo Chỉ thị 30-CT/TW ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị khóa VIII minh chứng cho quan điểm này. Đó là, sau Chỉ thị số 30 của Bộ Chính trị một thời gian sau Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX ban hành Chỉ thị số 10 nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; sau đó Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X lại có kết luận về tiếp tục thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị. Mỗi lần như thế đều có bổ sung, hoàn chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Cũng như vậy, sau Nghị định 29 là Nghị định 79 của Chính phủ và tiếp đó là Pháp lệnh 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Sau mỗi lần sửa đổi, bổ sung, văn bản ngày càng phù hợp với cuộc sống và nguyện vọng của nhân dân.
Thứ ba, một trong những giải pháp để tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đổi với công tác dân vận trong tình hình hiện nay là gắn công tác dân vận của hệ thống chính trị với công tác xây dựng đảng, gắn với đổi mới hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, trong đó chú trọng tăng cường, phát huy quyền dân chủ trực tiếp người dân. Theo đó, có cơ chế để người dân tham gia góp ý, giám sát bộ máy công quyền. Công tác dân vận của các cấp chính quyền, của cơ quan nhà nước được đẩy mạnh, đổi mới, người dân được đối thoại với lãnh đạo các cấp dứt khoát sẽ hạn chế rất nhiều bức xúc, khiếu kiện trong nhân dân, lấp dần những “kẽ hở” mà các thế lực thù địch và những người cơ hội chính trị lợi dụng xuyên tạc, kích động quần chúng, ảnh hưởng tiêu cực đến khối đại đoàn kết toàn dân. Có cơ chế để người dân góp ý xây dựng, giám sát cán bộ, đảng viên, đồng thời với sự công khai minh bạch của cán bộ lãnh đạo có chức có quyền, dứt khoát tình trạng tham nhũng, quan liêu, nhũng nhiễu dân, vi phạm dân chủ, thiếu gương mẫu của một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức, có quyền ở các cấp, nhất là ở cơ sở...sẽ thuyên giảm. Phát huy dân chủ trực tiếp của người dân đồng thời với việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu và phê chuẩn dần dần sẽ loại dần khỏi các tổ chức, cơ quan những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, xây dựng được đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, gắn bó với dân, nghe được dân nói, nói dân sẽ hiểu và làm cho dân tin. Như thế nghĩa là chúng ta đã làm được điều mà Bác Hồ căn dặn “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Vũ Lân