Phật giáo Việt Nam hộ quốc, an dân luôn đồng hành cùng dân tộc
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tặng Đại hội Phật giáo lần thứ VII bức trướng mang dòng chú: “Phật giáo Việt Nam Hộ quốc - An dân”.

Thưa Hòa thượng! Phật giáo hẳn có mặt ở Việt Nam từ rất lâu và với tinh thần “hộ quốc, an dân”, Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp gì cho xã hội?

Qua hơn hai nghìn năm có mặt ở Việt Nam, Phật giáo đã trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, đồng hành, gắn bó với truyền thống dân tộc và trở thành một tôn giáo của Việt Nam. Với tinh thần “lợi đạo, ích đời”, Phật giáo Việt Nam đã tập hợp được lực lượng tín đồ đông đảo để xiển dương các giá trị đạo đức, nhân văn vì hạnh phúc của chúng sinh, vì sự an bình của đất nước. Từ khi du nhập vào Việt Nam đến nay, trải qua các thời kỳ, Phật giáo Việt Nam đã minh chứng sinh động cho tư tưởng nhập thế tích cực, ích đạo lợi đời trong giáo lý Phật Đà. Và thực tế Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc chúng ta, từ khi mới du nhập vào đất Việt, Phật giáo đã hòa mình cùng văn hóa truyền thống của dân tộc và tô bồi cho nền văn hóa, đạo đức nhân văn của dân tộc, xây dựng tình người nhân ái, thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Do đó Phật giáo Việt Nam luôn trong lòng dân tộc, gần gũi mật thiết với sự phát triển của dân tộc.

Vận mệnh dân tộc có lúc thịnh, lúc suy, Phật giáo Việt Nam cũng có lúc thăng lúc trầm. Nhưng trong hoàn cảnh nào Phật giáo Việt Nam cũng đều tích cực đóng góp công sức, góp phần cùng với nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như: Quốc sư Khuông Việt phò giúp vua Đinh trên phương diện ngoại giao; Thiền sư Vạn Hạnh có công giúp vua Lê Đại Hành đánh tan giặc Tống và cũng là người khuyên Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long để đặt nền móng lâu dài cho muôn đời sau. Ngài còn khuyên dạy nhân dân tu tâm sửa tính, tu học giáo lý Phật giáo để được giải thoát an lạc. Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông đã lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống giặc Nguyên Mông xâm lược. Khi đất nước thái bình, Ngài nhường ngôi và đến nơi non cao Yên Tử để học Phật, tu hành, sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, tạo nên hạt nhân tinh thần cho sự thống nhất tư tưởng, cố kết lòng dân. Đó là một thiền phái mang bản sắc riêng của thiền học Việt Nam. Cuộc đời phạm hạnh của Phật hoàng Trần Nhân Tông mãi mãi là một bản anh hùng ca bất diệt, là tấm gương cho hậu thế noi theo. ở Ngài đã hội tụ đầy đủ các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống, hào khí dân tộc để cống hiến cho đạo pháp và dân tộc.

Khi phái đoàn Tỷ khiêu của Đức Phật được thành lập với 60 vị Thánh đệ tử, Đức Phật dạy: “Này các Tỷ khiêu, hãy du hành vì lợi ích của số đông, vì an lạc, hạnh phúc của chư Thiên và loài người”.

Lịch sử Việt Nam đã ghi dấu nhiều sự kiện trọng đại, trong đó có giới tăng ni, phật tử. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhiều tăng ni, phật tử đã xả thân để bảo vệ cơ sở cách mạng, bảo vệ cán bộ kháng chiến. Như Hòa thượng Thích Quảng Đức - Ngài đã tự thiêu để chống lại chế độ độc tài của Ngô Đình Diệm, bảo vệ chủ quyền của dân tộc, nhiều tăng ni, cư sĩ phật tử sẵn sàng “cởi áo cà sa khoác chiến bào” đã làm tăng thêm sức mạnh cho cách mạng Việt Nam. Khi đất nước hòa bình thì Phật giáo Việt Nam lại cùng dân tộc gánh vác những mất mát đau thương do chiến tranh, giang tay đón nhận những mảnh đời bất hạnh, an ủi, xoa dịu, động viên họ sống có ích cho xã hội. Dạy cho họ lẽ sống, đạo đức, bỏ ác làm lành, không phân biệt kẻ giàu người nghèo, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

Phát huy truyền thống yêu nước và tinh thần “hộ quốc, an dân”, Phật giáo Việt Nam đã không ngừng nỗ lực vươn lên, từng bước củng cố, phát triển và lớn mạnh về mọi mặt, thể hiện tinh thần đoàn kết, hòa hợp, cố kết cộng đồng. Và, Phật giáo Việt Nam đã có một vị trí quan trọng trong lòng dân tộc. Để xứng đáng với vị trí quan trọng đó, Phật giáo Việt Nam cần phải nỗ lực và phát huy hơn nữa theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.

Với truyền thống “hộ quốc, an dân”, Phật giáo Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm như thế nào?

Phật giáo từ khi du nhập vào Việt Nam đã nhanh chóng hòa quyện cùng tín ngưỡng tôn giáo bản địa và trở thành một tôn giáo của Việt Nam. Trải qua các triều đại, Phật giáo Việt Nam luôn được Nhà nước quan tâm. Cho đến khi Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Phật giáo với dân tộc Việt Nam như hình với bóng, tuy hai mà một”. Đảng và Nhà nước ta tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng. Trải qua 11 kỳ Đại hội Đảng, trong đó có 6 Đại hội của thời kỳ đổi mới, nhưng quan điểm trên không hề thay đổi. Từ Đại hội VII đến Đại hội XI của Đảng vừa qua, những quan điểm về tôn giáo tiếp tục được bổ sung và hoàn thiện.

Bởi giáo lý Phật giáo là từ bi và trí tuệ, mục đích của đạo Phật là vì sự an lạc của chư thiên và loài người, đem lại an vui hạnh phúc cho chúng sinh. Phật giáo Việt Nam với phương châm: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội phù hợp với đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Do đó, Phật giáo được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để Phật giáo được truyền bá rộng rãi giáo lý đạo Phật, phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.

                                      

Phật giáo Việt Nam đã phát huy truyền thống để đáp lại sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta như thế nào?

Nối tiếp dòng chảy và truyền thống hơn 2000 năm qua, Phật giáo Việt Nam hôm nay đã làm được nhiều việc ích đời, lợi đạo. Thông qua hoằng dương phật pháp, Phật giáo Việt Nam đã đưa đến cho người dân tư tưởng sống trong chính pháp, thực hiện tốt pháp luật của Nhà nước, làm tròn nghĩa vụ của người công dân, tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, thực hiện xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới văn minh tiến bộ.

Với phương châm: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phát huy truyền thống dân tộc bằng những việc làm thiết thực như: thực hiện tốt con đường hành đạo của mình. Đồng thời, thực hiện tốt pháp luật của Nhà nước, tích cực hưởng ứng các hoạt động xã hội, như hưởng ứng Ngày vì người nghèo, ngày Thương binh liệt sỹ 27-7, Ngày An toàn giao thông, phong trào Đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ đồng bào bị thiên tai lũ lụt... Đặc biệt là công tác từ thiện, nuôi dưỡng, giúp đỡ người nghèo, người không nơi nương tựa, người khuyết tật, người bị ảnh hưởng chất độc da cam, nuôi dạy trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi; mổ mắt miễn phí cho người đục thủy tinh thể, tặng nhà tình nghĩa, vận động tài chính, lương thực, đồ dùng để giúp đỡ người nghèo, tặng xe lăn cho người khuyết tật, thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng; khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Nhân dịp Tết cổ truyền hằng năm, Giáo hội tổ chức phát quà tết cho người nghèo, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo... Từ đó đã làm tăng thêm truyền thống của dân tộc Việt Nam “Lá lành đùm lá rách”, lá rách ít đùm lá rách nhiều.

Trên tinh thần tri ân, báo ân của người con Phật được gắn liền với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hướng dẫn tăng mi, phật tử tổ chức lễ Vu lan vào tháng 7 âm lịch hằng năm, hướng dẫn các chùa, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường cử 9 hồi đại hồng chung vào Ngày Thương binh - liệt sĩ...

Mỗi người dân Việt Nam, mỗi phật tử đến với đạo Phật bằng cả niềm tin, bằng sự nhiệt tâm, mong muốn được học và thực hành theo lời Phật dạy trong thực tiễn để được giải thoát an lạc. Bằng triết lý duyên sinh, đạo Phật đã thể nhập vào triết lý sống của người Việt trong các mối quan hệ, ứng xử với thiên nhiên, với xã hội, với bản thân. Trong bối cảnh hiện nay, đất nước ta đang trên đà hội nhập và phát triển, Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ cho đất nước, hòa bình và an lạc.

Mỗi tăng ni, phật tử luôn gương mẫu, trau dồi tuệ mệnh, giới đức, nâng cao trình độ, giữ vững tinh thần đoàn kết, cùng với nhân dân và các cấp chính quyền tích cực tham gia phòng chống các tệ nạn xã hội, những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh.

Thưa Hòa thượng, tiếp nối thành quả ấy, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII đã mang lại thông điệp gì cho tăng ni, phật tử?

Để tiếp nối những thành quả trên, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII thành công viên mãn, nó có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ đối với tăng ni, phật tử, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng xã hội người Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Đại hội tiếp nối chặng đường hơn 30 năm thống nhất các hệ phái Phật giáo, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đó là sự kiện quan trọng trong đời sống tinh thần của người theo đạo Phật ở Việt Nam và của đông đảo kiều bào ở nước ngoài. Nó đánh dấu bước phát triển mới của Phật giáo Việt Nam. Đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với tôn giáo có truyền thống lâu đời, gắn bó và luôn đồng hành cùng dân tộc. Đại hội đã sáng suốt lựa chọn và suy tôn, suy cử những chức sắc Phật giáo có đạo hạnh, trí tuệ, năng lực và uy tín để đảm trách các vị trí, nhiệm vụ, lãnh đạo Giáo hội, kế thừa, ổn định và phát triển, góp phần xây dựng đất nước vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Với sự hộ trì của Tam Bảo, sự tạo điều kiện giúp đỡ của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng tình của nhân dân, sự nỗ lực của bản thân, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ bước tiếp chặng đường mới, thực hiện chương trình phật sự mà Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII đề ra. Tăng ni, phật tử nguyện sẽ đem hết sức mình để hoàn thành công tác phật sự quan trọng và ý nghĩa này để đưa Giáo hội ngày càng vững tiến trên con đường Hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh.

Xin trân trọng cảm ơn Hòa thượng!

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất