Như hoa mùa xuân

Mùa xuân đã đến bắt đầu chu kỳ mới của bốn mùa theo quy luật tự nhiên. Mùa xuân là mùa đâm chồi, nảy lộc, sinh sôi nảy nở của muôn loài. Mùa xuân có khoảng lặng do ngày Tết cổ truyền là điểm ngắt thời gian để mỗi người ngẫm lại năm cũ, suy tính tương lai. Những ngày này, có ai nghĩ đến vai trò khác của người phụ nữ ngoài vai trò nội trợ, chắt chiu từng đồng tiền hiếm hoi thời tăng giá, chăm chút cho mỗi mái ấm gia đình một cái Tết đủ đầy, ấm áp cho mọi thành viên trong gia đình từ trẻ thơ đến các cụ già? Tôi nghĩ là không.

Người ta thường chỉ đề cập nhiều đến vai trò phụ nữ trong tư cách cán bộ lãnh đạo, quản lý trong Ngày Quốc tế phụ nữ, Phụ nữ Việt Nam hay mỗi khi có các cuộc bầu cử do chịu sức ép chỉ tiêu tỷ lệ nữ do cấp trên quy định mà trong thực tế chẳng mấy khi đạt. Trung ương quy định tỷ lệ cán bộ nữ ngày càng cao, nhưng thực tế đạt được ngày càng giảm, càng lên cấp cao càng giảm, nhất là cấp trưởng. Ngay trong Ngành Giáo dục và Đào tạo, nơi tỷ lệ nữ cao nhưng tỷ lệ bộ trưởng qua các nhiệm kỳ, các vụ trưởng, hiệu trưởng là nữ lại có tỷ lệ nghịch. Đa phần, nếu nữ là cán bộ lãnh đạo, quản lý thường ở cấp phó - người giúp việc cho cấp trưởng là nam. Trong khi đó, nhìn ra nước ngoài, ở khắp mọi châu lục, người phụ nữ đảm nhiệm được mọi trọng trách trong xã hội: chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa... Không hiếm trong số họ thuộc hàng nguyên thủ quốc gia. Ta vẫn tự hào chế độ ta ưu việt hơn chế độ tư bản, nước ta không hiếm nữ có tài. Nhưng vì sao vậy? Theo tôi, có nguyên nhân chính sau:

1. Trong mỗi người, dù đậm hay nhạt, còn in dấu một “ông vua phong kiến”.

Đó là tư tưởng cổ hủ trọng nam khinh nữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: Muốn giải phóng phụ nữ thì phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến trọng nam khinh nữ trong người đàn ông. Trong xã hội, biểu hiện rõ nhất của tư tưởng này là quan điểm: nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô; tội bất hiếu lớn nhất là tội không có con trai nối dõi tông đường còn in đậm trong tư duy, hành động không chỉ của nam giới mà ngay của các bà mẹ chồng - vốn cũng là nàng dâu từng chịu sức ép của nhà chồng. Hồi tôi công tác ở Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam, khi về nông thôn để khảo sát kế hoạch hoá gia đình nhiều chị em đã khóc trên vai tôi vì không sinh được con trai. Tôi có thể giải thích cho chị em hiểu là không sinh con trai không phải lỗi của chị em mà là lỗi của chồng nhưng tôi không thể giải thích cho các bà mẹ chồng. Dù các bà có hiểu cũng không dễ chấp nhận. Tư tưởng phong kiến ấy in dấu ngay trong công tác cán bộ.      

2. Đánh giá cán bộ chủ quan.

Cách mạng Tháng Tám thành công. Quyền lợi người phụ nữ được pháp luật bảo vệ, nhưng tại sao phụ nữ vẫn không được tôn trọng và được sử dụng như nam giới? Một thời gian dài nước ta thực hiện nền kinh tế tập trung bao cấp, trong đó mọi công việc của đất nước đều có sự sắp xếp của tổ chức. Tuyệt đại đa số cán bộ phụ trách tổ chức là nam giới, với đầu óc dù muốn hay không vẫn hằn vết tư duy phong kiến. Phụ nữ khó có thể vươn lên. Tôi đã dạy học rất lâu ở trường đại học của ta. Trong bấy nhiêu năm, người ta nghĩ “cho” tôi phụ trách nữ công ở khoa, nơi tôi công tác là ghê gớm lắm rồi, tuyệt nhiên không ai nghĩ phân công tôi giữ một trách nhiệm nào dính tới chuyên môn! Phụ trách nữ công, tôi hết đi thăm chị em ốm, hay có con nhỏ nằm bệnh viện, hay xếp hàng đi mua vé xem phim cho mọi người, lại tổ chức chơi họ để giúp chị em khi cần tiền. Làm việc đó, tôi cũng an tâm vì biết hoàn cảnh của chị em hơn, cũng chẳng suy nghĩ xa xôi tại sao người ta lại đối xử như vậy. Đến thời chị Nguyễn Thị Bình là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, chị đã tin dùng, giao cho tôi hết trách nhiệm này đến trách nhiệm khác. Tôi hoàn thành mọi nhiệm vụ. Giờ ngẫm lại, tôi hiểu việc đánh giá cán bộ của ta rất chủ quan, tùy theo người phụ trách tổ chức, người đứng đầu. Đến nay, hạn chế đó vẫn tồn tại. Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình không chỉ là phụ nữ mà chị đã làm những việc có tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Chị hiểu phụ nữ làm được nhiều việc như nam giới. Và quan trọng, do không có tư tưởng trọng nam khinh nữ, nên khi giao việc chị chỉ tìm người làm được việc, không coi trọng người đó là nam hay nữ. Cho nên tuy ta đã làm một cuộc cách mạng đề cao người phụ nữ, nhưng chưa giải phóng được phụ nữ như mong muốn.

Cuộc cách mạng của ta đi suốt hai cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ. Khách quan nhìn nhận, phụ nữ chịu đựng khó khăn có thể không bằng nam giới trong những tình thế ngàn cân treo sợi tóc đòi hỏi thần kinh thép, hay trong những cuộc hành quân gian khổ đòi hỏi sự chịu đựng phi thường mới vượt qua được. Vì đã trải nghiệm qua những thử thách khắc nghiệt trong chiến tranh nên nam giới dễ có định kiến ngay cả trong thời bình.

3. Kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta mới được xây dựng.

Trong nền kinh tế thị trường có thành phần tư nhân ngày càng lớn. Theo tôi, đây chính là điều kiện khách quan, điểm khởi đầu cho việc mất dần tư tưởng trọng nam khinh nữ. Bởi với tư nhân, đồng tiền của họ là rất quan trọng. Do đó, khi chọn người vào làm việc, họ bắt buộc phải chọn người làm việc được. Nếu có hai người xin việc khác giới và nếu người làm được việc là nữ thì họ không ngần ngại chọn nữ. Cũng như vậy với việc đề bạt một người vào một chức vụ nào đó, ngay cả cương vị nguyên thủ quốc gia. Trên thế giới, nhất là ở các nước phát triển, có nhiều nữ thủ tướng, nữ tổng thống thực quyền. Họ thành công chẳng kém nam giới. Các nước láng giềng quanh ta, tuy chưa phải là cường quốc nhưng cũng cho ta những suy nghĩ về việc sử dụng phụ nữ có tài. Họ có nữ thủ tướng, nữ tổng thống, bộ trưởng ngoại giao... cũng tài giỏi như nam giới trong việc quản trị đất nước. Nền kinh tế thị trường buộc các nhà cầm quyền phải sử dụng người tài, bất kỳ người đó là nam hay nữ.

Nước ta thực hiện kinh tế thị trường định hướng XHCN do Đảng lãnh đạo nên có đặc điểm riêng. Nhưng không vì những đặc điểm riêng của đất nước mà có đặc điểm chẳng đáng tự hào là ít nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý! Giống như mùa xuân tạo ra môi trường để vạn vật sinh sôi, nảy nở, Đảng và Nhà nước tạo môi trường phấn đấu bình đẳng, thuận lợi, khi sử dụng cán bộ căn cứ vào hiệu quả công việc. Khi đó chẳng cần chỉ tiêu, nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý sẽ nhiều, tươi tắn, đa sắc và đầy sức sống như hoa mùa xuân.

Phản hồi (1)

Lê Văn Huy 11/02/2013

Bài dí dỏm mà rất hấp dẫn mặc dù nói về một vấn đề vốn khô khan.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất