Xin chào Mục sư! Đà Nẵng là một thành phố được cả nước biết đến với hình ảnh trẻ trung, năng động, có nhiều đột phá trong xây dựng và phát triển. Mục sư đánh giá thế nào về vai trò của đồng bào có đạo nói chung, Tin lành nói riêng trong xây dựng và phát triển Đà Nẵng?
MS Mã Phúc Hiệp: Đà Nẵng hiện có 11 tổ chức tôn giáo đang hoạt động hợp pháp, ổn định với khoảng 180.000 tín đồ. Riêng Tin lành sinh hoạt ổn định tại 8 chi hội Tin lành và một tư thất mục sư thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam), 2 hội thánh cơ sở thuộc Hội truyền giáo Cơ đốc Việt Nam và 15 điểm nhóm với 7.600 tín đồ. Chiếm 20% dân số Đà Nẵng, tham gia vào đời sống kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực, đồng bào các tôn giáo đang góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của Thành phố. Ngoài sinh hoạt tôn giáo, các giáo hội chú trọng nhiều đến hoạt động nhân đạo, từ thiện, bảo vệ môi trường... Mấy năm qua, trên 500 ngôi nhà tình thương cho các hộ nghèo đã được các tín đồ tôn giáo góp công, tiền của xây dựng. Riêng Tin lành, chúng tôi trích 5% ngân quỹ hoạt động hằng tháng để giúp người nghèo, thăm hỏi định kỳ bệnh nhân ở Trung tâm điều dưỡng người tâm thần và một số bệnh viện trong Thành phố... Về phần Hội thánh Tin lành Hòa Mỹ, chúng tôi đã thăm viếng và tặng bữa ăn cho 350 bệnh nhân thuộc Trung tâm bảo trợ người tâm thần vào đầu tháng, giữa tháng (10.000 đồng/người); phân công tín hữu nuôi 10 trẻ em nghèo tại gia đình, vận động nhiều người tham gia vào các ngày vệ sinh môi trường chung.
Về cá nhân, Mục sư có thể chia sẻ ít nhiều những đóng góp của mình?
MS Mã Phúc Hiệp: Gần đây tôi được đảm nhiệm một số công việc cụ thể. Trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Đà Nẵng, tôi là thành viên nhiệm kỳ 2009-2014. Qua công tác, sinh hoạt trong Mặt trận và khi gặp trực tiếp các vị lãnh đạo Thành phố, tôi đều đề xuất những ý kiến, nhỏ thôi, nhưng là nỗi bức xúc mà bà con mong muốn Thành phố giải quyết. Ví dụ: Để giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải, từ kinh nghiệm của Xin-ga-po, tôi đề nghị Đà Nẵng chọn một vài đoạn đường mới, xây dựng thành đường sạch đẹp, ai đi trên đó mà xả rác bừa bãi thì phạt thật mạnh, tạo ý thức tuân thủ pháp luật triệt để. Từ thành công của đoạn đường đó mà lan tỏa ra toàn Thành phố và cả nước.
Trong Giáo hội Tin lành, tôi là Thư ký Hội đồng Giáo phẩm Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam), Trưởng Ban đại diện Hội thánh Tin Lành TP. Đà Nẵng, đồng thời là Quản nhiệm Chi hội Tin lành Hòa Mỹ. Với những cương vị đó, tôi có điều kiện để khuyên răn các tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo. Trong các buổi giảng đạo tại nhà thờ, những nội dung về tình thương yêu đồng loại, về lối sống lịch sự, văn minh, giữ gìn vệ sinh đô thị, về thói quen tiết kiệm, người Việt Nam dùng hàng Việt Nam... luôn được nhắc nhở. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày Tin lành đến Việt Nam, tôi đề xuất với Giáo hội cho xây dựng 100 nhà tình thương cho người nghèo ở Quảng Nam và Đà Nẵng, đến nay đã thực hiện xong. Hòa Mỹ có 2 gia đình tín hữu và 3 gia đình đồng bào nghèo khác được hỗ trợ. Trước đây trên địa bàn Hòa Mỹ còn một số hộ giáo dân Tin lành nghèo, Hội thánh chúng tôi giúp đỡ đã thoát nghèo.
Mục sư đánh giá thế nào về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực tôn giáo?
MS Mã Phúc Hiệp: Tôi thấy chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta rất tốt, đã tạo nhiều điều kiện cho các giáo hội hoạt động. Quy định của pháp luật đúng, nhưng một số nơi thực hiện ít linh hoạt. Cùng một sự việc, nhưng nơi này xử lý khác nơi kia, nhiều khi trong cùng một tôn giáo nhưng khác địa phương nên cách giải quyết cũng khác nhau. Chúng tôi luôn nhắc nhở giáo dân phải tuân thủ pháp luật, nhưng cũng mong chính quyền địa phương quan tâm, giải quyết nhu cầu tôn giáo “linh động” hơn.
Theo Mục sư, các cấp lãnh đạo phải chú ý đến điều gì để có những chủ trương hợp lòng dân, những chính sách phát triển có hiệu quả?
MS Mã Phúc Hiệp: Tôi nghĩ trước hết, nên sát thực tế. Có khi lý thuyết đúng nhưng không phù hợp với thực tế. Thứ hai, cần hết sức thận trọng, từ từ. Ví như khi ta đi xe đạp, ban đầu phải “nhắp nhắp”, giữ thăng bằng rồi mới phóng. Tôi rất thích hình ảnh một người phải mở cái dây bao xi măng hay bao gạo. Nếu anh ta biết quan sát, chịu khó lần từng nấc để ra đầu mối, sau đó chỉ cần kéo nhẹ dây là được. Nếu không, càng gỡ càng rối, phải phá vỏ bao. Cái bao xi măng bị phá đã là tiếc, huống chi một vấn đề xã hội vì thực hiện không khéo mà hỏng thì sẽ mất lòng tin của dân. Thứ ba, khi tổ chức thực hiện đừng “đầu voi, đuôi chuột”. Trên bàn làm việc của tôi thường để 2 bức tượng voi và chuột là tôi tự nhắc mình khi làm việc phải đến nơi đến chốn. Thứ tư là, cần nắm bắt cơ hội để đưa đất nước phát triển nhanh chóng, nhất là chúng ta đang hội nhập quốc tế. Cơ hội như nước triều lên rồi xuống rất nhanh theo quy luật, nên phải nhận diện được cơ hội, để khi nó đến thì bắt lấy, chụp lấy thật nhanh, giữ lấy thật chắc rồi tận dụng nó thật hợp lý thì nó mới có giá trị.
Để làm được điều đó, theo Mục sư, cán bộ của Đảng, chính quyền cần nhất những phẩm chất gì?
MS Mã Phúc Hiệp: Tất nhiên là cán bộ phải có tài và đức, có năng lực và phẩm chất đầy đủ. Theo tôi, cán bộ còn phải có sức khỏe - khỏe tinh thần và thể chất. Có thể nói là: Có tài, có đức, có sức thì hãy trao chức. Tôi thấy cây kim may áo quần cho người ta được ấm áp, nhưng chính nó thì mình trần thân trụi, đó là sự hy sinh. Cán bộ muốn lo cho dân giàu, nước mạnh thì bản thân phải chấp nhận hy sinh. Chỉ nghĩ đến tư lợi, chỉ biết lo cho mình, gia đình mình mà không lo cho dân thì không thể làm cán bộ được.
Hiện nay, theo quy định của Đảng, công tác phát triển đảng viên là người có đạo được các cấp ủy đảng quan tâm. Mục sư nghĩ gì về việc tín đồ Tin lành vào Đảng?
MS Mã Phúc Hiệp: Tôi suy nghĩ chưa được nhiều về việc này. Nếu vào Đảng, phải theo Điều lệ, quy định của Đảng thì các tín đồ phải làm sao khi không thể làm sai giáo luật?
Đảng tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Tín đồ vào Đảng được giữ đức tin của mình, được tạo điều kiện để tham gia sinh hoạt tôn giáo bình thường. Mọi đảng viên, không phân biệt có đạo hay không, đều phấn đấu vì mục tiêu xây dựng xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Mục tiêu, hạnh phúc của những đảng viên cộng sản liệu có khác biệt với mục tiêu, hay ước mơ của tín đồ các tôn giáo?
MS Mã Phúc Hiệp: Về mục tiêu xây dựng xã hội không có sự khác biệt mà rất đồng nhất!
Vậy, nếu các tổ chức đảng quan tâm đến xây dựng lực lượng nòng cốt trong phong trào quần chúng có đạo, bồi dưỡng để họ có nhận thức về Đảng và kết nạp họ vào Đảng, Mục sư có ủng hộ?
MS Mã Phúc Hiệp: Tôi nghĩ, nếu những tín hữu hoạt động tốt, yêu mến Chúa mà tổ chức đảng quan tâm bồi dưỡng, lại không buộc phải xa rời giáo luật và tín lý trong Kinh thánh thì tôi thấy không có gì trở ngại. Thực tế cho thấy, hiện nhiều chức sắc tôn giáo đang tham gia trong Quốc hội, Mặt trận, họ cũng đóng góp nhiều cho Nhà nước, nhân dân.
Theo Mục sư, có những phương cách gì để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo?
MS Mã Phúc Hiệp: Lâu nay các cấp lãnh đạo Trung ương và địa phương đã có sự quan tâm thăm hỏi, động viên, đồng thời tạo nhiều điều kiện để các tôn giáo hoạt động bình thường, nhất là vào các dịp lễ tết của các giáo hội. Điều đó làm chúng tôi rất phấn khởi, tin tưởng và mong được cùng các cấp động viên giáo dân của mình chăm lo việc đạo, việc đời. Quản lý tôn giáo đúng luật, quan tâm tạo điều kiện, đồng thời luôn linh hoạt, tránh cứng nhắc trong xử lý các vấn đề liên quan đến tôn giáo theo tôi là cách để thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền và các giáo hội. Để tăng thêm tình đoàn kết trong và ngoài tôn giáo, kinh nghiệm của chúng tôi là “Tranh thủ yêu thương, bày tỏ sự gần gũi”: Các chức sắc luôn tổ chức các cuộc thăm hỏi, trao đổi, lấy đó làm gương dạy giáo dân noi theo. Nhờ đó trên địa bàn chúng tôi không có sự kỳ thị tôn giáo, tất cả đều chung sống hòa thuận, lâu nay không có sự việc gì xảy ra liên quan đến tôn giáo. Bà con giúp nhau làm ăn, biết tiết kiệm để giúp thêm cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật.
Nhân dịp xuân mới, Mục sư có gì nhắn gửi tới người dân Việt Nam, bà con giáo dân?
MS Mã Phúc Hiệp: Nhân mùa xuân đến, chúc quý vị lãnh đạo Đảng, chính quyền và mỗi người dân một năm an lành, tất cả chúng ta được sống vui vẻ, một lòng một dạ xây dựng quê hương giàu đẹp. Mong Đà Nẵng mình ai đến thì muốn ở, ai đi thì rất nhớ; đồng bào ai cũng đủ ăn, đủ mặc. Với bà con giáo dân Tin lành, dù kinh tế khó khăn hãy hết lòng kính Chúa, yêu nước, yêu thương mọi người, góp phần xây dựng quê hương, sống phúc âm giữa mọi người, trong lòng dân tộc!
Cảm ơn Mục sư đã chia sẻ! Xuân mới, chúc Mục sư sức khỏe, tiếp tục có nhiều đóng góp hơn cho sự an lành của bà con giáo dân và sự phát triển của quê hương Đà Nẵng giàu đẹp!
Bạch Yến (thực hiện)