Xây dựng nông thôn mới ở Yên Bái
Nhân dân góp công sức tham gia xây dựng NTM ở Yên Bái.
Kết quả bước đầu

Để thực hiện tốt Chương trình xây dựng NTM, các cấp, các ngành của Yên Bái đã lập ban chỉ đạo, ban hành các văn bản hướng dẫn, hoàn thành xây dựng quy hoạch cho 152 xã theo đúng kế hoạch và lộ trình. Việc huy động nguồn lực xây dựng NTM của Yên Bái được lồng ghép với các chương trình, dự án. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 2 năm, Yên Bái đã huy động khoảng 600 tỷ để thực hiện cứng hoá 62 kênh mương nội đồng, xây dựng 63 công trình văn hoá, 62 công trình thể thao, tổ chức 72 điểm thu gom rác…Tỷ lệ xã đạt dưới 5 tiêu chí từ 87,5% giảm xuống còn 67,76%, các xã cơ bản đều tăng được từ 3-4 tiêu chí/năm.  

Tại huyện vùng cao Mù Cang Chải, một trong 61 huyện khó khăn nhất của cả nước, khi đề cấp đến xây dựng NTM, không chỉ người dân mà nhiều cán bộ, đảng viên rất băn khoăn vì điều kiện tự nhiên và xã hội vùng cao khó có thể xây dựng NTM thành công vì giao thông khó khăn cách trở, nơi đây vẫn còn tồn tại nhiều tập quán lạc hậu trong sản xuất và sinh hoạt. Các cấp uỷ đảng, chính quyền đã phối hợp, tuyên truyền để người dân hiểu xây dựng NTM là những việc làm giúp cho đời sống của bà con được tốt hơn: Mọi nhà đều có đường từ nhà ra bản rộng từ 1-1,5m; hộ gia đình có nhà vệ sinh, có chuồng trâu, bò, lợn; vợ chồng phải đăng ký kết hôn, trẻ sinh ra phải có giấy khai sinh; cán bộ, đảng viên, đoàn viên và chủ hộ được học tập, quán triệt nghị quyết các cấp; không di dịch cư tự do, không nghe truyền đạo trái phép; không thả rông ra súc, không trồng cây thuốc phiện và không đốt rừng, phá rừng làm nương rẫy; không khai thác, buôn bán lâm sản trái phép, không tảo hôn và sinh con thứ 3… Mỗi hộ người Mông nơi đây đã có từ 2 đến 5 con lợn, trồng từ 1 đến 2 gốc su su, vài chục mét vuông rau xanh; mỗi hội viên đoàn thể nuôi 5 đến 7 con gà, vịt, trồng vài gốc chuối, bí… Những đổi thay nho nhỏ này đã góp phần nâng cao đời sống và thay đổi nếp nghĩ của bà con vùng cao.

Ở xã Đại Phác (huyện Văn Yên), trong quá trình xây dựng NTM, thời gian đầu địa phương gặp nhiều khó khăn, nhất là việc huy động người dân tham gia đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng. Sau một thời gian triển khai, cấp uỷ, chính quyền đưa ra nhiều giải pháp, cùng với các cơ quan truyền thông vào cuộc phân tích những thuận lợi, khó khăn, phát hiện những tập thể điển hình, cá nhân tiên tiến, những cách làm hay ở địa phương với những địa chỉ sinh động, cụ thể. Từ một vài thôn làm điểm, một vài gương cán bộ, đảng viên và nhân dân gương mẫu đi đầu trong việc hiến đất làm đường… đã có sức lan toả tốt. Qua đó, người dân đã hiểu rõ xây dựng NTM chính là để cho mình và xã hội, tích cực đóng góp tiền của, công sức, hiến đất, tự nguyện di dời nhà cửa, đồ đạc để xây dựng cơ sở hạ tầng. Vì vậy, từ một xã thuần nông, cơ sở hạ tầng rất thiếu thốn, khó khăn, đến nay, 100% tuyến đường liên thôn, đường nội đồng, kênh mương nội đồng ở Đại Phác đã được kiên cố hoá. Xã đã trở thành một điển hình trong xây dựng NTM ở Yên Bái.

Còn những khó khăn

Việc thực hiện xây dựng theo Bộ tiêu chí ở một số xã vẫn chậm, chủ yếu là những tiêu chí dễ thực hiện và có dự án; có nhiều xã gần như không thay đổi so với thời điểm rà soát, nhất là những xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Nhiều nơi, nhận thức của cán bộ, nhân dân về chương trình xây dựng NTM chưa đầy đủ, coi chương trình NTM là “cơ hội” có được nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước để xây dựng hạ tầng, coi nhẹ vai trò chủ thể và đóng góp của người dân. Có địa phương chỉ quan tâm đến “vẽ” quy hoạch, đề án xây dựng cơ sở hạ tầng sao cho hoành tráng mà không tính đến tính khả thi, hiệu quả sử dụng của công trình. Còn người nông dân, “chủ thể” nhưng chưa biết hoặc biết chưa nhiều, chưa rõ về công trình, coi đây là việc của “cấp trên” chứ không phải việc của mình...

                          
                                       Xây dựng hệ thống thủy lợi ở La Pán Tẩn.

Một vài kinh nghiệm  

1. Nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Xác định rõ người dân là chủ thể trong quá trình xây dựng NTM, “vì dân, hướng đến dân”, là quá trình đổi mới toàn diện khu vực nông thôn theo hướng CNH, HĐH nhằm phát triển nông thôn bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.  

2. Phát huy mạnh mẽ dân chủ ở cơ sở, thực hiện công khai, minh bạch các kế hoạch, nội dung công việc, các khoản thu, chi, người dân phải được thông tin đa chiều, đầy đủ, toàn diện, nhân dân k
hông chỉ được “biết”, được “bàn”, mà người dân còn phải được “kiểm tra”, vừa tạo được niềm tin cho nhân dân cũng như nâng cao chất lượng công trình.  

3. Thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM phải có lộ trình và kế hoạch từng giai đoạn, không chạy theo thành tích. Xây dựng NTM là một chương trình lớn thể hiện ở khối lượng công việc nhiều, lĩnh vực rộng, liên quan đến nhiều cấp, ngành nên phải có thời gian thực hiện.

4. Chú trọng giữ gìn bản sắc văn hoá cũng như sắc thái của nông thôn khi xây dựng NTM. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng NTM không phải là “đô thị hoá nông thôn” dẫn đến việc đâu đâu cũng bê tông hoá làm mất đi đặc thù của nông thôn, mất đi môi trường sinh thái đặc thù từng vùng nhất là vùng đồng bào dân tộc.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất