|
Bác sỹ Nguyễn Thành Danh trả lời tại phiên tòa.
|
Sau 10 ngày xét xử và nghị án, chiều 12-1-2024, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã ra phán quyết đối với 38 bị cáo trong vụ án Công ty Việt Á. Dưới ánh sáng của công lý cùng những bản án nghiêm khắc được tòa tuyên cho từng bị cáo là một minh chứng rõ ràng nhất cho cuộc chiến không khoan nhượng trong công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng đang diễn ra vô cùng quyết liệt và mạnh mẽ với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, dù đó là bất kỳ ai, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”. Hay nói như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định, quan điểm nhất quán của Trung ương là: công tác phòng, chống tham nhũng phải làm một cách kiên trì, nhân văn, bài bản và thuyết phục. Quy trình xử lý cán bộ vi phạm được thực hiện chặt chẽ từ xử lý về mặt Đảng, đến xử lý hành chính và xử lý hình sự theo quy định pháp luật. Với tinh thần giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe là chính để những người khác không vi phạm.
Nhìn vào những bản án thật nghiêm khắc mà tòa tuyên án với những cái tên từ cựu bộ trưởng, cựu bí thư tỉnh ủy, cựu chủ tịch UBND tỉnh, tới cục trưởng, vụ trưởng… đã cho thấy một sự đau xót vô cùng lớn đối với mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bởi Đảng mất cán bộ, khi một bộ phận cán bộ được Đảng giao nhiệm vụ đã suy thoái về đạo đức, lối sống, để mất niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng đã dày công xây dựng. Tuy đớn đau, xót xa nhưng Đảng vẫn quyết loại bỏ những cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất ấy để củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, với sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo.
Bên cạnh những mảng xám diễn ra ở phiên tòa ấy, vẫn có điểm sáng hiếm hoi của người đảng viên kiên trung, gương mẫu Nguyễn Thành Danh, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Dương. Ông là người duy nhất được Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội tuyên miễn trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Vì sao lại có điều này, khi đây là một điều thực sự hiếm hoi, chưa từng có tiền lệ xảy ra trong các vụ “đại án”?
Để trả lời câu hỏi này chúng ta trở lại với cáo trạng mà tòa án đã truy tố ông Nguyễn Thành Danh, cựu Giám đốc CDC Bình Dương. Theo bản cáo trạng cáo buộc bị cáo đã chỉ đạo nhân viên của CDC Bình Dương ứng trước kit test của Công ty Việt Á và Công ty VNDAT, để rồi sau đó hợp thức để Công ty Việt Á trúng thầu dẫn đến hậu quả là ngân sách bị thiệt hại 55 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy, cáo trạng mà các cơ quan điều tra cũng như cơ quan thực hành quyền công tố, truy tố bị cáo Nguyễn Thành Danh về hành vi gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước là không hề sai, có đầy đủ căn cứ theo quy định của pháp luật và bị cáo khi tham dự phiên tòa cũng thừa nhận thấy được hành vi sai trái của bản thân đã gây ra. Vậy nguyên nhân nào và động cơ là gì đã khiến người đảng viên Nguyễn Thành Danh vi phạm pháp luật như vậy? Và mục đích thực sự đằng sau của những vi phạm ấy là gì?
Ngược dòng thời gian quay trở lại những ngày đại dịch Covid-19 hoành hành trên mọi nẻo đường của đất nước, đó cũng là lúc mà ông Nguyễn Thành Danh trên cương vị Giám đốc CDC Bình Dương, sau những tháng năm miệt mài công tác, cống hiến cho Đảng, cho Nhân dân đã đến tuổi nghỉ hưu. Nhưng khi dịch bệnh ập đến, ông đã gác lại câu chuyện cá nhân để tiếp tục cống hiến, lăn mình đấu tranh với dịch bệnh, để chăm lo bảo vệ sức khoẻ của nhân dân dẫu biết có thể sẽ phải đánh đổi với chính mạng sống của mình. Đây là một điều mà không phải ai, đảng viên nào cũng làm được trong một bối cảnh, hoàn cảnh như vậy. Chính ông cũng từng khẳng định trước công lý phiên tòa: "Tôi không ân hận, rõ ràng tôi làm vì sức khoẻ, vì tính mạng người dân. Tôi quan niệm rằng chống dịch như cuộc chiến chống giặc, phải có niềm tin...”.
Thật vậy, từ chỗ đã làm đơn xin nghỉ hưu, để rồi khi đại dịch xảy ra, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe nhân dân, được tổ chức, cấp trên yêu cầu, ông đã đồng ý ở lại, tuân thủ theo yêu cầu của tổ chức để phụng sự nhân dân. Và trong chính thời gian đại dịch căng thẳng ấy, ông đã làm hết sức mình để chống dịch, bảo vệ sức khoẻ và tính mạng nhân dân, để hoàn thành trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó. Đây chính là sự cao quý, là phẩm giá của một người đảng viên được tỏa sáng trong những hoàn cảnh nguy nan của dân tộc. Thời điểm đó, đã có những nhân viên y tế không chịu nổi sự căng thẳng, vất vả, mất mát đã bỏ việc thì đảng viên Nguyễn Thành Danh đã “dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân vì lợi ích chung của nhân dân” để đưa ra những quyết sách “vì sức khỏe người dân, vì lợi ích dân tộc” như lời chủ tọa phiên toà đã ghi nhận.
Phiên tòa đã trả lời cho chúng ta cũng thấy được hành vi và động cơ của ông ở đây không có gì khác ngoài lợi ích của nhân dân, phụng sự nhân dân, phụng sự cho sự nghiệp cách mạng của Đảng: Khi được Tổ quốc, nhân dân “gọi tên mình”, đảng viên Nguyễn Thành Danh đã tham gia với một tâm thế của “người chống dịch” chứ không phải “đóng vai Giám đốc CDC”, với một sự khiêm nhường lớn lao: chỉ xin tham gia với tư cách người phòng, chống dịch mà không xin tham gia tổ chức đấu thầu do không có chuyên môn, kinh nghiệm về đấu thầu. Bởi ông biết sự đóng góp của mình thực sự là hữu ích trên cương vị của một người bác sĩ, một người luôn khắc ghi Lời thề Hippocrates với sứ mệnh, trọng trách cứu người.
CDC Bình Dương phải mua kit xét nghiệm của Việt Á ở tình thế bắt buộc vì có chủ trương của cấp trên, càng trớ trêu, nghịch cảnh hơn nữa khi là “2/7 máy xét nghiệm mà CDC Bình Dương được tặng, chỉ dùng được kit của Việt Á”. Câu hỏi đặt ra, nếu trong tình huống này người đảng viên Nguyễn Thành Danh Danh không “xé rào” để thực hiện vay kit test, sinh phẩm của Việt Á, thì công tác phòng, chống dịch bệnh ở Bình Dương sẽ khó khăn như thế nào? Chính tại phiên tòa, lời của chủ tọa - nhân danh công lý đã trả lời cho chúng ta thấy rõ điều này: “đến nay đã được xác định là có hiệu quả trong xét nghiệm, hẳn dịch bệnh ở Bình Dương đã không diễn ra hạn chế như vậy”. Người đảng viên Nguyễn Thành Danh bằng hành động của mình đã thực hiện đúng như những gì Đảng, Nhà nước chỉ đạo “chống dịch như chống giặc, cả nước đồng lòng, quyết tâm đẩy lùi Covid”. Hành động của ông dù có sai phạm nhưng được nhìn nhận như một sự “xé rào” và ông như một người lính trên chiến trường luôn trung thành với Tổ quốc, hành động vượt qua những giới hạn của “nhận thức”, của bối cảnh, hoàn cảnh cụ thể với một mục tiêu duy nhất “chữa bệnh cứu người, sinh mạng con người là cao quý nhất, không có gì quý giá hơn mạng sống con người”. Do đó, hành động ấy của đảng viên Nguyễn Thành Danh cần được cảm thông, chia sẻ và ông đã thực hiện đúng trọng trách của người đảng viên cũng như là lương tâm của một người thầy thuốc với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “lương y như từ mẫu”.
|
Bác sỹ Nguyễn Thành Danh nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
|
Một điều đặc biệt khiến chúng ta tự hào về người đảng viên, người thầy thuốc Nguyễn Thành Danh là dù đã có rất nhiều lần nhân viên Việt Á đưa tiền, nhưng ông đều từ chối, đồng thời luôn nhắc nhở, cảnh tỉnh cấp dưới quyền của mình không được nhận tiền của Việt Á hay của bất kỳ ai. Cuối cùng, chính bản thân đảng viên Nguyễn Thành Danh cũng như cấp dưới của ông được tòa chứng minh trước công đường: đã không nhận một đồng của Việt Á cảm ơn, thương anh em chống dịch. Đảng viên Nguyễn Thành Danh đã làm và giữ gìn được những Lời thề của người đảng viên, là một người liêm khiết, một nhân cách sống đáng kính trọng, một đảng viên trong sạch, hết lòng phụng sự cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đây cũng chính là điều mà đồng chí Nguyễn Thành Danh khác biệt so với nhiều cựu đảng viên khác trong phiên tòa này. Để giờ đây, từ chỗ là “bị cáo” trong phiên tòa, ông Nguyễn Thành Danh đã được tòa trả lại cho tất cả những danh dự của cuộc đời, danh dự của người thầy thuốc, người lãnh đạo, quản lý, đặc biệt danh dự của những tiếng thiêng liêng: “danh dự người đảng viên”. Ông có quyền ngẩng cao đầu vì những cống hiến, hy sinh tận tuỵ hết mình cho cộng đồng, cho lý tưởng cao đẹp đã suốt đời hy sinh và phụng sự.
Đảng viên Nguyễn Thành Danh như một viên ngọc quý trong đời thường. Đó mới thực sự là một đại diện tiêu biểu cho bản lĩnh cách mạng, phẩm chất cao quý của người đảng viên kiên trung cách mạng ngày hôm nay, một tấm gương cao quý cần nhân rộng. Trong bất kỳ tình huống éo le nào của cuộc sống, đối mặt với những thách thức, nghịch cảnh thì người đảng viên Nguyễn Thành Danh luôn trung kiên với Đảng, luôn vững tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng: "Khi bị khởi tố, lúc đầu tôi tuyệt vọng, hoang mang nhưng niềm tin thì vẫn có nên không có hành động tiêu cực. Tôi suy nghĩ mình đã cống hiến, không có mục đích, động cơ trục lợi nào khác. Khi làm việc với cơ quan cảnh sát điều tra và Viện Kiểm sát hoặc lúc xét xử thì rõ ràng tôi thấy, mình làm đúng thì sẽ được bảo vệ. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào pháp luật, trong hoàn cảnh đặc biệt chắc chắn pháp luật sẽ cho phép thôi", đó là một phẩm chất mà không phải đảng viên nào cũng có được.
Trong bối cảnh “con vi-rút mang tên Việt Á” lây lan và gây biết bao hệ lụy cho ngành Y tế thời gian qua, những việc làm của đảng viên Nguyễn Thành Danh là hiện thân ngời sáng những phẩm chất cao quý của người cán bộ, đảng viên với phương châm: "khó khăn không chùn bước, tiền bạc không thể lung lay, luôn kiên định và trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, trung thành với Tổ quốc và Nhân dân”. Sự tận tụy, dấn thân của đồng chí Nguyễn Thành Danh như một vệt sáng trên bầu trời, xóa đi sự u ám của mây giông chợt đến, để bình minh rực sáng trên quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta. Và quan trọng hơn thế nữa, để nhân dân luôn thấy và tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, bởi Đảng luôn công minh trước những hành động vì Dân, vì Nước, kiên quyết loại bỏ những thành phần tha hóa, biến chất, những “con sâu làm rầu nồi canh”.
Phiên tòa đã khép lại với trắng - đen rõ ràng, công - tội được phân minh, thì cũng chính là lúc chúng ta khẳng định lại một lần nữa nghị quyết của Đảng thật sâu sắc và toàn diện trong việc bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, không vụ lợi, vì cái chung như tinh thần Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định. Tin tưởng rằng sau khi phiên tòa khép lại, Bộ Y tế, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bình Dương sẽ cùng nhau “kiểm thảo” những việc đã làm được, khắc phục những hạn chế, tồn tại để có thể lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt hơn những nhiệm vụ cách mạng trong tương lai mà Đảng giao phó, cũng như có chính sách khen thưởng kịp thời cho đảng viên Nguyễn Thành Danh. Đó vừa là pháp lý, vừa là đạo lý.
Thanh Hiền, Hà Linh Cúc