Đừng để hao mòn niềm tin!
Niềm tin hay tín niệm vào “ngày mai sẽ tươi sáng” sẽ luôn là động lực thúc đẩy và yếu tố quan trọng để chúng ta vững bước tiến về phía trước hướng đến ngày mai, đến tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn những gì chúng ta đang có.

Tháng bảy, tháng của ngày lễ lớn, theo tôi là rất lớn bởi có Ngày Thương binh - liệt sỹ 27-7, ngày mà cả dân tộc ta, đất nước ta nhớ ơn các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, liệt sỹ - những người đã ngã xuống hoặc hy sinh một phần xương máu của mình giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Ngày ấy, quay ngược lại thời gian, xuyên suốt chiều dài của lịch sử hơn 90 mươi năm qua, chúng ta, dân tộc ta sống bằng niềm tin, bằng tín niệm để đi theo cách mạng, để làm cách mạng, để giành độc lập, tự do. Mục tiêu cuối cùng là quyền làm chủ chính mình, quyền được hưởng cơm no, áo ấm và quyền làm người. Dù trong khó khăn, gian khổ, trong đói lạnh, cha ông ta, rồi chính bản thân chúng ta đã dấn thân vào cuộc chiến, vào cuộc cách mạng… và, chúng ta đã thành công.

Sau hai cuộc chiến trường kỳ đánh Pháp, đánh Mỹ và đánh trả quân xâm lược phương Bắc, chúng ta đã toàn thắng. Ta thử hỏi có nơi đâu trên trái đất này như đất nước Việt Nam, gần ¼ thế kỷ không ngớt tiếng súng, tiếng gầm của đạn bom. Có nơi đâu trên trái đất này, một mảnh đất mang hình chữ S mà máu xương của người lính thấm đẫm từng tấc đất quê hương, có nơi đâu những người lính hy sinh nhiều như thế. Nhưng chúng ta đã chiến thắng, chiến thắng vẻ vang, vang dội mặc dù mất mát cũng rất lớn.

Tựu trung lại, chúng ta đã thắng kẻ thù bằng niềm tin, bằng tín niệm đã đi vào máu, vào huyết quản chảy khắp toàn thân mỗi người dân, mỗi người lính nên chúng ta không từ nan, không tiếc máu xương, chấp nhận xả thân, chấp nhận hy sinh để phụng sự Tổ quốc Việt Nam.

Ngày ấy, niềm tin và tín niệm đong đầy, nên chúng ta đã vượt khó đi lên, đã thành công trên mọi mặt trận. 

Ngày nay, niềm tin và tín niệm bị vơi đi, khi người dân nhìn thấy và nhận ra một số cán bộ lãnh đạo từ cấp cơ sở đến Trung ương đã làm trái với tôn chỉ của Đảng, Nhà nước đặt ra. Họ đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp, kết bè, kết phái để tham nhũng, để thu lợi bất chính, để vơ vét tài sản công vào túi cá nhân… họ không từ bất cứ thủ đoạn nào đè người khác xuống, để vươn lên bằng mưu hèn, kế bẩn dẫn đến xã hội bất an, lòng dân hoang mang, lo sợ.

Cần phải có đối sách và chính sách mạnh mẽ, khác biệt để thay đổi công tác nhân sự cho phù hợp với thời đại và nhu cầu thực tế của Việt Nam. Nếu chúng ta vẫn làm công tác cán bộ như lâu nay sẽ có không ít cán bộ lãnh đạo vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn, tinh vi hơn. 

Thử hỏi thanh kiểm tra, kỷ luật, xét xử, tù tội càng nhiều cán bộ thì niềm tin và tín niệm trong cộng đồng xã hội, trong Nhân dân có lấy lại được như cũ? 

Theo cách nghĩ và góc nhìn của tôi, thiết nghĩ Đảng, Chính phủ cần phải làm ngay những vấn đề sau:

Thứ nhất, các cơ quan báo đài, người phát ngôn thuộc Nhà nước quản lý cần và buộc phải đưa tin chính xác, minh bạch, rõ ràng, nhanh chóng ngăn chặn các lời đồn thổi, tin giả, tin thất thiệt trên mạng xã hội và in-tơ-nét.

Thứ hai, con người là yếu tố quyết định cho thành công của đất nước cũng như gia đình, doanh nghiệp…, cần phải thay đổi cách lựa chọn hiền tài (một số vị trí có thể không nhất thiết là đảng viên) để gánh trọng trách khi được Nhà nước và Nhân dân giao phó, chỉ cần họ là người yêu đất nước, có tài, có tâm cống hiến và phụng sự, lấy quyền lợi của Nhân dân, của quốc gia là tối thượng, trung thành với Tổ quốc.

Thứ ba, cương quyết loại bỏ những cán bộ, công chức sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về, bởi họ là những thành phần luôn gây cản trở cho sự phát triển của xã hội, gây khó khăn cho doanh nghiệp, kìm hãm các thành phần kinh tế muốn đầu tư sản xuất - kinh doanh.

Thứ tư, cần phải thay đổi mức lương cho cán bộ, viên chức làm được việc, làm tốt trọng trách công vụ của mình khi được giao phó. Lương tốt là một động lực vô cũng quan trọng để ổn định cuộc sống cá nhân, gia đình, khẳng định giá trị “thật” của công chức, góp phần quan trọng hạn chế tham nhũng “vặt” đã và đang là vấn nạn của chúng ta.

Thứ năm, luật pháp và thời điểm ban hành luật pháp luôn là vấn đề cần suy xét bởi thời điểm đó là đúng, chuẩn nhưng sau một thời gian không còn phù hợp nữa thì cần thay đổi ngay để theo kịp với thực tiễn. Cho nên chúng ta không nên cố tình xem xét, áp đặt các hành vi của người thi hành công vụ khi các điều khoản hoặc điều luật đã hết hiệu lực. Nếu không sẽ rất nguy hiểm và tác động tiêu cực tới xã hội.

Phản hồi (1)

Trần Thị Bích Hà 11/07/2022

Bài của Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc viết rất đúng về niềm tin. Tôi đặc biệt tâm đắc về 5 đề xuất của tác giả, rất mong lãnh đạo lắng nghe và suy nghĩ, thực hiện.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất