Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV bế mạc sáng ngày 13-11-2021 đưa ra nhiều kế sách phát triển cho đất nước năm 2022, những nghị quyết, kế hoạch bao trùm lên nhiều vấn đề, từ an sinh xã hội, an ninh lương thực, an ninh năng lượng và an ninh-quốc phòng… cho năm tới và những năm kế tiếp. Bài viết của tác giả - doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc - Việt kiều Ca-na-đa với góc nhìn về phát triển kinh tế Việt Nam năm 2022, tiếp theo đến năm 2025 hết nhiệm kỳ này và chu kỳ một vòng quay ngắn hạn của Việt Nam. Cách nhìn này có sự khác biệt với đánh giá và kết luận của Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra cho năm 2022 và những năm kế tiếp.
Đứng trước tình hình không còn mới bởi Việt Nam và thế giới đã trải qua 2 năm đối phó với dịch bệnh SAR- COV-2. Mọi hệ luỵ của nó đã được các quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo chi tiết cụ thể. Tình hình kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử 100 năm qua, tác động xấu hơn cả thời kỳ khủng khoảng năm 1938 và năm 2009. Điều này minh chứng rằng cả thế giới và Việt Nam chưa tiên liệu hết được những biến số có thể xảy ra như dịch bệnh vừa qua và còn có thể xảy ra những biến số mới khốc liệt hơn.
Kế hoạch phát triển kinh tế của Việt Nam năm 2020 và năm 2021 đã bị phá sản. Mọi chỉ tiêu hoạch định đều không đáp ứng được yêu cầu, bởi khi Việt Nam tham gia vào WTO, tham gia ký kết các hiệp định thương mại song phương và đa phương với các nước trong khu vực và thế giới thì mặc nhiên Việt Nam phải chịu tác động của kinh tế thế giới, kinh tế thị trường chung.
Quốc hội thông qua kế hoạch phát triển kinh tế năm 2022 phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 6% - 6,5% liệu có khả thi khi các thông số về cung - cầu của thị trường chưa thuận lợi, khi dịch bệnh Covid-19 tiếp tục lây lan trên diện rộng không chỉ Việt Nam mà trên cả thế giới. Những cảnh báo về hiệu quả của vắc-xin phòng ngừa Covid 19 chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân loại.
Để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 từ 6% trở lên cần tối thiểu những yếu tố “cần và đủ”. Chúng ta phải nhìn nhận và đánh giá khách quan rằng từ năm 2019 trở về trước, Việt Nam đứng trước những cơ hội vô cùng thuận lợi về mọi mặt nhưng chúng ta chỉ đạt tăng trưởng GDP cao nhất không quá 7,2%/năm. Trong 2 năm dịch bệnh con số theo báo cáo của Nhà nước thì năm 2020 đạt 2,91%, năm 2021 chỉ đạt 3%.
Góc nhìn của tôi về kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam năm 2022 và hết năm 2025 chưa có gì là điểm sáng. Chỉ tiêu đặt ra của Quốc hội và Chính phủ khó có thể thực hiện được bởi chúng ta quá lạc quan và không đi sát diễn biến thực tế của kinh tế toàn cầu.
Muốn đạt được tăng trưởng GDP với con số (+) trong năm 2022, điều cần thiết phải áp dụng chính sách linh hoạt, chấp nhận thâm hụt ngân sách, chấp nhận chỉ số lạm phát từ 4% tăng đến 7%, thu hút nguồn vốn trong nước và nước ngoài bằng trái phiếu Chính phủ, xã hội hoá nhiều lĩnh vực mà lâu nay Nhà nước độc quyền. Chính sách tài khoá cần phải khéo léo, uyển chuyển, phải biết bơm tiền ra để tạo cú hích cho thị trường và sự luân chuyển dòng tiền tốc độ cao hơn nhiều lần thời gian qua. Tóm lại, trong tình hình “bất thường” phải có chính sách “phi thường” mới mong đạt được GDP năm 2022 khoảng 3,0 % - 3,5% đã là thành công.
Giải pháp cho nền kinh tế phát triển nên phải làm những việc sau:
Một là, an ninh - quốc phòng, biên giới hải đảo cần được đặc biệt chú trọng và quan tâm. Thông thương hàng hoá trên Biển Đông là cửa ngõ ra thế giới và thế giới vào Việt Nam là mối quan tâm lớn, cần phải đặt lên hàng đầu. Khi chính trị bình ổn và lòng dân tin tưởng thì các nguồn lực trong nước và nước ngoài sẽ tái đầu tư phát triển.
Hai là, theo Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 ban hành quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" đã vạch ra, làm rõ nhiệm vụ của các cấp chính quyền từ địa phương đến Trung ương. Không thể vì bất cứ lý do nào để Việt Nam tiếp tục ngăn sông, cấm chợ và phong toả như thời gian vừa qua. Cần phải khơi thông vận tải (logistic), đẩy mạnh tái đầu tư, sản xuất - kinh doanh, giữ công ăn, việc làm cho người lao động như đã có trước thời gian hồi hương vì đại dịch từ Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An vào tháng 9, tháng 10 năm 2021.
Ba là, đầu tư công là một vấn đề cần thiết để tạo cú hích khi mọi lĩnh vực đầu tư trì trệ. Nhưng đầu tư công luôn có hai mặt tích cực và tiêu cực, nếu cấp có thẩm quyền không kiểm soát tốt sẽ thất thoát lớn và chất lượng công trình không bảo đảm. Nên cần có chính sách xuyên suốt trong lĩnh vực hợp tác công tư (PPP) để các thành phần trong xã hội tham gia góp vốn và giám sát, quản lý.
Bốn là, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp bằng chính sách cụ thể, bằng miễn giảm thuế, phí, lệ phí hơn mức độ hiện tại là 30% bởi nếu không cắt giảm sâu thì doanh nghiệp tiếp tục kiệt sức. Khi doanh nghiệp dừng hoạt động, giảm giờ làm, giảm ngày công thì làm gì có thu nhập, làm gì có lợi tức mà nộp thuế. Khi chính sách không nuôi sống doanh nghiệp tức là Nhà nước đang tự bóp chết nguồn thu, nguồn thuế và sức lao động trong xã hội.
Năm là, các gói hỗ trợ mà 2 năm qua chúng ta triển khai, thực hiện không hiệu quả, có chăng chỉ đạt không quá 20% yêu cầu đặt ra. Do đó cần chính sách trực tiếp từ Chính phủ, từ Kho bạc Nhà nước về bảo lãnh theo quy định của ngân hàng, giảm lãi suất, cách tiếp cận phải thông thoáng, dễ làm thì mới có hiệu quả. Chính phủ, Quốc hội giao về địa phương, giao cho ngân hàng thì chắc chắn không hiệu quả vì bệnh sợ trách nhiệm đang hoành hành trong cán bộ, công chức, người có trách nhiệm. Và dòng tiền cần có cho thị trường sẽ chảy vào túi các doanh nghiệp sân sau, sân trước của ngân hàng hoặc các doanh nghiệp cánh hẩu. Các doanh nghiệp khác muốn tiếp cận nguồn tiền theo chính sách của Chính phủ từ ngân hàng sẽ phải trả tiêu cực phí rất cao.
Sáu là, mở cửa thị trường, trong đó có ngành công nghiệp không khói như dịch vụ hàng không, du lịch, khách sạn, nhà hàng… hoạt động có kiểm soát. Nếu tiếp tục co cụm hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa thì giao thương tiếp tục bị phong toả, bế tắc, ngân sách nhà nước thất thu, hàng triệu người lao động mất việc, các chủ doanh nghiệp phá sản… Không chỉ như vậy mà ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư trong nước và nước ngoài. Chúng ta nên hiểu và nhớ rằng đầu tư trực tiếp không thể bằng online và offline.
Bảy là, Chính phủ và các cấp có thẩm quyền liên quan cần giải quyết các tồn đọng, vướng mắc nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân với cơ quan công quyền. Cần bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người dân và doanh nghiệp cũng như hiệu quả của chính sách khi Nhà nước ban hành, tránh để xảy ra tình trạng khi thay đổi chính sách, áp dụng quy định mới mà các mâu thuẫn do chủ quan và khách quan vẫn còn tồn tại kéo dài hàng chục năm không ai chịu trách nhiệm.
Tám là, Việt Nam và thế giới đã chấp nhận sống chung với Covid-19 thì mặc nhiên Covid-19 là một phần trong thế giới này và không còn là “bình thường mới”. Cho nên mọi phương án tiếp cận, đối phó và xử lý dịch bệnh cũng là chuyện đương nhiên và bình thường trong đời sống xã hội.
Theo góc nhìn khách quan của tôi, nếu chúng ta không đột phá và không nhìn thẳng vào sự thật để có chính sách chuẩn mực và đúng đắn trong thời gian hiện nay và tương lai gần Việt Nam thì mọi kế hoạch đặt ra không thể hoàn thành bởi các quốc gia có quan hệ thương mại vẫn tiếp tục bế quan toả cảng.
Trước mắt, năm 2022 và năm 2023, Việt Nam đang đối diện với kinh tế vô cùng khó khăn về nhiều lĩnh vực. Nếu chúng ta không chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng về y tế dự phòng, nhân lực phục vụ cho ngành Y tế, không có kế hoạch chuẩn xác để phát triển kinh tế, không thích ứng kịp thời với các biến số bất thường xảy ra, khủng khoảng kinh tế lần thứ ba rất có thể lặp lại vào năm 2023 đối với Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc
Việt kiều Ca-na-đa