Đứng trước diễn biến vô cùng phức tạp của châu Âu và thế giới bởi chiến sự giữa Nga và U-crai-na bùng nổ hơn 2 tuần qua, chúng ta thấy mọi kế hoạch khôi phục kinh tế của hầu hết quốc gia và vùng lãnh thổ đã bị đảo lộn ngày một xấu đi, cán cân “cung - cầu” các mặt hàng thiết yếu tăng nhanh theo chiều thẳng đứng. Các chỉ số chứng khoán, đầu tư quốc nội và quốc ngoại tại Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng kép theo chiều đi xuống bởi đại dịch và chiến sự.
Nhìn bình diện chiến sự giữa hai nước Nga và U-crai-na chỉ là chiến sự khu vực, nhưng thực tế nó đã trở thành chiến sự toàn cầu quân sự, kinh tế, chính trị và ngoại giao dẫn đến lãnh đạo các quốc gia, vùng lãnh thổ và hơn 7 tỷ người dân toàn thế giới lo lắng và bất an. Trong cuộc chiến này ai thắng, ai bại chỉ là khái niệm. Thời gian kéo dài của cuộc chiến vẫn chưa đoán định hồi kết.
Trong giai đoạn chiến sự và hậu chiến mức độ nguy hiểm sẽ cao hơn bởi kinh tế suy kiệt không chỉ giữa hai nước tham chiến, mà nó là phản ứng dây chuyền, phản ứng đô-mi-nô. Hậu quả là làm gãy đổ toàn bộ nền kinh tế thế giới mới phục hồi khi thay đổi chính sách sống chung với Covid-19 để tạo công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục đầu tư, kinh doanh mở rộng sản xuất và xuất nhập khẩu, cũng như ngành công nghiệp không khói là du lịch.
Nhìn thực tế sau hơn 2 tuần qua chúng ta thấy giá dầu thô tăng cao chưa từng có trong lịch sử. Ngày hôm nay (9-3-2022) giá dầu thô đã chạm ngưỡng 130 USD/thùng và còn cao hơn nữa khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ra quyết định cấm nhập khẩu dầu thô và khí đốt của Nga. Các nguồn năng lượng khác như: điện hoá thạch; điện nguyên tử; và điện năng lượng tái tạo… có đủ hoặc dư thừa cũng không thể thay thế năng lượng hoá lỏng là xăng, dầu, khí đốt đang chiếm 98% cho nhu cầu hằng ngày của thế giới. Khi giá xăng dầu tăng cao hệ luỵ xấu cho toàn bộ hệ thống “cung - cầu” tất cả các mặt hàng trên toàn cầu như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghiệp, nông nghiệp và ngư nghiệp đều gặp khó khăn bởi giá cả tăng cao.
Đặc biệt nghiêm trọng hơn là Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Ca-na-đa, Úc… và nhiều quốc gia hùng mạnh trên thế giới phong toả tài chính của Nga bằng các biện pháp trừng phạt nặng chưa từng có. Dòng tiền lưu thông toàn cầu bị chậm, đảo lộn, tắc nghẽn bởi mắt xích quan trọng là luân chuyển tiền tệ, tài chính khi Nga bị rút ra khỏi hệ thống thanh toán điện tử toàn cầu SWIFT. Dẫn tới các nước đã có quan hệ buôn bán với Nga không thể thanh toán chính ngạch theo thông lệ lâu nay. Khi nhiều nước cũng đồng loạt phong toả giao thương hàng không, hàng hải với Nga với hình thức cấm vận toàn diện trên trời và trên biển.
Đối với Việt Nam, giải pháp nào để bình ổn đại cục hiện tại, ngắn hạn và trung hạn? Theo tôi, chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật để có đối pháp hữu hiệu và tích cực nhất ứng phó kịp thời với những bất ổn đã và đang xảy ra. Về năng lượng hoá lỏng như xăng dầu cung cấp cho công nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp chiếm tỷ trọng tiêu thụ không lớn nhưng cũng ảnh hưởng lớn đến giá thành đầu vào, đầu ra của thị trường. Nguồn năng lượng này có tác động lớn nhất đến giao thông vận tải, đến logistics bởi lâu nay chi phí cho logistics của Việt Nam là một trong những quốc gia có chi phí cao nhất thế giới.
Chính phủ và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cần phải làm ngay những biện pháp như tăng công suất khai thác, tái đầu tư cho những mỏ dầu đã khai thác kém hiệu quả vì thiết bị lỗi thời, không còn phù hợp. Cần thay thế bằng các thiết bị có công nghệ tiên tiến. Hiện tại Việt Nam có hai nhà máy lọc dầu lớn là Nghi Sơn và Dung Quất nhưng sản xuất chất lượng không cao, không đủ tiêu dùng trong nội địa và làm ăn lỗ vốn triền miên. Với điều kiện khai thác dầu mỏ của Việt Nam trên Biển Đông, xa bờ, độ sâu rất lớn dẫn tới các chi phí cho xây dựng giàn khoan ngoài biển cũng cực kỳ tốn kém. Theo báo cáo tài chính thì 1 thùng dầu thô của Việt Nam phải chi phí hết khoảng 58 USD/thùng. Trong thời gian qua khi giá dầu xuống dưới ngưỡng 60 USD/thùng thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam luôn bị báo lỗ. Nhưng chỉ cần giá dầu thế giới vượt ngưỡng 60 USD/thùng là chúng ta có lãi.
Hiện tại dầu thô thế giới chạm ngưỡng 130 USD/thùng thì mặc nhiên chúng ta có lãi, lãi lớn tới 100% hoặc còn cao hơn nữa. Chưa nói đến việc xuất khẩu thu tiền về cho ngân khố quốc gia, chỉ nói đến việc đủ cung, đủ tiêu thụ trong giai đoạn khó khăn này và 3-5 năm nữa cũng đã là thành công trên mọi mặt trận của Việt Nam. Chính thế nên lúc này cần có một quyết sách mạnh mẽ về thể chế cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tập trung nguồn vốn không giới hạn để nâng cấp, thay thế trang thiết bị mới cho khai thác dầu khí… chúng ta sẽ bình ổn được đại cục trong lúc cả thế giới đang bế tắc.
Nhu cầu lương thực, thực phẩm tăng cao, giá cả cũng tăng cao bởi nguồn cung cấp lương thực chủ yếu cho châu Âu từ U-crai-na và Nga đang lâm vào cảnh bế tắc. Chiến tranh nổ ra, mọi nguồn lực cho sản xuất lương thực bị ngưng đọng, bị phá huỷ, dòng người di tản khỏi U-crai-na có thể lên tới 7 triệu người theo đánh giá của các chuyên gia thế giới… mặc nhiên nguồn cung lương thực bị đứt gãy. Muốn khôi phục lại sản xuất nông nghiệp phải mất hàng quý, hàng năm sau khi chiến sự chấm dứt. Việt Nam có lợi thế là nước phát triển chủ yếu về nông nghiệp. Với bản đồ địa chính trị vô cùng thuận lợi, đây chính là lúc chúng ta đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và ngư nghiệp để tích trữ khi cần bán ra với giá cao theo thị trường thế giới, cũng là vốn để dành khi có biến số xảy ra. Nên nhớ rằng mọi xung đột, mọi cuộc chiến muốn chủ động, muốn thắng địch ngoài vũ khí, tinh thần thì lương thực mới là quyết định cho chiến thắng bởi sự sinh tồn của quân đội, của người dân do lương thảo quyết định.
Hãy tập trung vào những gì chúng ta sẵn có, những gì chúng ta phát huy được tối đa nội lực và sức mạnh toàn dân để bình ổn đại cục, bình ổn an sinh xã hội và kinh tế, quốc phòng, ngoại giao là cốt lõi để bảo đảm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và cả giai đoạn trước mắt đến năm 2025.
Nguyễn Hoài Bắc
Việt kiều Ca-na-đa