Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu thực tế đối với các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo ngạch và chức vụ lãnh đạo, quản lý
Khai giảng lớp TCLLCT – HC tại chức K58 (2016-2017) tại công an tỉnh Hưng Yên.

Để đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt chức trách đảm nhận, thì một trong những yêu cầu đặt ra đối với Đảng và Nhà nước là không ngừng nâng cao chất lượng các lớp đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ theo ngạch và chức danh lãnh đạo, quản lý. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao trình độ lý luận chính trị cũng như chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cần bảo đảm có chất lượng cao, gắn lý luận với thực tiễn.

Tuy nhiên, hiện nay phần lớn chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo ngạch và chức danh lãnh đạo, quản lý còn nặng lý thuyết, số tiết quy định nghiên cứu thực tế không nhiều, chất lượng công tác nghiên cứu thực tế đối với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo ngạch và chức danh lãnh đạo, quản lý không thật sự cao. Hiện nội dung nghiên cứu thực tế chưa sát với yêu cầu đặt ra, chất lượng báo cáo nghiên cứu thực tế chưa cao, chưa chú trọng tổng kết rút kinh nghiệm, cá biệt công tác nghiên cứu thực tế còn mang tính hình thức, xem nhẹ, đôi khi còn xem công tác này như một chương trình kết hợp tham quan, du lịch...

Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh, tỉnh Hưng Yên có chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức của tỉnh  Hưng Yên. Trong 20 năm qua (từ năm 1997 đến nay), trường đã đào tạo và liên kết đào tạo 281 lớp đại học tại chức, cao cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị - hành chính, trung cấp chuyên ngành cho 24.854 học viên; mở 333 lớp bồi dưỡng cán bộ thuộc diện huyện ủy quản lý, bồi dưỡng chuyên viên chính, chuyên viên, tiền công vụ, cán bộ chủ chốt cấp cơ sở với  44.988 học viên. Trong công tác tổ chức nghiên cứu thực tế của các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo ngạch và chức danh lãnh đạo, quản lý, nhà trường đã kịp thời chỉ đạo, triển khai cho lớp đi nghiên cứu thực tế bảo đảm đúng nội dung chương trình yêu cầu, học viên tích cực tham gia việc nghiên cứu thực tế,...

Tuy nhiên, công tác nghiên cứu thực tế của các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo ngạch và chức danh lãnh đạo, quản lý của trường cũng đang gặp một số khó khăn chung, kinh phí chi cho công tác nghiên cứu không có, 100 % do học viên tự đóng kinh phí...

Để nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu thực tế đối với các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo ngạch và chức danh lãnh đạo, quản lý, thiết nghĩ cần thực hiện các giải pháp sau:

Nhà nước dành một khoản ngân sách phù hợp chi cho công tác nghiên cứu thực tế đối với các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo ngạch và chức danh lãnh đạo, quản lý. Tỉnh, các cơ quan, đơn vị có cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo ngạch và chức danh lãnh đạo, quản lý cần có sự hỗ trợ kinh phí cho công tác này đối với học viên khi cơ sở đào tạo đề nghị phối hợp quan tâm.

Bố trí nội dung và số tiết nghiên cứu thực tế phù hợp với chương trình các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo ngạch và chức danh lãnh đạo, quản lý. Tránh trường hợp chương trình nặng về lý luận mà thiếu thực tiễn.

Không nhất thiết phải tổ chức nghiên cứu thực tế với hình thức tập thể (cả lớp), mà có thể tổ chức theo hình thức cá nhân học viên, hoặc nhóm học viên đăng ký nội dung đi nghiên cứu thực tế theo hướng dẫn của cơ sở đào tạo - bồi dưỡng thật sự khoa học, thiết thực. Sau mỗi đợt nghiên cứu thực tế, cần có báo cáo kết quả nghiên cứu thực tế, rút kinh nghiệm về đợt đi nghiên cứu thực tế. Các báo cáo nghiên cứu thực tế được chấm điểm và kết quả điểm báo cáo nghiên cứu thực tế cũng được tính với điểm của các nội dung khác trong chương trình đào tạo - bồi dưỡng để đánh giá, xếp loại tốt nghiệp cuối khóa.

Lựa chọn những địa điểm, đơn vị, địa phương đến nghiên cứu thực tế phù hợp với vấn đề, nội dung đào tạo, bồi dưỡng, không nhất thiết phải đi nước ngoài, đi các tỉnh xa, mà có thể ngay trong tỉnh, hoặc các tỉnh lân cận hay khu vực cũng có thể rất thiết thực, hữu ích, phù hợp với nội dung, vấn đề nghiên cứu.

Mỗi học viên cần xác định ý nghĩa của công tác nghiên cứu thực tế đối với các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo ngạch và chức danh lãnh đạo, quản lý. Mỗi học viên cần chủ động, xây dựng cho bản thân kế hoạch nghiên cứu thực tế khoa học, hữu ích.

Cần chỉ đạo, đánh giá về công tác nghiên cứu thực tế đối với các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo ngạch và chức danh lãnh đạo, quản lý thật sự nghiêm túc, khoa học để công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý bảo đảm gắn lý luận với thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất