Trong thời kỳ đất nước ta bị thực dân Pháp đô hộ, các bậc tiền bối của Cách mạng Việt Nam khi đó tuổi chỉ ngoài đôi, ba mươi nhưng họ đã tập hợp và lãnh đạo toàn dân đập tan xiềng xích nô lệ giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - Nhà nước công nông đầu tiên ở Châu Á. Điều đó cho thấy sức trẻ Việt Nam có thể làm nên tất cả nếu có tài, đức, được nhân dân tin theo.
Sau này, khi đất nước ta bước vào giai đoạn cách mạng mới, chiến tranh vẫn còn gian khổ, hy sinh, nhưng hoà bình đã được thiết lập ở miền Bắc. Công tác cán bộ lúc này có những đặc thù riêng. Người lãnh đạo tuy cao tuổi nhưng rất trẻ trong tư duy, luôn là điểm tựa cho dân tộc. Đó là lãnh tụ Hồ Chí Minh trong suốt cả chiều dài lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí Trường Chinh là Tổng Bí thư khi còn rất trẻ (34 tuổi) cho đến khi 39 tuổi, đã tham gia lãnh đạo đất nước đi tới Cách mạng Tháng Tám thành công. Và khi đã cao niên (75 tuổi) vẫn tiếp tục được bầu làm TBT với vai trò "Kiến trúc sư trưởng" trong sự nghiệp Đổi mới (1986). Theo tôi, tuổi cán bộ lãnh đạo già hay trẻ không quan trọng. Quan trọng là tư duy phải trẻ, đủ uy tín, trình độ năng lực thực hiện nhiệm vụ, có uy tín với nhân dân, được nhân nhân tin tưởng. Do đó, trong bất kỳ giai đoạn nào của đất nước, chúng ta có cơ cấu 3 độ tuổi để không hụt hẫng cán bộ mỗi kỳ đại hội là cần thiết.
Song cũng không nên quá cứng nhắc cơ học. Chẳng hạn nếu ai đã quá 60 tuổi, dù chỉ quá vài tuần, thậm chí quá tới vài năm nhưng nếu họ là cán bộ lãnh đạo đặc biệt nổi trội, có đóng góp xuất sắc, được nhân dân thừa nhận thì nên có thể chấp nhận ngoại lệ.
Chúng ta thấy ở những nước tiên tiến, những người trên 70 tuổi vẫn tự tin tham gia tranh cử tổng thống, thủ tướng. Điều quan trọng chính là họ thấy đủ sức, đủ trí tuệ thu phục lá phiếu do dân bầu. Nước Nhật giàu có và trí tuệ thuộc hàng đầu thế giới đâu thiếu người trẻ. Tại sao mới đây nội các Nhật Bản mới phê chuẩn cho Bộ trưởng Tài chính, ông Masajuro Shiokawa được nghỉ theo nguyện vọng của ông vì lý do sức khoẻ khi ông đã... 81 tuổi? Rõ ràng với họ, tuổi tác không phải là câu chuyện đáng mất thời gian bàn bạc, nếu người đương nhiệm đủ trí tuệ và khả năng điều hành công việc tốt.
Trong Hội nghị Trung ương 12 khoá này có xem xét một số trường hợp "đặc biệt" là Trung ương uỷ viên, ủy viên Bộ Chính trị, Bộ Chính trị, Ban bí thư đương nhiệm có tham gia tiếp nữa hay không. Theo tôi hiểu, đó là những trường hợp có độ tuổi "chạm ngưỡng". Tôi nghĩ, đây là cách nên ủng hộ, sẽ đỡ mất đi những nhân tố suất sắc, người tài thực sự, có đóng góp mang tính sáng tạo. Song, để bảo đảm tính kế thừa nhiệm kỳ sau thì cũng cần hạn chế. Đồng thời, không nên giới thiệu tái cử những người tuy còn tuổi tham gia, thậm chí khá trẻ nhưng rất nhạt nhoà. Cả một nhiệm kỳ không ghi một dấu ấn phát triển với địa phương, bộ, ngành mình phụ trách, thậm chí có nhiều bê bối. Cần đưa ra những tiêu chuẩn có tính định lượng hơn là những tiêu chuẩn định tính chung chung. Muốn đất nước phát triển thì vấn đề quan trọng là làm sao trọng dụng được nhân tài vào bộ máy đảng và nhà nước. Đó là trách nhiệm của Đảng ta trước vận mệnh dân tộc và trước nhân dân.
Gần đây, dư luận xã hội có nhiều ý kiến khác nhau về một số trường hợp con các đồng chí cán bộ lãnh đạo cao cấp được sắp xếp, đề bạt, bầu cử giữ những chức vụ lãnh đạo ở tỉnh, thành. Trên thế giới, có nhiều nước quan tâm đến tính kế thừa tư chất làm chính trị ở góc độ "con ông cháu cha". Chính môi trường gia đình, truyền thống và kinh nghiệm hoạt động chính trị nhiều khi tạo nên những nhân vật trẻ, tài cao và hơn cả lớp cha ông họ. Tuy nhiên, họ có hệ thống tranh cử khác với ta. Và họ phải tranh cử trước hết ở ngay đảng của mình và với các đảng khác, được người dân bỏ phiếu một cách dân chủ, minh bạch. Họ phải có đủ tài năng, trí tuệ, phẩm chất nổi trội để người dân tín nhiệm bỏ phiếu. Do đó, không nên quan trọng vấn đề là con ai mà quan trọng là có cơ chế bầu cử bình đẳng, công bằng, công khai, minh bạch để người dân lựa chọn.
Xu hướng trẻ hoá lãnh đạo đất nước vẫn là hướng đi của thế giới. Lớp trẻ hôm nay ở nước ta có kiến thức khoa học công nghệ hơn hẳn thế hệ đi trước. Họ thông minh, sáng tạo, có khát vọng đưa nước nhà đi lên. Họ cần có điều kiện, môi trường bình đẳng để thử thách, có kinh nghiệm, vươn lên. Họ cần lớp cha anh luôn biết sẻ chia trọng trách, đồng hành cùng họ trên bước đường trưởng thành.
Sánh vai cùng các nước phát triển không chỉ là ước muốn của thế hệ tiền bối yêu nước, thương dân mà còn là khát khao của tuổi trẻ và người dân hôm nay. Muốn thế, các cơ quan đảng, nhà nước phải thu hút, trọng dụng được hiền tài - nguyên khí quốc gia - bất kỳ họ ở lứa tuổi nào.
Quốc Phong