Xã, phường, thị trấn, thôn làng, ấp, bản là nơi thể hiện sức mạnh, nguyện vọng chính đáng của nhân dân lao động, nơi chính quyền trong lòng dân, Đảng trong cuộc sống hôm nay. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, an ninh quốc phòng ở cơ sở thì phải thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, trong đó có việc xây dựng đội ngũ cán bộ cho hệ thống chính trị.
Hệ thống chính trị ở cơ sở (xã, phường, thị trấn) có vị trí và vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Xã, phường, thị trấn, thôn làng, ấp, bản là nơi tổ chức, vận động nhân dân thực hiện đường lối chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nơi thể hiện sức mạnh, nguyện vọng chính đáng của nhân dân lao động, nơi chính quyền trong lòng dân, Đảng trong cuộc sống hôm nay. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, an ninh quốc phòng ở cơ sở thì phải thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, trong đó có việc xây dựng đội ngũ cán bộ cho hệ thống chính trị. Sinh thời Bác Hồ dạy: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", người cán bộ trong hệ thống chính trị là nòng cốt, rường cột cùng toàn dân làm lên thành công của cách mạng từ cơ sở.
Ngay từ những ngày đầu của cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đào tạo, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ nói chung và đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở nói riêng. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng cán bộ cơ sở không ngừng rèn luyện, học tập, vươn lên có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Cách mạng vẻ vang của dân tộc. Trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời với nhiều nhiều ưu điểm, tiến bộ, đã và đang bộc lộ những hạn chế, yếu kém cần khắc phục.
Trong Dự thảo báo cáo chính trị của BCH Trung ương Đảng khóa XI, trình Đại hội XII của Đảng, mục XV - Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng cho thấy: "Nhìn chung, khuyết điểm khá phổ biến là tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; trên một số vấn đề qua kiểm điểm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp từ Trung ương đến cơ sở vẫn chưa được làm rõ thực chất, mức độ nghiêm trọng của tình hình, xảy ra ở đâu, ai chịu trách nhiệm, như: Tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống, tình trạng chạy chức, chạy tội, lợi ích nhóm... Một số quy định, quy chế triển khai thực hiện nghị quyết trong việc ban hành, một số vụ việc phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân chậm được xem xét, xử lý".
Qua khảo sát và thực tế ở cơ sở cho thấy đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở đang gặp nhiều khó khăn về phương pháp, phương tiện, điều kiện làm việc. Cơ sở vật chất, kinh phí của Nhà nước đầu tư cho xã, thôn làng, ấp, bản còn hạn chế. Trụ sở làm việc ở nhiều xã, thôn bản chật hẹp, sơ sài, thiếu điều kiện, phương tiện làm việc. Kinh phí dành cho đào tạo, bỗi dưỡng, tham quan học tập còn quá ít. Việc học tập tập trung và tự học của đội ngũ cán bộ cơ sở gặp khó khăn. Cơ sở vật chất, kinh phí của các trường chính trị tỉnh, thành phố, trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện khó khăn, bất cập. Kinh phí của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở dành cho công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ cùng hạn chế. Bên cạnh những cấp ủy, chính quyền quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở cơ sở, thì không ít nơi chưa quan tâm, đầu tư thỏa đáng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở. Các quy định, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp cơ sở đang bộc lộ nhiều bất cập.
Yêu cầu của nhiệm vụ trong tình hình mới đòi hỏi đội ngũ cán bộ các cấp nói chung, đội ngũ cán bộ cấp xã, thôn, bản phải đổi mới, nâng cao nhận thức và hành động. Do đó cần có sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở ở tất cả các khâu như: chủ trương, chính sách, đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Thực hiện tốt việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp cán bộ. Do đó, Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng nên đánh giá đầy đủ, rõ nét hơn về đội ngũ cán bộ cơ sở trong hệ thống chính trị ở cấp này, đồng thời có định hướng và những biện pháp xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của cách mạng. Đó là rà soát, nắm chắc thực trạng đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Từ đó xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, tinh giản biên chế, tăng cường kinh phí, điều kiện làm việc. Căn bản hơn là đánh giá, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng phương pháp làm việc, nâng cao chất lượng giải quyết công việc, rèn luyện phẩm chất, năng lực làm người đày tớ trung thành của nhân dân. Nên có ngay một chương trình huấn luyện cho đội ngũ bí thư cấp ủy mới được bầu từ đại hội cấp cơ sở nhiệm kỳ 2015-2020. Nội dung chương trình sát với đòi hỏi công việc ở cơ sở, không chung chung.
Vũ Vọng
Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang