Tặng quà vốn xuất phát đơn giản chỉ là hành động thể hiện mối quan hệ tình cảm giữa người trao và người nhận, được thực hiện một cách tự nguyện, không mang tính vụ lợi như trao đổi, mua bán và thường không phụ thuộc vào giá trị món quà to hay nhỏ. Nó là thứ “vật hoá” nhằm thể hiện sự kính trọng, biết ơn, để ghi nhớ, lưu niệm hay đơn giản là sự sẻ chia với những người không may mắn trong cuộc sống…, của người trao đối với người được nhận. Có thể nói, tặng quà là một biểu hiện, một hành vi ứng xử không chỉ mang tính nhân văn sâu sắc mà còn mang tính văn hoá: Văn hoá tặng quà.
|
Ảnh minh họa (Nguồn: tuoitre.vn).
|
Chỉ tiếc rằng những năm gần đây hành vi tặng quà đã và đang có sự biến tướng, lệch chuẩn nhanh chóng và mạnh mẽ. Không ít người khi có nhu cầu thăng quan tiến chức, muốn được "ngồi" vào vị trí lãnh đạo nào đó; để được cử đi công tác, học tập ở nước ngoài, hay muốn trúng thầu các chương trình, dự án; kể cả khi cần chạy án, chạy tội... để cho chắc ăn họ sẽ có chiêu tặng quà. Còn đối với người nhận thì một khi đã có quà cũng sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của người tặng quà, tuỳ theo giá trị của túi quà là lớn hay nhỏ cũng như khả năng, uy quyền mà người nhận quà có trong tay. Hiện tượng này đang khá phổ biến trong giai đoạn hiện nay. Nó có ở mọi lúc, mọi nơi, nguy hiểm hơn còn len lỏi vào các cơ quan đảng, nhà nước, các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty… Nó dễ dàng đánh gục một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thoái hoá biến chất từ Trung ương đến cơ sở. Sự biến tướng của việc tặng quà nói trên đã và đang làm mất đi những giá trị cao đẹp đích thực vốn có của việc tặng quà, không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn tác động xấu đến cả việc phát huy truyền thống văn hoá dân tộc; xây dựng lối sống mới văn minh của con người Việt Nam hiện đại.
Đã có không ít những túi quà đầy cám dỗ mà cả người trao và người nhận đều hiểu rất rõ đó là sự mặc cả, mua bán, sự "có đi có lại" theo kiểu “vật ngang giá”, “ông đưa chân giò, bà thò chai rượu”. Đó là mối quan hệ mà cả người trao quà với kẻ nhận quà đều được hưởng lợi. Cái lợi bất chính phi đạo đức, không cần bỏ trí tuệ, đầu tư công sức mà thực chất là sự ăn cướp trắng trợn tiền của của Nhà nước và Nhân dân. Quà ở đây thường rất đa dạng, linh hoạt có thể là tiền, kim loại quý, là nhà đất, xe cộ, bao gói đi du lịch nước ngoài… tuỳ theo “gu” và sở thích của người nhận quà đã được người tặng quà tìm hiểu rất kỹ trước đó. Thậm chí nếu biết rõ kẻ nhận quà là loại háo sắc, quà tặng còn có thể là sự đưa đẩy, khéo léo bố trí các kỳ cuộc với sự tận tâm phục vụ của những cô gái trẻ, đẹp. Nguy hiểm hơn, việc tặng quà như trên ngày một tinh vi, lắm chiêu và không chỉ dừng lại ở mối quan hệ cá nhân nhỏ lẻ mà tính chất, quy mô việc tặng quà đã có xu hướng "nhóm lợi ích".. Điều nguy hiểm hơn, người tặng quà luôn biết quan tâm lợi dụng tiếng nói, ảnh hưởng của những người có chức quyền cao, nắm trong tay quyền uy có thể quyết định mang lại cho họ nhiều lợi ích.
Trên thực tế hiện nay đã có không ít người nhận quà là cán bộ, đảng viên có chức quyền lớn đã lợi dụng vị trí công tác, quyền uy và mức độ ảnh hưởng của mình để thao túng, gây nhũng nhiễu cả một ngành, một lĩnh vực, địa phương, thậm chí phạm vi có thể trải dài trên cả nước. Điển hình và nghiêm trọng như vụ Công ty Việt Á gần đây đã có không ít quan chức cơ quan Đảng, Nhà nước, Quân đội lợi dụng địa vị công tác của mình trực tiếp hoặc chỉ đạo cấp dưới thực hiện theo yêu cầu của người tặng quà gây thất thoát lớn tiền của, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Còn phải kể đến vụ án Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty AIC cùng bộ xậu điển hình cho nhóm lợi ích đã móc ngoặc với cựu Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai Trần Đình Thành, cựu Chủ tịch tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái cùng một số quan chức thoái hoá, biến chất khác đã nhận quà hối lộ với số tiền lên đến 43 tỷ đồng để cho trúng 16 gói thầu trái quy định trong việc cung cấp trang thiết bị y tế tại dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, gây thiệt hại cho Nhà nước lên tới 152 tỷ đồng. Hay mới đây, lợi dụng lúc Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đang tập trung chống dịch COVID-19, với danh nghĩa các “chuyến bay giải cứu”, không ít cán bộ thuộc các Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và một số cơ quan khác đã không vượt qua được sự cám dỗ tầm thường của những túi quà tặng để ra tay “nhúng chàm” và phải bị truy tố trước pháp luật. Hành vi tặng quà nói trên đã và đang làm hoen ố, ảnh hưởng không tốt đến uy tín, danh dự của Đảng, Nhà nước, cơ quan, đơn vị; làm mất lòng tin và để lại dư luận xấu trong quần chúng nhân dân, gây ảnh hưởng cả trên bình diện quốc tế.
Ai cũng biết, đã là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của hệ thống chính trị đều phải tuân theo pháp luật. Các quy định, quy chế về việc tặng quà, nhận quà đã được Đảng và Nhà nước quy định rất cụ thể. Theo đó, với quà tặng không đúng chế độ, tiêu chuẩn thì cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc từ chối và giải thích rõ lý do đối với người tặng quà. Trong trường hợp không thể từ chối thì phải báo cáo ngay tổ chức, cơ quan, đơn vị để xử lý theo quy định của pháp luật, tuyệt đối không được nhận quà. Cán bộ, đảng viên chỉ được phép tặng quà, nhận quà đối với người thân mà quà tặng đó không liên quan, không tác động và chi phối ảnh hưởng đến lợi ích, hoạt động công vụ, vị trí công tác. Để thực hiện nghiêm các quy định nói trên, cần thiết Đảng, Chính phủ, cụ thể là các ngành chức năng cần tiếp tục nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện pháp luật và các quy định về việc tặng và nhận quà. Đối với cán bộ, đảng viên thì ngoài việc tự giác, không ngừng rèn luyện nâng cao ý thức chính trị, phẩm chất đạo đức công vụ, rất cần có sự quản lý chặt chẽ, sát sao hơn nữa của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể nơi cán bộ, đảng viên đang công tác. Đặc biệt phát huy vai trò giám sát, phát hiện thông qua “tai mắt” của đông đảo quần chúng nhân dân trong xã hội, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cơ sở.
Để cho việc tặng quà luôn là một nét đẹp văn hoá, mang tính nhân văn sâu sắc thì mọi biến tướng, lệch chuẩn của hiện tượng tặng quà nhanh chóng phải được dư luận xã hội lên án xoá bỏ. Chỉ có như vậy, việc tặng quà, nhận quà mới trở về đúng với ý nghĩa cao đẹp, trong sáng vốn có của nó.
Nguyễn Quang Du