|
Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
|
Những kết quả đạt được
Nghị quyết số 19-NQ/TW đã xác định các mục tiêu tổng quát: Đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các ĐVSNCL, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ sự nghiệp công; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, chất lượng ngày càng cao. Giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức. Giảm mạnh tỉ trọng, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập để cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công và thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công. Để thực hiện mục tiêu trên, Nghị quyết đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo từng giai đoạn đến năm 2021, 2025 và 2030.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của Nghị quyết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24-1-2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết, trong đó nêu rõ mục đích, yêu cầu, phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, cơ quan có liên quan triển khai thực hiện và tiến độ hoàn thành. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đã khẩn trương tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến, quán triệt nội dung triển khai Nghị quyết tới toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, góp phần tạo chuyển biến mới trong tư duy, nhận thức của các cấp, các ngành, đơn vị và đặc biệt là đội ngũ viên chức, người lao động đối với việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đã ban hành kế hoạch, chương trình hành động để xác định nhiệm vụ, tiến độ thực hiện. Sau 5 năm triển khai đã đạt được một số kết quả cụ thể sau:
Hệ thống các văn bản pháp luật quy định về ĐVSNCL từng bước được hoàn thiện. Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành 2 luật (Luật số 52/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật số 34/2018/QH14 ngày 19-11-2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học); ban hành theo thẩm quyền các nghị định về vị trí việc làm, biên chế viên chức; về chính sách tinh giản biên chế; về tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức, hợp đồng lao động; về thành lập, tổ chức lại, giải thể ĐVSNCL; về cơ chế tự chủ tài chính... để các bộ, ngành, địa phương, ĐVSNCL làm căn cứ thực hiện.
Tính đến 31-12-2021, các đầu mối ĐVSNCL của các bộ, ngành, địa phương còn 47.984 đơn vị, giảm 7.420 đơn vị, tương ứng giảm 13,4% so với năm 2015 (55.404 đơn vị), đạt mục tiêu của Nghị quyết trong giai đoạn 2015-2021.
Biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các ĐVSNCL do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và ĐVSNCL tự bảo đảm một phần chi thường xuyên năm 2021 là 1.789.585 người, giảm 236.366 người (11,7%). Trong đó, bộ, ngành giảm 40.221 người (25,2%); địa phương giảm 196.145 (10,5%), vượt mục tiêu tinh giản biên chế so với năm 2015. Đội ngũ viên chức sau khi sắp xếp, tinh giản biên chế yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức; giảm chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đã giúp các ĐVSNCL chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính cho các hoạt động chuyên môn, bố trí hợp lý các khoản chi trong dự toán ngân sách được giao, áp dụng các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để có nguồn chi thu nhập tăng thêm cho viên chức, thu hút nhân tài, lao động giỏi làm việc, trích lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để tái đầu tư phát triển, tăng nguồn thu của đơn vị so với giai đoạn trước khi tự chủ, từ đó từng bước giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Thực hiện chính sách xã hội hóa trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; giáo dục và đào tạo; y tế... bước đầu đã khai thác, phát huy có hiệu quả, nguồn lực xã hội hóa; đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo sự cạnh tranh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ chất lượng cao của người dân và góp phần giảm áp lực, quá tải trong cung cấp dịch vụ công của các ĐVSNCL.
|
Xây dựng cơ chế, chính sách về tự chủ của ĐVSNCL, xã hội hóa cung ứng dịch vụ sự nghiệp công phải phù hợp với từng thời kỳ.
|
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết như: Việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật đối với ĐVSNCL chưa đồng bộ, đầy đủ (về cơ chế quản lý, quy hoạch mạng lưới các ĐVSNCL, định mức kinh tế - kỹ thuật; lộ trình tính đủ giá...), đặc biệt là một số lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn về biên chế sự nghiệp (giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, y tế). Hệ thống các ĐVSNCL còn cồng kềnh, dàn trải, chưa tinh gọn và chưa phù hợp với thực tiễn. Việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của ĐVSNCL, xã hội hóa hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công còn hạn chế, kết quả đạt thấp, thiếu vững chắc (số ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên chỉ chiếm 6,6%).
Nguyên nhân chủ yếu của các hạn chế nêu trên là do các cơ quan, đơn vị, cá nhân nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của các chủ trương, quan điểm của Nghị quyết; còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước trong thụ hưởng dịch vụ sự nghiệp công. Một số bộ, ngành, địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt trong việc thể chế hóa và tổ chức triển khai các nhiệm vụ theo sự phân công của Chính phủ. Việc áp dụng các chính sách chung về đẩy mạnh tự chủ ĐVSNCL, xã hội hóa cung ứng dịch vụ sự nghiệp công... gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với một số địa phương vùng sâu, vùng xa...
Giải pháp thời gian tới
Để đạt được mục tiêu chung là đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các ĐVSNCL, bảo đảm tinh gọn, cơ cấu hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ sự nghiệp công, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng dịch vụ sự nghiệp công ngày càng cao của người dân và đạt mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn đến năm 2025 và 2030 theo Nghị quyết số 19-NQ/TW và yêu cầu nhiệm vụ “sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, bảo đảm chất lượng, hoạt động hiệu quả” tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, công tác chỉ đạo, triển khai của các bộ, ngành, địa phương cần chủ động, quyết liệt hơn. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, rà soát, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết để kịp thời điều chỉnh và định hướng thực hiện các nhiệm vụ.
Hai là, cần tập trung ưu tiên xây dựng đồng bộ thể chế và ban hành các chính sách theo một chiến lược và tầm nhìn tổng thể, dài hạn để phù hợp với các mục tiêu Nghị quyết đã đề ra làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương, ĐVSNCL xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện bảo đảm hiệu quả. Trong đó, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực khẩn trương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy hoạch mạng lưới các ĐVSNCL, danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu theo ngành, lĩnh vực. Hướng dẫn về định mức kinh tế - kỹ thuật; đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về giá để làm căn cứ giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công. Ban hành thông tư hướng dẫn về sắp xếp ĐVSNCL (tiêu chí, điều kiện thành lập, xếp hạng, mô hình tổ chức quản lý...), xác định vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong ĐVSNCL thuộc ngành, lĩnh vực theo phân công của Chính phủ.
Ba là, sắp xếp tổ chức bộ máy các ĐVSNCL trên cơ sở chủ trương của Đảng, Nhà nước, đồng thời cần có tính kế thừa về kết quả thực hiện nhiệm vụ, thực trạng nhân lực gắn với đổi mới tổ chức và hoạt động của đơn vị, bảo đảm sau khi sắp xếp lại ĐVSNCL sẽ tăng cường được năng lực và hiệu quả trong hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công. Theo đó, việc sắp xếp, tinh gọn đầu mối ĐVSNCL được thực hiện theo các nguyên tắc sau: 1) Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, tiêu chí, điều kiện thành lập, có tính kế thừa và phát huy kết quả triển khai sắp xếp giai đoạn 2015-2021, tránh cào bằng, bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL. 2) Một ĐVSNCL có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ. 3) Đẩy mạnh cơ chế tự chủ theo yêu cầu tại Nghị quyết và các quy định của Chính phủ. 4) Cơ cấu lại hoặc giải thể các ĐVSNCL hoạt động không hiệu quả; đẩy mạnh xã hội hóa, chuyển các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác đủ điều kiện thành công ty cổ phần.
Sắp xếp, tổ chức lại ĐVSNCL theo tiêu chí: 1) Phù hợp với quy hoạch mạng lưới các ĐVSNCL theo ngành, lĩnh vực do bộ quản lý ngành, lĩnh vực trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. 2) Phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, điều kiện thành lập ĐVSNCL thuộc ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật.
Bốn là, xây dựng cơ chế, chính sách về tự chủ của ĐVSNCL, xã hội hóa cung ứng dịch vụ sự nghiệp công phải phù hợp với từng thời kỳ, từng giai đoạn trên cơ sở nhu cầu thực tế về dịch vụ sự nghiệp công của người dân và nguồn lực của toàn xã hội. Có như vậy, việc thực hiện phương án tự chủ của ĐVSNCL sẽ bảo đảm được tính bền vững, hiệu quả; thu hút được các khu vực ngoài công lập tham gia cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương chỉ đạo và phê duyệt đề án tự chủ của các ĐVSNCL thuộc phạm vi quản lý, trong đó xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân lực, cơ chế tài chính với lộ trình nâng cao mức độ tự chủ về tài chính trong giai đoạn từ 5 đến 10 năm phù hợp với lộ trình tính đủ giá dịch vụ theo quy định, tiến tới giao tự chủ hoàn toàn đối với các đơn vị có thu, tạo điều kiện cho đơn vị phát triển ổn định, bền vững. Từ đó, từng bước dịch chuyển số lượng người làm việc hưởng lương ngân sách sang hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tương ứng với tỷ lệ tự chủ chi thường xuyên của đơn vị, bảo đảm giảm chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho ĐVSNCL.
Năm là, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu ĐVSNCL trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, đổi mới mô hình quản lý, bảo đảm chất lượng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và thực hiện tự chủ của đơn vị.
Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết số 19-NQ/TW và tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết đã đề ra.