Đã thành thông lệ cứ mỗi độ Xuân về là Đảng, Nhà nước, Chính phủ lại tổ chức buổi gặp mặt Xuân Quê hương để chào đón bà con kiều bào từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trở về quê hương, trở về Việt Nam, về nơi sinh ra chỉ có một.
Năm nay, giữa tiết trời đông lạnh nhưng có nắng và rất đẹp, ngày tổ chức Xuân Quê hương cho bà con kiều bào cũng có một điều khác lạ, một điều mà trước nay chưa từng có, bởi Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội và Uỷ ban Người Việt Nam ở nước ngoài – Bộ Ngoại giao kết hợp với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cùng các ban, bộ, ngành liên quan tổ chức buổi toạ đàm cực kỳ quan trọng giữa các cơ quan chức năng với sự tham gia 130 kiều bào tiêu biểu nhằm lắng nghe, khơi thông những tồn tại, vướng mắc về sửa đổi Luật Quốc tịch Việt Nam, Luật Đất đai và Luật Nhà ở gắn liền trên đất đối với bà con kiều bào.
Buổi toạ đàm đầy tâm huyết và trách nhiệm của kiều bào đối với các cơ quan chức năng. Với những ý kiến đưa ra, làm rõ, minh bạch để cho cơ quan soạn thảo pháp luật nhìn thấy những khiếm khuyết trong dự thảo đã và đang trình Quốc hội và lấy ý kiến nhân dân mấy ngày qua.
Từ năm 2004 trở lại đây đã có nhiều nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, nội dung xuyên suốt, nhất quán “bà con kiều bào là bộ phận không tách rời …”. Nội dung đã tiệm cận với nhu cầu thực tế của đất nước, người dân và nhất là đối tượng được thụ hưởng là người Việt Nam đang định cư, lao động, làm việc ở nước ngoài. Trong đó có rất nhiều bà con kiều bào mong muốn được lấy lại quốc tịch gốc Việt Nam bởi họ chưa từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Và, nước sở tại không cấm công dân có hai quốc tịch. Nhưng mọi việc vẫn gặp bế tắc cho những người có nhu cầu bởi luật cũ và luật mới vẫn bị những câu từ kỹ thuật cản trở như “người có công” “người có thành tích” và người “có lợi” cho Việt Nam. Những câu từ ấy thật mơ hồ và khó hiểu. Ai, cơ quan nào xác nhận đối tượng này? Thiết nghĩ rằng câu hỏi này không ai trả lời và Quốc hội có ban hành luật cũng không trả lời được.
Lâu nay chúng ta luôn nghĩ đến tăng trưởng GDP, kêu gọi đầu tư, khuyến khích kiều bào gửi càng nhiều kiều hối về Việt Nam càng tốt. Quan trọng hơn, các đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội ra công tác nước ngoài luôn mong muốn chính quyền các quốc gia và vùng lãnh thổ có người Việt Nam sinh sống hãy tạo mọi điều kiện tốt nhất cho công dân có nguồn gốc Việt Nam được hoà đồng, được đối xử công bằng và được hỗ trợ mọi mặt như người bản địa. Trên thực tế thì chính quyền các nước sở tại đã và luôn làm như thế bởi họ không có sự phân biệt đối xử với công dân của họ dù người ấy đến từ bất cứ nơi đâu. Còn chúng ta, 3 nhiệm kỳ trôi qua, vấn đề Quốc tịch cho bà con kiều bào vẫn “nâng lên, đặt xuống” và cuối cùng vẫn phải chờ. Nguồn lực quốc gia, dân tộc thời thế hệ mới, công nghệ mới chính là con người, bởi con người mới là quan trọng nhất. Việt Nam nhiều lợi thế với gần 100 triệu dân và hơn 5,3 triệu người đang sống ở trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nguồn nhân lực, nhân tài này không nhiều quốc gia có được. Tại sao chúng ta luôn đắn đo, luôn cân nhắc với quá nhiều ý kiến khác nhau làm cản trở sự phát triển chung.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng có nhiều tiến bộ, nhưng cái cần thì không được nói tới, không được đưa vào như luật mua nhà, thừa kế, cho tặng đối với bà con kiều bào, bởi luật chỉ cho phép mua nhà những dự án, những khu đô thị mới. Vậy tài sản, nhà cửa, đất đai của người thân, của kiều bào ở trong lòng thành phố, trong lòng quê hương đã có từ nhiều năm vẫn không được phép. Chúng ta ai cũng hiểu rằng các đô thị khu mới, dân cư mới chỉ được đầu tư, xây dựng và hình thành sau này thì có mấy kiều bào là chủ sở hữu và có bao nhiêu người đủ tiền mua những căn hộ chung cư cao cấp, những biệt thự đắt tiền…
Một năm mới còn rất nhiều công việc phải bàn, phải tháo gỡ để Việt Nam mọi người đều hoan ca, đất nước hưng thịnh, hùng cường. Mừng Xuân mới, Xuân Quý Mão, bà con kiều bào tiêu biểu đại diện cho hơn 5,3 triệu kiều bào trên thế giới đã được đến gặp mặt trong Hội trường quan trọng nhất của Quốc hội Việt Nam, được tham quan những nơi mà họ chưa bao giờ dám nghĩ mình được vào chiêm ngưỡng.
Một năm mới, bà con kiều bào tiêu biểu được dâng hương tại Điện Kính thiên trong Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, là nơi đóng đô của 6 triều đại phong kiến với 52 đời vua cùng nhiều biến cố thăng trầm và trở thành di tích lịch sử và tâm linh quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam, được thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo theo phong tục truyền thống tại Hồ sen.
Một năm mới bà con kiều bào tiêu biểu được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức chiêu đãi trọng thể và tặng quà Tết.
Mặc dù năm mới sắp đến còn nhiều khó khăn và biến số khó có thể dự báo chính xác nhưng tôi tin rằng với hào khí Thăng Long ngàn năm, với lòng yêu quê hương nồng nàn kết hợp với gần 100 triệu người dân trong nước và kiều bào, chúng ta cùng nắm tay nhau, tiến về phía trước vì một Việt Nam hùng cường, vì lợi ích của Nhân dân, của quốc gia là tối thượng.