Ngày 29-11-2022, Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" đã được tổ chức nhằm tiếp tục đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, cụ thể hoá những ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về các hệ giá trị quốc gia Việt Nam. Nghị quyết Đại hội XIII, Đảng đề ra nhiệm vụ: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”. Ngày 24-11-2021, trong bài phát biểu tại Hội nghị văn hoá toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề ra nhiệm vụ xây dựng phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có vấn đề "xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hoá, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hoá gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc".
Trong từng nhiệm kỳ đại hội, Đảng đã đề ra nhiệm vụ xây dựng hình thành và xây dựng các hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị quốc gia, chuẩn mực con người Việt Nam. Đến nay, các hệ các giá trị này ngày càng xác định rõ và khẳng định những giá trị chính yếu làm nên hệ giá trị quốc gia, dân tộc. Cần cụ thể hoá, thể chế hoá, thể hiện một cách sinh động trong cuộc sống hằng ngày và cho đến dịp kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng, 100 năm Ngày thành lập nước, các hệ giá trị này sẽ được định hình, với các nội hàm cụ thể, điều chỉnh, chi phối tất cả các hoạt động của quốc gia, dân tộc.
Có nhiều định nghĩa khác nhau về giá trị và hệ giá trị. Khi nói đến giá trị vật chất người ta thiên về những gì đã định hình, rất quý hiểm có tiền cũng khó mua được, là thứ để dành, cất giữ kín và để chiêm ngưỡng. Giá trị tinh thần, trong đó có văn hoá tinh thần là những cái khó định hình, không nhìn thấy, không cân đong đo đếm được nhưng nó lại có sức mạnh to lớn: là sợi dây vô hình kết nối cộng đồng, quốc gia, dân tộc; định hướng phát triển và khát vọng vươn lên của cộng đồng quốc gia; thẩm định những hành động của cá nhân, tổ chức, cộng đồng; là khát vọng thôi thúc mọi người vươn lên. Các giá trị tinh thần của quốc gia, dân tộc đều dựa trên ba hệ giá trị của loài người tiến bộ. Đó là Chân, Thiện, Mỹ.
Trong tiến trình lịch sử dân tộc, từ rất sớm nước Việt Nam đã xây dựng những hệ giá trị văn hoá tinh thần truyền thống nổi trội và độc đáo "Như nước Đại Việt ta từ trước/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/Núi sông bờ cõi đã chia/Phong tục Bắc Nam cũng khác". Nền văn hiến Việt Nam là đúc kết của nhiều hệ giá trị văn hoá tinh thần, trong đó phong tục là một hệ giá trị nước nhà truyền từ đời này sang đời khác. Từ lâu, các nhà nghiên cứu nước ta đã tìm ra và sắp xếp các giá trị văn hoá tinh thần Việt Nam, nổi bật là: tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc; tinh thần dũng cảm, bất khuất; tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng dân tộc; tinh thần nhân văn, nhân ái, khoan dung, hiếu học, khát vọng hòa bình; cần cù, lạc quan, khiêm tốn, giản dị, trung thực; v.v. Các giá trị văn hoá tinh thần truyền thống Việt Nam luôn vận động, lan toả, đóng góp tích cực vào các hoạt động quốc gia, dân tộc qua các thời đại. Có rất nhiều những biểu hiện cụ thể, phong phú, sinh động về phát huy các giá trị văn hoá tinh thần Việt Nam trong thời kỳ hiện đại. Nổi lên là những biểu hiện về lòng yêu nước, tinh thần nhân ái, khoan dung, xây dựng nền văn hoá trong công cuộc giải phóng đất nước cũng như khi bước vào sự nghiệp tái thiết, xây dựng Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các giá trị văn hoá tinh thần truyền thống này kết hợp với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thành sức mạnh vô song đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho người dân.
Trong quá trình đối mới đất nước, nhất là những khi có thiên tai, dịch bệnh, giá trị văn hoá truyền thống như "Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn", "Thương người như thế thương thân", "Lá lành đùm lá rách", "Một miếng khi đói bằng một gói khi no" được bộc lộ. Các tấm lòng từ thiện, phong trào xoá đói giảm nghèo, giúp đỡ những đối tượng khó khăn, yếu thế, gia đình neo đơn, gia đình, đối tượng thuộc diện chính sách... đã trở thành nếp nghĩ, nếp sống, phong trào sôi nổi, thường xuyên ở khắp mọi nơi, trên phạm vi cả nước. Những giá trị văn hoá tinh thần truyền thống của dân tộc ta được phát huy trong thời đại mới, trở thành phẩm chất quý báu trong mỗi người Việt Nam.
|
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Tuấn Anh).
|
Một trong những giá trị trung tâm có sức lan toả rộng rãi là giá trị văn hoá đạo đức - một tiêu chí quan trọng trong hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực người Việt Nam. Giá trị văn hóa đạo đức là bộ phận của hệ giá trị văn hóa, biểu hiện ở hành vi đạo đức của con người. Xét ở góc độ giá trị, đây là một hệ thống các giá trị được hình thành và phát triển trong suốt quá trình sinh sống, hoạt động của con người. Đó là, lý tưởng nhân đạo, lối sống nhân đạo; hòa bình, hòa hợp, dân chủ, công bằng; bình đẳng, công lý, nhân quyền, dân quyền; lòng nhân ái, vị tha, lương thiện; sáng tạo, tự giác, tự trọng, thận trọng; vẻ đẹp tâm hồn, yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường,... Đảng ta, Bác Hồ kính yêu, đã nhận thức rất sớm về việc phát huy những giá trị văn hoá - đạo đức truyền thống của dân tộc để xây dựng nên những phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Dòng đầu tiên của "bài học vỡ lòng" đối với cán bộ, đảng viên là "cần kiệm". Bác Hồ ví bốn đức tính cần, kiệm, liêm, chính, như bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc, như bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. "Thiếu một mùa, thì không thành trời/Thiếu một phương, thì không thành đất/Thiếu một đức, thì không thành người”. Khi Đảng ta vừa tròn 30 tuổi, Bác Hồ đã xác định rõ "Đảng ta là đạo đức, là văn minh". Trong suốt cuộc đời, Bác Hồ luôn đau đáu lo việc giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Trước khi đi xa, Bác căn dặn: "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".
Đảng ta luôn luôn nhất quán và thực hiện quan điểm "đức là gốc" của cán bộ, đảng viên và có rất nhiều văn bản, nghị quyết cụ thể hoá quan điểm này và thực hiện trong công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác cán bộ nói riêng. Tuy đã đạt nhiều thành tích, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, nhưng Đại hội XIII của Đảng thẳng thắn chỉ rõ: “Công tác xây dựng Đảng về đạo đức vẫn còn có những hạn chế. Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, một số suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vẫn còn tình trạng nói không đi đôi với làm; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng; quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng, bè phải, gây mất đoàn kết nội bộ”. Do vậy, hiện nay trong quá trình xây dựng các hệ giá trị và cụ thể hoá chuẩn mực con người Việt Nam thì nhiệm vụ, giải pháp quan trọng hàng đầu là phát huy tính tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên thể hiện bằng những việc hành động, việc làm cụ thể để lan toả trong quần chúng và xã hội. Đó là:
Thứ nhất, mỗi cán bộ, đảng viên cần xác định, trong công tác xây dựng các hệ giá trị quốc gia, dân tộc thì Đảng giữ vai trò tiên phong có tính quyết định sự thành công của nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng này trong thời đại mới.
Thứ hai, mỗi cán bộ, đảng viên cần đóng góp bằng trí tuệ, sức lực, hành động, việc làm cụ thể của mình để xây dựng các tổ chức, cấp uỷ đảng trong sạch, vững mạnh, từng bước góp phần làm cho Đảng ta trở thành đạo đức, văn minh, điều đó cũng có nghĩa, Đảng ta là một phần giá trị văn hoá dân tộc, cán bộ, đảng viên phải thật sự là biểu hiện tiêu biểu của chuẩn mực con người Việt Nam.
Thứ ba, đất nước ta đã độc lập, hoà bình, thống nhất, dân chủ từ mấy chục năm nay, tuy nhiên tham nhũng và tệ quan liêu, lãng phí là "giặc nội xâm", "kẻ thù" trong nội bộ nhân dân đã và đang tồn tại, đe doạ vai trò lãnh đạo của Đảng, sự tồn vong của chế độ. Hơn nữa những hiện tượng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về đạo đức, lối sống... hầu hết là cán bộ, đảng viên, thuộc sự lãnh đạo, quản lý của các tổ chức cấp uỷ đảng, nhiều người là cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước. Chính đây là những biểu hiện phản giá trị, phản đạo đức của người cách mạng, đi ngược lại xu thế văn minh, tiến bộ. Đó là một điều nhức nhối trong Đảng và trong xã hội, làm suy giảm niềm tin của người dân với Đảng. Với tư cách là cán bộ, đảng viên của Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên chẳng những tuyệt đối không sa vào tham nhũng, tiêu cực mà quan trọng hơn nữa phải dũng cảm, tích cực phát hiện, tố cáo, đấu tranh với các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực ngay trong chính nội bộ, trong đồng chí, đồng nghiệp và nhất là với cấp trên, người đứng đầu của mình.
Thứ tư, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Tuy nhiên, trong cuộc sống, nhiều đảng viên chỉ thể hiện mình là người lãnh đạo mà ít khi, thậm chí không biết làm bổn phận "người đầy tớ" của dân. Phải chăng, người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân cần thể hiện rõ những tác phong: Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm; trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân; nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin. Đó cũng là chuẩn mực của cán bộ, đảng viên của Đảng.
Thứ năm, tất cả cán bộ, đảng viên, với tư cách là thành viên, thậm chí là chủ gia đình cần thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Luật Hôn nhân và gia đình. Đồng thời phải có những hành động, việc làm thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm, vị trí tiên phong, nêu gương của mình trong giữ gìn nền nếp gia phong, xây dựng các giá trị trong hệ gia đình Việt Nam với các giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.
Vũ Lân