Thời gian này trên truyền thông và mạng xã hội bàn nhiều về doanh nghiệp tư nhân, các tập đoàn lớn do tư nhân làm chủ sở hữu đang vướng vào việc thanh, kiểm tra của cơ quan chức năng và nhiều doanh nghiệp “đình đám” đã bị phong toả, lãnh đạo vướng vào vòng lao lý… từ đó đã gây hệ luỵ xấu cho mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực. Đặc biệt là thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản và dòng tiền lưu thông trong xã hội… từ những hệ luỵ này đã và đang gây bất ổn cho xã hội.
Một góc nhìn của cá nhân tôi… Về vấn đề này cần được làm rõ, minh bạch và sòng phẳng bởi thực tế trong thời gian dài qua việc ban hành các đạo luật, các nghị định, quy định… về kinh doanh thương mại, đầu tư phát triển cần phải được nghiêm túc rà soát, điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện. Từ những cái chưa hoàn thiện, chưa tốt, chưa chỉn chu dẫn đến việc thực thi chính sách, quy định của pháp luật còn nhiều khiếm khuyết, dẫn đến sai phạm ngày càng lớn và nguy hiểm hơn. Cũng từ đó tạo điều kiện cho các cơ quan bảo vệ pháp luật nếu không giữ được liêm khiết, thanh bạch sẽ lợi dụng vi phạm của doanh nghiệp, doanh nhân để áp đặt cách nghĩ và cách nhìn chủ quan của mình dưới sự bảo hộ vô hình của pháp luật và được nhân danh Nhà nước để xử lý các vấn đề thiếu chuẩn mực, duy ý chí, đôi khi dùng quyền lực của mình để đổi trắng thay đen, làm sai lệch bản chất sự việc.
Doanh nghiệp và doanh nhân đầu tư kinh doanh để thành công là điều không dễ, phải nói là cực kỳ khó khăn khi luật pháp chồng chéo, khi bị “nhóm lợi ích” cụ thể hoá ra văn bản có lợi cho sân sau, cánh hẩu của mình để ăn chia, để lợi dụng và cuối cùng là doanh nghiệp, doanh nhân lãnh đủ những hậu quả cực kỳ tệ hại đã và đang xảy ra.
Nhiều doanh nghiệp lớn trong thời gian chưa bị thanh, kiểm tra, luôn là doanh nghiệp được truyền thông đưa tin, người lao động ngợi ca hết lời, dùng những câu chữ, câu từ có cánh để “lăng xê”, để tạo thương hiệu, tên tuổi với mục đích dẫn dắt dư luận, nhà đầu tư tham gia. Đến khi có chuyện hoặc có thể có chuyện thì tất cả những lời ngợi ca lúc trước sẽ “quay xe” 180 độ, thi nhau “ném đá”, “đổ bùn đen”. Nghiêm trọng hơn là sự suy luận của một số người có tên tuổi, có ảnh hưởng tới cộng đồng nhằm “dìm hàng” và “bôi cho nhọ”, đôi khi chỉ muốn cho thiên hạ biết mình là ai, mình là người hiểu chuyện, là người có nhãn quan, có quan hệ và có thông tin “mật”.
Nhận xét và đánh giá mọi việc xung quanh, trong cộng đồng và xã hội là quyền của mọi người, trong đó có tôi và các bạn, nhưng thiết nghĩ cần phải tiết chế, cần phải có kiểm chứng để tránh làm tổn thương tới người khác khi câu chuyện chưa được sáng tỏ. Chúng ta luôn hiểu rằng “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” không chỉ trong chính trường mà trong thương trường còn khắc nghiệt hơn. Khi người ta dấn thân vào thương trường “bỏ tiền tấn thu bạc cắc” kinh doanh, sản xuất ở mức độ “bé và nhỏ” thì mọi việc thành bại đơn giản. Khi doanh nghiệp lớn dần, có vốn đầu tư, kinh doanh hàng ngàn tỷ đồng và tạo ra hàng ngàn người lao động thì mọi việc sẽ không còn đơn giản nữa.
Có không ít người rất vui khi bất cứ doanh nghiệp lớn nào bị phá sản, bị vướng vào vi phạm pháp luật. Và cũng có nhiều người buồn, trong đó có cá nhân tôi, khi phải nhìn thấy cảnh đó xảy ra với bất cứ doanh nghiệp hay doanh nhân khi gặp biến cố không lợi cho dù là bất cứ lý do nào. Bởi khi đã xảy ra sẽ thiệt hại khôn lường với cá nhân, tập thể không chỉ về tài chính, về uy tín và nguy hại hơn đó là “niềm tin” với thị trường, với luật pháp.
Con người sống ở bất cứ nơi đâu cũng phải thượng tôn pháp luật, muốn cộng đồng xã hội thượng tôn pháp luật thì điều tiên quyết đầu tiên là luật pháp phải minh bạch, rõ ràng, đúng, trúng, chuẩn, phải mang hơi thở của cuộc sống nên cần luật có “hồn”.
Nguyễn Hoài Bắc
Việt kiều Ca-na-đa