Họ rất tích cực, chủ động, sáng tạo thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo bằng việc mạnh dạn, quyết liệt đổi mới tư duy, đổi mới phương thức quản lý và phong cách làm việc. Đó là cách mà các cá nhân và tập thể cấp ủy ấy nhận thức, cụ thể hóa và vận dụng để bắt nhịp với cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0.
Kỳ 1: Những “đầu tàu”... học việc
Sự học sẽ chẳng bao giờ có trang sách cuối cùng. Gánh vác trên vai trọng trách là bí thư chi bộ, đảng bộ, chèo lái, vận hành "con tàu" với nhiều sứ mệnh: lãnh đạo, chỉ đạo để bảo đảm an ninh, an toàn, ấm no và phát triển cho cuộc sống của người dân thì sự học đó càng chẳng bao giờ có điểm dừng…
Mỗi bí thư chi bộ, đảng bộ chọn cho mình những cách thức khác nhau để học, để bắt nhịp với thời cuộc. Nhưng mẫu số chung ở họ là tinh thần cầu tiến, nhiệt huyết và trách nhiệm.
Chìa khóa công nghệ của Bí thư Đảng ủy xã vùng biên
Tháng 3 năm 2020 là một dấu mốc đặc biệt với Bí thư Huyện Đoàn Ea Súp Lê Hồng Hạnh. Đó là thời điểm anh về xã vùng biên Ea Bung nhận nhiệm vụ mới trên cương vị Bí thư Đảng ủy xã. Người đứng đầu cấp ủy cấp xã trẻ nhất huyện lúc đó sẽ tiếp tục "chèo lái" để xã điểm Ea Bung về đích nông thôn mới đúng kế hoạch như thế nào? Đảng bộ xã Ea Bung được Đảng bộ huyện Ea Súp lựa chọn tổ chức đại hội điểm vào tháng 5-2020 sẽ tiến hành ra sao? Với một thủ lĩnh Đoàn “chân ướt chân ráo” về đảm nhiệm vai trò đầu tàu cấp ủy ở một xã vùng biên còn bộn bề khó khăn, những nhiệm vụ quan trọng ấy quả là "lửa thử vàng".
Lãnh đạo cấp ủy cùng cán bộ, công chức xã Ea Bung, huyện Ea Súp trao đổi về ứng dụng công nghệ trong công việc.
Tiếp cận, tìm hiểu và bắt tay làm với cả núi công việc chất chồng, anh Hạnh tâm sự với chúng tôi về hai áp lực trong những ngày đầu nhận nhiệm vụ mới: Một là, sự nghi ngại của mọi người đối với một cán bộ trẻ chưa từng va vấp thực tế tại địa phương. Hai là, áp lực từ chính bản thân khi công việc hoàn toàn mới, có những lúc tưởng như không thể gánh vác được.
Tháo gỡ từng "nút thắt", anh triển khai mọi công việc, hoạt động trên tinh thần dân chủ, thảo luận, công khai. Từ những cuộc trao đổi thẳng thắn với các đồng chí trong Đảng ủy xã, anh Hạnh tự đúc rút và tìm ra "chìa khóa" để mở dần những "cánh cửa" còn khép kín, ít nhiều đã tạo những trở ngại trong quá trình vận hành hoạt động.
Đầu tiên là vấn đề con người, anh cùng tập thể cấp ủy bàn bạc, sắp xếp, bố trí nhân sự phù hợp từng bộ phận, lĩnh vực. Khi năng lực, sở trường của từng người có điều kiện được khai thác, phát huy thì chất lượng công việc cũng chuyển biến. Bước tiếp theo, tân Bí thư Đảng ủy xã Ea Bung hiện đại hóa phong cách làm việc bằng cách đầu tư 100% trang thiết bị cho cán bộ, công chức, mọi bộ phận đều được kết nối mạng Internet.
Đồng thời đề nghị mọi người tự học, tự hướng dẫn nhau sử dụng thành thạo máy vi tính, các phần mềm văn phòng, kỹ năng ban hành các văn bản. Người nọ bày người kia, từ rất ít người biết áp dụng công nghệ vào công việc, đến nay, hầu hết cán bộ của xã đều sử dụng thành thạo vi tính, điện thoại thông minh. Bắt nhịp với công nghệ thông tin, Bí thư Đảng ủy Lê Hồng Hạnh tiên phong áp dụng mã QR, mạng xã hội Zalo, Facebook vào việc điều hành, thảo luận công việc. Nhờ đó, các văn bản đến – đi được triển khai nhanh chóng, chuyên nghiệp, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính ngay trong nội tại giải quyết công việc giữa các bộ phận của Đảng ủy xã.
Bí thư Đảng ủy xã Ea Bung (huyện Ea Súp) Lê Hồng Hạnh (bên phải) cùng nông dân trao đổi về kỹ thuật nâng cao chất lượng vườn cây.
Cứ thế, hơn một năm về nhận nhiệm vụ mới, "đầu tàu" cấp ủy Lê Hồng Hạnh giúp cán bộ, công chức ở xã vùng biên này tiếp cận nhiều hơn, sâu hơn và rộng hơn với khoa học công nghệ, mang đến cái nhìn mới mẻ, giản đơn hơn về việc ứng dụng công nghệ 4.0, mà vốn dĩ nhiều người rất ngại tiếp cận.
Nữ cán bộ gánh hai vai nhiệm vụ
7 năm về trước, bước ngoặt trong sự nghiệp của nữ cán bộ huyện Ngô Lan Anh bắt đầu khi chị được điều động về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Ea Wer. Đây là xã đặc biệt khó khăn của huyện biên giới Buôn Đôn với hơn 50% dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu bằng nghề nông.
Nếu khởi đầu hành trình mới của chị là chuỗi thử thách với nhiều công việc chưa từng tiếp cận, thì nay trọng trách nhiệm vụ tăng gấp đôi khi Ea Wer được chọn làm xã điểm của huyện trong thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã. Chị Lan Anh bày tỏ: Một mình đóng hai vai, chị luôn nhắc nhở bản thân cân nhắc trong giải quyết và xử lý công việc để không lạm quyền. Không có trường học nào tốt hơn trường học thực tế, nghĩ và xác định như vậy, chị sâu sát, quán xuyến, nắm chắc mọi công việc của xã để lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nghị quyết sát thực. Vì thế, khi chúng tôi đặt vấn đề muốn về xã đi thực tế cùng chị vào ngày nghỉ cuối tuần, chị rất ủng hộ, thậm chí còn mong muốn cứ được “hẹn hò" và đi thâm nhập cơ sở vào thời điểm ấy; chị cũng thường làm như vậy vì có thời gian để sâu sát hơn.
Bí thư Đảng ủy xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) Ngô Lan Anh (bìa trái) kiểm tra đường điện ở thôn Nà Ven.
Với tư duy mới, “mười cái đầu hơn hẳn một cái đầu”, chị luôn khuyến khích đồng chí, cán bộ, công chức của xã… “cãi” lại mình. Việc thẳng thắn trong trao đổi, bàn bạc không khoảng cách trên – dưới, mới – cũ và giữa các cấp sẽ vỡ vạc ra nhiều điều để Đảng ủy, UBND xã tìm được điểm mấu chốt, giải pháp tối ưu nhất cho việc ban hành nghị quyết cũng như chương trình hành động. Đặc biệt, việc bám dân, lắng nghe cử tri trong các buổi tiếp xúc là cơ hội để chị biết bà con gặp khó khăn gì, cần những gì. Vào thứ năm hằng tuần, xã tổ chức tiếp công dân để lắng nghe khiếu nại, tố cáo, phản ánh từ người dân.
Trường học từ nắm bắt thực tế đã cho chị hiểu hơn về điểm mạnh, điểm yếu của địa phương mình. Với hướng làm việc ấy, nữ cán bộ đảm nhiệm hai vai nhiệm vụ Ngô Lan Anh đã và đang cùng tập thể Đảng ủy, UBND xã giải quyết nhiều khó khăn, bất cập ở một địa bàn còn vô vàn gian khó như Ea Wer. Nổi bật trong số đó là đáp ứng được mong mỏi đã kéo dài nhiều năm qua của người dân thôn Nà Ven về nâng cấp được hệ thống đường, điện; khắc phục việc ngập úng ở thôn 7; từng bước thay đổi nhận thức của bà con về phương thức canh tác, chăn nuôi…
Bí thư chi bộ thôn học vi tính và lai tạo giống bò
“Đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi bộ, tôi học được nhiều thứ, trong đó vui nhất là đã biết sử dụng máy vi tính và tự lai tạo thành công giống bò mới”, lời tâm tình của Bí thư Chi bộ thôn 1, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông Nguyễn Văn Phước khiến chúng tôi không khỏi tò mò. Câu chuyện về máy vi tính và lai tạo bò liệu có liên quan gì đến công việc lãnh đạo, chỉ đạo của một bí thư chi bộ thôn như ông?
Nghe ông Phước giãi bày mới hay ông đã có thâm niên làm Bí thư Chi bộ thôn 1 suốt từ năm 2009 đến nay. Với vai trò đứng đầu cấp ủy, điều ông trăn trở nhất là đời sống của người dân trong thôn vẫn không khấm khá lên dù bà con rất cần cù, chịu khó; các đồng chí đảng viên trong chi bộ nhiệt tình, trách nhiệm. Đến năm 2019, tức sau 10 năm đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi bộ thôn 1, ông mới nhận ra rằng nhiệt tình, trách nhiệm chưa đủ và tự soi lại bản thân thì "thủ phạm" khiến mình chậm tiến hơn so với thời cuộc chính là vì “mù” về công nghệ, khoa học kỹ thuật.
Mỗi tối, Bí thư Chi bộ thôn 1, xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) Nguyễn Văn Phước dành thời gian tra cứu thông tin trên mạng Internet.
Bắt được “bệnh” ảnh hưởng đến hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, lúc đó ở tuổi 48, Bí thư Chi bộ thôn 1 Nguyễn Văn Phước bắt đầu đi học đánh máy vi tính. Ông đầu tư gần 5 triệu đồng mua máy vi tính, mỗi tối tập gõ cho thuộc mặt chữ. Quả thực, từ khi biết sử dụng máy vi tính, ông có cơ hội tự học, biết cách tìm hiểu nhiều thông tin hay trên mạng Internet. Rồi ông đăng ký học các lớp về chăn nuôi bò cỏ. Áp dụng kiến thức khoa học vào sản xuất, ông tỉ mỉ hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng lúa, nuôi bò; đồng thời cũng là người tiên phong lai tạo thành công giống bò lai 3B ở địa phương. Cuộc sống của người dân thôn 1 nhờ đó mà khấm khá lên, không còn phụ thuộc vào độc canh cây lúa.
Cách thức và không khí sinh hoạt của Chi bộ thôn 1 cũng thay đổi từ khi người đứng đầu cấp ủy nắm được công nghệ. Trước mỗi buổi sinh hoạt chi bộ, Bí thư Nguyễn Văn Phước thường lên mạng tìm kiếm, cập nhật những thông tin mới, hữu ích để phổ biến thêm. Những nội dung lãnh đạo chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trước đây bế tắc về cách làm thì nay với vốn kiến thức về kỹ thuật tương đối từ “trường học Internet”, đầu tàu cấp ủy của thôn 1 có thể điều hành thảo luận, cùng đảng viên tìm cách triển khai phù hợp, ban hành nghị quyết cụ thể, sát sườn với thực tiễn ở thôn.
Ngày 27 tháng 9 năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đó, Nghị quyết khẳng định cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động. Một trong những chủ trương, chính sách đầu tiên được nghị quyết chỉ ra để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là: Đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. |
Kỳ 2: Dòng chảy mới cho những con tàu
Tinh thần cầu tiến, học hỏi, nhạy bén, sáng tạo của những đầu tàu cấp ủy đã và đang góp phần tạo nên dòng chảy mới cho sự phát triển chung của kinh tế, xã hội ở nhiều địa phương.
Dưới sự điều hành của các bí thư chi bộ, đảng bộ, nhiều tổ chức cơ sở đảng đã xây dựng được những nghị quyết sát thực, chọn được những giải pháp có tính bản lề, tạo sự chuyển động lớn cho cả "đoàn tàu".
“Văn phòng di động” ở vùng biên
Tính đến cuối tháng 4-2021, Ea Bung là xã đầu tiên của huyện biên giới Ea Súp công bố đạt chuẩn nông thôn mới. Để những ai quan tâm và muốn tìm hiểu sâu về sự kiện này, địa phương đã thực hiện tạo mã QR trên giấy mời. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, người xem dù ở đâu cũng đều có thể nắm được toàn bộ kết quả, hình ảnh, thông tin, danh sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới của xã.
Quét mã QR cũng là cách mà Đảng ủy, UBND xã Ea Bung thực hiện trong nhiều sự kiện quan trọng khác của địa phương. Việc minh bạch, rõ ràng trong thông tin, hoạt động như vậy giúp người dân có thêm điều kiện giám sát mọi tình hình và ngày càng tin tưởng hơn vào sự chèo lái của đội ngũ lãnh đạo xã.
Được xem là một trong những xã đón đầu công nghệ ở huyện vùng biên, Đảng ủy, UBND xã Ea Bung tối đa hóa việc ứng dụng mạng xã hội trong thực hiện công việc. Cán bộ từ thôn đến xã đều thành lập nhóm trao đổi công việc trên mạng xã hội. Khi có những cuộc họp, thảo luận gấp, chỉ cần đăng thông tin lên nhóm là gần như thu nhận kịp thời ý kiến của thành viên mà không mất nhiều thời gian, chi phí để triệu tập thành phần, tổ chức.
Xã Ea Bung sử dụng mã QR, tạo thuận lợi cho người dân trong khai báo y tế.
Chia sẻ về những nỗ lực và hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ trong công việc, Bí thư Đảng ủy xã Ea Bung Lê Hồng Hạnh khẳng định: Dù ở trụ sở hay đi công tác, mọi người đều có thể xử lý công việc một cách nhanh chóng, hiệu quả. Với các đồng chí lãnh đạo địa phương cũng vậy, ở đâu cũng có thể theo dõi, giám sát, kiểm tra và xử lý văn bản. Sự tiện ích của công nghệ còn tạo thuận lợi lớn cho 14 cán bộ làm việc bán chuyên trách tại địa phương. Dù làm việc bán thời gian, nhưng lực lượng này có thể trao đổi qua điện thoại mà vẫn bảo đảm được nhiệm vụ, tiến độ công việc.
Để tăng tính kết nối, địa phương tạo nhóm mở “Xã Ea Bung” trên trang Facebook, thu hút gần 800 người tham gia, qua đó, cán bộ xã có thể nắm bắt được những tâm tư, tình cảm cũng như băn khoăn, thắc mắc của bà con. Đây cũng là kênh chuyển tải kịp thời những hình ảnh, sự kiện, hoạt động thời sự tại địa phương. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, những văn bản liên quan đến công tác phòng chống dịch nhanh chóng được thông tin đến người dân nhờ có nhóm mở trên Facebook.
Phương thức, phong cách làm việc mới năng động, sáng tạo đã và đang được hình thành ở xã vùng biên Ea Bung này khi có sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ.
Một nghị quyết "xương sống"
Năm 2021 là một dấu mốc đáng nhớ của thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar với việc địa phương này được công nhận là đô thị loại IV.
Câu chuyện về hành trình xây dựng và phát triển thị trấn Quảng Phú thành đô thị loại IV bắt đầu từ Nghị quyết 04-NQ/HU, ngày 7 tháng 10 năm 2011 của Huyện ủy Cư M’gar. Xác định và quyết tâm thực hiện mục tiêu ấy cũng đồng nghĩa với việc địa phương tham gia một “đại công trường” để đạt được bộ tiêu chí đánh giá phân loại rất cụ thể, rõ ràng về tiêu chuẩn và thang điểm của đô thị loại IV: từ vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, quy mô dân số, mật độ dân số, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đến trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị.
Trong những tiêu chuẩn ấy, "bài toán" hóc búa nhất trên hành trình nỗ lực cán đích đô thị loại IV của Quảng Phú là hạ tầng giao thông bởi đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Nghị quyết 83-NQ/ĐU, ngày 16 tháng 2 năm 2017 của Đảng ủy thị trấn Quảng Phú về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phát triển thị trấn Quảng Phú theo hướng đô thị loại IV được đánh giá là một nghị quyết "xương sống", bản lề, tạo động lực, chuyển biến lớn cho "con tàu" cập bến.
Một tuyến phố trung tâm thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M'gar). Ảnh: Vân Anh
Khó vạn lần dân liệu cũng xong, "chiếc chìa khóa" khoan thư sức dân đã được Đảng ủy thị trấn phát huy hiệu năng. Tổ dân phố 5 được "chọn mặt gửi vàng", làm điểm trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia làm đường giao thông.
Với chiến lược tạo làn sóng lan, ngay sau khi Nghị quyết 83 của Đảng ủy thị trấn ban hành, cấp ủy tổ dân phố 5 đã nghiên cứu và quyết định làm điểm 98 m đường giao thông trước hội trường tổ dân phố để tạo hiệu ứng và có cơ sở rút kinh nghiệm.
“Làm xong tuyến đường này, người dân ở một số tuyến đường khác thích quá xuống tận nhà bí thư xin được tổ chức họp dân để làm đường”, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 5 Nguyễn Văn Tứ hồ hởi.
Nói vậy nhưng không phải mọi sự đều suôn sẻ. Ngoài số đông bà con đồng thuận, cũng có hộ vì khó khăn mà băn khoăn, do dự. Hiểu được hoàn cảnh, bí thư chi bộ trực tiếp đứng ra bảo lãnh đi mượn giúp tiền để đóng làm đường. 11 tuyến đường sau đó được triển khai và qua ít nhất 4 lần họp. Ông Tứ kể rành rọt: 1 lần họp để thông báo chủ trương, lắng nghe tâm tư và tạo sự đồng thuận; 1 lần để thống nhất về dự toán; 1 lần để đóng tiền và 1 lần để báo cáo, phân khai rõ các khoản thu chi đóng góp. Với cách làm như vậy, chỉ ngay trong năm 2017, 360 hộ trong tổ dân phố đã đóng góp 1,9 tỷ đồng để bê tông hóa toàn bộ các tuyến đường trên địa bàn tổ dân phố.
Hiệu ứng phong trào người dân chung sức bê tông hóa đường giao thông của tổ dân phố 5 đã lan rộng sang nhiều tổ dân phố khác. Thực sự ấn tượng khi thực hiện Nghị quyết 83, đến nay, tất cả các tuyến đường ở các tổ dân phố trên địa bàn thị trấn đều được nhựa hóa, bê tông hóa, nguồn vốn hoàn toàn từ nội lực của người dân.
Điều đáng nói là khi đường sá được nâng cấp, giao thông thuận lợi, hoạt động sản xuất và kinh doanh cũng thuận tiện và phát triển. Nghị quyết 83 là "một mũi tên trúng nhiều đích" khi đã trở thành động lực để thị trấn thực hiện được nhiều tiêu chí khác với mức điểm đạt tối đa như: tỷ lệ lao động phi nông nghiệp (6/6 điểm), mật độ dân số (6/6 điểm).
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nguyễn Tấn Cường minh chứng: Nếu năm 2011, cơ cấu kinh tế của thị trấn là nông nghiệp – thương mại, dịch vụ – công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng 28,5%, thì đến cuối năm 2020 đã có sự chuyển biến rõ nét. Cơ cấu kinh tế của thị trấn chuyển dịch theo hướng thương mại dịch vụ – nông nghiệp – công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, trong đó tỷ trọng thương mại, dịch vụ chiếm 48,2%, tăng 19,7%. Bình quân thu nhập đầu người đến cuối năm 2020 đạt 61,2 triệu đồng, tăng 1,9 lần so với năm 2011.
Lựa chọn và ban hành được nghị quyết đúng, trúng đã giúp cấp ủy, chính quyền thị trấn Quảng Phú hóa giải nhiều khó khăn để cán đích đạt đô thị loại IV, tạo thế và lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Kỳ cuối: Bàn đạp cho hành trình mới
Tư duy nhanh nhạy thời 4.0, xắn tay vào công việc ngay từ đầu nhiệm kỳ, nhiều cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng đã năng động, quyết liệt, sớm ban hành và chỉ đạo thực hiện những nghị quyết, nhiệm vụ có thể xem như bàn đạp cho hành trình mới.
Nắm bắt, gọi đúng tên, đánh trúng vào những khâu yếu, mặt yếu, một số cấp ủy chính quyền đã và đang triển khai thực hiện các nghị quyết, giải pháp có tính căn cơ, tháo gỡ dần những nút thắt, tạo động lực, sự hứng khởi trên con đường phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình.
Khởi động thực hiện nghị quyết với ngân sách... 0 đồng
Huyện Lắk từ lâu đã ghi tên mình vào cẩm nang du lịch của tỉnh và cả nước với những địa danh, sản phẩm du lịch độc đáo như: Hồ Lắk, Biệt điện Bảo Đại, buôn Jun, buôn Lê, Nhà bảo tồn cộng đồng buôn Mliêng, hang đá Ba Tầng, thác Bìm Bịp; các lễ hội, nghề thủ công truyền thống. Nhưng nội lực của ngành du lịch không khói ở địa phương này thực sự còn khiêm tốn, chưa đủ sức để vực dậy và phát huy sức mạnh tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Lắk khóa XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, một nghị quyết chuyên đề được ban hành, có thể coi là một “mũi giáp công” để đánh trúng, tháo gỡ điểm yếu trên. Đó là Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 13-10-2020 của Huyện ủy Lắk về “Tập trung huy động các nguồn lực nhằm xây dựng và phát triển huyện Lắk trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk vào năm 2030”.
Từ nguồn xã hội hóa, nhiều người dân vùng khó khăn của huyện Lắk được hỗ trợ cây mít Thái siêu sớm.
Diện mạo một huyện Lắk xanh - sạch thực sự đã hiện hữu khá rõ nét khi sau một thời gian ngắn triển khai, đến nay hơn 10.000 cây xanh được trồng từ trung tâm thị trấn Liên Sơn, khu vực hoa viên đến các khu dân cư tập trung, trong các cơ quan, trường học, bệnh viện, các khu di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh, đường liên thôn, liên xã… tạo cảnh quan đẹp cho khuôn viên công cộng, công sở. Huyện đã hình thành nhiều tuyến đường cây xanh như Âu Cơ, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Huệ, Nguyễn Tất Thành… với các loại cây bằng lăng rừng, hoa chuông vàng, kèn hồng, mai anh đào, phượng tím, hoa giấy. Điều quan trọng là ngân sách để khởi động thực hiện Nghị quyết số 02 là 0 đồng, bởi việc trồng cây được xã hội hóa.
Cách làm, bước khởi động làm bàn đạp trong thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/HU, ngày 5-3-2021 của Huyện ủy Lắk về lãnh đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giai đoạn 2021 - 2025 cũng bằng hình thức xã hội hóa. Đây chính là “mũi giáp công” thứ hai mà Huyện ủy chỉ đạo thực hiện để làm sáng hơn bức tranh nông nghiệp của địa phương. Huyện đã tích cực kêu gọi và được các đơn vị kết nghĩa, doanh nghiệp, tổ chức trong, ngoài tỉnh nhiệt tình hưởng ứng. Nguồn kinh phí huy động được dành để mua giống cây mít Thái siêu sớm về hỗ trợ cho người dân trồng trong vườn nhà, trước tiên là ở 90/127 buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Trước mắt, mít Thái được xác định là cây “đa mục tiêu”: phủ xanh đất trống trong vườn, tạo sinh kế, cải thiện thu nhập cho người dân, hoặc làm thức ăn cho gia súc. Bí thư Đảng ủy xã Yang Tao Nguyễn Văn Huyên đánh giá: “Hiếm có nghị quyết nào mà người dân thuộc tên, nhớ nhanh như Nghị quyết số 05. Đi đến đâu, cũng nghe bà con bàn về việc trồng, chăm sóc cây mít Thái”.
Chỉ hơn 2 tháng triển khai, đến nay, huyện đã huy động xã hội hóa trồng được hơn 15.000 cây ăn trái chủ yếu là mít Thái ở tất cả các buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Bí thư Huyện ủy Võ Ngọc Tuyên chia sẻ, chủ trương xã hội hóa việc trồng cây ăn trái theo tinh thần Nghị quyết số 05 không chỉ giảm gánh nặng cho ngân sách huyện mà còn thu hút các nguồn hỗ trợ, đầu tư, tạo sức lan tỏa và khí thế mới trong toàn huyện. Nghị quyết đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của chính quyền các cấp, xác định rõ phương hướng, mũi nhọn cấp bách cần thực hiện và chiến lược dài hơn để hành động.
Để người dân bớt những "canh bạc" với trời
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định các nhiệm vụ: Phấn đấu từ nay đến năm 2025 chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt 70% từ vườn tạp sang các loại cây trồng có năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế cao. Bố trí xây dựng nhiều mô hình tổ chức sản xuất, gắn khuyến nông với công tác bảo vệ thực vật, cơ cấu cây trồng chú ý đến nguồn nước tưới. Khuyến khích kinh tế hộ gia đình nâng dần quy mô chăn nuôi. Tiếp tục hướng dẫn tạo điều kiện phát triển các hình thức kinh tế tổ hợp tác và hợp tác xã nông nghiệp…
Nâng cấp kênh N1 trên địa bàn xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn.
Đảng ủy chính quyền xã Ea Wer đã và đang hiện thực hóa những nhiệm vụ giải pháp ấy bằng những công trình, bước đi cụ thể, có tính tác động lớn. Bài toán đang tìm lời giải bấy lâu ở xã đặc biệt khó khăn này là câu chuyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế. Bí thư, Chủ tịch UBND xã Ea Wer Ngô Lan Anh bày tỏ: Chị đã “giật mình” khi trong một hội nghị được nghe một nông dân đề đạt nguyện vọng với lãnh đạo xã tạo điều kiện để thành lập hợp tác xã chăn nuôi heo rừng. Ý kiến ấy đã khiến chị “sáng” ra nhiều điều về việc tìm hướng thay đổi cách thức tổ chức sản xuất cho người dân. Trăn trở cùng nông dân, Đảng ủy, UBND xã đã kêu gọi một số hộ có kinh nghiệm chăn nuôi, nguồn vốn để thành lập hợp tác xã.
Sau nhiều lần tính toán độ khả thi, tháng 5 vừa qua, Hợp tác xã heo rừng Buôn Đôn ra đời với 7 thành viên. Với quy mô ban đầu là sản xuất con giống, Hợp tác xã hiện có trên 100 con heo nái; trung bình mỗi năm sinh nở 2 lứa, ít nhất được khoảng 700 heo con. Đây là hợp tác xã thứ hai trên địa bàn xã, thể hiện quyết tâm của địa phương trong việc tìm hướng thay đổi phương thức chăn nuôi của người dân theo như tinh thần nghị quyết.
Người dân Ea Wer đã mất rất nhiều thời gian loay hoay với trồng cây gì nuôi con gì, cay đắng nhất là câu chuyện trồng tiêu ồ ạt trước đây khiến không ít gia đình sạt nghiệp. Bám sát nghị quyết của nhiệm kỳ, cấp ủy, chính quyền xã đã định hướng nông dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây ăn quả. Hiện nay diện tích cây ăn quả của xã khoảng 280 ha, bước đầu đánh giá khả năng thích nghi tương đối tốt và chất lượng, năng suất sản phẩm ngày càng tăng. Đây cũng là bước đệm để sắp tới, Đảng ủy xã tiếp tục định hướng xây dựng hợp tác xã trồng cây ăn trái trên địa bàn.
Song hành với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cấp ủy, chính quyền xã Ea Wer đã và đang nỗ lực đề đạt để được cấp trên quan tâm đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi - "chiếc chìa khóa" để giúp nông dân bớt những "canh bạc" với trời. Tuyến kênh cung cấp nước chính cho xã là kênh cánh đồng mẫu lớn, chạy dài từ phía Đông sang phía Tây xã với tổng chiều dài toàn tuyến 9.180,82 m, qua các thôn 7, 8, 9; các buôn Tul A, Tul B. Công trình thủy lợi này gánh trọng trách đảm nhận tưới cho diện tích khoảng 100 ha, bảo đảm nguồn nước cho chăn nuôi gia súc, sinh hoạt và cung cấp nước cho hồ trung chuyển thuộc buôn Tul A. Qua quá trình vận hành khai thác, hệ thống kênh N1 đã bị xuống cấp khá nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều tiết nước tưới. Mùa khô thì việc canh tác khó khăn do thiếu nước, mùa mưa thì ngập lụt.
Gần 21 năm từ huyện Ea Súp về sinh sống tại địa bàn thôn 7, gia đình bà Đỗ Thị Quyên đã quá quen với cảnh ngập lụt. Bà Quyên kể: Tuyến kênh N1 xuống cấp, khiến mỗi mùa mưa đến nước lũ thoát không kịp. Có năm nước vào nhà vài lần, như năm 2019, nước lên cao, cả nhà bà thức trắng đêm chạy lũ. Diện tích hoa màu canh tác nhiều vụ mất trắng. Nỗi niềm của bà Quyên cũng là tình cảnh chung của người dân thôn 7.
Tại các hội nghị, diễn đàn của tỉnh, của huyện, lãnh đạo xã Ea Wer đã nhiều lần phản ánh nguyện vọng của bà con, có ý kiến và đề xuất giải pháp khắc phục. Nhờ sự vào cuộc đồng lòng và bền bỉ ấy, đến nay, tuyến kênh N1 đã và đang được huyện đầu tư nâng cấp, cải tạo. Ông Đỗ Bá Bắc, Thôn trưởng thôn 7 cho hay, người dân trên địa bàn đã mong mỏi điều này từ rất lâu rồi.
Kênh N1 là công trình trọng điểm bởi khi hoàn thành và đưa vào vận hành không chỉ có ý nghĩa với sinh hoạt và sản xuất hiện tại của người dân trên địa bàn mà còn mang tính chiến lược. Đó là định hướng cho việc hình thành mạng lưới thủy lợi; là bàn đạp cho quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn của địa phương.
Trái ngọt trên chặng đường mới ở địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn như Ea Wer được kỳ vọng bằng những nhiệm vụ trọng yếu đang được thực thi có tính chất bàn đạp như thế…
Để phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: Ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện hiệu quả các Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và các đề án bảo tồn quỹ gen của tỉnh; Kế hoạch triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên địa bàn tỉnh. Bổ sung chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp trở thành chủ thể chính của thị trường khoa học và công nghệ, tích cực đầu tư nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và đổi mới sáng tạo để đổi mới công nghệ, phát triển phần mềm, nâng cao năng lực quản trị sản xuất - kinh doanh. Tiếp tục đầu tư để nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ cho các cơ quan chuyên môn và nghiên cứu khoa học, đủ mạnh để tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư... |
Đàm Thuần - Quỳnh Anh - Đỗ Lan/ Báo Đắk Lắk