Đảng vì Dân, Dân tin Đảng

Mai Đức Thông - Nguyễn Thị Hoài Yên - Trịnh Thành Công - Trần Thị Liên Báo Tuyên Quang

Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chủ trương lớn trên các lĩnh vực, được cụ thể hoá thành các nghị quyết là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng. Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng tại Tuyên Quang đã có nhiều chuyển biến và đổi mới. Những nghị quyết được xây dựng từ đòi hỏi của thực tiễn đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng và thực hiện. Mọi công việc của Đảng đều vì dân, dân tin Đảng và làm theo Đảng để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Tuyên Quang là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn. Vì vậy để phát triển, việc ban hành nghị quyết kịp thời, đúng, trúng, sát với thực tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bên cạnh đó, tỉnh nghiêm túc tổ chức đánh giá việc thực hiện các nghị quyết theo từng giai đoạn để kịp thời tháo gỡ những bất cập bảo đảm “không để hại đến lòng tin cậy của Nhân dân với Đảng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói, bản thân Đảng “phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”. Điều này đã thể hiện sinh động ở Tuyên Quang.

Ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, cây cà phê chỉ phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng vùng Tây Nguyên, đất feralit nâu đỏ độ bốc hơi của nước rất nhanh, còn ở Tuyên Quang cũng như khu vực miền núi phía Bắc khí hậu nhiệt đới giá mùa, đất có hàm lượng sét cao, bí chặt, cây cà phê không sống được. Vậy nên, dự án hàng nghìn héc ta cây cà phê của tỉnh Tuyên Quang đến năm 1996 hoàn toàn phá sản, đến giờ không để lại dấu tích. Theo ông Khoa, việc đưa cà phê vào trồng là khát vọng của lãnh đạo tỉnh mong muốn làm thay đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi cuộc sống của người dân, nhưng lại làm vội vàng, ồ ạt khi chưa khảo nghiệm, phân tích chất đất nên thất bại là điều khó tránh khỏi.

Công ty Lâm nghiệp Sơn Dương gieo ươm giống cây trồng.

Công ty Lâm nghiệp Sơn Dương gieo ươm giống cây trồng. 


Ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tuyên Quang 

Cũng giống như cây cà phê, Tuyên Quang đã không thành công khi phát triển đàn bò sữa. Chuyện bắt đầu từ Nghị quyết 05-NQ/TU, ngày 20-11-2001 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Tuyên Quang đã hạ quyết tâm: “Trong thời gian ngắn nhất, hình thành đàn bò sản xuất sữa, đàn bò thịt chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2005 có trên 4.800 con bò sữa, trong đó có 1.600 bò sinh sản”.

Những mệnh lệnh hành chính được đưa ra, Tuyên Quang đã nhập ngoại hơn 3 nghìn con bò sữa trong khi vẫn chưa chuẩn bị kỹ đầu ra cũng như vùng nguyên liệu. Nguồn khai thác chính từ bò là sữa nhưng chưa bao giờ giá sữa bằng được giá thành sản xuất. Vậy nên, dự án phát triển đàn bò sữa tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng ngân sách Nhà nước chỉ tồn tại được khoảng 5 năm đã phải kết thúc.

Ông Nguyễn Ngọc Lung.

Ông Nguyễn Ngọc Lung.

Ông Nguyễn Ngọc Lung, nguyên Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, người từng có nhiều năm gắn bó với quá trình phát triển rừng ở Tuyên Quang cho rằng, Tuyên Quang đã làm rất tốt việc phát triển rừng nhưng có giai đoạn tỉnh hơi “cứng nhắc” trong việc bảo vệ tài nguyên rừng. Do đó, nhiều diện tích rừng đã quá tuổi khai thác nhưng vẫn bị “cấm”, ảnh hưởng đến chất lượng gỗ và đời sống của người trồng rừng.

Đã có nhiều ý kiến phản ánh của người dân về các bộ ngành Trung ương, mong muốn tỉnh điều chỉnh chính sách khai thác gỗ rừng trồng, bảo đảm quyền lợi của người dân. Và tỉnh cũng đã có điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, với thị trường, tạo cho Tuyên Quang có bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế lâm nghiệp, mang lại cuộc sống no ấm cho người dân.

 

Không có cách nào khác, để phát triển, tạo niềm tin của nhân dân, tỉnh Tuyên Quang đã khắc phục những vấn đề nội tại, đề ra các chủ trương, ban hành các nghị quyết bài bản, khoa học, sát thực tiễn để nghị quyết không còn là “lời nói suông”.

 

Lợi thế lớn nhất của Tuyên Quang là phát triển rừng trồng gắn với công nghiệp chế biến gỗ. Tỉnh đã “mở cửa rừng sản xuất” thực hiện giao đất, giao rừng cho từng hộ gia đình, người dân tự quyết định liên doanh, liên kết với các công ty chế biến gỗ, vậy nên Tuyên Quang nhân mãi lên những cánh rừng xanh.

Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang tạo việc làm cho 2.500 lao động.

Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang tạo việc làm cho 2.500 lao động. 

 

Đồng chí Nịnh Văn Lìn, dân tộc Cao Lan “gánh” trên vai hai trọng trách: Bí thư Chi bộ thôn Gia, xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn; Giám đốc Hợp tác xã chuyên về cấp chứng chỉ rừng FSC với trên 600 hộ trong xã là thành viên. Anh Lìn cho rằng, sự “đầu tàu” của đảng viên đã kéo giá trị rừng trồng của xã tăng lên rất nhiều nhờ làm rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC. Trước đây triển khai cũng khó vì người dân quen với cách làm cũ rồi, cứ đưa cây xuống đất vài năm là bán như “bán lúa non”, lợi ích mang lại không được là bao. Mỗi héc ta rừng thường thu về chỉ được 50 đến 60 triệu đồng trong chu kỳ 5 năm, người dân không thể làm giàu được từ rừng. Bài toán đặt ra là phải thay đổi cách làm, anh đứng ra làm trước nêu gương cho người dân.

Rừng FSC của gia đình anh Nịnh Văn Lìn.

Rừng FSC của gia đình anh Nịnh Văn Lìn. 

 

Anh Lìn có 30 héc ta rừng, trong đó có 20 héc ta đã được cấp chứng chỉ FSC. Bình quân mỗi năm gia đình anh có khoản thu trên dưới 1 tỷ đồng từ rừng.Theo anh Lìn, rừng càng lâu năm thì càng sinh thủy nhiều, tạo cho đất màu mỡ hơn, kỳ rừng sau trồng không mất nhiều công chăm sóc.

Anh Nịnh Văn Lìn

Học theo anh Lìn và các đảng viên, người dân trong thôn Gia, xã Tiến Bộ đã thực hiện trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC. Ông Trần Văn Mã, dân tộc Cao Lan, người thôn Gia, thành viên hợp tác xã chia sẻ, ông có nhà xây như này cũng là từ rừng cả. Học theo đảng viên mà làm thôi, gỗ rừng trồng nhà ông được hợp tác xã bao tiêu toàn bộ, không phải lo về đầu ra.  

 

Cũng như nhiều địa phương khác, cuộc sống 53 hộ dân tộc Dao Đại Bản, thôn Khuân Tâm, xã Lương Thiện, huyện Sơn Dương đã có nhiều khởi sắc từ phát triển kinh tế rừng. Đồng chí Triệu Thị Lưu, dân tộc Dao Đại Bản, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khuân Tâm cho biết, chị đã xây được ngôi nhà 2 tầng từ tiền bán gỗ thay cho ngôi nhà cũ xập xệ. Rồi có tiền mua máy xay xát, đào ao thả cá phục vụ bà con quanh vùng. Các đảng viên trong chi bộ tích cực trồng rừng nên đã lan tỏa phong trào trồng rừng trong nhân dân. Cuộc sống của người dân đã khấm khá lên từ trồng rừng, phần lớn các hộ đã xây được nhà kiên cố.

Cùng với mở cửa rừng sản xuất, Tuyên Quang đã tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi bò sữa. Khi về thăm mô hình chăn nuôi bò sữa của Công ty cổ phần Hồ Toản, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn (tháng 2-2020), đồng chí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này là hướng đi đúng, phù hợp với quy luật thị trường, thay vì đưa ra các mệnh lệnh hành chính gây cản trở cho sự phát triển.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và lãnh đạo tỉnh thăm trang trại bò sữa của Công ty cổ phần Hồ Toản.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và lãnh đạo tỉnh thăm trang trại bò sữa của Công ty cổ phần Hồ Toản. 

Nhờ đó, Tuyên Quang đã thu hút được nhiều “đại gia” đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi bò sữa. Tổng đàn bò sữa của tỉnh hiện lên đến 6.300 con, trong đó có 4.000 con đang cho khai thác sữa của Công ty cổ phần Hồ Toản, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Công ty Sữa cho tương lai Phúc Ứng (Sơn Dương). Như vậy, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa, tỉnh không phải bỏ kinh phí từ ngân sách để đạt mục tiêu tăng đàn như trước, tránh gây thất thoát tiền của của Nhà nước và Nhân dân.

Ông Lương Duy Toản.

Ông Lương Duy Toản. 

Các công ty chăn nuôi bò sữa sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động. Ông Lương Duy Toản, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hồ Toản chia sẻ, quê ông ở Quảng Bình, ông chọn Tuyên Quang để khởi nghiệp là bởi mảnh đất này có nhiều dư địa phát triển, môi trường đầu tư thông thoáng. Năm 2016, ông bắt đầu triển khai dự án chỉ với 514 con bò sữa nhập từ Úc, đến nay đã phát triển lên trên 2.700 con. Trong 5 năm tới, công ty sẽ mở rộng quy mô đàn lên 15.000 con bò, doanh thu đạt khoảng 3.500 - 4.500 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động trực tiếp và gián tiếp.

Khu nuôi bò sữa của Công ty cổ phần Hồ Toản. 

Cũng với các mô hình đó nhưng khi chủ trương, nghị quyết đúng, trúng, sát thực tiễn đã khơi dậy được sức sáng tạo của người dân, doanh nghiệp, tạo niềm tin của nhân dân với Đảng.

Trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, từng tổ chức Đảng, đảng viên đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, lấy hiệu quả công việc là căn cứ quan trọng, là thước đo đánh giá trình độ, năng lực, trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân. Việc coi trọng việc sơ kết, tổng kết thực hiện các Nghị quyết của Đảng đã đúc rút những kinh nghiệm quý trong đổi mới phương thức lãnh đạo, đưa Nghị quyết vào cuộc sống ở Tuyên Quang.

Để dân tin Đảng, làm theo Đảng thì Đảng phải lấy lợi ích của Nhân dân lên trên hết. Mỗi cán bộ, đảng viên biết nhìn ra việc từ thực tiễn, gương mẫu đi đầu, mạnh dạn đột phá, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Người dân mong đợi những Nghị quyết của Đảng sẽ được hiện thực trong cuộc sống.

Trên ngọn núi Khau Đéc là nơi sinh sống của hơn 60 hộ dân tộc Mông thôn Khuổi Ma. Đây là một trong hai thôn xa nhất của xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn. Con đường từ trung tâm xã đến thôn toàn đèo dốc dựng ngược. Nhớ hôm trước khi bước vào năm học mới, Trưởng thôn Khuổi Ma Sầm Văn Páo ngày nào cũng đi khắp các thôn, đến các hộ gia đình để vận động người dân làm mái che trước sân của điểm trường lớp học mầm non.

Nghị quyết của Chi bộ thôn về huy động nhân dân hỗ trợ tu sửa trường lớp cho con em tại thôn đã được Trưởng thôn Páo bắt tay vào cuộc kịp thời. Bà con ở đây tin Trưởng thôn Páo lắm, vì Páo là người nói được và làm được. Tuy vậy, cũng có một số hộ không có con đi học mầm non thì vẫn chưa muốn đóng góp.

Trưởng thôn Khuổi Ma Sầm Văn Páo trao đổi với giáo viên lớp mầm non về việc hỗ trợ làm mái che cho lớp

Trưởng thôn Khuổi Ma Sầm Văn Páo trao đổi với giáo viên lớp mầm non về việc hỗ trợ làm mái che cho lớp 

- Gia đình tôi không có con nhỏ đâu, nên tôi không phải đóng góp chớ!

Trưởng thôn Páo giải thích:

- Mình đóng góp cho con em mình sử dụng trường lớp lâu dài cơ mà. Con mình không học thì đến cháu mình, có thiệt đâu!

Vậy là mái vòm che sân lớp học bằng tôn kiên cố trị giá tới 49 triệu đồng đều do các hộ đóng góp đã hoàn thành và sử dụng vào đầu năm học mới này.

Niềm vui của trẻ dân tộc Mông ở thôn Khuổi Ma khi được chơi trong sân có mái che

Niềm vui của trẻ dân tộc Mông ở thôn Khuổi Ma khi được chơi trong sân có mái che 

Sầm Văn Páo sinh năm 1986, đã làm Trưởng thôn được 11 năm. Bố mẹ Páo là một trong 5 hộ dân tộc Mông đầu tiên chuyển từ Cao Bằng về sống ở Khuổi Ma này, khi đó Táo mới 11 tuổi. Ngày đó, anh từng đốt đuốc từ 4 giờ sáng để đi bộ đến trường ở trung tâm xã. Giờ thì anh quá thấu hiểu và vui mừng khi các cháu mầm non, tiểu học được học ngay tại thôn.

Cán bộ, đảng viên thôn Nà Chác, xã Năng Khả (Na Hang) nắm bắt tình hình phát triển kinh tế của người dân.

Cán bộ, đảng viên thôn Nà Chác, xã Năng Khả (Na Hang) nắm bắt tình hình phát triển kinh tế của người dân. 

Bà con dân bản ở thôn Nà Noong, xã Năng Khả, huyện Na Hang gọi ông Nông Văn Lương với cái tên trìu mến là “người đi trước”. Ông Lương năm nay đã ngoài 70 tuổi đời, gần 40 năm tuổi Đảng. Trước đây, thôn có hơn 100 hộ dân thì có đến 90% là hộ nghèo. Là một đảng viên, ông Lương tự thấy trách nhiệm nêu gương của mình. Từ diện tích đất rừng hơn 3 ha của gia đình, ông đầu tư trồng, chăm sóc rừng thật tốt. Ông nuôi trâu, lợp, dê lên đến hàng trăm con theo quy mô gia trại. Dân bản cũng từ đó học tập theo. Tỷ lệ hộ nghèo của thôn Nà Noong đã giảm xuống còn 20% vào năm 2021 theo chuẩn nghèo mới.

Còn ở một thôn có tới 80% dân số là dân tộc Dao như thôn Ngòi Lộc, xã Minh Khương, huyện Hàm Yên thì tinh thần trách nhiệm, lăn xả vào công việc của người đứng đầu là Bí thư Chi bộ Đặng Văn Định đã tạo ra một sự thay đổi ngoạn mục. Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới ở đây lúc đầu tưởng không thành công: Chây ỳ, cố tình trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thậm chí có người dân phản đối kịch liệt. Đồng chí Định đã vào cuộc vận động, thuyết phục, gặp gỡ từng gia đình để giải thích. Chỉ sau thời gian ngắn, 100% số hộ đồng tình thực hiện, một số hộ còn tình nguyện hiến 1.350m2 đất làm nhà văn hóa, xây dựng được 22 mô hình "Nhà sạch, vườn đẹp".

Ông Đặng Văn Định, Bí thư Chi bộ thôn Ngòi Lộc, xã Minh Khương, huyện Hàm Yên.

Ông Đặng Văn Định, Bí thư Chi bộ thôn Ngòi Lộc, xã Minh Khương, huyện Hàm Yên. 

Những đảng viên, người đứng đầu tổ chức đảng đã làm "đúng vai, thuộc bài" theo chức trách, nhiệm vụ được giao, nắm vững công việc cần phải làm, nắm chắc thực tế, không bỏ sót công việc, được Nhân dân đồng tình, tin tưởng và ủng hộ.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Tuyên Quang tháng 8/2022:

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Tuyên Quang tháng 8/2022:

Muốn làm được những việc dân cần thì mỗi cán bộ, đảng viên phải nắm chắc thông tin ở địa bàn, cơ sở; có năng lực phân tích, tổng hợp tình hình thực tiễn, phản ánh kịp thời và tham mưu, tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đảng chính xác, kịp thời. Lối làm việc quan liêu, xa rời thực tế, xa rời cơ sở, xa rời quần chúng, không đi sâu vào thực chất của vấn đề, của sự việc thì dẫn đến hiệu quả công việc hạn chế, thậm chí thất bại.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (ở giữa) cùng Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm (bên trái) tham quan mô hình kinh tế tại xã Thái Bình.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (ở giữa) cùng Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm (bên trái) tham quan mô hình kinh tế tại xã Thái Bình. 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang ban hành Quy định số 03-QĐ/TU ngày 10/9/2021 về giao việc đột phá, đổi mới đối với một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Các tổ chức đảng từ cấp huyện đến cơ sở cũng đã ban hành quy định giao việc đột phá đối với các chức danh thuộc cấp mình quản lý. Muốn làm được những việc đột phá, đổi mới thì không thể không thường xuyên đến với với cơ sở, gắn bó với người dân để nhìn ra việc từ thực tiễn.

Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy với nhân dân xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn.

Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy với nhân dân xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn. 

Na Hang là huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang. Đặc thù của địa phương là có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nơi lưu giữ những phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa riêng có. Cùng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, huyện đã tập trung phát triển các loại hình du lịch. Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Huyện ủy Na Hang lựa chọn 3 việc đột phá trong giai đoạn 2021-2025, trong đó có việc chỉ đạo xây dựng 1 làng văn hóa, 1 sản phẩm du lịch đặc sắc thu hút khách du lịch.

Dịch vụ Homestay được mở ra phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng cho du khách.

Dịch vụ Homestay được mở ra phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng cho du khách. 

Phụ nữ Dao đỏ thôn Bản Lục, xã Đà Vị (Na Hang) gìn giữ nghề thêu trang phục truyền thống.

Phụ nữ Dao đỏ thôn Bản Lục, xã Đà Vị (Na Hang) gìn giữ nghề thêu trang phục truyền thống.

 

Ban đầu không phải không có những khó khăn khi người dân chưa hiểu về làm kinh tế từ phát triển du lịch, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đồng chí Bí thư Huyện ủy tập trung đã chỉ đạo tổ chức khảo sát, lập quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết phân khu chức năng gắn với nghệ thuật chỉnh trang, sắp xếp Làng Văn hóa du lịch thôn Khau Tràng; ban hành kế hoạch hướng dẫn, vận động và hỗ trợ nhân dân trồng hoa, cây cảnh, làm hàng rào mỗi hộ gia đình và hai bên đường Làng văn hóa; tổ chức tập huấn nghiệp vụ du lịch; chỉ đạo xây dựng các tua, tuyến du lịch khám phá, trải nghiệm... Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, huyện Na Hang thu hút khách du lịch đạt gần 80% kế hoạch năm, tăng 88,6% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ có gần gũi với nhân dân, gắn bó với cơ sở mới thấy được thực tiễn cần gì. Tuyên Quang là tỉnh miền núi không có nhiều lợi thế, không có đường sắt, cửa khẩu, đường không, vậy nên xây dựng đường cao tốc thực sự là con đường chiến lược cho sự phát triển. Yêu cầu tổ chức triển khai xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ đảm bảo tiến độ, hiệu quả, chất lượng cũng là nhiệm vụ đột phá được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang giao đồng chí Trần Viết Cương, Bí thư Chi bộ, Giám đốc đốc Ban Quản lý dự án. Mặc dù từng chỉ đạo thực hiện nhiều công trình giao thông trọng điểm của tỉnh nhưng khi được giao nhiệm vụ tổ chức triển khai xây dựng cao tốc vẫn không khỏi lo lắng.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh nghe báo cáo tiến độ thi công Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọkết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh nghe báo cáo tiến độ thi công Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Đây là công trình lớn, có chiều dài hơn 40 km nhưng đi qua địa bàn tỉnh hơn 11 km, còn lại là qua địa phận tỉnh Phú Thọ. Đồng chí Trần Viết Cương đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí trong cấp ủy, ban giám đốc và nhận phụ trách địa bàn khó nhất là huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Riêng địa bàn này tuyến cao tốc đi qua hơn 17 km, với 400 hộ phải đền bù, giải phóng mặt bằng. Vậy là đồng chí Cương cũng như các đồng chí trong cấp ủy, ban giám đốc đã phải ăn cơm đường nhiều hơn ăn cơm nhà, “cắm” chốt ở các địa phương để phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng của tỉnh cũng như tỉnh Phú Thọ tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng thi công công trình.

Đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với cao tốc  Nội Bài – Lào Cai nhận được sự đồng thuận rất lớn của nhân dân.

Đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai nhận được sự đồng thuận rất lớn của nhân dân.

Từ kinh nghiệm xây dựng các công trình trọng điểm, đồng chí Trần Viết Cương cho rằng, muốn giải phóng mặt bằng thì phải làm cho người dân hiểu chủ trương, chính sách, chế độ bồi thường để nhượng đất cho các công trình. Đồng thời, lắng nghe nguyện vọng của người dân để cùng tháo gỡ. Khi được người dân ủng hộ, đồng thuận, mọi việc trở nên dễ dàng.

Năm 2022, đồng chí Đỗ Văn Hiếu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa được giao nội dung thực hiện việc đột phá, đổi mới là tham mưu chỉ đạo thực hiện mô hình xây dựng sản phẩm đặc trưng của huyện là thanh long ruột đỏ. Anh đã đã cùng tập thể phòng phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã thực hiện việc liên kết trồng thanh long ruột đỏ. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tư vấn, hướng dẫn HTX thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp, xây dựng sản phẩm OCOP. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, vận động chủ trang trại, HTX trên địa bàn có đủ điều kiện chuyển sang trồng cây thanh long. Đến nay, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với HTX Nông nghiệp và dịch vụ Ánh Dương phát triển và mở rộng được gần 10 ha thanh long ruột đỏ tại xã Phúc Thịnh, Tân Mỹ và Tân An.

Tính đến tháng 9/2022, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và các huyện, thành phố đã giao 4.028 việc cho 1.860 cán bộ, công chức, viên chức là người đứng đầu thuộc chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định. Các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và các huyện, thành phố cũng đã giao việc cho cấp phó của người đứng đầu. Cán bộ, công chức, viên chức được giao việc đã chủ động, tích cực, quyết liệt và có quyết tâm chính trị cao trong thực hiện việc đột phá, đổi mới được giao, có cách làm sáng tạo, xử lý vấn đề phù hợp với thực tiễn và đạt được kết quả bước đầu với những "sản phẩm" công tác cụ thể, tạo hiệu ứng tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, đơn vị.

Nhìn ra việc từ thực tiễn và dám mạnh dạn đổi mới, đột phá để tìm ra cách làm, bước đi để đạt hiệu quả đã tạo niềm tin của quần chúng nhân dân và huy động nhân dân đồng hành thực hiện.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại tại phiên bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại tại phiên bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Việc tổ chức học tập, cụ thể hóa các văn kiện của Đảng đã được Tỉnh ủy Tuyên Quang chỉ đạo thực hiện đầy đủ, kịp thời. Ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc ban hành và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, đề án, kế hoạch về thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Tỉnh ủy đã ban hành 8 nghị quyết chuyên đề, 3 chỉ thị, 11 đề án, xác định đầy đủ, toàn diện, cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị xuyên suốt cho cả nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Toàn cảnh hội nghị điểm cầu Hội trường Tỉnh ủy.

Toàn cảnh hội nghị điểm cầu Hội trường Tỉnh ủy. 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị đánh giá 1 năm học tập, quán triệt cụ thể hóa triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối từ điểm cầu Hội trường Tỉnh ủy đến 40 điểm cầu cấp huyện, cấp cơ sở với trên 1.600 đảng viên tham dự.

Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm:

Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã quyết định phân công Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh theo dõi, phụ trách việc cụ thể hóa triển khai các nghị quyết, chỉ thị, đề án của Ban Chấp hành Đảng  bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của của Đảng và Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định về đánh giá chất lượng tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Văn kiện của Đảng ở các chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy, đặc biệt là cán bộ, đảng viên trong học tập, nghiên cứu và tổ chức cụ thể hóa nghị quyết của Đảng.

Đồng chí Nguyễn Văn Xuân, Bí thư Chi bộ thôn Núi Cảy, xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Nguyễn Văn Xuân, Bí thư Chi bộ thôn Núi Cảy, xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Việc học tập, tuyên truyền, triển khai Nghị quyết của Đảng được Tỉnh ủy Tuyên Quang xác định là công việc thường xuyên, phải được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, khoa học trong suốt cả nhiệm kỳ, để mỗi cán bộ, đảng viên đều nắm vững và thực hiện đúng đắn, sáng tạo Nghị quyết của Đảng, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ.

 

Niềm tin là sợi dây liên hệ mật thiết giữa Đảng và Nhân dân. Muốn có niềm tin ấy, thì Đảng phải “Lấy dân làm gốc”, “Lấy ấm no, hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu” như Đại hội XIII của Đảng đã xác định. Ở Tuyên Quang, những Nghị quyết ra đời nhanh chóng, kịp thời, đúng, trúng lòng dân được triển khai theo đúng tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã thực sự đi vào cuộc sống và trở thành cầu nối niềm tin giữa dân với Đảng.

 

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định, du lịch là một trong 3 khâu đột phá của tỉnh.  Ngay sau Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 16-6-2021 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Nghị quyết đã thổi làn gió mới vào câu chuyện làm du lịch ở các địa phương.

Những nỗ lực xây dựng Tuyên Quang trở thành một điểm đến an toàn, hấp dẫn đã được các địa phương đồng loạt triển khai đã làm thay đổi vượt bậc nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số về làm du lịch. Các sản phẩm du lịch gắn với đời sống văn hoá của bà con thu hút rất đông khách du lịch. Những “ngôi làng hạnh phúc” được hình thành ở nhiều địa phương như một lời khẳng định những Nghị quyết, chính sách phát triển du lịch của Tuyên Quang là đúng, trúng, hiệu quả.

Thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) nằm sát với vùng hồ sinh thái Na Hang – Lâm Bình. Đây là điểm du lịch thu hút bậc nhất của Tuyên Quang thời điểm này.

 

Triệu Thị Xướng là một người phụ nữ dân tộc Tày. Vận chiếc áo chàm đặc trưng của người Tày, chị tất bật đón khách, sắp xếp chỗ ở,  hỏi han khách sau một hành trình dài rồi lại tất bật xuống bếp chuẩn bị cơm nước. Gia đình chị Xướng là h đầu tiên làm du lịch Homestay ở Nà Tông. Từ nông dân chân lấm tay bùn, chuyển qua làm dịch vụ, lại còn là dịch vụ du lịch, với người phụ nữ Tày này không khỏi bỡ ngỡ. Nhà cửa chỉnh trang, mua sắm thêm chăn gối, cách trò chuyện với khách..., chị Xướng phải học hết.

Ngôi nhà sàn truyền thống và Gian hàng bán đồ lưu niệm của chị Triệu Thị Xướng, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình).

Ngôi nhà sàn truyền thống và Gian hàng bán đồ lưu niệm của chị Triệu Thị Xướng, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình).

Giờ ở Nà Tông đã có 14 hộ làm Homestay. Khách đến du lịch Lâm Bình giờ không ngừng tăng lên. Cả làng người đón khách, người nấu ăn. Nhà nào không đón khách thì trồng rau rừng, nuôi lợn đen, gà thả vườn, nuôi cá lồng bán cho các điểm  dịch vụ.

Vui nữa, chị Xướng bảo, là những thứ văn hóa truyền thống của người Tày sau nhiều năm bị mai một, giờ nhờ có du lịch, lại hồi sinh mạnh mẽ.

Phụ nữ Pà Thẻn xã Hồng Quang (Lâm Bình) trong trang phục truyền thống.

Phụ nữ Pà Thẻn xã Hồng Quang (Lâm Bình) trong trang phục truyền thống. 

Như nghề dệt thổ cẩm. Nhà nào giờ cũng dựng khung cửi dệt vải làm đồ lưu niệm cho khách. Những tấm vải thổ cẩm ngày nào chỉ làm mặt chăn, giờ biến thành túi xách, thành ví, mũ. Những chiếc khăn trải bàn bằng ni lông trước kia giờ thay bằng vải thổ cẩm đủ sắc màu.

Bà con cũng tận dụng tre, nứa, gỗ... để làm đồ gia dụng. Ấm, chén, cốc uống nước, rồi cả ống hút, đều là đồ dùng bằng tre, nứa.

 

Tuyên Quang hiện đang trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch. Với lợi thế về thiên nhiên, văn hóa, con người, tỉnh Tuyên Quang tập trung phát triển nhiều sản phẩm du lịch, trong đó, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng là một trong những sản phẩm du lịch có điểm nhấn nhất.

 

Những “ngôi làng hạnh phúc” như Nà Tông giờ không hiếm. Có thể kể đến như Làng văn hóa du lịch thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang), Làng văn hóa du lịch thôn Bản Biến, xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa), Làng văn hóa du lịch Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương), Làng văn hóa du lịch Động Sơn, xã Chân Sơn (Yên Sơn)...

Đặc biệt, sau 2 năm gián đoạn vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, du lịch Tuyên Quang bứt phá. Lễ hội Thành Tuyên năm 2022 được tỉnh Tuyên Quang tổ chức trở lại, cùng với nhiều sự kiện văn hóa, du lịch lớn của cả nước như Lễ đón nhận Bằng ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được tổ chức năm 2022 và Lễ hội Thành Tuyên; Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế năm 2022..

Cầu Đồng Tráng được xây dựng trong niềm vui của người dân thôn Tân Lập, xã Chiêu Yên (Yên Sơn).

Cầu Đồng Tráng được xây dựng trong niềm vui của người dân thôn Tân Lập, xã Chiêu Yên (Yên Sơn).

Ở Tuyên Quang, giờ vẫn còn nhiều thôn bản chưa có đường bê tông đến trung tâm thôn, chưa có đường điện. Những “nhiều không” này khiến đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Nông sản bị ép giá, việc đi lại của bà con không thuận lợi, thậm chí đánh đổi bằng cả mạng sống.

Như ở Tân Lập, xã Chiêu Yên (Yên Sơn), năm 2018, trận lũ lớn đã “cướp” của người làng Tân Lập một cháu bé 6 tuổi khi đi qua đập tràn Đồng Tráng.

100% người dân thôn Tân Lập là đồng bào Dao Thanh Y từ Quảng Ninh lên lập nghiệp từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Con suối Đồng Tráng cắt đều thôn ra làm 2 nửa ngày thường vốn dĩ hiền lành. Để đi lại, bà con đã vận động nhau góp tiền mua 4 ống cống, góp công xây thành đập tràn đi lại. Nhưng sức người không thắng được nước lũ. Chỉ cần mưa lớn 1 ngày, nước từ đâu kéo về, cuốn phăng mọi thứ. Nửa thôn còn lại bị cô lập ít nhất 3 ngày.

Đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 – 2025 được ra đời từ chính nhu cầu thiết yếu này.

 

Đầu tháng 10-2022, chiếc cầu Đồng Tráng hoàn thành. Dân Tân Lập không giấu được niềm vui. Những cụ bà “bách niên giai lão” của Tân Lập như Trương Thị Đường, Đặng Thị Nguyên móm mém cười mà rằng: "Cây cầu này các cụ đã đợi lâu lắm rồi, cả nửa đời người rồi, giờ có cầu, dẫu đi lại khó khăn nhưng cũng mừng lắm, vì Đảng, Nhà nước ra cái Nghị quyết hợp lòng dân lắm".

 

Cây cầu cũng là mong ước suốt nhiều năm trời của người dân Bản Tha,  xã Hồng Quang, huyện vùng cao Lâm Bình. Những năm trước muốn đi lại hay vận chuyển nông, lâm sản người dân thôn Bản Tha, xã Hồng Quang (Lâm Bình) phải lội qua suối. Đây là con đường duy nhất dẫn vào khu sản xuất và đi lại thường ngày của 10 hộ dân tộc Mông sống bên kia suối. Mùa mưa lũ đến, xóm nhỏ bên kia suối thường xuyên bị cô lập, trẻ con không đi học được, cuộc sống người dân bị đảo lộn. Từ khi có cầu mới đến nay, thôn nối thôn, xóm liền xóm, giao thông thuận tiện, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa. Người dân nói vui: “Từ nay xe máy có thể chạy bon bon đi thăm ruộng, thăm đồi cây được rồi”.

Là một tỉnh không có cảng biển, không có cảng hàng không, không có đường sắt, thì việc hoàn thiện các tuyến đường bộ được xem là giải pháp hiệu quả nhất để rút ngắn khoảng cách giữa Tuyên Quang với các thành phố lớn.

Chính từ ý nghĩa này, mà ở tất cả các địa phương có các công trình giao thông lớn, nhỏ được triển khai đều nhận được sự đồng tình, ủng hộ hết lòng từ người dân. Từ việc nhanh chóng bàn giao mặt bằng đến việc hiến đất làm đường.

 

Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang có chiều dài 165 km, đoạn đi qua xã Tân Thành (Hàm Yên) là 6 km. Ngay khi có chủ trương triển khai làm đường cao tốc, Đảng ủy, chính quyền xã Tân Thành đã chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án và sự quan trọng của công tác giải phóng mặt bằng. Cùng với đó kêu gọi sự đồng thuận từ đảng viên, nhân dân trong việc thực hiện giải phóng mặt bằng.

Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang kiểm tra tiến độ xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ.

Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang kiểm tra tiến độ xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ.

Vừa là Trưởng thôn, vừa là hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, bà La Thị Hải, thôn Thuốc Hạ 1, xã Tân Thành cho biết, bà đã vận động gia đình sẵn sàng hiến 200 m2 đất vườn và tiên phong nhận đền bù, giải phóng mặt bằng 2.500 m2 đất vườn rừng để giải phóng mặt bằng nhanh nhất, góp phần sớm đưa dự án vào thi công.

Anh Ma Hà Báo, thôn Lăng Đán, xã Phù Lưu (Hàm Yên) không nhớ mình đã bao nhiêu lần hiến đất để xây dựng các công trình của thôn. Anh Báo vốn là bộ đội xuất ngũ, Báo nghĩ đơn giản, mình là bộ đội cụ Hồ, những việc vì thôn, vì xóm, mình phải tiên phong gương mẫu đi đầu. Suốt quá trình Lăng Đán hoàn thành các công trình công cộng xây dựng nông thôn mới, làng cần gì, Ma Hà Báo đều sẵn sàng đóng góp. 400 m2hiến xây dựng nhà văn hóa thôn, 175 m2đất (trong đó có cả đất thổ cư) xây dựng đường bê tông nông thôn, 675 m2đất ruông đang trồng chanh tứ thì cũng được anh nhường cho làng để mở rộng đường vào vùng sản xuất hàng hóa.

Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, việc triển khai đưa Nghị quyết vào cuộc sống được các địa phương vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với từng khu vực.

Người dân Kim Bình (Chiêm Hóa) chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Người dân Kim Bình (Chiêm Hóa) chuyển đổi cơ cấu cây trồng. 

Nhiệm kỳ này, Đảng bộ xã Kim Bình (Chiêm Hóa) đặt mục tiêu là nâng thu nhập trung bình của người dân trong xã đạt 45 triệu đồng/người/năm và hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Bí thư Đảng ủy xã La Văn Thắng cho biết, Kim Bình tập trung lựa chọn một số cây trồng, vật nuôi như gà, cây dưa chuột, dưa lưới trong nhà màng... để thực hiện mục tiêu này.

Người dân Kim Bình (Chiêm Hoá) chuyển đổi cơ cấu vật nuôi.

Người dân Kim Bình (Chiêm Hoá) chuyển đổi cơ cấu vật nuôi. 

Mô hình trồng dưa chuột đầu tiên được Trưởng thôn Đèo Lang Nông Văn Phú bắt tay vào trồng. Vừa làm, anh Phú vừa vận động bà con trong thôn cùng trồng. 10 hộ với diện tích gần 1 ha cùng anh thực hiện vụ vừa rồi thắng lớn. Cứ 1.000 m2 trồng dưa cho thu 23 triệu đồng.

Thừa thắng xông lên, Phú sang cả các thôn khác “lan tỏa” khát vọng làm giàu. Anh cười khoe, vụ đông năm nay, đã có 50 hộ đăng ký trồng dưa chuột, diện tích tăng lên 6 ha rồi.

Không chỉ trong trồng dưa chuột, gần như tất cả các mô hình cây trồng, vật nuôi mới ở Kim Bình, đều có sự “liều lĩnh” của những nông dân như anh Phú.

Mô hình trồng dưa trong nhà màng của HTX Nông lâm nghiệp Kim Bình (Chiêm Hoá).

Mô hình trồng dưa trong nhà màng của HTX Nông lâm nghiệp Kim Bình (Chiêm Hoá).

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Kim Bình của 3 chàng trai ở độ tuổi 8X được xem như “cuộc cách mạng” trong sản xuất nông nghiệp của vùng đất này. 2.200 m2 nhà màng của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Kim Bình bắt đầu đưa vào trồng lứa dưa baby đầu tiên vào cuối tháng 10 – 2021. Mỗi năm Hợp tác xã trồng 4 lứa, mỗi lứa thu chừng 14 tấn quả, tương đương với hơn 200 triệu đồng.

Kim Bình phấn đấu hết năm 2025 sẽ thành lập thêm 2 hợp tác xã. Chưa hết năm 2022, xã đã thành lập mới 3 hợp tác xã, gồm hợp tác xã trồng dưa, hợp tác xã chăn nuôi gà ri và hợp tác xã sản xuất rượu chuối Kim Bình.

Trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang luôn bám sát tư tưởng “Lấy dân làm gốc”. Nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất