Công nghiệp Bắc Giang - Hành trình từ không đến có

Bài 1: Từ “phi công bất phú” đến nghị quyết phát triển công nghiệp

Hơn hai thập kỷ trước, nói đến Bắc Giang là nói đến tỉnh thuần nông, nền kinh tế chủ yếu xoay quanh trục lúa, lang, lạc, lợn hay còn gọi “4L”. Điều này dễ hiểu bởi thiên nhiên khéo ban tặng cho Bắc Giang đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trong phát triển nông nghiệp song cứ xoay quanh trục “4L” thì việc làm giàu rất gian nan.

“4L” một thủa

Tỉnh Bắc Giang được tái lập ngày 1-1-1997 với diện tích đất tự nhiên hơn 380 nghìn ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm khoảng 77%. Tỉnh có địa hình trung du; phía Bắc và phía Đông Nam là vùng rừng núi cao; vùng đồi núi thấp và đồng bằng trung du nằm giữa hai dãy núi hình cánh cung là Đông Triều (phía Đông Nam) và Bắc Sơn (phía Tây - Bắc).

Bắc Giang là tỉnh có tiềm năng, thế mạnh phát triển nông nghiệp. Ảnh: VH.

Bắc Giang là tỉnh có tiềm năng, thế mạnh phát triển nông nghiệp.

Ảnh: VH.

Tỉnh Bắc Giang nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, một năm có bốn mùa rõ rệt. Những điều kiện trên rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Thực tế, nông dân Bắc Giang không mấy khi mất mùa song “phi công” thì “bất phú”. Những năm đầu tái lập tỉnh, dù ở nhiều địa phương sản xuất ba vụ/năm (hai vụ lúa, một vụ đông) song đời sống người dân vẫn rất khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo cao.

Theo ông Vũ Đình Phượng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và hát triển nông thôn, một trong những “điểm nghẽn” của tỉnh thời kỳ đó là sản xuất nông nghiệp phần lớn tự cung tự cấp. Cây trồng chính là lúa, khoai lang và cây lạc, còn vật nuôi phần nhiều là lợn, gà song nuôi theo kiểu tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp.

Đã vậy, ứng dụng khoa học công nghệ trên đồng ruộng gặp nhiều trở ngại do tập quán canh tác, hạ tầng canh tác yếu và thiếu. Thời điểm đó, bình quân mỗi hộ có hơn chục thửa ruộng nằm rải rác ở các xứ đồng. “Giống cũ, kỹ thuật canh tác lạc hậu nên năng suất cây trồng, vật nuôi thấp, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ nội tỉnh. Làng quê vẫn quen với hình ảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau”, ông Phượng nói.

Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn nhớ như in chuyến đi thực tế tại xã Tân Liễu (Yên Dũng) hơn 20 năm trước. Dù chỉ cách TP. Bắc Giang chưa đến chục cây số song đời sống của người dân rất khó khăn. Xã có ba thôn là Tân Độ, Liễu Nham và Liễu Đê với hơn 1.100 hộ. Thời điểm chúng tôi đến khảo sát, dù mới sang tháng Hai, nghĩa là khoảng hai tháng nữa mới đến vụ thu hoạch lúa chiêm song quá nửa trong số 250 hộ ở thôn Tân Độ đã hết gạo, phải đi vay mượn, làm thuê theo kiểu “chạy ăn từng bữa”.

Lãnh đạo xã khi đó lý giải do dân số đông, đất sản xuất có hạn, năng suất chỉ ở ngưỡng trung bình nên cây lúa không thể mang đến no đủ cho con người dù rằng có thừa sự chịu thương chịu khó. Và để duy trì cuộc sống, người dân Tân Liễu phải đi làm đủ nghề, từ ve chai, chạy chợ cho đến tham gia vào các “chợ lao động” ở TP. Bắc Giang, Lạng Sơn...

Ở huyện Lục Ngạn - trọng điểm phát triển cây ăn quả của tỉnh ngày nay, hơn 20 năm trước đời sống của người dân còn khó khăn hơn. Nhớ lại, chúng tôi vẫn hình dung hình ảnh chị Hoàng Thị Phê ở xã Phong Vân (Lục Ngạn) khi đó. Trong câu chuyện đứt quãng bên ngôi nhà tranh siêu vẹo, người phụ nữ nhỏ nhắn, tỏ rõ sự cam chịu ấy chia sẻ cả tháng nay ngày nào mẹ con chị cũng phải vào rừng kiếm củi gánh ra chợ Tân Sơn cách đó hơn chục cây số bán lấy tiền đong gạo.

Hôm nào không lấy được củi hoặc lấy song không bán được thì cả nhà 7 miệng ăn phải húp cháo qua bữa hoặc nhịn đói. Mà không chỉ gia đình chị Phê, non nửa hộ dân ở xã Phong Vân và nhiều xã vùng cao của huyện khi đó thuộc diện đói nghèo và câu chuyện về “tháng Ba ngày Tám” của những năm chưa xa sẽ còn theo mỗi người cho đến hôm nay.

Lần giờ những số liệu thời điểm mới tái lập tỉnh cho thấy, năm 1997, sản lượng lương thực quy thóc đạt hơn 549 nghìn tấn; giá trị canh tác trên 1 ha đất nông nghiệp khoảng 13,1 triệu đồng/năm. Năm 2000, năng suất lúa vụ xuân - vụ được đánh giá cao nhất trong nhiều năm song cũng chỉ đạt 43 tạ/ha.

Do nhiều cái khó nên cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh chuyển dịch chậm, cây lương thực phục vụ nhu cầu tại chỗ vẫn là chủ yếu. Ở các huyện miền núi, vùng cao, canh tác gần như phụ thuộc vào thời tiết nên năm được, năm mất, đời sống của người dân còn khó khăn gấp bội. Tại Sơn Động, vụ mùa năm 1999 huyện xảy ra hạn hán vào cuối vụ; tiếp đó vụ chiêm xuân 2000 hạn lại xảy ra nên sản xuất bị thiệt hại nặng, toàn huyện có gần 40% hộ nghèo đói.

Trái ngọt từ quyết tâm bứt phá

Năm 1997, Bắc Giang chỉ có 1 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp phép hoạt động với vốn đăng ký gần 793 nghìn USD; 18 doanh nghiệp (DN) quốc doanh, 25 DN tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn. Theo đánh giá, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (TTCN) địa phương quy mô nhỏ, nhiều đơn vị mới ở dạng tổ hợp sản xuất, hợp tác xã cơ khí, sản phẩm chủ yếu là xe cải tiến, máy tuốt lúa…


            Dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc. Ảnh: VH.

Dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc. Ảnh: VH.

Tỉnh có hai DN đầu tàu là Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc và Công ty Xi măng Hương Sơn song phân đạm Hà Bắc bắt đầu bước vào giai đoạn khó khăn còn xi măng Hương Sơn sản xuất theo công nghệ lò đứng, sản phẩm làm ra khó cạnh tranh trên thị trường. Trong khi đó hạ tầng cơ sở của tỉnh thấp kém, lạc hậu, nhất là giao thông.

Đồng chí Nguyễn Quốc Cường, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, từ năm 1998-2005 là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, nhớ lại: “Sau ngày tái lập, Bắc Giang là tỉnh thuần nông, kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân rất khó khăn.

Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trên cơ sở đánh giá đúng tình hình thực tế địa phương, để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra quyết sách phát triển công nghiệp và thực tế cho thấy đây là hướng đi đúng”.

Để thống nhất mục tiêu, quan điểm, giải pháp thực hiện, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2000-2005 xác định “khai thác tiềm năng, nội lực, có cơ chế, chính sách khuyến khích, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ từ trung ương tập trung đầu tư phát triển công nghiệp-TTCN”. Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về Chương trình phát triển công nghiệp - TTCN giai đoạn 2001-2005; đồng thời xác định các “năm công nghiệp” để tập trung chỉ đạo.

Quyết định số 121, ngày 3-7-2000 của UBND tỉnh Quy định về ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2000-2010.

Quyết định số 121, ngày 3-7-2000 của UBND tỉnh Quy định về ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2000-2010.

Thực tế, khi triển khai nghị quyết về phát triển công nghiệp, một bộ phận cán bộ, đảng viên còn mơ hồ bởi điểm xuất phát về công nghiệp của tỉnh hầu như không có gì. Để thực hiện nghị quyết, hàng loạt quyết sách ra đời. Nhằm thu hút DN đầu tư, ngày 3-7-2000, UBND tỉnh ban hành Quyết định 121 quy định ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh, đây được coi là quyết định “khai sơn, phá thạch”, tạo tiền đề ra đời hàng loạt quyết định về cải thiện môi trường đầu tư sau này.

Điểm chung của các chính sách ưu đãi của tỉnh đều thể hiện phương châm “quyền lợi ở mức tối đa, nghĩa vụ ở mức tối thiểu” cho các nhà đầu tư theo khung quy định của Nhà nước. Tỉnh thành lập Ban Quản lý Các khu công nghiệp; xuất bản các tài liệu giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư; cử các đoàn công tác vào các tỉnh phát triển mạnh công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… học tập kinh nghiệm quản lý, phát triển công nghiệp để vận dụng, chỉ đạo thực hiện; tổ chức các hội nghị kêu gọi đầu tư.

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, trên tinh thần lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý và DN, năm 2002, UBND tỉnh ban hành Quyết định 34 thay thế Quyết định 121 để tạo “đột phá” mới về ưu đãi, thu hút đầu tư, quy định rõ trình tự thủ tục đầu tư theo cơ chế “một cửa”, “một đầu mối”.

Từ thành quả bước đầu trong phát triển công nghiệp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp ủy, chính quyền rút ra những bài học kinh nghiệm bổ ích để tiếp tục vạch ra chủ trương, quyết sách lớn “soi đường, chỉ hướng” cho sự phát triển những năm sau, nổi bật là ra đời Khu công nghiệp Đình Trám - “địa chỉ đỏ” thu hút đầu tư phát triển công nghiệp đầu tiên của tỉnh.

Theo đó, các nhà đầu tư có nhu cầu thành lập DN và đầu tư tại Bắc Giang chỉ cần liên hệ đến đầu mối là Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau đó Sở sẽ có trách nhiệm phối hợp giải quyết đầy đủ thủ tục liên quan. Cách làm này đã tạo sự tin tưởng và thiện cảm với nhiều nhà đầu tư trong nước, nước ngoài.

Bên cạnh ưu đãi thu hút đầu tư, tỉnh huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông. Đầu những năm 2000, hàng loạt tuyến đường như quốc lộ 1A, 37, 31, các tuyến đường tỉnh về Yên Dũng, lên Tân Yên, Yên Thế được nâng cấp; hàng loạt cây cầu như cầu: Chũ, Bố Hạ, Lục Nam, Vát, Mỹ Độ… được xây dựng tạo sự kết nối giữa các vùng, miền trong tỉnh, thông thương với các tỉnh bạn để hấp dẫn nhà đầu tư.

Từ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, tình hình thu hút đầu tư phát triển công nghiệp của tỉnh đã thu được trái ngọt. Năm 2001 - năm đầu tiên thực nghị quyết về phát triển công nghiệp, chỉ tính riêng vốn đầu tư nước ngoài đã tăng 3 lần so với 10 năm trước cộng lại.

Năm 2002, số vốn này tăng 1,5 lần so với cả năm 2001. Nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài đã bén duyên và làm ăn có hiệu quả trên địa bàn tỉnh, nổi bật như: Công ty TNHH Vietpan Pacific chuyên về may mặc, Công ty TNHH bánh kẹo thực phẩm Tích Sỹ Giai… với vốn đầu tư gần 6,5 triệu USD. Cùng đó, hàng chục dự án đầu tư trong nước tiếp tục đầu tư vào tỉnh.

So với một số tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Phúc... dù vốn đầu tư vào tỉnh khi đó còn khiêm tốn nhưng đã đóng góp quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ.

Song điều quan trọng là từ thành quả bước đầu đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp ủy, chính quyền rút ra những bài học kinh nghiệm quý để tiếp tục vạch ra chủ trương, quyết sách lớn “soi đường, chỉ hướng” cho phát triển công nghiệp những năm sau, nổi bật là sự ra đời Khu công nghiệp (KCN)  Đình Trám - “địa chỉ đỏ” thu hút đầu tư phát triển công nghiệp đầu tiên của tỉnh.

Cho đến bây giờ, hẳn nhiều người dân Bắc Giang còn nhớ sự kiện diễn ra vào ngày 11-10-2003 - ngày khởi công xây dựng KCN Đình Trám - “địa chỉ đỏ” thu hút đầu tư phát triển công nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Dẫu vậy, để hoàn thiện hạ tầng và lấp đầy KCN này và những KCN tiếp theo, tỉnh gặp không ít khó khăn.

Ngày 7-12-1999, Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Bắc Giang quy hoạch xây dựng KCN Đình Trám diện tích 101 ha, thuộc địa bàn hai xã Hồng Thái, Hoàng Ninh (Việt Yên). Điều hiển nhiên là để KCN dần hình thành đồng nghĩa với phải giải phóng mặt bằng (GPMB), thu hồi diện tích đất tương ứng.


            Dây chuyền sản xuất ở Công ty TNHH Fuhong Precision Component (Khu Công nghiệp Đình Trám).

Dây chuyền sản xuất ở Công ty TNHH Fuhong Precision Component (KCN Đình Trám).

Một trong những lý do khiến GPMB KCN Đình Trám, tiếp đó là các KCN Quang Châu, Vân Trung gặp khó khăn là trước đó một DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật đứng chân trên địa bàn xã Hoàng Ninh (nay là thị trấn Nếnh) gây ô nhiễm môi trường khiến nhiều người dân bức xúc dựng lều bạt phản đối. Nhiều cán bộ được giao nhiệm vụ nắm bắt tình hình, tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận với hướng xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường của tỉnh và GPMB xây dựng các KCN. Cho đến giờ, Đại tá Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, nguyên Chính ủy Bộ CHQS tỉnh vẫn nhớ rõ những ngày “ba cùng” với nhân dân. Theo Đại tá Nguyễn Đức Thuận, chủ trương phát triển công nghiệp của tỉnh là đúng song do việc phổ biến các chủ trương, chính sách đến hộ dân chưa đầy đủ, chưa kể khi triển khai còn có thiếu sót nên quá trình thu hồi đất gặp những khó khăn. Không ít hộ dân cho rằng đã bao đời gắn bó với đồng ruộng, không còn đất canh tác sẽ không biết làm gì để sống, tương lai con cháu sẽ ra sao(?). Đã vậy, một số đối tượng xấu lợi dụng kích động nên lúc đầu nhiều hộ không bàn giao đất. Có cán bộ nghỉ hưu còn hùa theo những người không đồng tình với chủ trương chung. Nội bộ nhân dân ở một số thôn bị phân hóa, những hộ ủng hộ chủ trương của tỉnh bị tẩy chay, thậm chí bị đe dọa; nhiều hộ dân còn phải đóng góp một khoản tiền để phục vụ cho việc khiếu kiện, giữ đất. Hệ thống chính trị ở cơ sở một số nơi không phát huy được vai trò, nguy cơ trở thành “điểm nóng” ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự hiện hữu.

Trước tình hình trên, kiên trì với chủ trương phát triển công nghiệp, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tăng cường nắm bắt tình hình, tổ chức đối thoại, giải đáp ý kiến, kiến nghị của người dân; thành lập các tổ công tác, Đội GPMB tích cực vào cuộc. Con em địa phương công tác ở các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và huyện được giao nhiệm vụ tuyên truyền người thân gương mẫu chấp hành chủ trương của tỉnh. “Chúng tôi nắm bắt các đối tượng trong thôn, nhất là thành phần cộm cán, thậm chí có tiền án để tuyên truyền. Vừa mềm dẻo, linh hoạt, vừa kiên quyết với từng trường hợp nên khó khăn cũng dần qua”- Đại tá Nguyễn Đức Thuận kể.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, từng là cán bộ Đội GPMB KCN Quang Châu nhớ lại: “Bất kể nắng mưa, sớm tối, có điều kiện là chúng tôi phối hợp tuyên truyền, giải thích chủ trương, lợi ích của việc phát triển công nghiệp, cơ chế thu hồi, bồi thường GPMB song không phải ai cũng hiểu và đồng thuận ngay. Hộ đồng thuận còn đỡ, người kiên quyết phản đối thì buông đủ lời lẽ khó nghe. Nhận thức rõ nguyện vọng, lo lắng của đa số hộ dân là chính đáng, cán bộ GPMB kiên trì lắng nghe tâm tư, nguyện vọng từ đó tuyên truyền kết hợp tổng hợp để tham mưu, đề xuất với tỉnh, các ngành những giải pháp trước mắt và lâu dài trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, DN và hộ dân”.

Dây chuyền sản xuất găng tay xuất khẩu tại Công ty Glovenland vina (Việt Yên).

Dây chuyền sản xuất găng tay xuất khẩu tại Công ty Glovenland vina (Việt Yên).

Với những trường hợp cố tình không chấp hành, tỉnh chỉ đạo cưỡng chế thu hồi đất theo quy định của pháp luật, đồng thời xử lý nghiêm những đối tượng xúi giục, lôi kéo, kích động người dân khiếu kiện đông người, có hành vi chống đối, cản trở lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Những cán bộ có sai phạm liên quan đến bồi thường GPMB, thu hồi đất tùy mức độ cũng bị xử lý để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật và tạo niềm tin trong nhân dân.

Cho đến bây giờ, nhiều người dân Bắc Giang vẫn nhớ sự kiện diễn ra vào ngày 11-10-2003 - ngày khởi công xây dựng KCN Đình Trám - “địa chỉ đỏ” thu hút đầu tư phát triển công nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh. KCN được xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn DN, tổng vốn đầu tư khoảng 210 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước 184 tỷ đồng, còn lại là vốn DN (làm điện, nước). Ông Nguyễn Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN tỉnh, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin: “Đầu tư hạ tầng KCN Đình Trám, tỉnh phải nỗ lực rất lớn bởi thời điểm đó là tỉnh nghèo, ngân sách rất hạn hẹp. Để đáp ứng kỳ vọng, tỉnh tập trung huy động nguồn lực nội tại và hỗ trợ từ T.Ư để đầu tư. Đây là KCN sử dụng hình thức thu tiền thuê đất có hạ tầng (thu hằng năm), thuận lợi trong việc tiếp nhận các dự án, nhất là dự án trong nước hoặc dự án có tiềm lực tài chính thấp, phù hợp với những tỉnh mới đầu tư phát triển các KCN”.

KCN Song Khê - Nội Hoàng.

KCN Song Khê - Nội Hoàng.

Tại lễ khởi công KCN Đình Trám, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã gửi thông điệp mạnh mẽ đến nhà đầu tư, khẳng định Bắc Giang luôn coi trọng vai trò của DN, doanh nhân trong phát triển kinh tế. Tỉnh coi hiệu quả kinh tế, kinh doanh của DN như của địa phương. Lãnh đạo tỉnh cam kết cùng chia sẻ khó khăn, sẵn sàng lắng nghe, đối thoại vì sự phát triển bền lâu của DN. Kèm theo đó, hàng loạt chính sách ưu đãi thu hút đầu tư được ban hành như ưu đãi về giá thuê đất, thuế, phí sử dụng hạ tầng… Ngoài ra, các dự án có vốn đầu tư trong nước không thuộc danh mục nhà nước cấm đều được hưởng ưu đãi đầu tư theo ngành nghề… UBND tỉnh tạo điều kiện cho các DN vay vốn từ các nguồn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và xem xét hỗ trợ lãi suất vốn vay sau đầu tư; hỗ trợ 100% thuế thu nhập DN thực nộp vào ngân sách tỉnh trong 3 năm đầu và 50% cho 3 năm tiếp theo kể từ khi sản xuất kinh doanh có lãi. Các DN sử dụng lao động là người địa phương được xem xét hỗ trợ đến 50% kinh phí đào tạo nghề theo định mức của Nhà nước (mức tối đa không quá 500 nghìn đồng/lao động) và nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn khác.

Công ty TNHH Viettonic trong dây chuyền sản xuất.

Công ty TNHH Viettonic trong dây chuyền sản xuất.

Sau khi khởi công KCN Đình Trám, tỉnh cũng chấp thuận cho DN đầu tư dự án Cụm công nghiệp ô tô Đồng Vàng với số vốn hơn 4 nghìn tỷ đồng… Từ sự khởi đầu thuận lợi này, thời điểm đó, Bắc Giang kỳ vọng trong tương lai không xa, KCN Đình Trám, Cụm công nghiệp ô tô Đồng Vàng cùng với Cụm công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng (nay là KCN Song Khê - Nội Hoàng) ở gần đó sẽ tạo thành liên khu, cụm công nghiệp tầm cỡ của tỉnh.

Khu công nghiệp Vân Trung.

Khu công nghiệp Vân Trung.

Với những chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của tỉnh, đồng thời làm tốt công tác GPMB, tiến độ xây dựng hạ tầng được đẩy nhanh, chỉ trong thời gian ngắn, KCN Đình Trám đã có 25 DN đăng ký đầu tư với diện tích 62 ha, vượt kế hoạch đề ra. Trong số đó có nhiều DN lớn, nổi bật như: Công ty TNHH Hoa Hạ Việt Nam, Công ty TNHH Đầu tư sản xuất và Thương mại Phú Thịnh, Công ty cổ phần Thực phẩm Hoàng Gia.... Theo thời gian, số DN đầu tư vào KCN Đình Trám ngày càng tăng và đến năm 2009 đã lấp đầy với 141 dự án đầu tư thứ cấp, tổng vốn đầu tư 493 tỷ đồng và 366 triệu USD. Theo tính toán, suất đầu tư quy đổi ở KCN Đình Trám đạt 2,75 triệu USD/dự án và 3,91 triệu USD/ha đất công nghiệp. KCN giải quyết việc làm cho khoảng 23 nghìn lao động, trong đó có nhiều lao động địa phương.

Tuyến đường nối với quốc lộ 37 mới được đầu tư xây dựng góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp.

Tuyến đường nối với quốc lộ 37 mới được đầu tư xây dựng góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp.

Vạn sự khởi đầu nan, từ KCN mang dấu ấn lịch sử này là cơ sở để tỉnh đánh giá, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, triển khai thực hiện cũng như bổ sung các chủ trương, chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Thời gian qua đi, các KCN Quang Châu, Vân Trung cũng trên địa bàn huyện Việt Yên dần hình thành, đón nhà đầu tư đến triển khai dự án. Đến nay, tỉnh có 5 KCN đi vào hoạt động, tạo bước đột phá cho tăng trưởng và chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, từng bước đưa Bắc Giang trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp của cả nước.

Công nghiệp phát triển đã làm cho cuộc sống người dân thay đổi nhanh chóng. Từ quyết liệt phản đối thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp nay chính những người nông dân vốn hồn hậu, chất phác ấy đã trở thành triệu phú, tỷ phú.

Từ một làng quê thuần nông, người dân quanh năm gắn bó với ruộng đồng, đến nay các tổ dân phố My Điền 1, 2, 3, thị trấn Nếnh (Việt Yên) đã đổi thay hoàn toàn. Để thuận lợi cho công tác quản lý, từ năm 2012, làng My Điền cũ được tách ra thành ba thôn. Năm 2020, thị trấn Nếnh được thành lập trên cơ sở sáp nhập xã Hoàng Ninh và thị trấn Nếnh cũ; các thôn đổi tên thành tổ dân phố. Nhờ đồng thuận của nhân dân và chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, các KCN được xây dựng và ngày càng mở rộng, thu hút lượng lớn công nhân từ khắp các tỉnh về làm việc, sinh sống. Các tổ dân phố My Điền 1, 2, 3 luôn nhộn nhịp, nhất là giờ tan ca. Các khu nhà trọ “mọc” lên dày đặc đáp ứng nhu cầu thuê trọ của công nhân, người lao động. Chỉ tính riêng dịch vụ cho thuê nhà trọ, nhiều hộ có thu nhập hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, trở nên giàu có.

Dịch vụ cho thuê nhà trọ ở vùng ven khu công nghiệp mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân.

Dịch vụ cho thuê nhà trọ ở vùng ven khu công nghiệp mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, tổ dân phố My Điền 1 có hơn 50 phòng cho thuê trọ. Hiện gần 40 phòng có khách thuê với giá từ 1-1,2 triệu đồng/tháng. Tính ra mỗi tháng ông thu về hơn 40 triệu đồng, mỗi năm gần 400 triệu đồng. Được biết, ông Hùng là một trong những hộ cuối cùng ở tổ dân phố nhận tiền đền bù khi Nhà nước thu hồi đất làm KCN. Trước đây cuộc sống của gia đình ông với 5 khẩu chỉ trông vào 4 sào lúa và ít diện tích rau màu. Khi Nhà nước thu hồi đất, ông lo lắng đến mất ăn mất ngủ bởi số tiền bồi thường không đáng là bao, “miệng ăn núi lở”, không còn đất thì biết làm gì để sống. Không ngờ, những lời nói trước kia của cán bộ tuyên truyền nay đã thành sự thật. Công nghiệp về làng, người trẻ có việc làm, người trung và cao tuổi tham gia kinh doanh và làm nhiều dịch vụ khác. “Giờ đây, vợ chồng tôi còn bán thêm hàng tạp hóa, trái cây, mỗi ngày thu thêm vài trăm nghìn đến một triệu đồng. Không riêng gia đình tôi, hàng chục hộ ở tổ dân phố không có ruộng vẫn thu vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng mỗi năm”- ông Hùng nói.

Một trong những dãy nhà trọ xanh ở tổ dân phố My Điền 1, thị trấn Nếnh (Việt Yên).

Một trong những dãy nhà trọ xanh ở tổ dân phố My Điền 1, thị trấn Nếnh (Việt Yên).

Ở tổ dân phố My Điền 1, những hộ có vài chục đến cả trăm phòng trọ cho thuê khá nhiều, điển hình như các ông, bà: Thân Văn Tiễn (115 phòng), Thân Đức Bộ (83 phòng), Nguyễn Thị Lợi (50 phòng)... Theo ông Phùng Minh Toản, Tổ trưởng tổ dân phố My Điền 1, công nghiệp phát triển đã mang lại hiệu quả rõ nét, khẳng định hướng đi đúng của Đảng, thuyết phục nhân dân. Ông Toản viện dẫn, ở tổ dân phố có ông Nguyễn Văn C thường xuyên khiếu kiện về thu hồi đất, gửi đơn lên nhiều cấp vì cho rằng lấp ruộng làm KCN sẽ đói ăn. Tuy nhiên, giờ đây gia đình ông C dù không còn ruộng nhưng vẫn có 3 ki-ốt cho thuê bán hàng, mỗi tháng thu về hơn 30 triệu đồng. Nay, ông C đã tin tưởng, phấn khởi về sự phát triển công nghiệp ở địa phương.

Tại xã Quang Châu (Việt Yên), nơi một bộ phận người dân từng quyết liệt phản đối khi Nhà nước thu hồi đất làm KCN nay bà con cũng có cuộc sống khá giả. Toàn xã có hơn 600 hộ có nhà trọ cho thuê với gần 12 nghìn phòng, tập trung ở các thôn: Núi Hiểu, Quang Biểu, Tam Tầng, Nam Ngạn… Nhiều phòng trọ đã được cải tạo, nâng cấp, có ngăn vệ sinh khép kín, nhiều hộ lắp máy điều hòa, nóng lạnh hoặc cho phép người thuê tự lắp máy để tiện trong sinh hoạt. Trong đó hộ ông Nguyễn Văn Tuyên có số phòng trọ lớn nhất với 210 phòng. Với giá thuê trung bình 1 triệu đồng/phòng/tháng, gia đình ông thu về hơn 2 tỷ đồng/năm. Hộ ông Vũ Xuân Hồng, thôn Tam Tầng có 120 phòng trọ luôn kín khách, thu hơn 100 triệu đồng/tháng. Đây là khoản thu mà trước kia ngay cả trong mơ ông Hồng và nhiều hộ khác cũng không bao giờ nghĩ tới. Qua khảo sát, ở xã Quang Châu, những hộ có thu nhập hơn 100 triệu đồng/tháng từ cho thuê trọ chiếm khoảng 40% tổng số hộ kinh doanh nhà trọ.

Ngoài phục vụ nhu cầu ở trọ của công nhân, lao động, nhiều dịch vụ khác cũng phát triển mạnh khiến các khu dân cư quanh KCN luôn sầm uất. Đêm xuống, các tổ dân phố sáng rực, sôi động; cửa hàng, cửa hiệu được trang trí nhiều màu sắc. Sôi động nhất là từ 20 giờ đến 1-2 giờ sáng. Do phần nhiều công nhân đi làm cả ngày, nhu cầu mua sắm, ăn uống, giải trí tăng mạnh vào buổi tối nên các dịch vụ ở đây nở rộ theo. Trong câu chuyện về sự đổi thay ở tổ dân phố My Điền 2, bản thân ông Tổ trưởng Phùng Minh Nghị cũng thấy choáng ngợp. Nơi đây tập trung nhiều cửa hàng bán quần áo, giày dép, kính mũ thời trang, đồ gia dụng, điện tử, điện thoại, quán ăn vặt, thực phẩm chế biến sẵn, làm đẹp, cửa hàng vàng bạc, quán cà phê... Anh Nguyễn Thế Anh (31 tuổi), quê ở xã Xuân Hương (Lạng Giang), thuê cửa hàng rộng hơn 70 m2 từ 3 năm nay để kinh doanh và sửa chữa điện thoại với giá 15 triệu đồng/tháng. Để tiện sinh hoạt, anh đưa cả vợ con đến ở cùng. Thu nhập từ nghề này giúp anh đủ trang trải cuộc sống, tích cóp được tiền mua ô tô và nuôi con ăn học.

Tổ dân phố My Điền 2 có nhiều khu dân cư mới, vỉa hè rộng rãi, là nơi tập trung các cửa hàng sửa chữa xe máy, quán ăn đêm, nhà hàng và là một trong những “trung tâm giải trí về đêm” với các dịch vụ karaoke, cà phê, trà sữa…

Các dịch vụ ở thị trấn Nếnh (Việt Yên) phát triển mạnh.

Các dịch vụ ở thị trấn Nếnh (Việt Yên) phát triển mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Viễn, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Châu, thương mại dịch vụ là nguồn thu nhập chủ yếu của người dân trong xã. Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện, hỗ trợ để các DN, hộ kinh doanh hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Các DN, nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn được đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng phụ trợ khác. Hiện toàn xã có hơn 1.200 hộ sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tăng 300 hộ so với cùng kỳ năm trước. Trong đó dịch vụ cho thuê phòng trọ chiếm 70%, kinh doanh vận tải và vật liệu xây dựng chiếm 10%, còn lại là sản xuất kinh doanh khác. Xã có hơn 4 nghìn công nhân là người địa phương đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp và hơn 17 nghìn công nhân ở trọ. Ông Nguyễn Văn Cân, thôn Núi Hiểu có 45 phòng cho thuê trọ còn mở thêm quán bán nước giải khát và đồ ăn nhẹ, thu về 10-15 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên đánh giá, với 4 KCN, trong đó 3 KCN đã lấp đầy, 1 KCN có nhà đầu tư đang xây dựng, Việt Yên là huyện trọng điểm công nghiệp của tỉnh. Đến năm 2030, huyện dự kiến có 11 KCN, tăng 7 KCN so với năm 2021. Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp đã góp phần rất lớn vào giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển, nhất là thương mại dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2022 của huyện đạt 2.295 tỷ, tăng 18% so với cùng kỳ.


            Từ phát triển công nghiệp, diện mạo các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đổi thay nhanh chóng.

Từ phát triển công nghiệp, diện mạo các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đổi thay nhanh chóng.

Huyện Yên Dũng cũng có sự đổi thay nhanh chóng. Từ vùng quê chiêm trũng, đến nay huyện đã bứt phá mạnh mẽ. Tại các xã ven KCN như Nội Hoàng, Yên Lư, đường bê tông thảm nhựa kéo dài đến từng ngõ xóm. Giao thông rộng mở, thôn xóm yên vui, các DN yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh tại địa bàn. Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện chia sẻ, hiện Yên Dũng đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2022. Xác định, muốn phát triển kinh tế thì giao thông phải đi trước một bước, huyện đã dồn lực đầu tư làm đường. Thời điểm này ở nhiều xã trên địa bàn huyện như đại công trường thi công các tuyến đường kết nối, mở hướng phát triển trở thành huyện công nghiệp trọng điểm của tỉnh.

Một góc xã Ninh Sơn (Việt Yên) hôm nay.

Một góc xã Ninh Sơn (Việt Yên) hôm nay.

Khai thác lợi thế vùng ven KCN, các xã: Tăng Tiến, Hồng Thái, Quang Châu (Việt Yên), Nội Hoàng (Yên Dũng)... đã đạt và vượt rất cao tiêu chí nông thôn mới. Kinh tế phát triển, địa phương có điều kiện đầu tư các công trình phục vụ dân sinh như nhà văn hóa, trung tâm thể thao, các tuyến đường xanh bóng cây, có đèn chiếu sáng. Các loại hình tổ nhóm, câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao ở nhiều thôn xóm ra đời, sinh hoạt, luyện tập thường xuyên làm nhịp sống thêm tươi vui. Những làng quê thuần nông, chiêm trũng xưa nay trở thành khu đô thị, “phố trong làng”- điều hai thập niên trước những người có trí tưởng tượng phong phú đến mấy cũng không thể hình dung.

Từ Khu công nghiệp KCN Đình Trám - “Địa chỉ đỏ” thu hút đầu tư đầu tiên của tỉnh, sau gần 20 năm, Bắc Giang đã có 8 KCN, trong đó 5 KCN cơ bản lấp đầy, 3 KCN đang hoàn tất giải phóng mặt bằng, thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Đáng chú ý, hạ tầng KCN được đầu tư xây dựng ở giai đoạn sau cải thiện hơn hẳn nhờ tỉnh thu hút chủ đầu tư có tiềm lực và sử dụng vốn DN thay vì ngân sách nhà nước như trước. Các DN vận hành, quản lý hạ tầng KCN một cách bài bản cùng với sự hỗ trợ tích cực của tỉnh giúp nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh. Nếu giai đoạn 1997-2005, thu hút đầu tư rất khó khăn, trong 9 năm chỉ có 52 dự án, gồm 47 dự án trong nước, 5 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với số vốn 846,38 tỷ đồng và 14,12 triệu USD thì từ năm 2006 đến nay đã tăng mạnh cả về số dự án và số vốn. Liên tục những năm gần đây, Bắc Giang ở tốp 10 tỉnh, TP dẫn đầu toàn quốc về thu hút FDI. 10 tháng năm nay, thu hút đầu tư vào tỉnh đạt hơn 1,1 tỷ USD, trong đó thu hút FDI đạt hơn 890 triệu USD, đứng thứ 6 cả nước.

Dây chuyền kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm tại Công ty TNHH Daeyang Hà Nội, Cụm công nghiệp Đồng Đình (Tân Yên).

Dây chuyền kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm tại Công ty TNHH Daeyang Hà Nội, Cụm công nghiệp Đồng Đình (Tân Yên).

Trong các nhà đầu tư sản xuất tại Bắc Giang có nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới, nổi bật như Foxconn, Luxshare. Đây cũng là hai tập đoàn có số lao động và quy mô dẫn đầu các DN FDI trong tỉnh. Công ty TNHH Luxshare ICT (Việt Nam) là công ty con của Tập đoàn Luxshare - ICT Precision (1 trong 6 tập đoàn sản xuất linh kiện điện tử hàng đầu Trung Quốc). Tập đoàn LuxShare ICT triển khai tại Bắc Giang dự án đầu tư sản xuất linh kiện điện tử với số vốn 100 triệu USD; sản phẩm chủ yếu là dây cáp và đầu nối máy vi tính thiết bị điện tử tiêu dùng, dây cáp xe hơi và cho y tế.

Công nhân Công ty FuHong Precision Component (KCN Đình Trám) trong dây chuyền sản xuất.

Công nhân Công ty FuHong Precision Component (KCN Đình Trám) trong dây chuyền sản xuất.

Còn Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn) là một trong những tập đoàn quy mô lớn nhất thế giới trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin và máy tính. Tại KCN Quang Châu, Foxconn là DN FDI đầu tư có quy mô lớn với các dự án đầu tư bắt đầu từ năm 2019; hiện tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 773 triệu USD. Năm 2022, với kế hoạch tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư tại Bắc Giang, Tập đoàn Foxconn cùng với Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc và Công ty cổ phần KCN Sài Gòn - Bắc Giang đã thỏa thuận cùng hợp tác, đi đến ký kết Biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu thuê lại 50,5 ha đất tại KCN Quang Châu. Foxconn dự kiến đầu tư vào dự án mới này với tổng mức đầu tư hơn 300 triệu USD, sử dụng hơn 30 nghìn lao động.

Theo Sở Công Thương, đến nay, trong 5 KCN trên địa bàn tỉnh có 403 DN đang hoạt động và 232 DN tại các cụm công nghiệp. Ngoài ra còn hơn 10 nghìn DN hoạt động ở ngoài khu, cụm công nghiệp.

Thu hút đầu tư tăng mạnh đã đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm của tỉnh (GRDP) giai đoạn 2016-2020 bình quân đạt 13,8%/năm, riêng công nghiệp tăng 23,2%. Năm 2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến tình hình kinh tế -xã hội song tăng trưởng GRDP của tỉnh vẫn đạt 7,82%, đứng thứ 10 cả nước, trong đó tăng trưởng công nghiệp đạt 12,7% (đứng thứ 4 cả nước). 9 tháng năm nay tăng trưởng GRDP đạt gần 24%, dẫn đầu cả nước. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế tăng từ 7% (năm 2000) lên gần 58% (năm 2021). Các DN hồi phục nhanh, không ngừng mở rộng sản xuất, kinh doanh sau dịch.

Xưởng sản xuất ở Công ty TNHH Alpha Green Tech Vina, KCN Hòa Phú (Hiệp Hòa).

Xưởng sản xuất ở Công ty TNHH Alpha Green Tech Vina, KCN Hòa Phú (Hiệp Hòa).

Những ngày này, Công ty TNHH Đồ gia dụng Blue&Green (KCN Quang Châu) đang tập trung hoàn thành các đơn hàng cho đối tác bảo đảm đúng hạn. Là DN nước ngoài hoạt động tại Bắc Giang từ năm 2019, đơn vị chuyên ép nhựa, đồ gia dụng, linh kiện, 50% sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, còn lại cung cấp cho DN trong nước. Ông Lu Công, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết: “Năm nay, được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng tỉnh, DN kết nối nhiều đối tác nên sản xuất dần ổn định, doanh thu 10 tháng đạt hơn 100 tỷ đồng, bằng cả năm ngoái”. Được biết, mới đây, DN đầu tư hơn 2,4 triệu USD mở rộng dây chuyền mới tại KCN Vân Trung, dự kiến vận hành vào đầu năm tới.

Công ty TNHH BOI Việt Nam (KCN Quang Châu) chuyên sản xuất linh kiện điện tử, bản mạch, thiết bị đo lường với hơn 400 lao động. Công ty đang đầu tư mở rộng quy mô tại KCN Việt Hàn với số vốn 12,6 triệu USD và sản xuất thêm một số sản phẩm mới, tăng số công nhân lên 3-4 lần so với hiện tại.

Nhìn chung, sau một thời gian ổn định các điều kiện quay trở lại sản xuất, các DN đẩy mạnh tăng ca để hoàn thiện đơn hàng đúng hợp đồng, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Sản xuất công nghiệp do vậy tiếp tục duy trì đà phục hồi mạnh. Hầu hết các ngành sản xuất chủ lực đều hoạt động ổn định, tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất công nghiệp 10 tháng đạt gần 339 nghìn tỷ đồng, tăng gần 45% so với cùng kỳ. Đóng góp chính cho giá trị sản xuất công nghiệp là DN khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với gần 300 nghìn tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt cao, hàng hóa xuất khẩu lớn đã đưa Bắc Giang lọt tốp 8 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là hàng dệt may, da giày, máy tính, sản phẩm điện tử, điện thoại, thiết bị điện, sản phẩm từ chất dẻo.

Qua đánh giá, các DN sản xuất, kinh doanh tại Bắc Giang đã tạo việc làm cho hơn 23 vạn lao động ở 61 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó Tập đoàn Foxconn giải quyết việc làm cho hơn 48 nghìn lao động, Tập đoàn Luxshare hơn 53 nghìn lao động… Để DN yên tâm “làm tổ” tại địa phương, Bắc Giang luôn tạo điều kiện tối đa về mọi mặt. Để thống nhất trong chỉ đạo, ngày 6-5-2016, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 73 về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020. Tiếp đó, ngày 28-4-2021, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 105U về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025. Thực hiện Nghị quyết, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, TP nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, trọng tâm là cải tiến lề lối làm việc, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo; đẩy mạnh thu hút đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Những năm qua, Bắc Giang luôn chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Ảnh - Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề công nghệ Việt - Hàn trong giờ thực hành.

Những năm qua, Bắc Giang luôn chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Ảnh - Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề công nghệ Việt - Hàn trong giờ thực hành.

Hoạt động tiếp xúc, đối thoại với DN, nhà đầu tư được thực hiện thường xuyên. Định kỳ hằng tháng, Chủ tịch UBND tỉnh gặp mặt, tiếp xúc với các DN, nhà đầu tư để nắm bắt tình hình hoạt động, những khó khăn, vướng mắc để kịp thời chỉ đạo, hỗ trợ. Từ ngày 1-8-2016, UBND tỉnh thiết lập đường dây nóng 24/24 giờ để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống nhân dân. Cùng đó, UBND tỉnh chủ động tăng cường trao đổi thông tin với địa phương các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc để tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư và thúc đẩy thương mại. Bắc Giang cũng là tỉnh sớm thành lập Trung tâm Hành chính công (nay là Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh). Đây là nơi tiếp nhận và trả kết quả của các sở, ngành; đồng thời giám sát, theo dõi việc tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính, không để xảy ra tình trạng “trên trải thảm đỏ, dưới rải đinh”, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và DN. Các huyện, thành phố phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư giải phóng mặt bằng, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án. Ông Huang Bin, Giám đốc Công ty TNHH In ấn và Bao bì JinYongli Việt Nam (KCN Vân Trung) chia sẻ, kết quả đánh giá tác động môi trường là một trong những căn cứ quan trọng để dự án đi vào hoạt động. Nhờ có sự hướng dẫn rất trách nhiệm của cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang đã giúp DN hoàn thiện thủ tục này, đưa nhà máy vào vận hành theo đúng kế hoạch.

Một góc KCN Vân Trung.

Một góc KCN Vân Trung.

Với những giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền và đồng thuận của người dân, theo thời gian, ngày càng có nhiều DN lựa chọn Bắc Giang làm điểm đến đầu tư. Thời gian qua, Bắc Giang cũng đón đoàn công tác nhiều tỉnh như: Bình Phước, Hậu Giang, Tây Ninh, Tuyên Quang… đến nghiên cứu kinh nghiệm quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, đô thị trên địa bàn tỉnh.

Sau hơn 20 năm tập trung phát triển công nghiệp, Bắc Giang đã đạt được thành tựu quan trọng, đó là thoát khỏi tỉnh thuần nông mà vẫn thiếu lương thực. Không có thành công nào đến mà không phải đánh đổi bằng sự cố gắng, kiên trì, thậm chí cả thất bại. Do đó, việc nhìn nhận những hạn chế để kịp thời có biện pháp khắc phục và rút ra bài học kinh nghiệm, tiếp tục đưa Bắc Giang trở thành trung tâm công nghiệp của vùng là rất cần thiết.

Dù đạt được nhiều thành tựu nổi bật song theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong phát triển công nghiệp, chất lượng, hiệu quả của nhiều dự án chưa cao, chưa có nhiều dự án đóng góp lớn cho ngân sách; các dự án phần lớn là gia công, lắp ráp, sử dụng lớn lao động phổ thông, giá trị gia tăng thấp. Vẫn còn tình trạng nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án khi chưa đầy đủ thủ tục về đầu tư, xây dựng, đầu tư xây dựng các hạng mục công trình không có giấy phép. Kết quả rà soát mới đây của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, có tổng số 78 dự án chưa thực hiện các thủ tục về bảo vệ môi trường (chiếm 5,59% tổng số dự án); trong đó 14 dự án đã được chấp thuận đầu tư từ năm 2018 trở về trước nhưng đến nay nhà đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục về môi trường và 64 dự án mới được chấp thuận đầu tư từ tháng 9-2020 đến nay.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Suntech -JSC (Hiệp Hòa).

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Suntech -JSC (Hiệp Hòa).

Công tác xúc tiến đầu tư chậm đổi mới, hiệu quả chưa cao. Những năm qua, để tập trung thu hút đầu tư, tỉnh đã chủ động xây dựng quy hoạch các khu, cụm công nghiệp (CCN), quy hoạch phát triển đô thị, nông nghiệp, các khu dịch vụ du lịch; nhiều chính sách được ban hành. Dù vậy, cơ sở hạ tầng các khu, CCN chưa được đầu tư hoàn thiện; nhiều dự án đầu tư có quy mô nhỏ, công nghệ thấp, tiêu hao năng lượng, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; suất đầu tư trên 1 ha đất sử dụng chưa cao. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các DN đầu tư nước ngoài chưa tương xứng với năng lực, lợi thế và những chính sách ưu đãi đối với khu vực này. Số dự án quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, có giá trị gia tăng cao vẫn ít; hiệu quả thu được từ các dự án đầu tư còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào khu, CCN chưa đồng bộ, thiếu các thiết chế văn hóa - xã hội thiết yếu, nhất là nhà ở xã hội dành cho công nhân. Ông Ngô Thế Thúy, tổ dân phố My Điền 1, thị trấn Nếnh (Việt Yên) chia sẻ: “Công nhân đông, người dân tăng thu nhập từ dịch vụ nhưng lại thêm nỗi lo về môi trường, rồi những vấn đề phát sinh về an ninh trật tự. Rác thải ngày một nhiều lên trong khi việc thu gom, xử lý lại hạn chế dẫn đến mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân”.

Thực tế cho thấy, những hạn chế trên có cả yếu tố khách quan và chủ quan song yếu tố chủ quan vẫn là chủ yếu. Nổi bật là một số cơ quan, ban, ngành và cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, chậm đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Một bộ phận cán bộ, đảng viên còn thụ động, ngại khó khăn, thiếu linh hoạt, chưa quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Bắc Giang được xác định là một trung tâm trong tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, kết nối từ Lạng Sơn với Bắc Giang và các đô thị khác trên tuyến. Khai thác lợi thế và tiềm lực sẵn có, ngày 15-7-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 147 về phát triển công nghiệp giai đoạn 2021-2030, trong đó xác định rõ: Nhất quán, kiên trì, kiên định quan điểm đẩy mạnh phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp là trụ cột, động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững; phát triển công nghiệp đồng bộ với phát triển đô thị, dịch vụ để tạo ra “hệ sinh thái công nghiệp”. Tập trung thu hút đầu tư theo hướng: Ưu tiên thu hút các DN lớn có tính chất dẫn dắt, kết nối DN khác; chấp thuận có chọn lọc các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp theo phương châm lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Hệ thống giao thông được đầu tư tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư phát triển công nghiệp.

Hệ thống giao thông được đầu tư tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư phát triển công nghiệp.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 có 29 KCN, trở thành tỉnh trọng điểm về công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng. Hiện thực mục tiêu này, Bắc Giang đi đầu và là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2050. Theo quy hoạch, Bắc Giang có 10 nghìn ha đất phát triển công nghiệp cho giai đoạn 2021-2030 với 29 KCN, 63 CCN.

Công nhân Công ty cổ phần May Lạng Giang (LGG) trong dây chuyền sản xuất.

Công nhân Công ty cổ phần May Lạng Giang (LGG) trong dây chuyền sản xuất.

Chủ tịch UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án KCN; phân công rõ trách nhiệm cho các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư trong quá trình thực hiện để kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, rút ngắn thời gian thực hiện các công việc và bảo đảm tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật hiện hành. Công tác đầu tư hạ tầng được quan tâm. Hiện Bắc Giang tổ chức đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, cấp điện, cấp thoát nước) đến ranh giới dự án, đồng thời hỗ trợ tiếp cận vay vốn tín dụng từ ngân hàng, quỹ đầu tư và có chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn của địa phương. Khuyến khích các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, các DN sản xuất trong KCN sử dụng nhiều lao động, nhà đầu tư khu đô thị gần KCN thực hiện xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thương mại, dịch vụ, thể dục thể thao, bãi đỗ xe… tại các khu nhà ở cho công nhân.

Tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Đi đôi với giải pháp trên, tỉnh đang tập trung giải quyết những vấn đề xã hội liên quan đến người lao động, vấn đề phát sinh khi phát triển công nghiệp như: Tăng cường đầu tư xây dựng trường học quanh khu, CCN; xây dựng nhà trọ an toàn, văn minh, khu vui chơi, giải trí bảo đảm đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân; chú trọng thu gom, xử lý rác thải; giảm tải ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Tỉnh cũng chỉ đạo sát sao về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính và chuyển đổi số phục vụ DN, nhà đầu tư.

Bài học rút ra trong phát triển công nghiệp ở Bắc Giang đó là bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH, trong quá trình thực hiện có nhiều sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Ngay từ rất sớm, tỉnh thành lập, xây dựng các KCN trong điều kiện vận dụng linh hoạt các chính sách để thu hút đầu tư vào địa bàn. Đồng chí Nguyễn Đăng Khoa, nguyên Chủ tịch UBND, thời điểm khởi công KCN Đình Trám là Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ: Năm 1999, tỉnh đã quy hoạch KCN đầu tiên là Đình Trám và đưa ra nhiều ưu đãi hấp dẫn để mời gọi nhà đầu tư về hạ tầng và kinh doanh KCN. Trong số vài nhà đầu tư quan tâm có Tổng Công ty Sông Đà đã về tiếp cận, nghiên cứu song không nhận lời ở lại vì hệ thống hạ tầng giao thông lúc đó còn nhiều khó khăn, đầu tư không hiệu quả. Trước tình hình đó, được sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh quyết định đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN bằng vốn ngân sách nhà nước, nhờ đó KCN đầu tiên của tỉnh đã hình thành tạo tiền đề thuận lợi cho sự ra đời các KCN sau này. Kết quả trên là sự vận dụng sáng tạo của lãnh đạo tỉnh vào điều kiện cụ thể địa phương, nếu cứ trông chờ vào nhà đầu tư bên ngoài thì khó có được bước chạy đà thuận lợi để ra đời các KCN sau này.

Xưởng sản xuất ở Công ty TNHH Alpha Green Tech Vina, KCN Hòa Phú (Hiệp Hòa).

Xưởng sản xuất ở Công ty TNHH Alpha Green Tech Vina, KCN Hòa Phú (Hiệp Hòa).

Kinh nghiệm thứ hai là tỉnh kết hợp hài hòa giữa hai lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, trong đó phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa để ổn định đời sống nhân dân; tập trung phát triển công nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài là nguồn vốn bổ sung quan trọng đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển, đồng thời tạo việc làm cho hàng chục vạn lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Qua phát triển công nghiệp từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; người lao động từng bước hình thành tác phong công nghiệp, có ý thức tổ chức kỷ luật trong lao động.

Bài học kinh nghiệm nữa của Bắc Giang trong phát triển công nghiệp là tỉnh kịp thời ban hành chủ trương, quan điểm về phát triển công nghiệp tạo ra sự thống nhất, đồng bộ trong cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Cùng đó, sớm lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương thu hút đầu tư và triển khai thực hiện các KCN; đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật về giao thông, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội… ; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính; hỗ trợ pháp lý cho nhà đầu tư; ứng dụng công nghệ thông tin; tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư KCN tổ chức thi công xây dựng; ban hành các kế hoạch thực hiện cho từng KCN để tổ chức triển khai đồng bộ. Đặc biệt, tỉnh thành lập các tổ công tác hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện thủ tục pháp lý trong quá trình triển khai dự án. Đổi mới tư duy từ cho phép, cấp phép sang tư duy phục vụ người dân, DN, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Trên địa bàn huyện Việt Yên hiện có 4 KCN, giải quyết việc làm cho hàng chục vạn lao động.

Trên địa bàn huyện Việt Yên hiện có 4 KCN, giải quyết việc làm cho hàng chục vạn lao động.

Không có thành công nào đến mà không phải đánh đổi bằng sự cố gắng, kiên trì, thậm chí cả những thất bại. Với quyết tâm cao của các cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của người dân, từ những thành quả nổi bật đạt được, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, với hạ tầng và môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện, đến năm 2030, Bắc Giang hoàn toàn có thể trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất