Các tác giả nhận Giải B - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ II - năm 2017.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: "Các đồng chí đều là cán bộ cao cấp, đều giữ những trách nhiệm quan trọng. Công việc thành hay là bại một phần lớn là do nơi tư tưởng đạo đức, thái độ và lề lối làm việc của các đồng chí"(*). Thời gian qua, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, trong đó có TP Cần Thơ, đang ra sức xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Đồng thời, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Nâng cao năng lực lãnh đạo, phẩm chất của người đứng đầu- vấn đề cấp bách
Bài 1: Phát huy vai trò "đầu tàu"
Thời gian gần đây, cụm từ "trách nhiệm người đứng đầu" được nhắc đến nhiều và trở nên quen thuộc. Nội hàm của nó chứa đựng trọng trách khá nặng nề của người đứng đầu. Do đó, để một tập thể phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội, đòi hỏi người đứng đầu phải phát huy vai trò chỉ đạo, điều hành, sâu sát cơ sở, dám làm, dám chịu trách nhiệm...
Gần dân, sát dân
Dưới cái nắng hanh hanh trải dài trên đồng lúa vàng, đồng chí Nguyễn Đức Phong, Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Lộc ra thăm cánh đồng người dân đang thu hoạch. Một thương lái ở ấp Tân An, xã Thạnh Lộc, vừa đứng nhìn chiếc máy gặt đập liên hợp chạy trên ruộng, vừa nói với tôi: "Mưa gió thất thường, sản lượng lúa có sụt hơn so với năm ngoái. Vụ nào đi thu mua lúa tôi cũng thấy chính quyền ở đây ra thăm các ruộng lúa, hỏi han người dân chuyện làm ăn, phát triển kinh tế gia đình".
Nhiều người dân ở ấp Tân Lập, xã Thạnh Lộc, còn nhớ chuyện được các cán bộ xã đến nhà vận động chuyển đổi cây trồng để bây giờ nơi này là những vườn cam, quýt xanh tươi cho trái đầu mùa. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Đức Phong nhớ lại: Thấy một số bà con để vườn tạp không đem lại hiệu quả kinh tế. Sau khi đi học tập kinh nghiệm ở một số nơi, tôi đề xuất vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ vườn tạp, sang trồng cam, quýt. Khi đó, nhiều ý kiến cho rằng vùng này trồng cam, quýt không phù hợp.
Sau khi phân tích từ tình hình thời tiết, khí hậu đến thổ nhưỡng, đồng chí Bí thư cho rằng đất đai, khí hậu ở xã là tương đối thuận lợi cho phát triển loại cây ăn trái này nên đề nghị bàn giải pháp thực hiện. "Người đứng đầu phải quyết đoán nhưng không phải là độc đoán. Khi đưa một vấn đề ra bàn bạc, người đứng đầu phải biết định hướng và phân tích thấu đáo để các đồng chí trong Đảng ủy cùng thống nhất thực hiện"- Đồng chí Nguyễn Đức Phong nói. Đến nay toàn xã đã có 9,6ha đất trồng cam, quýt (chiếm hơn 50% diện tích đất trồng cây ăn trái).
Thạnh Lộc hôm nay diện mạo đang thay đổi từng ngày. Nhà cửa khang trang, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Trong năm 2016, toàn xã đã thực hiện xây mặt cứng được gần 9.000m đường; xây dựng mới 7 cây cầu giao thông nông thôn (người dân đóng góp hơn 1,3 tỉ đồng để xây dựng cầu, đường). Toàn Đảng bộ, toàn dân xã Thạnh Lộc đang quyết tâm phấn đấu hoàn thành 4 chỉ tiêu còn lại về chợ nông thôn, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập và hộ nghèo để tháng 8-2017 được công nhận xã nông thôn mới.
Anh Nguyễn Thanh Tùng, ở ấp Thạnh Quới 2, xã Thạnh Lộc, chia sẻ: "Xã Thạnh Lộc của tôi đã thay đổi rất nhiều, đời sống người dân cũng nâng lên. Lãnh đạo xã thân thiện, chỉ đạo cán bộ công chức thực hiện nhiệm vụ nhiệt tình, nghiêm túc. Để được như vậy, theo tôi, lãnh đạo xã đã phát huy mạnh mẽ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và chọn đúng người thực hiện chức trách nhiệm vụ".
Nhiều năm qua, thành phố luôn chủ trương hướng về cơ sở, các thành viên trong Ban Thường vụ Thành ủy, Quận ủy, Huyện ủy đều được phân công chỉ đạo từng đảng bộ trực thuộc cụ thể, từ đó có những chỉ đạo sát hợp thực tế và tạo được sự "thay da đổi thịt" rõ nét ở các địa phương. Trong năm 2016, lãnh đạo thành phố và các địa phương đã nhiều lần đến với những mô hình sản xuất, tổ hợp tác, các địa phương… để nắm bắt tình hình, nghe người dân bày tỏ tâm tư nguyện vọng và những khó khăn trong cuộc sống, trong hoạt động sản xuất… Từ đó, đã có những bước tháo gỡ khó khăn cho người dân.
Phát huy dân chủ
"Người đứng đầu phải dám làm, dám chịu trách nhiệm, mạnh mẽ, quyết tâm, quyết đoán nhưng phải phát huy dân chủ"- đó là quan điểm của chú Hoàng Vinh Quang, Bí thư Đảng bộ Bộ phận khu vực 5, phường An Thới, quận Bình Thủy. Với cách làm "chậm mà chắc" của chú Quang đã đưa khu vực 4 năm liền đạt Cờ thi đua xuất sắc của phường và Đảng bộ đạt danh hiệu "Trong sạch, vững mạnh tiêu biểu". Chú Quang bộc bạch: "Là người "cầm lái", khi tiếp nhận chủ trương, chỉ tiêu ở trên giao, tôi phải luôn suy nghĩ cách để thực hiện hiệu quả. Sau khi vạch ra được kế hoạch thực hiện, đem ra bàn bạc trong Đảng bộ để đi đến thống nhất trong thực hiện. Nếu có ý kiến còn "lừng chừng" phải tiếp tục bàn bạc và khẳng định phải bàn cho ra giải pháp thực hiện hiệu quả theo chủ trương của trên giao chứ không được bàn ra. Sau khi đã thống nhất triển khai thực hiện, Đảng bộ sẽ phân công người kiểm tra, giám sát thường xuyên để kịp thời uốn nắn, chỉnh sửa nếu cách làm chưa phù hợp".
Trong năm 2016, khu vực đã vận động nhân dân đóng góp hơn 500 triệu đồng sửa chữa, nâng cấp một số tuyến hẻm, lắp đèn chiếu sáng công cộng… Để có được kết quả này, đồng chí Bí thư Đảng bộ Bộ phận khu vực 5 đi nắm tình hình để xác định mức độ bức xúc của người dân đối với tuyến đường đó, rồi tổ chức họp dân để người dân bàn bạc công khai và thống nhất thực hiện. Quá trình triển khai, người dân bầu ra Ban đại diện theo dõi, giám sát công trình và quản lý công khai tiền bạc… Bên cạnh đó, Đảng ủy Bộ phận còn đề nghị các chi bộ vận động tất cả đảng viên cùng chung tay thực hiện.
Đồng chí Hoàng Vinh Quang cho biết: "Quan điểm của tôi là "đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Đảng viên phải thể hiện vai trò của mình. Những buổi họp đảng viên giữ mối liên hệ nơi cư trú tôi thường thông báo để đảng viên nắm những công việc khu vực đang thực hiện để ủng hộ về trí tuệ cũng như vật chất, tinh thần. Mọi việc bắt đầu từ đảng viên nên dựa vào đảng viên là chính".
Để lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị, địa phương phát triển về mọi mặt, theo đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ, Chủ tịch HĐND thành phố, người đứng đầu phải khiêm tốn, giản dị, tác phong sâu sát thực tế, gần gũi để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm...
Kết quả công bố Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (Chỉ số PAPI) năm 2016, cho thấy năm 2015 thành phố đứng hàng thứ 2 về Chỉ số PAPI và năm 2016 thành phố đã vươn lên dẫn đầu cả nước về Chỉ số này. Trong đó, chỉ số nội dung tham gia của người dân ở cấp cơ sở vào đời sống chính trị, kinh tế xã hội và trách nhiệm giải trình với người dân của TP Cần Thơ được đánh giá khá tốt, đứng trong nhóm đạt điểm cao nhất. Thông qua các diễn đàn đối thoại với người dân về cải cách hành chính, khiếu nại- tố cáo, đối thoại với doanh nghiệp… đã giúp lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương nâng cao hiệu quả điều hành, quản lý. Đồng thời, có những chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế địa phương, đơn vị nhằm chăm lo tốt nhất đời sống của người dân.
Năm 2016, Đảng bộ thành phố có 709 tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ). Qua đánh giá có 439 TCCSĐ đạt trong sạch vững mạnh (chiếm 62,62%), trong đó có 107 TCCSĐ đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu (chiếm 24,37%); có 30,96% TCCSĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ; chỉ có 6,13% TCCSĐ hoàn thành nhiệm vụ và 0,29% TCCSĐ yếu kém. |
(Còn nữa)
Sơn Hà
(*) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2002
Nâng cao năng lực lãnh đạo, phẩm chất của người đứng đầu- vấn đề cấp bách
Bài 2: Bài học rút ra từ thực tiễn: cán bộ thiếu sâu sát
Có những người đứng đầu luôn gần dân, sát dân, phát huy dân chủ, đoàn kết nội bộ đưa tập thể đi lên, góp sức cùng TP Cần Thơ chăm lo đời sống người dân, phát triển kinh tế xã hội. Nhưng thời gian qua, vẫn còn cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu đơn vị, chưa thể hiện tính tiền phong, gương mẫu. Thậm chí, có trường hợp còn thiếu sâu sát, quan liêu, "tự chuyển hóa" làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đơn vị. Những "con sâu" đó đã và đang bị phát hiện, loại khỏi hàng ngũ của Đảng, xây dựng đội ngũ trong sạch, củng cố niềm tin của nhân dân.
Buông lỏng quản lý
Theo đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, thời gian qua, những cơ quan, đơn vị để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, nhìn một cách tổng thể, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên chưa được coi trọng, hiệu quả chưa cao. Một số cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu ở một số cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa có quyết tâm chính trị cao, thiếu kiểm tra, giám sát, chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh, phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng. Ngoài ra, một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tiền phong, gương mẫu, thiếu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao…
Lợi dụng sơ hở của Hiệu trưởng trong khâu ký duyệt, nguyên Trưởng phòng Tài vụ kiêm Kế toán trưởng Trường Cao Đẳng nghề Du lịch Cần Thơ đã nâng khống tiền lương, phụ cấp, làm khống ủy nhiệm chi trong khoảng thời gian dài (từ tháng 7-2010 đến ngày bị bắt 25-8-2016)… chiếm đoạt số tiền hơn 7,1 tỉ đồng. Dư luận đặt ra việc ký các giấy tờ của hiệu trưởng, người đứng đầu một đơn vị, sao quá dễ dãi. Ông Đinh Công Út, Phó Ban Thường trực Ban Nội chính Thành ủy, cho rằng: Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải cẩn trọng, thường xuyên kiểm tra, giám sát nhân viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao… Trách nhiệm người đứng đầu nếu được thực hiện nghiêm sẽ là giải pháp hữu hiệu trong đấu tranh với tệ nạn vô trách nhiệm, đổ lỗi cho tập thể… "Vụ tham ô tài sản nêu trên do cơ quan điều tra phát hiện và khởi tố, vụ án chưa kết thúc. Sau khi kết thúc điều tra và đưa ra xét xử thì tùy theo mức án ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng sẽ có mức xử lý kỷ luật tương ứng đối với người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu theo quy định của pháp luật"- ông Lê Hoàng Thông, Phó chánh Thanh tra thành phố, cho biết.
Cũng có trường hợp người đứng đầu không dám chịu trách nhiệm, đổ lỗi cho tập thể, cho cấp dưới, nhưng rồi cũng phải lãnh hậu quả. Nguyễn Thái Hòa (nguyên Trưởng Ban Bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng huyện Vĩnh Thạnh (cũ) khi bị TAND huyện Vĩnh Thạnh đưa ra xét xử về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, vào cuối tháng 8-2016, nhưng vẫn không thừa nhận năng lực quản lý yếu kém và sai phạm của mình. Quá trình xét xử Hòa vẫn khăng khăng là mình không làm sai. Việc chi trả tiền bồi thường vượt quá số tiền được phê duyệt, thu thuế không nộp ngân sách hay lấy tiền chi trả bồi thường cho dân để chi cho hoạt động cơ quan… Hòa đều đổ lỗi cho nhân viên kế toán. Chính việc thiếu năng lực quản lý và không dám chịu trách nhiệm mà Hòa đã phải nhận lãnh mức án 18 tháng tù giam về tội nêu trên. Nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án huyện Phong Điền, Châu Tùng Chinh, để thất thoát hơn 2,4 tỉ đồng và bị Cục điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao bắt tạm giam về hành vi tham ô tài sản vào cuối tháng 10-2016 cũng là một bài học kinh nghiệm trong quản lý, điều hành...
Thiếu kiểm tra, giám sát
Thiếu kiểm tra, giám sát là một trong những yếu kém trong công tác quản lý mà lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương hay mắc phải.
Vụ việc 7 cán bộ thanh tra giao thông Sở Giao thông vận tải thành phố bị khởi tố về hành vi nhận hối lộ gây xôn xao dư luận thời gian qua đã đặt ra vấn đề kiểm tra, giám sát tại đơn vị này như thế nào lại để các cán bộ thanh tra làm hối lộ trong một thời gian dài với số tiền lên đến hàng tỉ đồng? Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ đã kết luận: Việc để xảy ra tiêu cực dẫn đến 7 cán bộ thanh tra giao thông bị khởi tố, bắt tạm giam trách nhiệm chính là của Chánh thanh tra giao thông, đã không có biện pháp kiểm tra, kiểm soát cấp dưới để chống tiêu cực, tham nhũng, thể hiện yếu kém về năng lực, có biểu hiện bao che cho người vi phạm. Bên cạnh đó, quá trình điều tra thấy các Đội Thanh tra giao thông hoạt động độc lập, ít bị kiểm tra, giám sát… do đó dễ bị lạm quyền, kiểm tra, xử lý tùy tiện, phát sinh tiêu cực, tham nhũng… Viện Kiểm sát nhân nhân thành phố đã có cáo trạng đề nghị truy tố các thanh tra giao thông này ở khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Việc thiếu kiểm tra, giám sát còn xảy ra tại một số xã, phường, thị trấn. Qua thanh tra việc quản lý và sử dụng ngân sách xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, cơ quan chức năng phát hiện lãnh đạo UBND xã Trường Thắng thiếu kiểm tra, để cho nhân viên chi sai và vượt chế độ như: chi các khoản tiếp khách quá cao so với quy định; chi thuê tàu đò khảo sát các tuyến kênh nội đồng, lệ phí ôn thi đại học cho một cán bộ chưa đúng quy định… Sau khi bị thanh tra, Thường trực UBND xã đã họp rút kinh nghiệm và đã đăng nộp số tiền chi sai quy định vào Kho bạc Nhà nước huyện Thới Lai.
Hay như vụ chiếm dụng hơn 52 triệu đồng tiền chính sách, xảy ra tại UBND phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều. Do việc thiếu kiểm tra, giám sát của người phụ trách bộ phận thương binh xã hội tạo kẽ hở cho nhân viên sai phạm. Theo ông Lê Hoàng Thông, Phó Chánh thanh tra thành phố, sau khi kết thúc thanh tra, UBND quận Ninh Kiều đã ban hành Kết luận và chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận để điều tra, làm rõ. Sau khi xem xét, xác minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã có thông báo kết luận chưa đủ điều kiện khởi tố nên chuyển lại cho UBND quận Ninh Kiều xử lý hành chính. Đầu tháng 3-2017, UBND quận đã họp Hội đồng kỷ luật thống nhất hình thức xử lý cảnh cáo đối với cán bộ phụ trách lĩnh vực thương binh- xã hội và khiển trách đối với Chủ tịch UBND phường. Ông Lê Anh Quan, Chủ tịch UBND phường Hưng Lợi, cho biết: "Do cán bộ trực tiếp làm công tác này thiếu tu dưỡng đạo đức nên dẫn đến sa ngã. Trong khi đó, cán bộ được giao phụ trách kiểm tra qua loa, sơ sài nên dẫn đến tình trạng trên. Sau khi vụ việc xảy ra, có kết luận thanh tra, cán bộ trực tiếp làm công tác này đã bị buộc thôi việc và khai trừ ra khỏi Đảng. Còn cán bộ phụ trách và tôi đã nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo và khiển trách. Đây là bài học cho người đứng đầu như tôi trong công tác kiểm tra, giám sát và quản lý nhân viên".
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Hải, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, thực hiện các quy định của Đảng, người đứng đầu phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng. Trong các cuộc họp chi bộ phải đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào để giáo dục, nhắc nhở. Những nơi để xảy ra sai phạm là do người đứng đầu buông lỏng quản lý, thiếu sâu sát trong kiểm tra, giám sát…
Từ những vụ việc nêu trên cho thấy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị là rất quan trọng, không thể để "bị lãng quên", nhất là trong hoạt động phòng ngừa tham nhũng tại đơn vị.
Thực hiện việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm 2016 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), TP Cần Thơ có 3.208 tập thể Ban Thường vụ cấp ủy, tổ chức đảng và 42.791 lãnh đạo cơ quan, đơn vị, đảng ủy, chi ủy đã tổ chức kiểm điểm. Kết quả, có 22 cá nhân vi phạm Quy định số 03-QĐ/TU ngày 6-6-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Qua đó, đã xử lý kỷ luật khiển trách 15 trường hợp, cảnh cáo 5 trường hợp, cách chức 1 trường hợp, đang xem xét xử lý 1 trường hợp. Trong quý I-2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố đã thụ lý 4 vụ, 14 bị can liên quan đến tham nhũng. Cấp ủy và Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra 51 tổ chức Đảng và 35 đảng viên; giám sát chuyên đề 29 tổ chức đảng và 10 đảng viên. Qua đó, đã phát hiện và thi hành kỷ luật 1 tổ chức đảng và 35 đảng viên (tăng 13 trường hợp so với cùng kỳ), trong đó, khai trừ 1 đảng viên liên quan đến hành vi tham nhũng. |
(Còn nữa)
Sơn Hà
Nâng cao năng lực lãnh đạo, phẩm chất của người đứng đầu- vấn đề cấp bách
Bài cuối: Cán bộ phải tiền phong, gương mẫu
Theo đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ, thành phố đang quyết liệt xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, phong cách, lề lối làm việc và trình độ năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Tăng cường tính nêu gương
Khi người dân còn chưa hết dư âm của ngày Tết Nguyên đán, cơn mưa lớn, trái mùa ngay ngày đi làm đầu tiên của năm mới, vẫn không cản bước được người đứng đầu chính quyền thành phố, đồng chí Võ Thành Thống, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đến Khu liên hợp xử lý chất thải rắn ở xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, để nắm tình hình bức xúc của người dân về ô nhiễm môi trường. Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo cặn kẽ, yêu cầu Công ty Cổ phần đô thị Cần Thơ có phương án xử lý rác tránh tình trạng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân xung quanh.
Nhiều người cho rằng, đó là trách nhiệm của lãnh đạo, nhưng ngày đầu của năm mới nếu lãnh đạo không đến với bà con ở bãi rác thì cũng chẳng ai trách được. Nhưng với cương vị người đứng đầu, việc làm này đã thể hiện trách nhiệm nêu gương, có tác phong sâu sát thực tế, gần gũi để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân…
Hiện nay, cán bộ luôn nỗ lực phấn đấu làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác từ những chuyện nhỏ nhất, điển hình như việc giờ giấc làm việc. Năm 2016, Tổ kiểm tra đột xuất của Sở Nội vụ thành phố đã tiến hành kiểm tra đột xuất về giờ giấc làm việc, thực hiện kỷ luật kỷ cương tại 56 cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố. Qua kiểm tra cho thấy đa số các cán bộ, công chức, viên chức ở cơ quan, đơn vị chấp hành đúng giờ giấc làm việc; kỷ luật, kỷ cương được thực hiện nghiêm.
Tính nêu gương, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là không thể tách rời với trách nhiệm của người đứng đầu. Sau khi vụ việc chiếm dụng hơn 52 triệu đồng tiền chính sách, xảy ra tại UBND phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, Đảng ủy, UBND phường đã họp rút kinh nghiệm, kiểm điểm từng đồng chí trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Đồng thời, chấn chỉnh lại hoạt động của bộ phận Lao động- Thương binh và Xã hội. Ông Lê Anh Quan, Chủ tịch UBND phường Hưng Lợi, cho biết: "Vụ việc xảy ra, là người đứng đầu, tôi phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi đã nghiêm túc kiểm điểm, chỉ đạo bộ phận Lao động- Thương binh và Xã hội và Tư pháp phải phối hợp để nắm biến động của các đối tượng chính sách; thường xuyên liên hệ với cấp trên để cập nhật kịp thời các chế độ, chính sách; phân công phân nhiệm rõ ràng gắn với trách nhiệm của cán bộ công chức. Thêm vào đó, chúng tôi yêu cầu khu vực thường xuyên kiểm tra để nắm các biến động của các đối tượng chính sách, báo cho cán bộ Lao động- Thương binh và Xã hội. Đồng thời, các hội, đoàn thể cũng chung tay kiểm tra chéo giữa các bộ phận về vai trò, trách nhiệm của cán bộ công chức để tránh xảy ra trường hợp tương tự. Do đó, đến nay bộ phận này đã củng cố, hoạt động có nền nếp hơn".
Phát huy vai trò "đầu tàu"
Ông Trần Thành Nghiệp, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Cần Thơ, nói: Ở thời kỳ nào vai trò người đứng đầu trong một tổ chức cơ sở đảng cũng luôn quan trọng. Trong thời chiến tranh, người chỉ huy phải có bản lĩnh, biết nhận định tình hình, biết địch, biết ta và phán đoán chính xác để chỉ huy chiến đấu. Có những trận tương quan lực lượng của địch và ta không cân xứng, địch đông hơn, nhưng với óc phán đoán, tài mưu lược và sự quyết đoán của người chỉ huy đã đưa ta giành thắng lợi lớn nhưng thiệt hại ít. Điển hình như chiến dịch Điện Biên Phủ. Được giao là người chỉ huy chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thể hiện bản lĩnh của người chỉ huy, óc phán đoán tinh tường và sự quyết đoán đã đưa chiến dịch đi đến thắng lợi vẻ vang, khiến cả thế giới khâm phục. Hiện nay, nhiệm vụ của chúng ta là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nên rất cần những người đứng đầu có tầm nhìn chính xác để đề ra các chủ trương, chính sách đúng đắn đưa đất nước phát triển.
Từ khi Đảng ta phát động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", rồi tiếp tục "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và (khóa XII), cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu của thành phố đã không ngừng nâng cao nhận thức. Theo đồng chí Nguyễn Xuân Hải, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, người đứng đầu là tấm gương để cán bộ, công chức, viên chức noi theo trong các mặt công tác, quan hệ xã hội đời sống hằng ngày. Do đó, người đứng đầu phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì công việc, đi sâu đi sát cơ sở và nắm bắt được tâm tư, nguyên vọng của cán bộ công chức, viên chức trong đơn vị, và nhân dân về những vấn đề mình quản lý…Trong thực hiện chức trách nhiệm vụ thì người đứng đầu phải chí công vô tư, có bản lĩnh, quyết đoán, quyết làm, quyết tâm, quyết liệt, có tài có đức…
Việc quyết làm đã được một số đơn vị xắn tay thực hiện. Với sự chỉ đạo quyết liệt Huyện ủy, Chánh thanh tra và sự làm việc tận tâm, hết mình của đội ngũ thanh tra viên huyện Vĩnh Thạnh đã phát hiện sai phạm tại một số đơn vị như vụ sai phạm xảy ra tại Ban Bồi thường thiệt hại- giải phóng mặt bằng huyện Vĩnh Thạnh (cũ), Trạm Khuyến nông huyện, Trại Giống nông nghiệp huyện… Hiện những cán bộ sai phạm đã và đang bị xem xét xử lý. Việc "quyết làm" này đã cũng cố niềm tin của cán bộ công chức và nhân dân vào sự lãnh chỉ đạo của Đảng.
Theo ông Trần Thành Nghiệp, người đứng đầu thật sự tiêu biểu, học tập và làm theo lời Bác, chí công vô tư, là công bộc của dân thì sẽ đưa đơn vị phát triển vững mạnh. Người đứng đầu các cấp càng cao thì càng phải phấn đấu quyết liệt hơn cho bản thân mình trong sáng, phải biết lắng nghe, nhìn nhận vấn đề và trong tự kiểm luôn thực sự cầu thị, tự giác, trung thực, chân thành, công tâm. Khi người đứng đầu trong sáng thì tập thể sẽ ủng hộ (ủng hộ theo nguyên tắc xây dựng Đảng, không phải một chiều vuốt ve cấp trên) và như vậy Đảng bộ sẽ mạnh".
Để có được những cán bộ công chức hết mình vì công việc, những năm qua thành phố rất quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn cán bộ, công chức có năng lực. Năm 2016, thành phố đã đưa đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, bồi dưỡng 43 trường hợp; thu hút 10 cán bộ về địa phương công tác. Theo Sở Nội vụ thành phố, đơn vị đã đề xuất các cơ chế, chính sách cũng như các giải pháp để củng cố và từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và phát triển nguồn nhân lực của thành phố.
Tại Hội nghị bàn giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương IV (khóa XII) và đẩy mạnh cải cách hành chính do Thành ủy Cần Thơ tổ chức vào cuối tháng 4-2017, đồng chí Trần Quốc Trung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải tiền phong, gương mẫu trong đạo đức, lối sống, công việc để đồng chí mình noi theo. Đồng chí ví người đứng đầu như chủ một gia đình, phải làm gương cho con, cháu noi theo; phải quan tâm từng người một cách công bằng, trên tinh thần khách quan, dân chủ. Từ đó, sẽ tạo được sự đoàn kết tốt trong nội bộ, luôn có sự đấu tranh để phát triển…
Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ và Đảng ủy khối Cơ quan dân chính Đảng đã ban hành kế hoạch cụ thể hóa Kế hoạch số 24-KH/TU học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2017 về phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, yêu cầu các đảng bộ trực thuộc triển khai, quán triệt đến các đảng viên trong chi bộ. Trong đó, đặt ra yêu cầu từng cấp ủy Đảng, cán bộ chủ chốt các cấp phải tiêu biểu, gương mẫu, không suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa; làm gương để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân làm theo… |
Sơn Hà